Sunday, July 9, 2023

SẾP CIA : TÌNH BÁO MỸ TRƯỚC NHỮNG BIẾN ĐỘNG THẾ GIỚI, HIỆN TẠI và TƯƠNG LAI (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Sếp CIA: Tình báo Mỹ trước những biến động thế giới, hiện tại và tương lai

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

8 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/sep-cia-tinh-bao-my-truoc-nhung-bien-dong-the-gioi-hien-tai-va-tuong-lai/

 

Tình báo Mỹ cần làm gì hôm nay và ngày mai. Đây là nội dung bài giảng hàng năm của Giám đốc CIA William J. Burns tại Quỹ Ditchley (Ditchley Foundation) ở Oxfordshire, Anh ngày 1 Tháng Bảy. Chủ đề bài giảng: “A World Transformed and the Role of Intelligence” (Một thế giới được biến đổi và vai trò của trí thông minh). Saigon Nhỏ lược thuật từ The Washington Post

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1246377087-800x450.jpg

Sếp CIA William Burns trong một buổi tường trình Thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề Ukraine (ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

 

Ba vấn đề nổi bật toàn cầu nước Mỹ không thể đứng ngoài

 

Khi mới vào nghề, tôi đã làm việc với tư cách một nhà ngoại giao Mỹ dưới quyền Ngoại trưởng James Baker. Đó là một trong những thời khắc thay đổi hiếm hoi trong lịch sử. Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, Liên Xô sắp sụp đổ, nước Đức sắp thống nhất và cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein sẽ sớm thất bại. Ưu thế của nước Mỹ đối với thế giới vào lúc đó là không thể tranh cãi. Dòng lịch sử dường như chảy theo hướng của chúng ta. Sức mạnh ý tưởng của nước Mỹ thúc đẩy phần còn lại của thế giới đi theo một dòng chảy dù chậm chạp nhưng không thể cưỡng lại: Đi tới dân chủ và thị trường tự do.

 

Sự tự tin đôi khi quá khích của chúng ta có cơ sở vững chắc ở thực tế quyền lực và ảnh hưởng, nhưng nó cũng che khuất những gì đang lù lù xuất hiện từ phía trước. Khoảnh khắc thống trị của Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh không thể tồn tại mãi. Lịch sử chưa kết thúc và sự cạnh tranh về ý thức hệ vẫn còn đó. Toàn cầu hóa mang lại nhiều hứa hẹn cho xã hội loài người, đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo, nhưng nó cũng tạo ra những hiệu ứng ngược.

 

Trong một bản ghi nhớ về quá trình chuyển giao mà tôi đã soạn thảo cho chính quyền sắp nhận nhiệm vụ của Tổng thống Bill Clinton vào cuối năm 1992, tôi đã cố phác thảo lờ mờ những thách thức phía trước. Bản ghi nhớ nêu rõ:

 

“Dù lần đầu tiên sau 50 năm chúng ta không phải đối mặt với một kẻ thù quân sự toàn cầu, nhưng dự báo gần như chắc chắn sẽ quay trở lại chủ nghĩa độc tài ở Nga hoặc một Trung Quốc (TQ) hung hăng thù địch trở thành mối đe dọa toàn cầu. Ngoài ra còn có những rủi ro mà các nền dân chủ và thị trường tự do sẽ phải đối mặt trong một thế giới toàn cầu hóa khi hệ thống chính trị quốc tế đang nghiêng về phía phân mảnh nhiều hơn và quyết liệt hơn”.

 

Tôi cũng cố gắng phác họa những mối đe dọa chung trên toàn cầu do biến đổi khí hậu và mất an ninh y tế, đặc biệt là đại dịch HIV/AIDS hoành hành lúc đó. Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, tôi vẫn là một nhà ngoại giao Mỹ may mắn và tự hào được phục vụ chủ yếu ở Nga, Trung Đông và giữ các vị trí cấp cao ở Washington. Tôi đã chia sẻ những thành công về ngoại giao và cả những sai lầm khi ưu thế đơn cực của nước Mỹ phai nhạt dần.

 

Một số điều tôi dự đoán trong quá trình chuyển đổi sau Chiến tranh Lạnh bắt đầu lộ ra. Hôm nay, với tư cách giám đốc CIA, tôi e rằng mình đã sống và phục vụ đủ lâu để đối mặt với những thời khắc thay đổi khác trong một thế giới đông đúc, phức tạp và tranh chấp nhiều hơn so với thế giới tôi trải qua trong những ngày đầu của một nhà ngoại giao trẻ cách nay hơn 30 năm. Thế giới hôm nay là thế giới Hoa Kỳ không còn là đứa trẻ lớn duy nhất trong khối địa chính trị, một thế giới phức tạp mà nhân loại phải đối mặt với cả những nguy hiểm lẫn hứa hẹn. Công việc của tôi bây giờ là giúp Tổng thống Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách cấp cao hiểu và định hình một thế giới đã thay đổi.

