Monday, March 12, 2018

KIỂM CHỨNG : TRUMP NÓI VỀ THƯƠNG MẠI, SÚNG, VÀ NHUỆ KHÍ TRONG NHÀ TRẮNG (AP / VOA)




11/03/2018

Dù chật vật với tình trạng nhân viên rời đi ở tần suất cao chưa từng thấy, Tổng thống Donald Trump vẽ nên một bức tranh về một chính quyền vận hành suôn sẻ và làm được nhiều việc, thúc đẩy các hạn chế về súng và đưa công ăn việc làm trở lại Mỹ, với những tuyên bố khoa trương của ông trong tuần này.

Phát biểu tại cuộc họp Nội các, ông Trump đã tuyên bố sai rằng các biện pháp kiểm tra lí lịch đang được Quốc hội thông qua để đáp lại lại vụ nổ súng trường học ở Florida, và khẳng định sai trái rằng các quốc gia NATO "không trả nợ" bằng việc không đóng góp phần ngân quỹ của mình trong liên minh quân sự với Mỹ.

Tất cả những phát biểu đó khép lại một tuần mà trong đó ông mô tả sai về nỗ lực của ông tạo ra công ăn việc làm cho người lao động Mỹ như một phần trong loan báo về các biện pháp trừng phạt thương mại mới, và quy trách cựu Tổng thống Barack Obama về các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử ở Mỹ.

Nhìn lại những phát biểu của ông và kiểm chứng sự thật:

ÔNG TRUMP: "Kiểm tra lí lịch đang thông qua ở Quốc hội, và tôi nghĩ nó đang thông qua khá nhanh." — họp Nội các ngày thứ Năm.

SỰ THẬT: Đã có rất nhiều bàn luận về các hạn chế súng ống, nhưng một luật hạn chế súng ống đang không thông qua "khá nhanh." Một biện pháp về kiểm tra lí lịch đang bị đình trệ một phần là do lập trường hay thay đổi của ông Trump. Sau vụ nổ súng trường học, ông Trump đã kêu gọi luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn và gợi ý là ông sẽ ủng hộ một dự luật kiểm tra lí lịch sâu rộng hơn của hai Thượng nghị sĩ Pat Toomey (Cộng hòa, Pennsylvania) và Joe Manchin (Dân chủ, West Virginia). Nhưng sau khi ông Trump gặp gỡ những đại diện của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), Nhà Trắng cho biết ông Trump ủng hộ các cuộc kiểm tra lí lịch hạn hẹp hơn.

Quan điểm hay thay đổi của ông Trump đã khiến phe Cộng hòa bị chia rẽ trong Thượng viện, nơi mà đảng này duy trì thế đa số 51-49. Không có một con đường rõ ràng hướng phía trước, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hòa, Kentucky) đã tạm thời gác lại cuộc tranh luận về súng ống. Trước đó ông đã chuẩn bị thúc đẩy một biện pháp hạn hẹp hơn được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng hòa, Texas), và Chris Murphy (Dân chủ, Connecticut) để củng cố hệ thống kiểm tra lí lịch hiện hành. Dự luật này đã bị đình trệ giữa sự chống đối của một số thượng nghị sĩ Cộng hòa xem nó là một sự xâm phạm quyền của chủ sở hữu súng, và của các thượng nghị sĩ Dân chủ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của bang New York, người nói rằng dự luật này đi chưa đủ xa.

___

ÔNG TRUMP, nói về các nước NATO: "Một số nước nợ hàng tỉ và hàng tỉ đôla. Họ nợ hàng tỉ đôla từ những năm trước. Không bao giờ trả, và chuyện đó không công bằng. Họ muốn chúng tôi bảo vệ, và họ muốn chúng tôi là một đối tác tốt. Rồi họ không trả nợ hoặc chưa trả. Hoặc họ chưa thanh toán những khoản công bằng." — họp Nội các ngày thứ Năm.

SỰ THẬT: Hầu hết phát biểu này là sai hoàn toàn. Các nước NATO không nợ liên minh bất cứ khoản tiền nào. Họ không phải không trả nợ. Không có tranh chấp nào về "các khoản thanh toán."

Vấn đề là các nước NATO chi bao nhiêu cho lực lượng vũ trang của riêng họ. Ông Trump muốn họ tăng ngân sách quân sự để giảm bớt một phần gánh nặng phòng vệ tập thể mà Mỹ đang gánh, vì Mỹ chi cho lực lượng vũ trang của mình nhiều hơn so với các thành viên NATO khác cộng lại. Vì thế có thể đưa ra lập luận rằng các nước này chưa đóng góp một phần "công bằng."

Dù ông Trump nhận công là đã thuyết phục được các đối tác NATO chi tiêu nhiều hơn, song kết quả hãy còn chưa rõ ràng.

Các nước đã nhất trí vào năm 2014, từ lâu trước khi ông Trump trở thành tổng thống, rằng họ sẽ ngừng cắt giảm chi tiêu quân sự, và họ đã thi hành việc này. Lúc đó họ cũng nhất trí về một mục tiêu là "hướng tới" chi tiêu 2 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của mình cho quốc phòng đến trước năm 2024. Hầu hết các nước chưa đạt được và mục tiêu đó không phải là nhất định phải đạt được.
___

ÔNG TRUMP: "Bạn biết đấy, tôi đọc ở đâu đó nói, 'Ôi chà, có lẽ người ta không muốn làm việc cho Trump.' Và tin tôi đi, mọi người đều muốn làm việc trong Nhà Trắng. Tất cả họ đều muốn có mặt trong Văn phòng Bầu dục, có mặt trong Cánh Tây. Và không chỉ hồ sơ xin việc nhìn rất oách; đây là một nơi tuyệt vời để làm việc. ... Tôi có biết bao nhiêu người để chọn." — phát biểu ngày thứ Ba trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven.

