Trọng Nghĩa – RFI
Đăng
ngày 06-12-2017
Khi loan báo việc
công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tổng thống Mỹ Donald chỉ công nhận một
tình trạng đã tồn tại trong thực tế, nhưng hành động này có nguy cơ làm đổ vỡ
tiến trình hòa bình mà chính quyền của ông đang muốn thúc đẩy, thậm chí càng
làm cho vùng Cận Đông bùng nổ trở lại.
Cờ Mỹ và Israel trước
đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tel Aviv, ngày 05/12/2017REUTERS
Theo
ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, hiện nay, Nhà nước Do Thái đã mặc nhiên chiếm hữu
Jerusalem và chọn nơi này làm thủ đô của mình. Văn phòng của thủ tướng Israel
Netanyahu, nhiều định chế Nhà nước như Quốc Hội, Toà Án Tối Cao hay bộ Ngoại
Giao đều đã đặt trụ sở tại đấy. Khi đến thăm Israel, tất cả các lãnh đạo thế giới
đều lập tức đến Jerusalem để tiếp xúc với các quan chức Israel.
Thế
nhưng, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel lại mang một ý nghĩa biểu
tượng sâu sắc, cho thấy rằng Hoa Kỳ thiên hẳn về phía Israel, đi ngược lại quan
điểm chung của thế giới, vốn không hề công nhận việc Israel đơn phương chiếm
đóng phần phía đông của thành phố này vào năm 1967, và cho rằng quy chế tối hậu
của thành phố mà cả Israel lẫn Palestine đều muốn làm thủ đô của mình, phải được
giải quyết thông qua đàm phán giữa hai bên liên quan.
Từ
khi nhậm chức, Donald Trump đã cố thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Israel
và Palestine, và đầu tư rất nhiều nỗ lực để đặt nền tảng cho một sáng kiến hòa
bình mà ông
thường gọi là “thỏa thuận tối hậu”. Con rể của ông đồng thời
là cố vấn thân cận của ông là Jared Kushner đang cố thực hiện kế hoạch đó,
trong lúc một phụ tá thân cận của ông là Jason Greenblatt, đã liên tục làm con
thoi trong khu vực để đàm phán với Israel, Palestine và các nước Ả Rập khác.
Thế
nhưng, Palestine đã từng cảnh báo rằng việc thay đổi quy chế của Jerusalem đồng
nghĩa với việc phá vỡ những nỗ lực hòa bình mà Mỹ đang tiến hành, đồng thời lưu
ý về nguy cơ dân Palestine biểu tình chống lại một quyết định bất công và thiên
vị, với khả năng bạo động trở nên toàn diện.
Nguy
cơ bạo động rất lớn vì lẽ cho đến nay, các vụ bạo động giữa người Palestine và
Israel đều chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề Jerusalem. Trong thời gian qua, các nhóm
Hồi Giáo cực đoan như Al Qaeda, Hezbollah hay Hamas đều dùng vấn đề Jerusalem để
kích động tinh thần chống Israel và bài Mỹ.
Lãnh
tụ phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, Ismail Haniyeh, đã lên tiếng cảnh cáo rằng
người Palestine khắp nơi sẽ không bỏ qua và sẽ dùng “mọi phương thức để bảo
vệ lãnh thổ và thánh địa của mình”.
Khi
từ bỏ thái độ trung lập, ít ra là trên mặt hình thức, trong cuộc tranh chấp
Israel-Palestine, tổng thống Trump cũng đã mặc nhiên đi ngược lại mong muốn
chung của thế giới, và phớt lờ những khuyến cáo của các đồng minh châu Âu hay Ả
Rập.
Không
được sự đồng tình của các nước Ả Rập, tiến trình hòa bình mà ông Trump muốn
thúc đẩy bị cho là đã bị thất bại ngay từ trong trứng nước.
Theo
các nhà phân tích, khi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng
thời tiến đến việc di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv qua Jerusalem, tổng thống
Trump đã thực hiện một lời hứa lúc tranh cử, thỏa mãn giới cử tri đã ủng hộ
ông, thế nhưng ông đã làm cho Mỹ bị cô lập thêm, và làm cho triển vọng hòa bình
ở vùng Trung Đông thêm xa vời.
------------------------
BBC Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment