Tuesday, October 31, 2023

TỪ CHUYỆN THÀNH BƯỞI BỊ HÀNH, NHỚ KHỔ NẠN ĐI LẠI NĂM XƯA / KỲ 2 (Nguyễn Thông)

 



Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (kỳ 2)   

Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào.

31/10/2023  03:58   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0dm8uuaMkhpPf8QcovJWxMfAbZDAYeegzmrioHpEKbeBTKKSjmaJ2Aj12r8meihvLl&id=100024722048900

 

Cứ nghĩ miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội mà còn thế thì miền Nam bị giày xéo dưới “gót giày Mỹ ngụy” không thể nào khá nổi. Chắc đám phóng viên phương Tây kia đã “tô hồng” khung cảnh xe cộ, đường sá ở miền Nam, nhất là phố phường Sài Gòn. Nhiều bức ảnh, ngay từ những năm 1957-1958 đường Sài Gòn đã nhan nhản xe taxi. Thập niên 60, ô tô chạy như mắc cửi. Cũng có xe đạp, xích lô, tuy nhiên xe máy Vespa, Honda mới là đội ngũ chiếm lĩnh mặt đường. Công chức, giáo viên, nhân viên sở này sở nọ đều ngự trên xe Vespa Super hoặc Vespa Sprint. Thầy Võ Thanh Long dạy cùng trường với tôi chỉ xài rặt loại Vespa. Thầy kể từng mua chiếc Super từ hồi học đại học, mà gia đình ở miền Trung cũng chỉ “gia tư thường thường” chứ không phải hạng giàu có. Sinh viên học sinh ai cũng có xe đạp, nhiều đứa còn được cha mẹ mua cho xe máy đi học. Những cô gái Sài Gòn mặc áo dài chạy xe Honda Dame lượn trên phố trông đẹp như từ thế giới khác chứ không phải nơi đang có cuộc nội chiến. Taxi đậu dài chờ khách trên những đường phố lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Tổng Đốc Phương…, bất cứ người bình dân nào cũng có thể sử dụng ô tô 4 chỗ, không phải thứ đặc quyền cho đẳng cấp trên như ở miền Bắc.

 

Và phổ biến, phổ thông nhất là xe đò. Nếu xe khách là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân miền Bắc thì xe đò trong Nam lại hoàn toàn khác. Những hãng xe đò Hưng Long, Hưng Phú, Phi Long, Thuận Thành, Thuận Hiệp, Tân Hưng, Phước Hòa, cơ man là hãng tư nhân, đếm không xuể… đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác về phương tiện giao thông công cộng này. Ngay năm 1977, khi công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã gần như xóa sổ những vàng son kinh tế của miền Nam, khi xe đò Hưng Long, Phi Long đã bị đẩy vào cơn hấp hối, thì tôi vẫn kịp bước lên xe một số chuyến đường dài của Hưng Long đi Mỹ Tho và cảm nhận được giá trị vì con người của nó.

 

Ông anh vợ tôi kể hồi còn chiến tranh ổng học hết tú tài 1 thì nghỉ để đi làm, vừa tránh quân dịch, vừa kiếm tiền phụ ba má nuôi các em. Làm thư ký một hãng buôn trên Kon Tum, xa quê chút nhưng lương hậu. Chỉ là anh cạo giấy quèn, nhưng mỗi kỳ nghỉ bắt xe đò Long Xuyên - Sài Gòn, sau đó mua vé máy bay Sài Gòn - Kon Tum, không lăn tăn gì. Chưa hề phải xếp hàng mua vé xe, cứ tới bến là đám tài xế lơ xe đủ các hãng ùa ra săn đón mời chào, kéo thốc lên xe, bưng bê giùm hành lý. Nhà xe chiều khách hơn chiều vong. Xe rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, chạy đúng giờ. Suốt hành trình lên thành phố chỉ sợ mỗi Việt cộng, nhất là trên quốc lộ 4 (giờ là quốc lộ 1), đặc biệt đoạn qua Long An, giáp Sài Gòn bị đắp mô, đào rãnh chặn xe, gài mìn. Việt cộng phục kích xe quân sự nhưng đã không ít lần xe đò chịu cảnh “không phải đầu cũng phải tai”, chết cả tài xế lẫn khách.

 

Sau biến cố tháng 4.1975, anh tôi mất việc, về quê làm ruộng. Không còn lần nào đi máy bay nữa. Vài bận từ Long Xuyên lên Sài Gòn (hồi ấy quen gọi lên thành phố) thăm người nhà, mua vé rất khó khăn bởi mua phải trình công lệnh, giấy đi công tác, ít nhất là giấy giới thiệu xác nhận của địa phương (chẳng hạn đi chăm người bệnh), chứ người bình thường không được đi xe đò do nhà nước độc quyền thâu tóm, lên xe thì bị hành như con lợn (anh tôi bảo lợn còn sướng hơn), chen chúc, xô đẩy, ngột ngạt. Chỉ gần 200 cây số mà không ít lần mất hơn 1 ngày mới tới nơi, anh tôi than thở “chẳng thà các ông đừng giải phóng”.

 

Những chuyện bãi bể nương dâu, đảo lộn tang thương như thế, có kể cả tháng cũng không thể nào hết được. Tôi chỉ lục lọi biên những điều mắt thấy tai nghe trực tiếp trong đời mình về chuyện đi lại thời khốn nạn.

 

Có những thứ, những điều tưởng đã được đào sâu chôn chặt trong ký ức, bỗng hôm nào đó tự dưng bị ai cầm cái mai cái thuổng phóng một nhát thật mạnh vào, thế là chúng lại bật văng lên. Tôi từng bị rất nhiều lần như vậy. Cũng tại cái số mình vất vả, không thể dễ quên đi như người ta.

 

Bồi hồi nhớ lại những năm xa, mà thật ra chưa xa lắm, mới cách vài chục năm, trong cái hồi mà ta quen gọi thời bao cấp. Nhát mai nhát thuổng ấy, lâu lâu được dịp lại cắm vào đầu, chả hạn hôm rồi thấy tivi chiếu bộ phim đen trắng cũ xì “Chuyến xe bão táp”. Bây giờ, coi nó cũng giống đọc lại chuyện cổ tích, chỉ có những ai, thế hệ sống vào những năm tháng ấy mới thấy rợn người. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh tư liệu:

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1533827197451334&set=pcb.1533830774117643

Bến xe đò ở Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1965;

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1533827190784668&set=pcb.1533830774117643

Xe trên đường Công Lý năm 1968 (ảnh của Thomas Johnson)

 

.

70 BÌNH LUẬN

 

 

                                                    *****

 

 

Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa

Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào.

29-10-2023  20:45   ·

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02Hcb1ZLWt3AYEM6cEmv3kYHvfNfetmpr47ozZ6cu5PhHQCA9cvNdJihnGA3GfQJKrl&id=100024722048900

 

Làm con dân xứ này luôn có những thứ để quan tâm, nặng cái đầu, mà nhiều chuyện, nhiều điều rất vớ vẩn, chả đâu vào đâu. Nào là tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam, nào vụ bắt Ngọc Trinh, bênh Cơ Nghiệp, ì xèo việc bỏ phiếu tín nhiệm, chê sao lắm giáo sư tiến sĩ… Hôm qua, hôm xưa lại chuyện Thành Bưởi thành bòng. Bà bạn tôi cười bảo ung cái thủ. Tôi nói ai biểu bà quan tâm cho lắm vào, lại còn than thở.

 

Nhân vụ Thành Bưởi, nhớ chuyện đi lại những năm nào, chửa xa xôi gì. Thời bao cấp, ở miền Bắc trước và sau năm 1975, ở miền Nam sau 1975, khi nhắc lại, người ta chỉ thường nói tới những đói rét (không có ăn, không có mặc) mà thường quên chuyện đi lại. Thực ra, đó là một chương sử hãi hùng, khổ nạn. Con người bị hành hạ như con vật.

 

Ông anh ruột tôi hồi cuối thập niên 90 rủ tôi đi Bảo Lộc thăm người nhà. Lúc về, ra chân đèo đón xe để về Sài Gòn, chờ gần 4 tiếng đồng hồ mới bắt được xe (bởi những xe khác đều đã chật ních), bị nhét vào chiếc 14 chỗ cũ kỹ chứa hai mươi mấy người, sau suốt đêm bị hành ngồi bó giò và thiếu khí thở, xuống trạm xe gần chùa Việt Nam Quốc tự quận 10, đã thề không bao giờ đi xe khách nữa.

 

Giờ bần thần nhớ lại, thương anh, thương mình, thương cho đám dân chúng tội nghiệp bị hành xác theo đúng nghĩa đen. Anh em tôi, sau chuyến xe bão táp khốn nạn ấy đều lăn ra ốm bởi kiệt sức, cơ thể suy nhược, mãi lâu sau mới hồi phục được.

 

Và đây là chuyện cũ, xong rồi sẽ bàn vụ Thành Bưởi.

 

Nhắc tới sự đi lại, không thể không nhớ tới cái ô tô.

 

Hôm trước tình cờ coi trên trang “báo địch” BBC, thấy chùm ảnh tư liệu của các phóng viên AP, AFP, NYT, và tất nhiên của BBC nữa, về cuộc sống ở miền Nam, ở Sài Gòn những năm trước “giải phóng”. Khá nhiều ảnh chụp từ hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, thời ông Ngô Đình Diệm. Coi chán chê, mới ngớ ra, những gì mình từng được tuyên truyền, được giáo huấn (mà người cộng sản gọi phương thức này của kẻ địch là nhồi sọ) hồi tuổi thiếu nhi và thanh niên lại khác hẳn với những bức ảnh sống động này.

 

Không có gì gọi là chìm đắm, rên xiết, màn đêm đen tối… của cái “chế độ Mỹ ngụy tàn bạo”. Trong ảnh vẫn phảng phất đâu đó bóng ma chiến tranh nhưng rõ ràng cuộc sống miền Nam sinh sắc, giàu có, vật chất đầy đủ hơn hẳn những gì mình tưởng tượng. Hay là đám phóng viên nước ngoài nhận tiền của “bọn” Ngô Đình Diệm, Thiệu – Kỳ rồi tô hồng cho cái cuộc sống mà miền Bắc định nghĩa là bơ thừa sữa cặn. Có nhẽ đâu thế.

 

Điều rất sửng sốt trong những sự bất ngờ là phương tiện đi lại. Nó nói lên sự khác biệt của hai miền. Mãi tới tận thập niên 70, phần đông dân chúng miền Bắc đến cái xe đạp cũng không có mà đi. Xe công cộng như xe khách, xe ca (trong Nam gọi là xe đò), xe buýt rất hiếm. Taxi thì hoàn toàn không. Lứa chúng tôi, đám sinh ra giữa thập niên 50, từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, “bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi”, lớn lên giữa chế độ mới, không hề biết taxi là gì.

 

Trên đường phố miền Bắc, những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lọt vào mắt là những chiếc xích lô xộc xệch, với dáng đạp uể oải của tấm thân gầy còm. Xe ô tô con rất hiếm, chủ yếu đám Volga, Moskvic, Lada do Liên Xô sản xuất, chỉ để dành cho cán bộ cấp trung ương trở lên. “Bầm ơi có rét không bầm/ Volga con cưỡi, gà hầm con xơi”, người ta dè bỉu vậy.

 

Ngay cả những thầy nổi tiếng ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội hồi nửa đầu thập niên 70, duy nhất có Giáo sư Ngụy Như Kontum hiệu trưởng, được cưỡi xe Moskvic, còn thầy hiệu phó Dương Hữu Thời (có cô con gái đẹp như hoa hậu, học khoa Hóa), thầy bí thư đảng ủy Nguyễn Đình Tứ, thầy Hoàng Xuân Nhị giáo sư chủ nhiệm khoa Văn, thầy Phan Hữu Dật giáo sư chủ nhiệm khoa Sử, những vị trí thức nổi tiếng từ thời Pháp thuộc (không kể thầy Tứ đi Liên Xô về) đều phải nói “không” với ô tô. Các vị sư biểu ấy có người chạy xe máy (như thầy Nhị), còn phần lớn đều “diện” xe đạp. Thầy Tứ mãi sau này mới được dùng chiếc Lada, một thời gian sau thì được rút về bộ.

 

Những nẻo đường miền Bắc thời ấy (thập niên 50 – 70) trông thật nghèo nàn, thiếu thốn, xơ xác. Chúng phô bày ra trên từng mét đường, có muốn giấu, muốn che đậy cũng không giấu nổi.

 

(Còn tiếp)

 

 

135 BÌNH LUẬN

 

 

                                                          *****

 

 


No comments: