03/11/2017
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương vừa báo cáo
với Quốc hội Việt Nam rằng tất cả các cá nhân trong Hội đồng Thành viên của Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn từ 2006 đến 2015, Hội đồng Quản trị của Tổng
Công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) giai đoạn từ 2008 đến 2014 đều đã bị kỷ luật
(hoặc… phê bình nghiêm khắc, hoặc… kiểm điểm rút kinh nghiệm). Cũng theo ông
Anh thì bộ này đang “khẩn trương xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với
các tập thể và cá nhân của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)”.
Nói cách khác, về cơ bản, Bộ Công Thương sắp hoàn tất
việc “xem xét, xử lý” những tập thể và cá nhân đã được xác định là liên đới về
trách nhiệm đối với 12 “đại dự án” trị giá 63.610 tỉ (trong đó 14.350 tỉ là vốn
do ngân sách cấp, 47.000 tỉ là tiền vay của cả ngoại quốc lẫn hệ thống ngân
hàng Việt Nam), song hiện nay, vốn do ngân sách cấp chỉ còn khoảng 27% (3.956 tỉ).
Bộ Công Thương không cho biết khoản nợ mà 12 “đại dự án” tạo ra hiện còn bao
nhiêu ngàn tỉ chưa thanh toán mà chỉ xác định đến giờ, lỗ lũy kế của 12 “đại dự
án” là 16.126 tỉ!
Vào lúc này, một nửa trong 12 “đại dự án” đang vận
hành (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai, Đạm DAP 2 Hải Phòng, Đóng
tàu Dung Quất, Thép Việt Trung) tiếp tục khiến mức độ thua lỗ gia tăng, 25%
(Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ)
đã ngưng hoạt động để… kiềm chế mức độ thua lỗ, 25% còn lại (Nhiên liệu sinh học
Phú Thọ, Bột giấy Phương Nam, Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2) bỏ dở không
đầu tư thêm vì… thiếu vốn! Dẫu hậu quả của 12 “đại dự án” đối với nền kinh tế
Việt Nam được xác định là “rất nghiêm trọng” nhưng việc Bộ Công Thương “xem
xét, xử lý” những cá nhân có trách nhiệm liên đới rõ ràng là “rất có tình”!
***
Tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Công Thương từng làm công chúng Việt Nam choáng váng khi chính thức thừa nhận, bộ này có năm “đại dự án” biến 30.000 tỉ đồng thành… rác.
“Đại dự án” thứ nhất là Đạm Ninh Bình (Ninh Bình) do
Vinachem làm chủ đầu tư, sau khi ngốn hết 12.000 tỉ đồng, từ 2013 đến nay, mỗi
năm Đạm Ninh Bình lỗ thêm khoảng 2.000 tỉ đồng.
“Đại dự án” thứ hai là Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) do
PVN làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 7.000 tỷ đồng. Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã
ngưng hoạt động vì nếu ráng vận hành sẽ gây thiệt hại trầm trọng hơn.
“Đại dự án” thứ ba là Nhiên liệu sinh học Dung Quất
(Quảng Ngãi) cũng do PVN làm chủ đầu tư. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất
cũng đã ngưng hoạt động sau khi ngốn hết 2.200 tỉ đồng để kiềm chế thua lỗ.
“Đại dự án” thứ tư là công trình mở rộng Gang thép
Thái Nguyên giai đoạn 2 (Thái Nguyên) do Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO)
làm chủ đầu tư. Công trình này ngốn hết 8.000 tỉ đồng rồi bỏ dở suốt mười năm
qua. Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) – nhà thầu chính vẫn đang đòi
TISCO thanh toán 1.200 tỉ đồng do vi phạm hợp đồng.
“Đại dự án” thứ năm là Bột giấy Phương Nam (Long An)
do Công ty Phát triển công nghiệp và vận tải làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết
3.000 tỉ đồng, công trình này bị bỏ hoang suốt mười năm qua vì không thể vận
hành.
Vào thời điểm đó, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công
Thương, lưu ý thêm rằng, “còn một số ‘đại dự án’ khác tiềm ẩn nguy cơ không hiệu
quả, mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như của xã hội” nhưng công
chúng không bận tâm vì năm “đại dự án” vừa kể đã đủ làm họ choáng.
Đến tháng 5 năm nay, Bộ Công Thương công bố thêm bảy
“đại dự án” nữa cũng thuộc lọai không hiệu quả, vừa làm mất vốn, vừa khiến nợ nần
gia tăng. Lần này, Bộ Công Thương không đi vào chi tiết mà chỉ gộp bảy “đại dự
án” ấy vào năm “đại dự án” thuộc loại “trời ơi” đã đề cập trước đó.
Có một điểm đáng chú ý là dù đã ngốn của quốc gia
khoảng 63.610 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng
47.000 tỉ nhưng 12 chưa phải con số cuối cùng về các “đại dự án”. Hôm 24 tháng
10, khi thảo luận với Tổ Đại biểu Quốc hội của tỉnh Nghệ An về tình hình kinh tế,
xã hội và ngân sách năm nay, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, bật
mí, con số “đại dự án” mất vốn, thua lỗ hiện “đã hơn 40”. Tuy
nhiên ông Phớc không cho biết thêm, tổng số tiền đã bị biến thành rác và tổng số
nợ mà “hơn 40 đại dự án” này để lại là bao nhiêu!
***
Nếu không có “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì sẽ không xảy ra tình trạng bơm toàn bộ nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tất nhiên sẽ không có các “đại dự án”, hệ thống doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam không bị đối xử như con hoang, không suy kiệt, không phá sản hàng loạt, kinh tế Việt Nam không bi đát như hiện nay.
Có thể vì vậy việc xử lý các cá nhân trong Hội đồng
Thành viên của PVN giai đoạn từ 2016 đến 2015, Hội đồng Quản trị của Vinatex
giai đoạn từ 2008 đến 2014 và sắp tới là Hội đồng Thành viên của Vinachem đã
cũng như sẽ rất… khẽ! Làm sao có thể xử lý những cá nhân này “tới nơi, tới chốn”
khi các “đại dự án” là con đẻ từ chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng CSVN nhiều khóa, được chính các Tổng Bí thư xiển dương?
Đáng ngạc nhiên là thực trạng kinh tế - xã hội Việt
Nam chưa đủ để giới lãnh đạo Đảng CSVN hồi tỉnh.
Ngày 28 tháng 10, Tạp chí Cộng sản đăng bài “Thời kỳ
phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của ông Nguyễn Linh Khiếu, một
Phó Giáo sư có học vị Tiến sĩ về Triết học Mác Lênin. Tuy vẫn khăng khăng khẳng
định Đảng CSVN cần duy trì độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, không phân chia quyền lực cho bất cứ lực
lượng chính trị nào khác nhưng trong “Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam”, ông Khiếu nhìn nhận: Hệ thống lý luận xây dựng chủ
nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết trước đây đã lỗi thời, không phù hợp
với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại. Cho dù nhiều
quốc gia còn bất ổn, đời sống còn rất khó khăn nhưng đa số dân chúng
ở các quốc gia từng hăm hở đi theo chủ nghĩa xã hội không muốn quay trở
lại với mô hình đó nữa. Ông Khiếu nói thêm, “chủ nghĩa xã hội như đã tồn
tại trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống nhân loại”.
Dẫu Đảng CSVN tuyên bố sẽ xây dựng “kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam nhưng ông Khiếu cho rằng cái gọi
là “định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn chưa định hình vì còn “đang trong thời kỳ
phát triển”. Do Việt Nam vẫn còn trong “thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ
nghĩa” nên ông Khiếu khuyến cáo, các chủ trương phải phát xuất từ tình hình cụ
thể và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nếu không, “các chỉ thị, nghị quyết không phù
hợp với thực tiễn sẽ không đạt được hiệu quả” và “xa lạ đối với tâm tư nguyện vọng
của nhân dân” nên “người dân sẽ không tích cực tham gia vào các chương trình, kế
hoạch phát triển đất nước”.
Cho dù còn nhiều điểm cần thảo luận thêm nhưng so với
những bài viết khác trên Tạp chí Cộng sản, “Thời kỳ phát triển định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam” của ông Khiếu vẫn đáng chú ý vừa vì lai lịch của người viết,
vừa vì nơi công bố nó. Nhiều người tán thành nhận định của ông Trần Hữu Dũng
(nhân vật thực hiện trang viet-studies), đó là một “bài viết… có suy nghĩ”,
“không nhai đi, nhai lại giáo điều”.
Phải chăng “cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng CSVN” bắt đầu nghĩ khác, bắt đầu “nhận thức lại? Câu trả lời
là… còn khuya! Chỉ hai ngày sau, hôm 30 tháng 10, Tạp chí Cộng sản tự ý đục bỏ
“Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
Di họa của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa” sẽ không chỉ là hậu quả nghiêm trọng của các “đại dự án”!
No comments:
Post a Comment