SỰ THẬT: Không phải như vậy, nếu so sánh với các tổng thống tiền nhiệm. Trong năm đầu tiên của ông Trump, tỉ lệ đào thải nhân viên cao cấp trong chính quyền của ông là 34 phần trăm. Tỉ lệ đó cao hơn bất cứ tổng thống nào trong 40 năm qua, theo một phân tích của Kathryn Dunn-Tenpas thuộc Viện Brookings. Ví dụ, tỉ lệ đào thải nhân viên cao cấp trong năm đầu của Tổng thống Bill Clinton và Obama thấp hơn ba lần so với ông Trump, lần lượt là 11 phần trăm và 9 phần trăm.

Tỉ lệ đào thải nhân viên hàng đầu của ông Trump đã tăng lên từ mốc một năm nắm quyền của ông vì những vụ nhân viên rời đi hồi gần đây. Tỉ lệ hiện tại là 43 phần trăm, theo Viện Brookings. Trong số những vụ ra đi mới nhất có cố vấn kinh tế Gary Cohn, phó giám đốc truyền thông Josh Raffel và giám đốc truyền thông Hope Hicks, người thứ ba giữ chức vụ này trong chính quyền Trump.
___

ÔNG TRUMP: "Bạn thấy rồi đó — hôm trước, Chrysler thông báo họ đang rời khỏi Mexico, họ sẽ trở lại Michigan với một nhà máy lớn. Lâu lắm rồi bạn mới thấy chuyện này." — phát biểu ngày thứ Năm khi loan báo áp thuế quan mới lên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ

SỰ THẬT: Ông Trump thường lặp đi đi lặp lại phát biểu này để cho thấy ông đang đưa công ăn việc làm trở lại Mỹ, nhưng nó không hoàn toàn đúng. Chrysler có thông báo sẽ đưa hoạt động sản xuất xe tải pickup hạng nặng từ Mexico về bang Michigan, nhưng nhà máy không đóng cửa ở Mexico. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất các loại xe thương mại khác để bán khắp toàn cầu và họ dự trù không có thay đổi nào trong lực lượng lao động của mình.
___

ÔNG TRUMP: "Từ Bush 1 đến nay, nước ta đã mất hơn 55.000 nhà máy, 6.000.000 việc làm trong ngành chế tạo và Thâm hụt Thương mại tích lũy là hơn 12 ngàn Tỉ Đôla. Năm ngoái, Thâm hụt Thương mại của chúng ta gần 800 Tỉ Đôla. Chính sách & Lãnh đạo Tồi. Phải THẮNG trở lại!" — tweet ngày thứ Tư.

SỰ THẬT: Ông Trump thường xuyên mô tải sai lạc cân bằng thương mại. Thâm hụt thương mại của Mỹ năm ngoái là 566 tỉ đôla, không phải gần 800 tỉ đôla. Ông chỉ trích dẫn thâm hụt về hàng hóa, nhưng phớt lờ thặng dư về dịch vụ.

Mỹ năm 2017 mua hàng hóa nước ngoài nhiều hơn một khoản 810 tỉ đôla so với các nước khác mua từ Mỹ, theo Cục Điều tra Dân số. Thâm hụt về hàng hóa đã được bù lại bằng thặng dư 244 tỉ đôla trong các dịch vụ như vận tải, dịch vụ máy tính và tài chính, tiền bản quyền và các hợp đồng quân sự và hợp đồng chính phủ.

Về lĩnh vực sản xuất, ông Trump phớt lờ điều được coi là lý do chính khiến cho công việc nhà máy bị mất đi: tự động hóa và các hình thức hiệu dụng khác. Thương mại chắc chắn cũng là một yếu tố.

Ông đưa ra con số trong khoảng gần đúng khi đề cập đến số lượng việc làm trong nhà máy bị mất kể từ tháng 1 năm 1989, khi George H.W. Bush trở thành tổng thống: 5,5 triệu, theo Bộ Lao động. Điều mà ông Trump không nói là mặc dù mất 5.5 triệu việc làm trong nhà máy, nền kinh tế Mỹ nói chung đã bổ sung thêm con số 40,6 triệu việc làm thuần trong thời gian đó.
___

ÔNG TRUMP: "Nếu E.U. muốn tăng thêm mức thuế quan và các rào cản vốn đã hết sức to lớn của mình đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh ở đó, thì chúng ta chỉ cần đánh Thuế lên Xe hơi của họ đang ào ạt đổ vào Mỹ. Họ làm xe hơi của chúng ta (và những thứ khác nữa) không thể bán được ở đó. Mất cân bằng thương mại lớn!" — tweet ngày 3 tháng 3.

SỰ THẬT: Ông sai khi nói rằng các nhà sản xuất xe hơi không thể bán được xe hơi của Mỹ ở Châu Âu trong khi xe hơi của Châu Âu "ồ ạt" đổ vào Mỹ. Ông nói đúng về sự mất cân bằng thương mại lớn, nhưng nói quá lên. EU áp mức thuế 10 phần trăm đối với xe hơi sản xuất tại Mỹ. Mỹ áp mức thuế 2,5 phần trăm đối với xe hơi sản xuất tại Châu Âu. Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy kim ngạch 13.8 tỉ đôla trị giá xe hơi và phụ tùng của Mỹ xuất khẩu năm ngoái đến bốn thị trường hàng đầu ở Châu Âu trong khi Mỹ đã nhập khẩu 51,3 tỉ đôla xe hơi và từ năm nước Châu Âu.
___

ÔNG TRUMP: "Tại sao chính quyền Obama khởi động một cuộc điều tra nhắm vào Chiến dịch tranh cửa của Trump (với zero bằng chứng về hành vi sai trái) từ lâu trước cuộc bầu cử vào tháng 11? Muốn hạ uy tín để H Gian trá chiến thắng. Chưa từng có. Lớn hơn vụ Watergate!" - tweet ngày thứ Hai.

SỰ THẬT: Dù ông Trump gợi ý có âm mưu nhắm vào ông, song không phải là điều bất thường khi các cuộc điều tra bắt đầu mà không có bằng chứng. Chúng có khuynh hướng khởi sự từ những nghi ngờ.

Các cáo buộc hình sự được đưa ra trong sáu tháng qua cho thấy vào tháng 7 năm 2016, khi FBI mở cuộc điều tra phản gián về Nga và ban vận động tranh cử của ông Trump, thực ra đã có những lý do khiến cơ quan chấp pháp lo ngại.

Ví dụ, tới thời điểm đó, một cố vấn về chính sách đối ngoại của ban vận động Trump, George Papadopoulos, đã biết được người Nga tin là họ đã có trong tay thông tin gây tổn hại về ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton dưới hình thức hàng ngàn email. Papadopoulos đã nhận tội khai man với FBI về những liên hệ của anh ta với những người tuyên bố họ có quen biết các quan chức Nga.

Tới giờ không có bằng chứng nào cho thấy ông Obama đã sử dụng vấn đề này để giúp bà Clinton trong cuộc bầu cử. Ông Obama thật ra đã bị một số người theo Đảng Dân chủ - và cả ông Trump trong dòng tweet này - quy lỗi vì đã không làm đủ mạnh về mức độ can thiệp của Nga mà ông đang được báo cáo vào thời điểm đó.

Ví dụ, FBI đã không tiết lộ cuộc điều tra nhắm vào ban vận động Trump và Nga trước cuộc bầu cử. Nếu chuyện đó xảy ra, nó có thể đã có lợi cho bà Clinton, trong khi ông Obama có thể bị cáo buộc tìm cách thao túng cuộc bầu cử. Dù gì thì ông Trump cũng cáo buộc ông Obama làm chuyện này.
___

ÔNG TRUMP: "Thêm nữa, Obama đã KHÔNG làm gì cả về sự can thiệp của Nga." - cùng dòng tweet, ngày thứ Hai.

SỰ THẬT: Không phải vậy. Ông Obama dường như đã làm nhiều hơn ông Trump về sự can thiệp của Nga.

Trước cuộc bầu cử, ông Obama đã công bố phát hiện rằng email của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc và chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Clinton, John Podesta, đã bị tấn công bởi những hoạt vụ có liên hệ tới Nga và ông đã cảnh báo về nguy cơ thao túng phòng phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11.

Sau cuộc bầu cử, ông Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi là điệp viên và tịch thu hai điền trang của Nga ở bang Maryland và New York, mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói là được dùng cho các hoạt động tình báo.

Chính quyền Trump vẫn chưa trừng phạt bất cứ quan chức Nga nào can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump chỉ thi thoảng công nhận sự can thiệp của Nga. Mike Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia và Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mạng Hoa Kỳ, gần đây đã nói với các nhà lập pháp rằng ông vẫn chưa được trao thẩm quyền tấn công các hoạt động trên mạng của Moscow trong khi các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm nay đang đến gần.


-------------------------------------------

XEM THÊM 


Huệ Vũ
Wednesday, 07/03/2018 - 11:26:57

Trong các thập niên 80 và 90 đa số người Việt ủng hộ đảng Cộng Hòa, và luôn luôn có phản ứng tức giận đối với những người ủng hộ đảng Dân Chủ, mặc dù có thể nói Tổng Thống Dân Chủ Jimmy Carter cũng là một ân nhân rất lớn của người tỵ nạn Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Dân Số (Census Bureau), con số người Việt ở Hoa Kỳ trong năm 2016 lên trên 2 triệu người (2,067,527). Người Việt đã tới Hoa Kỳ qua nhiều đợt, nhưng có hai đợt chính. Sau tháng 4, 1975, khoảng 125,000 người tới Hoa Kỳ. Vào năm 1978, làn sóng người Việt dùng tàu thuyền (boat people) vượt biển diễn ra. Năm 1979, Tổng Thống Jimmy Carter đã bất chấp sự phản đối của 62% dân chúng Hoa Kỳ, tăng số người Việt được đón nhận vào Hoa Kỳ từ 7,000/tháng lên 14,000/tháng.

Với chương trình ODP (Orderly Departure Program) thiết lập vào năm 1979 được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR)) bảo trợ, từ năm 1980-1997 có khoảng trên 458 ngàn người Việt được đón nhận định cư ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, số người Việt được định cư ở Hoa Kỳ lại mạnh mẽ ủng hộ đảng Cộng Hòa.

Vào năm 1992, ở Houston có một nhóm phụ nữ Việt Nam đứng ra vận động cho liên danh Bill Clinton - Al Gore đã bị một ngòi bút tên tuổi gọi họ là bọn “đĩ điếm.” Vào năm 2000, sau khi TT Bill Clinton mãn nhiệm, ông Al-Gore thất cử đã bùng lên “phong trào” báo chí Việt đả kích Bill Clinton, gọi ông ta là “tổng thống thổi kèn” (vụ Monica), làm ô nhục nước Mỹ, chính quyền Bill Clinton là chính quyền mị dân, đưa ra những con số thống kê kinh tế hoàn toàn lừa bịp!!

Sau cuộc bầu cử năm 2016, phong trào đả kích Tổng Thống Obama cũng đã bùng phát rất mạnh, lập lại những lý luận cho rằng chính quyền Dân Chủ Obama chuyên mị dân, làm thống kê giả, v.v và v.v.

Hiện giờ con số cử tri người Việt theo đảng Dân Chủ nhiều hơn Cộng Hòa, 39% so với 27%, nhưng chúng tôi nghĩ rằng vào thập niên 1980, 1990 thì 10 người Việt đi bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, hết 7 người bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa.

Tại sao người Việt ủng hộ đảng Cộng Hòa mạnh như vậy? Có lẽ tinh thần chống Cộng là một trong những nguyên nhân chính. Với nhiều người Việt tỵ nạn, đảng Cộng Hòa mới tích cực chống Cộng, còn đảng Dân Chủ là đảng thiên tả, không chống Cộng. Một số người Việt theo Công Giáo lại cho rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống John F. Kennedy giết chết. Phần lớn thì cho rằng đảng Dân Chủ và Phong Trào Phản Chiến của đảng Dân Chủ đã đưa tới việc Hoa Kỳ phải bỏ rơi VNCH.
Những quan điểm trên có lẽ cần phải xem xét lại.

Một số người đã cho rằng chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống John F. Kennedy đã giết TT Ngô Đình Diệm vì TT Diệm chống lại chủ trương đưa quân Hoa Kỳ qua Việt Nam. Nhưng qua các tài liệu mật trong chiến tranh VN được giải mã, chính quyền Kennedy chỉ bắt đầu quan tâm tới tình hình Nam Việt Nam sau vụ thất bại Vịnh Con Heo. Trung Đoàn 2506 của Mặt Trận Cách Mạng Dân Chủ Cuba được CIA tài trợ đổ bộ Vịnh Con Heo đã bị đánh bại trong thời gian ba ngày. (17/4-20/4/1961).

Sau vụ thất bại Bay of Pigs, chính quyền Kennedy mới bắt đầu lo ngại Nam Việt Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản. Vào ngày 11 tháng 5, 1961, Tổng Thống Kennedy hạ lệnh đưa 400 quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt và 100 cố vấn quân sự qua VN. Ngày 12 tháng 5/61, Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson qua VN gặp TT Diệm, về nước khen ngợi TT Diệm là “Churchill của Đông Nam Á,” nêu cao chủ thuyết Domino, đề nghị gia tăng giúp đỡ chính phủ Ngô Đình Diệm. Theo Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson, nếu để mất Nam VN, quân đội Hoa Kỳ sẽ phải chống CS ở bờ biển Waikiki (Hawaii) hay ngay cả trên bờ biển đất liền Hoa Kỳ. Vào thời gian này, TT Diệm đã yêu cầu Hoa Kỳ đưa 100,000 quân qua VN, nhưng TT Kennedy từ chối, chỉ đồng ý giúp huấn luyện và trang bị cho VNCH thêm 30,000 quân.

Trong thời gian này cũng đã có sự tranh cãi trong chính phủ Kennedy, Thứ trưởng Ngoại Giao Ural Alexis Johnson, Cố Vấn William Bundy... ủng hộ đưa 40,000 quân qua VN, nhưng Tướng Maxwell Taylor lại đề nghị chỉ đưa 6,000-8,000 quân. Sau khi tham khảo với Danh Tướng Douglas MacArthur, TT Kennedy quyết định không đưa bộ binh qua VN, sợ sa lầy trong trận địa chiến. Nhưng ông ta đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài gia tăng các chương trình chống nổi loạn, đưa thêm cố vấn không tham chiến (noncombatant advisers) qua huấn luyện quân đội VNCH, cung cấp thêm dụng cụ truyền tin, phi cơ trực thăng, tiếp liệu quân sự.

Tổng Thống Diệm đã phản đối những quyết định trên của TT Kennedy, nói với Đại Sứ Frederick Nolting rằng Hoa Kỳ phải đưa quân tham chiến qua VN mới ngăn chận được CS. Đại Sứ Frederick Nolting cũng đánh điện về Hoa Thịnh Đốn cho biết chính phủ TT Diệm đang yêu cầu Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan) cung cấp cho một sư đoàn chiến đấu (a division of combat troops). Bấy giờ Hoa Kỳ quyết định không để VNCH rơi vào tay CS, nhưng Ngoại Trưởng Dean Rusk và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara lại cho rằng trước khi đưa quân tham chiến qua VN phải buộc TT Diệm cải cách chính trị. Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, dưới thời TT Diệm, chỉ có đảng Cần Lao là chính đảng duy nhất được hoạt động, các đảng phái Quốc Gia từng có bề dày chống Pháp như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã bị thanh trừng triệt để, bị thủ tiêu, bỏ tù...

Trong lúc Hoa Kỳ đang cân nhắc phải can thiệp vào VN như thế nào, thì cuộc “Khủng Hoảng Phật Giáo” xảy ra. Vụ Phật Giáo đứng lên chống chính phủ Ngô Đình Diệm là do cán bộ CS xúi giục, nhưng với cái nhìn của chính giới Hoa Kỳ, Phật Giáo chiếm đa số ở VN, nên khi Phật Giáo đứng lên chống chế độ thì họ cho rằng công cuộc chống Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Bộ Đội Miền Bắc lại càng thêm phức tạp. Chính phủ Kennedy đã lên án bạo động, đòi hỏi TT Diệm nhanh chóng ổn định tình hình. Vào tháng 8 năm 1963, Đại Sứ Henry Cabot Lodge nhận lệnh của Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball đòi TT Diệm phải từ bỏ ông bà Nhu mới có thể tiếp tục nhận sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Đại Sứ Lodge đã phúc trình cho Hoa Thịnh Đốn rằng, cơ hội TT Diệm áp ứng đòi hỏi này của Hoa Kỳ gần như không có.

Vào tháng 10/63, Bộ Trưởng McNamara và Tướng Taylor qua Saigon tìm sự thực (fact-finding). Sau khi gặp TT Diệm, họ về nước đã khuyến cáo TT Kennedy tiếp tục làm việc với TT Diệm, nhưng ngưng ủng hộ tài chánh và chính trị. Họ cũng đề nghị rút 1,000 quân về nước vào cuối năm 1963. Tới lúc này chính phủ Kennedy hoàn toàn không có kế hoạch đảo chánh nào. Tuy nhiên, vào ngày 3 tháng 10, Trung Tá Lucien Conein tiếp xúc với Tướng Minh, được Tướng Minh trình bày kế hoạch đảo chánh và trong kế hoạch có thủ tiêu anh em ông Diệm. Theo phúc trình Assassinations Report, Tổng Giám Đốc CIA John McCone cho biết trong cuộc họp với Tổng Thống Kennedy và Bộ Trưởng Tư pháp Robert Kennedy, mặc dù Tổng thống Kennedy đã có nhiều quan điểm bảo vệ TT Diệm (vì cả hai đều là Catholic), nhưng đã đồng ý với khuyến nghị thu thập tất cả các thông tin liên quan tới âm mưu đảo chính của giới tướng lãnh VN. Lúc đó, ở Saigon, Trung Tá Conein gặp Tướng Đôn phản đối kế hoạch giết anh em ông Diệm, Tướng Đôn hứa hẹn sẽ không làm trái ý Hoa Kỳ.

Vào ngày 5 tháng 11, 2003, cuốn tape ghi lại các cuộc bàn luận giữa TT Kennedy và các cố vấn của ông ta đã được công bố. Cuốn tape cho thấy mãi tới ngày 29 tháng 10, 1963, TT Kennedy mới đồng ý giúp cho giới tướng lãnh VN nếu cuộc đảo chánh thành công. Vào ngày này, trong chính phủ Kennedy cũng còn người phản đối đảo chánh. Bộ Trưởng Tư Pháp Robert F. Kennedy nói, “I mean, it's different from a coup in the Iraq or South American country; we are so intimately involved in this.” (Ý tôi là, cuộc đảo chánh này khác với đảo chánh ở Iraq hay một quốc gia Nam Mỹ, chúng ta đã liên hệ quá chặt trong việc này.).

Theo tài liệu Hoa Kỳ, khi bắt đầu đảo chánh, giới tướng lãnh VN chỉ thông báo cho Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trước 4 phút, và sau đó cắt đứt điện thoại với các cố vấn quân sự. Vào ngày 2 tháng 11, ngày anh em Tổng Thống Diệm bị giết, các giới chức Hoa Kỳ như Bộ Trưởng Robert McNamara, Phụ Tá An Ninh Michael V. Forrestal, sử gia Arthur M. Schlesinger, Jr. đều cho biết TT Kennedy vô cùng “sốc” khi nghe tin TT Diệm bị giết. Sử gia Howard Jones nhận định rằng sự xúc động của TT Kennedy lúc ấy cho thấy Hoa Kỳ đã không tiên liệu được diễn tiến cuộc đảo chánh.

Chúng tôi không bình luận chế độ TT Diệm độc tài hay dân chủ, Phật Giáo nổi dậy đúng hay sai, chỉ thuần túy đưa ra những dữ liệu từ phía Hoa Kỳ để có thể thấy rằng Hoa Kỳ không chủ trương giết TT Diệm, và TT Diệm không phải bị Hoa Kỳ lật đổ vì chống lại việc Hoa Kỳ đưa quân qua VN.

Quan điểm đảng Dân Chủ thiên tả, không chống Cộng cũng hoàn toàn trái ngược với lập luận “giết anh em TT Diệm vì TT Diệm chống đưa quân qua VN.” Nếu không chống Cộng, và thiên tả, thử hỏi chính phủ Kennedy đòi đưa quân qua VN làm để làm gì? Trên 500,000 quân Hoa Kỳ đã được đưa qua VN trong thời TT Johnson để làm gì?

Đi ngược lại lịch sử Hoa Kỳ xa hơn, Từ Thế Chiến Thứ 2 đến nay, Hoa Kỳ đã trải qua 14 đời tổng thống. Tổng Thống Franklin Roosevelt (1932-1945), TT Harry Truman (1945-1952) đều là Dân Chủ và họ đã cầm quyền Hoa Kỳ trong thời gian quan trọng nhất của lịch sử, của Thế Chiến, quan trọng nhất trong Chiến Tranh Lạnh. Tại sao lại có thể kết luận Dân Chủ thiên tả, thân Cộng? Những sự kết luận như vậy có cần phải suy gẫm lại hay không?

Cho rằng Phong Trào phản chiến Mỹ đã làm cho Hoa Kỳ phải bỏ VN hoàn toàn đúng, nó là một trong nhiều yếu tố quan trọng, nhưng Phong Trào Phản Chiến Mỹ có phải là do đảng Dân Chủ đứng đàng sau và chủ trương hay không?

Phong trào phản chiến Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1965 với những nhóm sinh viên thiên tả, thân Cộng và quan trọng nhất là tổ chức Students for a Democratic Society (SDS). Có thể vì cái tên có chữ Democratic này nên nhiều người Việt cho rằng phong trào phản chiến là phong trào do đảng Dân Chủ giật dây. Năm 1965 là năm Hoa Kỳ ồ ạt đưa quân qua VN. Thử hỏi có thể có tình trạng đảng cầm quyền trong lúc đưa quân qua VN lại cùng lúc thúc đẩy phong trào phản chiến để chống lại chính họ hay không?

Phong trào phản chiến manh nha từ năm 1965 đã lên mạnh nhất vào năm 1968, nhất là sau Tết Mậu Thân. Cộng Sản đã thất bại thê thảm trong Tết Mậu Thân, khoảng 45,000 bộ đội Bắc Việt và du kích Mặt Trận Giải Phóng bỏ xác tại trận địa, trên 7,000 bị bắt sống, nhưng vụ tấn công này cũng đã gây phản ứng tiêu cực đối với chiến tranh VN của người Mỹ. Theo thăm dò của Gallup trong tháng 3, 1968, chỉ có 30% dân chúng ủng hộ TT Johnson và chỉ có 6% chấp thuận cách thức tổng thống đối phó với CSVN. Tham gia biểu tình chống chiến tranh VN bấy giờ còn có hội Vietnam Veterans Against the War, họ đi xe lăn biểu tình, ném huy chương xuống đường phố. Phong trào phản chiến này đã làm cho TT Johnson phải tuyên bố không ra tranh cử.

TT Nixon đã đắc cử với lời hứa chấm dứt chiến tranh VN trong danh dự, “Peace With Honor.” Qua nhiều kế hoạch như Việt Nam Hóa Chiến Tranh, cải sửa luật động viên, tấn công các căn cứ quan trọng của CS, đường mòn Hồ Chí Minh, mở rộng chiến tranh qua Lào, Cam Bốt để buộc Hà Nội phải nghiêm chỉnh trong bàn hòa đàm, tạo điều kiện rút quân, nhưng ông ta cũng phải mất bốn năm mới ký Hiệp Định Paris. Tuy nhiên, Hiệp Định Paris 1973 đã được coi chỉ là một hình thức giữ thể diện, “face-saving” cho Hoa Kỳ, không cần nghĩ tới sự sống còn của Miền Nam. VNCH mất vào ngày 30/4/75.

Miền Nam mất khi đảng Cộng Hòa cầm quyền, trong lúc TT Ford đã thay thế TT Nixon vì vụ Watergate, nhưng cũng không thể kết luận đảng CH không chống CS. Họ chỉ phải theo lòng dân Hoa Kỳ để có thể hy vọng được tiếp tục đắc cử, cầm quyền. Chỉ tội nghiệp cho dân tộc VN.

Với chúng tôi, hệ thống lưỡng đảng Hoa Kỳ là một hệ thống ưu việt, hai đảng đều có bề dày lịch sử, bổ túc nhau, thay phiên nhau đưa đất nước đi lên.

Phải thấy rõ các ứng cử tổng thống Hoa Kỳ trong lúc tranh cử cố gắng tranh luận, bênh vực chủ trương của họ, nhưng khi có kết quả, thì chúc mừng nhau, không chỉ trích nhau. Vào ngày 19 tháng 11, 2013, trong chương trình Tonight Show của Jay Leno, khi được hỏi tại sao ông ta không công khai bình luận gì về chính phủ Obama, Tổng Thống George W. Bush trả lời: "I don't think it's good for the country to have a former president criticize his successor. – Tôi không nghĩ tốt cho đất nước khi một cựu tổng thống chỉ trích người kế nhiệm."

Tinh thần không chỉ trích nhau giữa các tổng thống Hoa Kỳ đã tạo sự thân thiện, cộng tác nhau trong các công tác chung. Vào ngày 2 tháng 5, 2011, TT Obama đã gọi điện thoại thông báo Osama bin Laden bị giết cho TT George W. Bush và lần tưởng niệm vụ 911 lần thứ 10, hai vị cựu TT và đương nhiệm đã cùng tham dự buổi lễ. Vào ngày 7 tháng 9, 2017, năm vị cựu tổng thống Hoa Kỳ gồm Jimmy Carter, George H.W. Bush, George W. Bush, Bill Clinton và Barack Obama đã họp nhau để cùng kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão Harvey và Irma. Thử hỏi nếu Dân Chủ là đảng phá hoại nước Mỹ như nhiều cây bút người Việt diễn tả thì các vị cựu TT Cộng Hòa có thể gặp và thân thiện với các TT Dân Chủ hay không? Những nhà báo Việt có thể nói báo chí Hoa Kỳ không đứng đắn, không trung thực, nhưng thử hỏi các nhà sử học Hoa Kỳ, các cơ quan chính trị xã hội Hoa Kỳ cũng “điên rồ” đến độ đánh giá rất cao công trạng Tổng Thống Bill Clinton và Barack Obama đối với nước Mỹ hay sao? Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt rất yêu nước Mỹ, nhưng không thể tự cho rằng các nhà báo Hoa Kỳ, các sử gia Hoa Kỳ, các nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ, những người Mỹ thực sự đã không yêu nước Mỹ bằng người Mỹ gốc Việt.

Chúng tôi không bác bỏ hay chống lại quan điểm nào. Ủng hộ đảng này hay ủng hộ đảng kia là quyền tự do của mọi công dân Hoa Kỳ, mọi người phải tôn trọng quyền tự do đó. Tuy nhiên, chúng tôi phân vân tự hỏi trải qua mấy chục năm sau khi VNCH mất, cái nhìn của người Việt đối với chiến tranh VN đã thực sự khách quan chưa? Đã đúng chưa? Và, việc chuyên cầm bút đả kích đảng Dân Chủ của người Việt có cần thiết, có lợi gì cho cộng đồng người Việt hay không? (hv)

----------------------------------

XEM THÊM

Huệ Vũ
Thursday, 22/02/2018 - 08:54:12

Ngày 19 tháng 2, nhằm ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất vừa qua, là ngày lễ Tổng Thống Hoa Kỳ, và trong ngày này, The 2018 Presidents & Executive Politics Presidential Greatness Survey công bố bảng kết quả thăm dò của họ đối với 44 vị tổng thống Hoa Kỳ. Tổng Thống Donald Trump là vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhưng trên danh sách đánh giá thứ tự chỉ có 44, vì Tổng Thống Grover Cleveland đã giữ hai nhiệm kỳ không liên tục, là vị tổng thống thứ 22 và 24.

Hình : Tổng thống nào cũng muốn cho đất nước Mỹ được khá hơn. Trong hình là ông Donald Trump được ông Barack Obama tiếp chuyện trong buổi gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc cuối năm 2016. (Getty Images)

The 2018 Presidents & Executive Politics Presidential Greatness Survey (Thăm Dò Sự Vĩ đại Của Tổng Thống và Chính Trị Hành Pháp Năm 2018) đã gởi thơ cho các nhà chính trị, các cựu nhân viên tên tuổi hay tại chức trong ngành Hành Pháp, các cơ quan khoa học chính trị, các tổ chức khoa học chính trị hay xã hội, các chuyên viên chính trị xã hội, để thu nhận số điểm họ đánh giá các vị tổng thống. Điểm đánh giá cho từ 0 đến 100. Bảng phúc trình số điểm do Giáo sư Brandon Rottinhaus của Trường Đại Học Houston và Giáo sư Justin S. Vaughn của Trường Boise State University cho phép công bố.

Theo bản phúc trình, Tổng Thống Abraham Lincoln được 93.05 điểm vẫn giữ hạng nhất, Tổng Thống George Washington (92.59) vẫn giữ hạng nhì, Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt hạng ba (89.09), Teddy Roosevelt hạng tư (81.39), Thomas Jefferson hạng năm (79.54), Tổng Thống Harry Truman hạng sáu (75.15), Tổng Thống Dwight Eisenhower hạng bảy (75.43).

Số thứ tự của các vị Tổng thống nói trên gần như luôn không thay đổi, nhưng điều đặc biệt đáng chú ý là Tổng Thống Barack Obama từng được xếp hạng thứ 18 trong The 2014 Presidents & Executive Politics Presidential Greatness Survey đã được nhảy rào 10 bậc, lên đứng hàng thứ tám với 71.13 điểm, Tổng Thống Ronald Reagan đứng thứ 11 trong Survey năm 2014 nhảy lên hai bậc đứng hàng thứ 9 (69.25), Tổng Thống Lyndon Baines Johnson từ hạng 12 nhảy lên hạng 10 (69.06). Tổng thống Bill Clinton đứng hạng tám năm 2014, rớt xuống hạng 13 (64.25), Tổng Thống George H.W. Bush (cha, TT thứ 41) vẫn giữ nguyên vị trí 17 (60.9), George W. Bush (con – TT thứ 43) từ 35 nhảy lên vị trí thứ 30 (40.42 điểm)… đứng cuối cùng bản danh sách là Tổng Thống Donald Trump với 12.34 điểm.

Như vậy, Tổng thống Barack Obama đã lọt vào trong danh sách TOP 10 của các tổng thống Hoa Kỳ và Tổng Thống Donald Trump là vị tổng thống tồi tệ nhất.

Chấm điểm của The 2018 Presidents & Executive Politics Presidential Greatness Survey có thể không hoàn toàn đúng. Nhưng, cách nay một năm, vào ngày 17 tháng 2, 2017, các sử gia Hoa Kỳ đã xếp TT Obama đứng thứ 12 trong danh sách tổng thống giỏi của Hoa Kỳ, xếp hạng ba trong lãnh vực theo đuổi công bằng cho mọi người (justice for all) xếp hạng bảy trong lãnh vực quyền lực đạo đức (moral authority) và hạng 10 về quản trị kinh tế và thuyết phục công chúng (economic management and public persuasion.) Như vậy, kết quả của The 2018 Presidents & Executive Politics Presidential Greatness Survey và xếp hạng của sử gia Hoa Kỳ, không sai biệt nhau bao nhiêu.

Trong lúc có quá nhiều người Việt viết báo lên án, cho rằng Obama phá hoại nước Mỹ, thì sử gia, chuyên gia chính trị Hoa Kỳ đã đặt vị Tổng Thống Mỹ Đen bị lên án, bị đả kích vào một vị trí vô cùng trân trọng.

Đánh giá của sử gia Hoa Kỳ, kết quả chấm điểm của The 2018 Presidents & Executive Politics Presidential Greatness Survey có thể làm cho những nhà báo Việt Nam trong suốt năm qua hết lời ca tụng Tổng Thống Donald Trump và đánh phá Obama bất mãn. Họ có thể cho rằng những nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ là những “tên phản động,” bọn phá hoại nước Mỹ, không yêu nước. Như có người từng viết “Đảng Dân Chủ Âm Mưu Hủy Diệt Nước Mỹ Trong 16 Năm.” Đại ý của bài viết là nếu ông Trump không đắc cử để cứu nước Mỹ, bà Clinton lên làm tổng thống sẽ tiếp gót Obama hủy diệt quốc gia Hoa Kỳ! Và cũng có nhiều ông viết bài tuyên bố ông Obama, đảng Dân Chủ phá hoại nước Mỹ, làm kinh tế sụp đổ, đưa ra các con số phúc trình kinh tế gian dối, mị dân, v.v. và v.v.

Tôi là người không học hành nhiều, tuổi cũng đã già, dĩ nhiên không sáng suốt như những người VN viết báo khác. Nhất là các vị có học hàm tiến sĩ, nhưng một điều mà tôi luôn luôn không hiểu nổi là những nhà báo VN cứ “kết tội” đảng Dân Chủ phá hoại nước Mỹ, làm nước Mỹ suy yếu đã lấy tin tức, dữ liệu từ những nguồn thông tin nào để viết bài.

Khi họ cho rằng báo chí Hoa Kỳ chỉ đăng các tin fake, không đứng đắn, tin sai, thì họ có những nguồn thông tin, cung cấp dữ liệu riêng hay không? Những nguồn thông tin của họ chắc phải ưu việt hơn báo chí Hoa Kỳ và những tờ báo lớn của thế giới! Một điều tôi cũng luôn luôn luôn phân vân và không hiểu nổi là vì sao, lý do gì những người này yêu nước Mỹ quá như thế, yêu nước Mỹ hơn người Mỹ, yêu nước Mỹ hơn 92 triệu đảng viên đảng Dân Chủ, hơn cả gần 60% dân chúng Mỹ (theo Poll của Gallop ngày 19-2, 59% disapprove Trump).

Với cái trí hạn hẹp của tôi, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có một vài chủ trương khác biệt, nhưng đảng nào cũng muốn làm cho nước Mỹ giàu mạnh cả. Là công dân Hoa Kỳ, mọi người tùy theo quan điểm của mình có thể bầu cho ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa, như người chống phá thai có khuynh hướng bầu cho CH, người mong kiểm soát súng bầu cho DC v.v. và v.v.

Sống ở Mỹ gần 40 năm, từng viết báo, làm báo, đọc báo, tôi chưa thấy một người Việt Nam nào theo đảng Dân Chủ viết bài đả kích đảng CH, cho rằng CH phá hoại nước Mỹ cả, thế nhưng tại sao lại luôn có cái khuynh hướng ngược lại trong giới cầm bút người Việt? Đây là hiện tượng tốt hay xấu?

Tưởng cũng nên biết rằng, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, tỷ số cử tri người Việt bỏ phiếu cho ông Trump là 32%, bỏ phiếu cho bà Clinton là 65%, vậy con số 65% này chắc “thiếu kiến thức” không yêu nước Mỹ và yêu VN bằng con số 32%! Tưởng cũng nên biết con số cử tri người Việt đang đang theo Dân Chủ là 39%, theo Cộng Hòa là 27% và 31% không theo đảng nào. Tôi là một người trong số 31% và tôi cũng muốn nước Mỹ luôn luôn giàu mạnh. Con tôi ở Louisiana theo CH, ở Boston theo DC và tôi thấy rằng chúng đều yêu nước Mỹ cả, đều mong muốn nước Mỹ giàu và đẹp!

Tôi kính trọng những người Việt đang theo đảng Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, người Việt tham gia vào hai đảng chính trị Hoa Kỳ sẽ góp phần bảo vệ cho tiếng nói người Việt, nguyện vọng của người Việt trên đất nước này và có thể tạo được một sự can thiệp mạnh đối với người đấu tranh trong nước. Tôi mong rằng việc chống phá nhau trong cộng đồng đang giảm dần thì việc ra sức đả phá đảng Dân Chủ, Tổng Thống Obama, Tổng Thống Bill Clinton cũng giảm dần theo năm tháng.

Năm mới chúc các nhà báo VN có một cái nhìn rõ ràng hơn về các vị tổng thống Hoa Kỳ và đảng Dân Chủ. Những vị nào thấy bài viết này của tôi không đúng, “bá láp” xin tha thứ, coi như tiếng nói của một ông già lú lẫn.
(hv)







No comments: