Biên
niên sử bỏ túi về xung đột Israel – Palestine : Từ góc nhìn công pháp quốc tế
Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật
Khoa
MAY 15 2021 10:08 AM
Cuộc tranh chấp điển hình nhất, dai dẳng nhất về chủ
quyền lãnh thổ.
Bản đồ khu vực Israel – Palestine hiện nay. Ảnh:
sbs.com.au.
Lịch sử xung đột giữa người Israel và người
Palestine có lẽ là một câu chuyện có nhiều góc nhìn phân cực còn hơn cả chiến
tranh Việt Nam, theo nhận định riêng của người viết. Cách một người hiểu về
xung đột này hoàn toàn lệ thuộc vào việc người đó có cảm tình với người Do Thái
hay với thế giới Arab.
Tranh chấp Israel – Palestine được xem là cuộc tranh
chấp điển hình nhất, nhưng dai dẳng nhất liên quan đến chủ quyền quốc gia, biên
giới, xung đột vũ trang và phi thực dân hóa… trong quan hệ quốc tế. Trong bài
viết này, người viết hy vọng cung cấp được một lượng thông tin vừa phải, được
trung tính hóa qua lăng kính pháp luật quốc tế, nhằm góp phần giúp các cuộc
thảo luận tại Việt Nam về chủ đề này mang tính xây dựng hơn.
Người viết nhận thức được rằng các yếu tố đồng minh
và địa chính trị, như việc Israel là bạn “vào sinh ra tử” của Hoa Kỳ tại Trung
Đông, và việc Palestine là anh em “giọt máu đào” của cả Liên Hiệp Arab (Arab
League) lẫn Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Islamic Cooperation Organization – ICO)
hùng mạnh là lý do quan trọng khiến cho xung đột giữa hai thực thể kéo dài đến
tận ngày nay.
Tuy nhiên, chỉ biết cúi đầu chấp nhận trước tư duy
“cá lớn nuốt cá bé” chưa bao giờ là cách mà lịch sử, pháp luật và sự tiến bộ
của nhân loại chuyển động, tiến hóa. Có hiểu biết và có nhìn nhận sâu sắc về sự
kiện này thông qua lăng kính pháp lý mới có thể giúp người Việt Nam nhìn nhận
nghiêm túc hơn về công lý quốc tế và một trật tự pháp lý quốc tế bình đẳng.
1. Israel
và Palestine có danh nghĩa gì trong pháp luật quốc tế?
Có thể sẽ có học giả mang hai học thuyết là thuyết
cấu thành (constitutive theory) và thuyết tuyên bố (declaratory
theory) để bàn về tính chính danh và sự tồn tại của một quốc gia.
Thuyết cấu thành cho rằng một thực thể chính trị chỉ
có thể được xem là một quốc gia nếu nó được các quốc gia khác công nhận. Tuy
nhiên, thuyết này đã quá lỗi thời và thậm chí có tính phản động, vì nó từng tạo
ra sân chơi độc quyền giữa các quốc gia tự nhận mình là văn minh. Họ thường xem
các quốc gia khác là chưa đủ phát triển để có thể tự quyết định vận mệnh của
mình, từ đó tạo nên nền tảng của chủ nghĩa thực dân.
Thuyết tuyên bố lại cho rằng một thực thể chính trị
đương nhiên phải được công nhận là một quốc gia nếu nó đã đạt đủ các quy chuẩn
khách quan theo pháp luật quốc tế. Đây là học thuyết đã và đang được đại đa số
học giả quốc tế ủng hộ.
Vậy tiêu chuẩn khách quan đó là gì?
Có bốn yếu tố cơ bản để đánh giá một thực thể chính
trị đã đến ngưỡng quốc gia (state) trong pháp luật quốc tế hay chưa, xuất phát
từ Công
ước Montevideo (được ký kết và có hiệu lực từ năm 1933 giữa một số
quốc gia châu Mỹ). Ngày nay, bốn nguyên tắc Montevideo đã được xem là tập quán
pháp quốc tế và được thừa nhận rộng rãi.
Bốn nguyên tắc này bao gồm:
- Có dân cư xác định;
- Có lãnh thổ xác định;
- Có chính quyền đại diện, quản lý;
- Có khả năng tham gia và bảo đảm các nghĩa vụ quốc tế.
Như vậy, trong trường hợp của Israel, nó đương nhiên
được xem là một quốc gia theo pháp luật quốc tế mà không còn gì để bàn cãi. Tuy
nhiên, nếu buộc phải nói thêm về sự thừa nhận quốc tế, có thể ghi nhận thêm
rằng Israel là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1949 và được hầu hết các
quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận.
Hiển nhiên, vẫn có trên dưới 30 quốc gia Arab và Hồi
giáo, điển hình như Iran, không công nhận sự tồn tại của Israel. Họ công khai
cho rằng quét sạch Israel và người Do Thái ra khỏi bản đồ thế giới là nghĩa vụ
tôn giáo của mình.
Riêng về Palestine, câu chuyện có hơi phức tạp hơn.
Nếu xét về mặt quốc tế, cũng đã có hơn 100 quốc gia
thừa nhận sự tồn tại của quốc gia Palestine. Họ cũng có danh nghĩa quan
sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc từ năm 2012
(Permanent Observer of the State of Palestine to the United Nations). Dù
chưa phải là thành viên chính thức, như chúng ta đã nói ở trên, đây không phải
là vấn đề để cân nhắc liệu Palestine có phải là một quốc gia hay không.
Vấn đề ở chỗ khó có thể xem Palestine có một chính
phủ hiệu quả và có năng lực tham gia vào các mối quan hệ quốc tế.
Nói ngắn gọn, Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine
Liberation Organization – PLO) và Chính quyền
Palestine (Palestinian
Authority – PA) hiện nay là hai tổ chức được xem có chức năng
đại diện quốc tế cho một dân tộc Palestine thống nhất (với PLO đóng vai trò
trung tâm).
Song bên trong PLO lại là nhiều đảng phái chính trị
có vũ trang khác nhau, với hai thế lực lớn nhất là Hamas và Fatah.
Fatah là một nhóm chính trị tương đối ôn hòa mong
muốn theo đuổi hòa bình cho Palestine bằng con đường ngoại giao và pháp luật
quốc tế. Hamas, ngược lại, hoạt động giống với tư cách một tổ chức cực đoan
thường xuyên thực hiện các vụ khủng bố nhắm vào dân thường Israel. Họ tin rằng
bạo lực vũ trang là con đường duy nhất.
Từ thập niên 1990, trong giai đoạn Fatah nắm đa số
trong PLO và đang thực hiện các nỗ lực hòa giải với Israel và nhiều nghĩa vụ
quốc tế khác, Hamas đã phá
hoại các nỗ lực này bằng các cuộc khủng bố.
Cho đến giai đoạn 2019 – 2020, Hamas dần phủ
nhận tính chính danh của PLO và tự hành động một mình.
Thậm chí, từ năm 2005, nhiều chuyên gia cho rằng
quốc gia Palestine từ khi chưa thành hình đã ở trong tình trạng nội chiến.
Vì những lý do này, rất khó xem Palestine đã có đầy
đủ các tiêu chuẩn để được công nhận là một quốc gia theo đúng pháp luật quốc
tế.
Điều này không nhằm phủ nhận nhu cầu độc lập của
người Palestine. Tuy nhiên, việc chỉ ra nó có ý nghĩa quan trọng trong việc xác
định các nghĩa vụ quốc tế mà chúng ta sẽ phân tích ở phần sau.
2. Có một
thực thể chính trị và dân tộc Palestine xuyên suốt trong lịch sử hay không?
Trước tiên cần phải nói rõ ràng là việc một vùng đất
mang tên Palestine không đồng nghĩa với việc “người Palestine” đương nhiên là
chủ nhân của nó. Câu chuyện không kết thúc đơn giản ở đó.
Từ Palestine hiện đại là một phiên bản của từ “Philistia”
trong tiếng Hy Lạp, chỉ vùng đất nhỏ ở Trung Đông do người Philistines
sinh sống và cai quản. Người Philistines đúng gốc
theo tên gọi thì lại là một chủng người gốc Aegean và không có liên hệ máu mủ
gì với người Palestine đương đại ngày nay.
Đến thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, người La Mã đặt
tên chung cho vùng đất này là Syria Palaestina, một đơn vị hành chính nhỏ thuộc
tỉnh Syria trong đế chế khổng lồ của mình.
Sau một khoảng thời gian dài thuộc về Đế chế Ottoman
(mà Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là thực thể kế thừa), dân cư của Palestine bị Arab hóa
(Arab-ise). Bản thân người Palestine cũng xem mình là người gốc Arab nói
chung, và chỉ sinh sống ở Palestine mà thôi.
Như vậy, cho đến tận những năm 1948, danh
từ riêng Palestine thường được dùng để chỉ vùng địa lý nằm
giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan. Nhóm dân cư Arab sinh sống tại đây chỉ
được nhắc đến như là “Palestinian” cũng vào cùng thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc
cực đoan Do Thái (Zionism) phát triển mạnh mẽ.
Nếu nhìn vào tiến trình lịch sử, có thể nói chủ
nghĩa dân tộc của người Palestine được xây dựng như là một đối trọng với sự trở
về đông đảo (và có tính vũ lực, cưỡng chế) của người Do Thái trên vùng đất
thánh của cả Hồi giáo, Công giáo lẫn Do Thái giáo này.
3. Lược sử
lãnh thổ Palestine nhìn từ góc độ công pháp quốc tế
Sau khi đã xác định được rằng Palestine suốt trong
lịch sử chỉ là tên gọi cho một vùng địa lý mà không phải một dân tộc cụ thể,
chúng ta có thể loại bỏ định kiến cho rằng vùng đất này đương nhiên thuộc về ai
và ai là kẻ xâm lược.
Về quá trình phát triển và tranh chấp tại Palestine,
đó là thứ lộn xộn nhất mà một sinh viên công pháp quốc tế buộc phải tìm hiểu
trong chặng đường học tập của mình. Do đó, người viết xin được phép tóm gọn quá
trình bằng các gạch đầu dòng để bạn đọc có thể dễ theo dõi và hình dung.
- Trước Đệ nhất Thế chiến (1914 – 1918), Palestine là một vùng đất
thuộc Đế chế Ottoman. Như đã nói, không tồn tại dân tộc Palestine và cũng
không có chủ nghĩa dân tộc Palestine tại đây.
- Sau Đệ nhất Thế chiến, với tư cách là một quốc gia thua trận, cộng
với những vấn đề nội địa, Đế chế Ottoman chính thức tan rã và nhiều vùng
đất thuộc địa của nó trước đó được đặt dưới mô hình lãnh thổ ủy trị của
Hội Quốc Liên (League of Nations Mandate territories). Vương quốc Anh được
giao quản lý Palestine theo sự ủy quyền của Hội Quốc Liên.
- Sau Đệ nhị Thế chiến (1939 – 1945), không còn đủ sức kiểm soát các
phong trào vũ trang và các lãnh chúa quân sự tại đây, Vương quốc Anh đưa
tình huống Palestine lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) để cộng đồng
quốc tế xem xét.
- Nghị quyết UNGA 181, phê chuẩn Partition
Plan, được ban hành vào năm 1947 với dự định lập ra
cả hai nhà nước Do Thái và nhà nước Arab. Thánh địa Jerusalem nằm bên
trong phần lãnh thổ của nhà nước Arab, nhưng có chế độ chính trị đặc biệt corpus
separatum, không thuộc chủ quyền của cả hai nhà nước.
Lãnh thổ màu xanh thuộc người Do Thái và lãnh thổ
màu cam thuộc người Arab. Ảnh: Britannia.
- Năm 1948, dựa trên Partition Plan, Israel tuyên bố thành lập nhà
nước độc lập của người Do Thái và được cả hai “ông lớn” Hoa Kỳ và Liên Xô
cùng công nhận (một điều không quá lạ lùng nếu bạn đọc qua Kinh Thánh Công
giáo). Tuy nhiên, tuyên bố này cũng dẫn đến xung đột giữa cộng đồng Do
Thái và người Arab ở đây.
- Cuộc chiến Israel – Arab 1948 bùng nổ. Các quốc gia Arab láng giềng
như Ai Cập, Transjordan (Jordan ngày nay) và Syria đổ quân vào can thiệp
và hỗ trợ dân cư Arab tại vùng này. Song họ không được Liên Hiệp Quốc ủy
quyền.
Tuy nhiên, Israel thân cô thế cô lại chiến thắng cuộc chiến tưởng chừng không cân sức này. Họ giành quyền kiểm soát không chỉ vùng lãnh thổ của nhà nước Do Thái được ghi nhận trong Partition Plan, mà còn hơn 60% vùng lãnh thổ được ghi nhận dành cho nhà nước Arab, bao gồm cả phía Tây Jerusalem.
Nhưng đáng nói hơn cả, đường phân định này được các quốc gia Hồi giáo lớn mạnh nhất trong khu vực như Ai Cập, Jordan, Lebanon và Syria đồng ý với Israel bằng nhóm Hòa ước Armistice.
Tình hình lãnh thổ hai nhà nước sau cuộc chiến năm
1948 với sự góp mặt của Ai Cập và Jordan. Lưu ý, khái niệm dân tộc Palestine
vẫn chưa hình thành ngay cả ở thời điểm này. Ảnh: BBC.
Tình hình lãnh thổ hai nhà nước sau cuộc chiến năm
1948 với sự góp mặt của Ai Cập và Jordan. Lưu ý, khái niệm dân tộc Palestine
vẫn chưa hình thành ngay cả ở thời điểm này. Ảnh: BBC.
- Năm 1964, Liên hiệp Arab chính thức được thành lập và hỗ trợ tài
chính cho hoạt động của cái gọi là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Đây
là giai đoạn quan hệ đối ngoại giữa Israel và liên minh thế giới Arab ngày
càng xấu đi. Chủ nghĩa dân tộc Palestine chính thức thành hình bằng ngoại
lực.
- Cuộc chiến 6 ngày 1967 bùng nổ.
Trong bối cảnh các quốc gia Hồi giáo gần biên giới chuẩn bị vũ trang và huy động quân đội ráo riết sẵn sàng cho một cuộc chiến chống mình, Israel “tiên hạ thủ vi cường”, tấn công trước cả ba quân đội Ai Cập, Syria và Jordan. Hiển nhiên, cái gọi là tự vệ chủ động này hoàn toàn vi phạm pháp luật quốc tế.
Israel, một lần nữa, chiến thắng cuộc chiến đáng lẽ họ phải thua. Qua đó, họ chiếm toàn bộ vùng Sinai (có kênh đào Suez cực kỳ quan trọng của Ai Cập), chiếm toàn bộ khu vực Gaza và West Bank (Bờ Tây) thuộc phần lãnh thổ còn lại của nhà nước Arab theo Partition Plan, và chiếm cả vùng Golan Heights (Cao nguyên Golan) của Syria.
Ảnh: Palestine Portal.
- Cùng năm 1967, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thuận tuyệt đối
và ban hành Nghị quyết 242, yêu cầu Israel rút khỏi West Bank, Gaza, Sinai
và Golan Heights.
- Năm 1982, Israel trao trả Sinai cho Ai Cập.
- Tình hình lãnh thổ này kéo dài cho đến ngày nay mà không có biến
chuyển nào đáng kể. Israel tiếp tục là bên có khả năng kiểm soát thực tế
ba vùng Gaza, West Bank và Golan Heights.
Ảnh: Wikipedia.
4.
Như vậy, thế nào là “nguyên trạng” của Palestine? Ai đang cai quản vùng nào?
Cho đến hiện nay, khi các quốc gia và tổ chức quốc
tế yêu cầu Israel rút quân và ngừng chiếm đóng vùng đất của người dân
Palestine, họ đang mong muốn chuyển về hiện trạng trước năm 1967, tức bản đồ
dưới đây.
Ảnh: BBC.
Với cách tiếp cận này, cộng đồng quốc tế phần nào
công nhận các phiên bản của Hòa ước Armistice giữa Israel và nhiều nước láng
giềng. Lãnh thổ Israel nhờ đó mà được mở rộng hơn nhiều lần so với Partition
Plan trước đây (vốn đã khó có thể trở thành hiện thực chính trị).
Tuy nhiên, Israel vẫn có trách nhiệm rút quân hoàn
toàn khỏi Gaza và West Bank, mà quan trọng hơn cả là Đông Jerusalem để trao trả
đất cho người Palestine. Họ cũng cần rút khỏi Golan Heights để trao trả lãnh
thổ cho Syria.
Cần ghi nhận rằng Israel có một số nhượng bộ dân sự
và lãnh thổ cho PLO trong suốt giai đoạn xung đột.
Ví dụ với Hiệp định Oslo (Oslo
Accord) vào năm 1993, Israel rút quân của mình khỏi một
phần West Bank và Gaza (nhưng không xác định cụ thể vị trí với công chúng) để
PLO có thể thành lập chính quyền và các cơ quan dân sự tự trị dành cho người
Palestine.
Hay vào năm 2005, Israel chính thức rút quân khỏi
toàn bộ Gaza, đồng thời với việc xóa bỏ các khu định cư Do Thái tại đây. Kế
hoạch này thường được biết đến với tên gọi “Gaza
disengagement”. Hiện nay, tổ chức Hamas là thế lực Palestine nắm
giữ và quản lý trực tiếp tại Gaza.
Khúc mắc ở chỗ, quân đội Israel vẫn đang tiếp tục
quản lý bầu trời và vùng biển Gaza. Họ cũng có khả năng triển khai quân sự
triệt để và toàn diện lên vùng đất này vào bất kỳ lúc nào.
Trong khi đó, tại West Bank, Israel vẫn đang tiếp
tục mở rộng chiến lược định cư vĩnh viễn của các khu dân cư Do Thái, dù tại đây
đã có sự hiện diện của một chính phủ tự trị do người Palestine làm chủ.
Trong giai đoạn Donald Trump nắm quyền ở Hoa Kỳ, ông
này cũng chính thức công
nhận Golan Heights và Đông Jerusalem thuộc chủ quyền của Israel, khiến cộng
đồng quốc tế vô cùng lo ngại. Bản thân chính quyền Joe Biden hiện nay cũng né
tránh việc phủ nhận hoàn toàn hệ quả chính sách ngoại giao từ thời Trump.
5.
Việc Israel chiếm đóng và mở rộng định cư có phù hợp với pháp luật quốc tế hay
không?
Chắc chắn là có vi phạm tại ba điểm nóng Gaza, West
Bank và Golan Heights.
Điều này đã được khẳng định rõ trong Nghị
quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vốn có giá trị
pháp lý bắt buộc theo pháp luật quốc tế. Nghị quyết yêu cầu rõ Israel rút quân
hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng sau xung đột (1967), từ đó
khẳng định việc thôn tính lãnh thổ thông qua xung đột vũ trang là vi phạm các
nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.
Ngoài ra, hàng loạt các nghị
quyết khác của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trải dài nhiều thập
niên tiếp tục lên án việc mở rộng các khu tái định cư Do Thái tại West Bank và
Golan Heights.
Cuối cùng, không thể không kể đến Quan điểm tham vấn
của Tòa án Công lý Quốc tế trong văn bản “Legal Consequences of the Construction of a
Wall”, phủ nhận hoàn toàn tính pháp lý quốc tế của việc xây dựng các bức
tường cắt sâu vào lãnh thổ West Bank.
6. Pháp
luật quốc tế nào điều chỉnh xung đột vũ trang giữa Israel và người Palestine?
Có hai loại xung đột vũ trang được pháp luật quốc tế
thừa nhận và điều chỉnh.
Một là xung đột vũ trang quốc tế, hay International
Armed Conflict (IAC).
Đây là loại xung đột vũ trang diễn ra giữa hai chủ
thể có tư cách quốc gia, với hệ thống pháp luật điều chỉnh xung đột đã được xây
dựng và hoàn thiện từ một, hai thế kỷ nay. Cơ chế bảo vệ thường dân và các
nguyên tắc nhân đạo cũng rõ ràng, mạnh mẽ hơn.
Chúng ta có thể nghĩ đến Bốn
Công ước Geneva về tù binh, hàng binh, về thường dân/ người tham chiến hay
các nạn nhân chiến tranh nói chung, cũng như nhóm Công
ước Hague về luật chiến tranh, v.v. Đây là các văn kiện tạo thành một hệ
thống đồ sộ và có tính thẩm quyền tối cao trong việc điều chỉnh hoạt động chiến
tranh.
Liên hệ với chiến tranh Việt Nam cho gần gũi, xung
đột diễn ra giữa quân đội Bắc Việt và Nam Việt, giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ là IAC.
Loại xung đột thứ hai là xung đột vũ trang phi quốc
tế (song không nhất thiết phải là quốc nội), hay Non-international Armed
Conflict (N-IAC).
Đây là xung đột vũ trang diễn ra giữa quốc gia với
một lực lượng vũ trang phi nhà nước, hoặc giữa hai lực lượng vũ trang nhà nước
với nhau. Hệ quả nhân đạo và cường độ bạo lực của nó không hề kém so với loại
xung đột thứ nhất. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật điều chỉnh N-IAC lại tương đối
yếu, với nội dung chủ yếu nằm trong Nghị định thư bổ sung thứ Hai dành cho Công
ước Geneva (Additional
Protocol II).
Tiếp tục viện dẫn đến chiến tranh Việt Nam, xung đột
giữa chính quyền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền
Nam Việt Nam (thường được gọi là Việt Cộng) là điển hình của xung đột vũ trang
phi quốc tế.
Trong tình huống giữa Israel và Palestine, do vẫn
không thể xác định được chính quyền và nhà nước thống nhất đại diện cho dân tộc
Palestine, như chúng ta đã nói ở trên, nhiều học giả thiên về việc xác định
xung đột vũ trang giữa Palestine và Israel là xung đột vũ trang phi quốc tế.
Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.
Ví dụ, nếu áp dụng IAC, quân nhân tham chiến không
thể bị truy tố hay trừng phạt chỉ vì họ tham gia vào hoạt động vũ trang. Tuy
nhiên, nếu áp dụng N-IAC, những người tham chiến hoàn toàn có thể phải hầu tòa
hình sự vì hành vi chiến đấu của mình.
Trong ngữ cảnh khác, nếu xác định xung đột là N-IAC,
thẩm quyền của các cơ
quan tài phán hình sự quốc tế sẽ không thể được
áp dụng.
Một số học giả đưa ra đề xuất “nước đôi”, tức xem
xung đột vừa là quốc tế vừa là phi quốc tế.
Họ dẫn
chứng rằng vì Hamas đã nắm giữ Gaza và quân đội Israel đã
đồng ý rút hoàn toàn khỏi đây, Hamas có thể đại diện người dân Palestine tham
gia vào IAC với Israel.
Riêng ở West Bank, với lực lượng chiếm đóng Israel
vẫn kiểm soát hoàn toàn khu vực và tiếp tục vai trò quản lý hành chính của
mình, xung đột nếu có giữa Israel và các nhóm dân cư ở West Bank nên được xem
là N-IAC.
7.
Trong quá trình xung đột vũ trang này, ai đang vi phạm pháp luật quốc tế?
Đáng tiếc là cả hai.
Về phía Israel, việc duy trì chiếm đóng và phân biệt
đối xử về mặt pháp lý, cưỡng chế tài sản, đất đai của người Palestine để phục
vụ cho các khu tái định cư Do Thái vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva thứ Tư
về quyền của thường dân mà thế lực chiếm đóng trên lãnh thổ chiếm đóng phải
tuân thủ.
Về phía Palestine, PLO và các chính đảng quân sự của
mình tiếp tục thất bại trong việc kiểm soát các hoạt động khủng bố nhắm vào
thường dân Israel. Đã xuất hiện các cáo buộc về việc sử dụng thường dân làm bia
đỡ đạn (human
shield), không tuân thủ nguyên tắc phân biệt giữa thường dân/ người tham
chiến, tấn công vũ trang không phân biệt (indiscriminate armed attack), bắt
cóc và ám sát quân dân lẫn thường dân quốc tịch Israel, v.v. Thực tế cho
thấy, bộ máy công tố của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court –
ICC) đang có những động thái điều
tra và khởi tố các cáo buộc liên quan đến tội ác chiến tranh (war
crimes) mà cả hai bên thực hiện.
Đính
chính: Sửa “bằng Hòa ước Armistice” thành “bằng nhóm Hòa ước Armistice”, đồng
thời sửa lại link nguồn. (12:11 ngày 16/5/2021 giờ Việt Nam)
Tài liệu
tham khảo:
- International law – States in international law. (n.d.).
Encyclopedia Britannica. Retrieved May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/international-law/States-in-international-law
- Status of Palestine in the UN – Non-member observer State status –
SecGen report. (2019, March 11). Question of Palestine. https://www.un.org/unispal/document/auto-insert-182149/
- Palestine Liberation Organization (PLO) | Goals, History, &
Facts. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved
May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Palestine-Liberation-Organization
- Palestinian Authority | Definition, History, & Region. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Palestinian-Authority
- The Editors of Encyclopaedia Britannica. (n.d.). Hamas |
Definition, History, Ideology, & Facts. Encyclopedia Britannica.
Retrieved May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Hamas
- The Editors of Encyclopaedia Britannica. (n.d.-a). Fatah | Group,
Definition, Palestine, & History. Encyclopedia Britannica.
Retrieved May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Fatah
- Pitta, M. (2018, April). StatehoodandRecognition:theCaseofPalestine.
University of Barcelona. http://diposit.ub.edu/dspace/bitstream/2445/123175/1/TFM_Michele_Pitta.pdf
- Tzoreff, Y. (2019, March 18). Is the PLO Still the “Sole
Representative of the Palestinian People”? INSS Insight No. 1150. https://www.inss.org.il/publication/plo-still-sole-representative-palestinian-people/
- The Editors of Encyclopaedia Britannica. (n.d.-c). Philistine |
Definition, People, Homeland, & Facts. Encyclopedia Britannica.
Retrieved May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Philistine-people
- History.com Editors. (n.d.). Palestine. HISTORY. Retrieved
May 14, 2021, from https://www.history.com/topics/middle-east/palestine
- A/RES/181(II) of 29 November 1947.
(n.d.). United Nations. Retrieved May 14, 2021, from https://unispal.un.org/DPA/DPR/unispal.nsf/0/7F0AF2BD897689B785256C330061D253
- Israel Ministry of Foreign Affairs. (n.d.). Armistice Lines
(1949–1967). Retrieved May 16, 2021, from https://www.mfa.gov.il/mfa/aboutisrael/maps/pages/1949-1967%20armistice%20lines.aspx
- Oslo Accords | Palestinian Liberation Organization-Israel [1993]. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved May 14, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Oslo-Accords
- “The Israeli ‘Disengagement’ Plan: Gaza Still Occupied” – Report by
PLO Negotiations Affairs Dept./Non-UN document. (2019, March 12). Question of Palestine. https://www.un.org/unispal/document/auto-insert-205755/
- Romo, V. R. (2019, March 25). Trump Formally Recognizes Israeli
Sovereignty Over Golan Heights. NPR. https://www.npr.org/2019/03/25/706588932/trump-formally-recognizes-israeli-sovereignty-over-golan-heights
- Staff, R. (2021, February 9). Blinken stops short of endorsing
Trump recognition of Golan Heights as Israel. Reuters. https://www.reuters.com/article/us-usa-israel-blinken-idUSKBN2A82N5
- S/RES/242 (1967) of 22 November 1967. (n.d.). United Nations. Retrieved May 14, 2021, from https://unispal.un.org/unispal.nsf/0/7D35E1F729DF491C85256EE700686136
- Israel’s Settlements Have No Legal Validity, Constitute Flagrant
Violation of International Law, Security Council Reaffirms | Meetings
Coverage and Press Releases. (n.d.).
United Nations. Retrieved May 14, 2021, from https://www.un.org/press/en/2016/sc12657.doc.htm
- Latest developments | Legal Consequences of the Construction of a
Wall in the Occupied Palestinian Territory | International Court of
Justice. (n.d.). International Court of Justice.
Retrieved May 14, 2021, from https://www.icj-cij.org/en/case/131
- Geneva Conventions and their Additional Protocols. (n.d.). LII / Legal Information Institute. Retrieved May 14, 2021,
from https://www.law.cornell.edu/wex/geneva_conventions_and_their_additional_protocols
- Treaties, States parties, and Commentaries – Hague Convention (IV)
on War on Land and its Annexed Regulations, 1907. (n.d.). International Committee of the Red Cross. Retrieved May
14, 2021, from https://ihl-databases.icrc.org/ihl/INTRO/195
- OHCHR | Protocol II Additional to the Geneva Conventions of 12
August 1949. (n.d.). OHCHR. Retrieved May 14, 2021, from https://www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/protocolii.aspx
- The War Report 2018: The armed conflict in Israel-Palestine. (2018, January). Geneva Academy. https://www.geneva-academy.ch/joomlatools-files/docman-files/The%20Armed%20Conflict%20in%20Israel-Palestine.pdf
- Buchanan, R. (2015, March 14). Classifying the
Israeli-Palestinian Conflict. Human Security Centre. https://www.hscentre.org/middle-east-and-north-africa/classifying-israeli-palestinian-conflict/
- The Many Ways Palestinians Violate International Law. (2019, July 28). Jerusalem Center for Public Affairs. https://jcpa.org/article/the-many-ways-the-palestinians-violate-international-law/
- BBC News. (2021, March 3). ICC opens “war crimes” investigation
in West Bank and Gaza. https://www.bbc.com/news/world-middle-east-56249927
- United Nations. (n.d.-c). United Nations Office on Genocide
Prevention and the Responsibility to Protect. Retrieved May 14, 2021,
from https://www.un.org/en/genocideprevention/war-crimes.shtml
No comments:
Post a Comment