 

Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã qua. Nhiệm vụ của chúng ta là định hình những gì sẽ xảy ra tiếp theo, đầu tư vào các thế mạnh nền tảng của nước Mỹ và hoạt động vì mục đích chung với mạng lưới liên minh và đối tác rộng lớn chưa từng có để mang lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng hơn. Thành công của chúng ta sẽ phụ thuộc vào khả năng điều hướng thế giới với ba thách thức lớn.

 

Đầu tiên là cạnh tranh chiến lược với một TQ đầy tham vọng đang trỗi dậy và một nước Nga liên tục nhắc nhở chúng ta rằng, các cường quốc đang suy yếu ít nhất cũng có thể gây rối loạn như các cường quốc đang trỗi dậy.

 

Thứ hai là những vấn đề toàn cầu như đại dịch và khủng hoảng khí hậu nằm ngoài khả năng giải quyết của một quốc gia đơn độc.

 

Thứ ba là cuộc cách mạng công nghệ đang thay đổi cách con người sống, làm việc, chiến đấu và cạnh tranh với những khả năng và rủi ro không lường trước được. Ba thách thức này đôi khi mâu thuẫn với nhau. Sự hợp tác trong các vấn đề toàn cầu vừa quan trọng vừa khó khăn khi chúng đã trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Cuộc cách mạng công nghệ vừa là đấu trường chính vừa cần sự hợp tác để thiết lập các quy tắc căn bản dẫn đường.

 

Thách thức lớn nhất và ngay lúc này là Nga và Trung Quốc

 

Thách thức tức thời và gay gắt nhất đối với trật tự quốc tế ngày nay là cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine. Tôi đã dành phần lớn thời gian trong hai thập niên qua để cố hiểu và đẩy lùi sự kết hợp nguy hiểm của sự bất bình, tham vọng và sự bất an trong một con người có quyền lực sinh sát mà Putin là hiện thân. Putin tin rằng nếu không kiểm soát được Ukraine, Nga không thể trở thành một cường quốc và ông ta không thể trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại của nước Nga.

 

Loại tư duy “mặc định” bi thảm và tàn bạo đó chỉ gieo tiếng xấu cho nước Nga và phơi bày những điểm yếu của nó trong khi làm nổi bật tinh thần chống trả ngoài sức tưởng tượng của người dân Ukraine yếu thế hơn nhiều. Putin thường nhấn mạnh Ukraine “không phải là một quốc gia thực sự” vì nó yếu và bị chia rẽ. Nhưng ông ta đã lầm. Đây là một quốc gia thực sự và những gì người Ukraine đã làm là lòng dũng cảm và sự kiên trì phi thường. Họ sẽ không chùn bước và tất cả chúng ta, những người ủng hộ Ukraine cũng thế.

 

Cuộc chiến của Putin là một thất bại chiến lược đối với Nga vì nó làm lộ rõ những điểm yếu quân sự của nước này, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế trong nhiều năm tới. Do những sai lầm của Putin, Nga đang trở thành “đối tác cấp dưới” và “thuộc địa kinh tế” của TQ. Những tham vọng phục thù của Nga đã bị một NATO ngày càng lớn hơn và mạnh hơn dập tắt. Cách nay chưa đầy một tháng, chúng ta đã bị choáng bởi màn thách thức của trùm Wagner Yevgeniy Prigozhin với nhà nước Nga khi lực lượng bán quân sự tư nhân của Tập đoàn đánh thuê này chiếm giữ nhanh chóng thành phố Rostov-on-Don và di chuyển 2/3 quãng đường tới Moscow trước khi quay trở lại.

 

Điều đáng chú ý là Prigozhin đã báo trước binh biến bằng một bản cáo trạng gay gắt về những dối trá Điện Kremlin đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine và về cách lãnh đạo quân đội Nga tiến hành cuộc chiến. Tác động của những lời nói và hành động đó sẽ còn âm hưởng trong một thời gian nữa. Đây cũng là lời nhắc nhở sống động về tác động ăn mòn của cuộc chiến đối với xã hội Nga và chế độ Putin. Sự hiếu chiến của Nga đặt ra một phép thử lớn nhưng TQ là quốc gia duy nhất vừa có tham vọng sắp xếp lại trật tự quốc tế vừa có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó.

 

Vấn đề không phải là sự trỗi dậy của TQ mà là những hành động đi kèm với nó. Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba với nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo TQ nào từ thời Mao Trạch Đông. Nhưng thay vì sử dụng sức mạnh đó để củng cố, hồi sinh và làm tốt hơn hệ thống quốc tế đã giúp TQ vươn lên, ông Tập lại tìm cách làm lại hệ thống. Trong nghề tình báo, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ những gì các lãnh đạo nói nhưng chú ý hơn đến những gì họ làm. Vì vậy, sự đàn áp ngày càng tăng của Tập Cận Bình ở trong nước và sự gây hấn ở nước ngoài, từ quan hệ đối tác không giới hạn với Putin đến các mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, là không thể xem thường.

 

Điều cũng không thể bỏ qua là, trong kỷ nguyên mới này, là sự cạnh tranh trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và các mối quan hệ thương mại đan xen dày đặc. Những mối quan hệ như thế đã phục vụ rất tốt các quốc gia, các nền kinh tế và thế giới nhưng chúng cũng dẫn đến sự phụ thuộc chiến lược và tạo ra những điểm yếu, những rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ. Covid-19 là minh chứng cho nguy cơ mất tự chủ khi bị phụ thuộc vào một quốc gia khác về vật tư y tế cứu sinh mạng con người.

 

Còn sự gây hấn của Putin ở Ukraine làm rõ nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào một quốc gia về nguồn năng lượng. Trong thế giới ngày nay, không quốc gia nào muốn phụ thuộc vào một tập đoàn khoáng sản và công nghệ quan trọng. Nguy hiểm hơn nữa là phụ thuộc vào một quốc gia có xu hướng đào sâu và vũ khí hóa sự phụ thuộc đó. Câu trả lời ở đây không phải là tách rời khỏi nền kinh tế TQ. Làm thế là ngu ngốc, mà là giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa một cách hợp lý bằng cách bảo đảm chuỗi cung ứng linh hoạt, bảo vệ lợi thế công nghệ của nước Mỹ và đầu tư nhiều hơn vào năng lực công nghiệp để tránh phụ thuộc.

 

Khai thác tốt AI và quay về “tình báo con người”

 

Trong một thế giới đầy biến động và ngày càng bất ổn với quyền lực phân tán hơn, việc phòng ngừa rủi ro mang ý nghĩa sống còn. Các nền dân chủ và chế độ chuyên quyền, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, các quốc gia từ Nam bán cầu và các khu vực khác trên thế giới đều muốn đa dạng hóa các mối quan hệ để mở rộng quyền tự chủ chiến lược và tối đa hóa các lựa chọn. Các quốc gia nhận thấy ít lợi ích và nhiều rủi ro trong các mối quan hệ địa chính trị kiểu “chung thuỷ”, một vợ một chồng.

 

Vì vậy, nhiều quốc gia sẽ theo đuổi các mối quan hệ linh hoạt hơn so với những gì chúng ta đã quen trong nhiều thập niên đơn cực sau Chiến tranh Lạnh. Và nếu quá khứ là tiền lệ, chúng ta đừng quên các cường quốc tầm trung thường châm ngòi cho sự xung đột giữa các cường quốc lớn. Nước Mỹ còn phải đối mặt với mối đe dọa toàn cầu ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Đó là những thách thức xuyên quốc gia, trong đó khủng hoảng khí hậu là mối nguy hiểm hiển hiện nhất.

 

Không còn “điểm tới hạn” và “tác động khí hậu thảm khốc” trong thì tương lai mà là tác hại của biến đổi khí hậu đã ở đây rồi, đã gây nguy hiểm cho hành tinh, an ninh, nền kinh tế và người dân các quốc gia. Khói từ hàng trăm đám cháy rừng trên khắp Canada đã nhắc nhở thực tế này. Biến đổi khí hậu là “hệ số nhân đe dọa” từ chính sách năng lượng, sức khỏe, nước sinh hoạt và an ninh lương thực, cản trở tiến trình phát triển kinh tế và con người, đẩy nhanh tốc độ di dời và di cư tồi tệ nhất trong lịch sử, đồng thời làm trầm trọng thêm bất ổn, căng thẳng địa chính trị tại các điểm nóng.

 

Mối đe dọa địa chính trị và xuyên quốc gia này là không thể giải quyết dễ dàng. Cạnh tranh làm cho việc hợp tác khó khăn hơn. Nhưng chúng ta phải làm cả hai việc khi đối mặt với một thế lực vô cùng hùng mạnh khác: Một cuộc cách mạng công nghệ còn tác động nhiều  hơn cuộc “Cách mạng Công nghiệp” hay “Buổi bình minh của Thời đại hạt nhân”. Những tiến bộ trong công nghệ điện toán đang dẫn đến những bước đột phá cả về quy mô lẫn phạm vi áp dụng.

 

Chỉ trong vài tháng kể từ khi phiên bản công khai đầu tiên của ChatGPT ra mắt vào Tháng Mười Một qua, chúng ta đã bị sốc với các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới vượt trội hơn con người trong thi tuyển và trong các chương trình đào tạo y tế. Hết lần này đến lần khác, AI làm tốt hơn mong đợi, cả tốt lẫn xấu. Không nơi nào thực tế đó rõ ràng hơn công nghệ sinh học và sản xuất (có thể mở ra các giải pháp sức khỏe, khí hậu và phát triển kinh tế) nhưng việc lạm dụng chúng có thể dẫn đến thảm họa.

 

Dẫn đầu về công nghệ và đổi mới sẽ củng cố sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, nhưng việc thiết lập các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng ta cũng rất quan trọng. Đối thủ TQ hiểu điều đó hơn bất kỳ ai, nên không có gì ngạc nhiên khi họ đang đầu tư mạnh vào các công nghệ mới nổi với vị trí là “trung tâm” của cuộc cạnh tranh chiến lược. Vậy, làm thế nào nước Mỹ tận dụng được AI trong một thế giới bị méo mó bởi cạnh tranh chiến lược với những thách thức không phân biệt biên giới và một cuộc cách mạng công nghệ chưa từng có trong lịch sử nhân loại?

 

Việc không thể chiến thắng tại Ukraine sẽ tiếp tục gặm nhấm giới lãnh đạo Nga và tạo ra cơ hội ngàn năm có một cho CIA trong hoạt động tình báo con người, cốt lõi của CIA trong thời Chiến tranh lạnh. Gần đây, chúng tôi đã sử dụng Telegram để cho những người Nga dũng cảm biết cách liên lạc an toàn với chúng tôi trên web. Tài khoản của chúng tôi đã có 2.5 triệu lượt truy cập trong tuần đầu tiên. Nếu cuộc chiến của Putin ở Ukraine là thách thức trước mắt trong cạnh tranh chiến lược, thì TQ của ông Tập là “đối thủ tình báo và địa chính trị lớn nhất của nước Mỹ” và là ưu tiên dài hạn quan trọng nhất.

 

Chúng tôi đã tự tổ chức lại CIA trong vài năm qua để đáp ứng nhận thức đó và thành lập một trung tâm tuyên truyền mới chỉ tập trung vào TQ. Đây là một quốc gia duy nhất mà CIA làm như thế. Chúng tôi đang tuyển dụng và đào tạo nhiều người nói tiếng Quan Thoại hơn, đồng thời tăng cường nỗ lực trên khắp thế giới để cạnh tranh với TQ, từ Mỹ Latin đến châu Phi và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi âm thầm tăng cường các kênh thông tin tình báo với TQ để chống lại những hiểu lầm không cần thiết và va chạm ngoài ý muốn.

 

Công nghệ thu thập tin tình báo là cực kỳ quan trọng trong thế giới tình báo ngày nay nhưng sẽ luôn có những nhiệm vụ bí mật mà chỉ con người mới làm được. Các nhân viên CIA đang đảm trách những công việc như thế tại các điểm nóng trên khắp thế giới thường hoạt động trong bóng tối, khuất tầm nhìn. Những rủi ro và những hy sinh của họ hiếm khi được hiểu rõ. Đối với các nhà phân tích, cuộc cách mạng AI và sự bùng nổ của thông tin nguồn mở đang tạo ra những cơ hội thu thập tin tình báo mới.

 

Khi được khai thác đúng cách, AI có thể tìm ra các mẫu và xu hướng trong một lượng lớn dữ liệu mã nguồn mở được thu thập một cách bí mật mà trí óc con người không thể làm được, để các điệp viên có thể tập trung vào những gì con người làm tốt nhất: Đánh giá hợp lý và sâu sắc về những gì quan trọng nhất cho các nhà hoạch định chính sách vì lợi ích của nước Mỹ. Một ưu tiên quan trọng khác trong kỷ nguyên mới này là tăng cường quan hệ đối tác tình báo của chúng tôi trên khắp thế giới và khẳng định lại cam kết trong ngoại giao tình báo. Trong nghề tình báo, không gì có thể thay thế được việc tiếp xúc trực tiếp với các đồng minh thân cận, thậm chí cả với những kẻ thù nguy hiểm nhất.

 





No comments: