Thạch Đạt Lang
2-11-2017
Tôi biết đến Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà (Ngà
Voi) khoảng vài tuần nay. Đọc những ý kiến của cô trên Facebook, tôi nhận ra
đây là một người phụ nữ trẻ, thông minh, có óc quan sát, nhận định với những
phân tích rất sắc sảo, tổng hợp, đúc kết hợp lý về nhiều phương diện, hơn thế nữa
cô là một người có tấm lòng vô cùng nhân hậu. Tôi đồng ý với rất nhiều những nhận
định của cô, một đôi khi không đồng ý về một stt nào đó, tôi cũng không góp ý,
phản biện, vì thấy không quan trọng hay cần thiết phải lên tiếng.
Tuy nhiên lần này, khi Bích Ngà viết stt về Hội Cờ Đỏ
trên facebook, báo Tiếng
Dân đăng lại, tôi thấy có một số điểm cần phải phản bác, vì có một số
điểm cô Ngà có thể nhận định sai lầm hoặc có dụng ý nào khác tôi không biết.
Tôi dùng chữ “có thể” vì đây cũng chỉ là ý kiến, quan điểm riêng. Xin trích và
phản biện lại những điểm không đồng ý trong bài viết của cô Bích Ngà.
Trích: “Việc một nhóm người trong xã hội liên kết để thành lập ra Hội Cờ Đỏ
là điều tất yếu xảy ra khi mâu thuẫn xã hội ngày càng lớn”. Đoạn mở đầu
này, Bích Ngà đã lập luận đúng nhưng thiếu, vì hiện nay trong xã hội Việt Nam
chỉ có một mâu thuẫn duy nhất ngày càng lớn, đó là mâu thuẫn lợi ích giữa người
dân với nhà cầm quyền cộng sản, bao gồm đảng viên, cán bộ, viên chức cùng các
tài phiệt mafia đỏ khống chế xã hội về tất cả mọi phương diện từ kinh tế, giáo
dục đến y tế, quốc phòng…
Dưới chế độ CSVN, việc thành lập một tổ chức, đảng
phái, hội đoàn… sẽ không thể thực hiện nếu mục đích thành lập không phục vụ cho
ích lợi của đảng cộng sản hoặc của chính quyền hay khi chế độ cảm thấy việc
thành lập nguy hiểm cho sự tồn vong của họ. Việc công khai tụ họp với khoảng
700 người từ khắp nơi trên đất nước về giáo xứ ở xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An
mà không phải là nơi nào khác, chứng tỏ rằng mục đích của Hội Cờ Đỏ là gây chiến với giáo dân tại đây.
Cuộc tụ họp này chắc chắn sẽ bị dẹp tan ngay từ đầu
nếu không có sự chấp thuận, yểm trợ của chế độ. Hình ảnh của cuộc tụ họp với hội
trường che bằng dù, có sân khấu, bàn ghế, micro, loa phóng thanh… chứng tỏ rằng
sự tụ họp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ A tới Z và nhà cầm quyền cộng sản chí ít
là ngó lơ.
Trích: “Tôi (tạm) xét đến yếu tố chân thực nhất, họ là những người dân tham
gia vào Hội cờ đỏ một cách tự nguyện theo tiêu chí bảo vệ an ninh tổ quốc, chống
phản động”. Không hiểu cô Bích Ngà có trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với
những hội viên Hội Cờ Đỏ, tìm hiểu về mục đích, nguyên nhân tụ tập ở Quỳnh Lưu,
Nghệ An để từ đó có thể đưa ra nhận định rằng, họ tự nguyện tham gia hội theo
tiêu chí bảo vệ an ninh tổ quốc, chống phản động và đó chính là yếu tố chân thực
nhất? Những linh mục, giáo dân ở Quỳnh Lưu đã làm gì nguy hại cho an ninh tổ quốc
và phải định nghĩa thế nào là phản động để những người trong Hội Cờ Đỏ phải
hung hăng, gào thét, chửi bới, nhục mạ… hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn
Đình Thục?
Trích: “Nhìn vào số lượng, ta thấy gì? Toàn bộ những người dân ở đó là
những người ‘ngu xuẩn, bị nhồi sọ, điên khùng…’ chăng? Thưa không. Họ có những
mâu thuẫn, xung đột với: các cuộc biểu tình, các hội nhóm xã hội dân sự, các cá
nhân đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, các tổ chức giáo, hội nhóm chính trị…”
Căn cứ vào đâu để cô Bích Ngà cho rằng những người
trong Hội Cờ Đỏ có những mâu thuẫn, xung đột với các cuộc biểu tình, các hội
nhóm xã hội dân sự, các cá nhân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền…? Những mâu
thuẫn đó ra sao, nặng nề đến mức độ nào để có thể dẫn tới xung đột? Không thấy
cô Bích Ngà giải thích.
Để giải quyết ổn thỏa, ôn hòa một cuộc đối đầu, xung
đột người ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ gây ra sự mâu thuẫn. Những
người trong Hội Cờ Đỏ có phổ biến mục đích, cương lĩnh, điều lệ, tôn chỉ… của họ
hay không hay chỉ là sự tụ họp của một nhóm người bị kích động, xỏ mũi, dẫn dắt
bởi những người cuồng đảng, cuồng Hồ như Trần Nhật Quang, Hoàng Thị Nhật Lệ…? Nếu
mâu thuẫn với các cá nhân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tổ chức giáo, hội
chính trị… tại sao Hội Cờ Đỏ không đặt thẳng vấn đề với các cá nhân đấu tranh
cho dân chủ, nhân quyền… mà lại kéo về Quỳnh Lưu?
“Mâu thuẫn, xung đột ở đây lại chia ra theo: ngành
nghề, quan điểm chính trị, tôn giáo, niềm tin mà đa phần lợi ích gắn liền theo
sau đó. Quá nhiều người có mâu thuẫn và sẳn sàng hành động để đối chọi với các
nhóm mâu thuẫn khác. Họ tham gia hội với nhiều bức xúc khác nhau nhưng có cùng
mục đích: trở thành một lực lượng đồng nhất niềm tin để đối chọi với lực lượng
mà họ cho là phá hoại an ninh tổ quốc”.
Không bàn đến viêc giáo dân các tỉnh Nghệ An, Hà
Tĩnh… dưới sự dẫn dắt của các linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục biểu tình
đòi hỏi sự bồi thường thiệt hại hoặc đóng cửa nhà máy Formosa là đúng hay sai,
chỉ muốn hỏi Bích Ngà, những cuộc biểu tình của giáo dân gây thiệt hại gì cho
những người trong Hội Cờ Đỏ trên cả nước để họ tụ tập về Quỳnh Lưu uy hiếp giáo
dân tại đây?
Khi lập luận rằng lợi ích gắn liền với những mâu thuẫn
xung đột vì nghành nghề, quan điểm chính trị, tôn giáo, niềm tin… cô Bích Ngà
đã ngụy biện. Mâu thuẫn về quan điểm chính trị, tôn giáo thì có thể nhưng đó chắc
chắn không phải là lý do để Hội Cờ Đỏ tụ tập về Sơn Hải, Quỳnh Lưu nơi các linh
mục và giáo dân biểu tình, tranh đấu, đòi hỏi quyền lợi của họ. Ngành nghề nào
bị thiệt hại vì mâu thuẫn hay bị va chạm khi giáo dân ở Quỳnh Lưu biểu tình?
Đánh bắt, xuất cảng hải sản hay trồng lúa, cây ăn trái, du lịch, thương mại,
giáo dục, y tế…? Ngành nghề nào ở trên cả nước chỉ có khoảng 700 người và ai là
người có thể kêu gọi, kết hợp, tụ họp được họ ngoài Trần Nhật Quang với sự hậu
thuẫn của chính quyền cộng sản?
Việc nhà máy thép Formosa xả thải gây ra thảm họa
kéo dài 240 km qua 4 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế là chuyện
không thể phủ nhận. Hàng trăm ngàn người đã thất nghiệp vì mất môi trường mưu
sinh, kéo theo vài trăm ngàn người khác phải chuyển đổi ngành, nghề. Mâu thuẫn
giữa chế độ CS với người dân ở 4 tỉnh miền Bắc Trung Phần ngày càng lớn là vì họ
không thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.
Thay đổi khái niệm mâu thuẫn giữa chế độ CS với giáo
dân Quỳnh Lưu thành mâu thuẫn xã hội giữa các ngành nghề, mâu thuẫn tôn giáo,
chính trị, hội đoàn… cho dù với ý tốt đi nữa cũng vô cùng tai hại và nguy hiểm.
Trích: “Họ tham gia hội với nhiều bức xúc khác nhau nhưng có cùng mục
đích: trở thành một lực lượng đồng nhất niềm tin để đối chọi với lực lượng mà họ
cho là phá hoại an ninh tổ quốc”.
Làm cách nào để cô Bích Ngà khẳng định điều trên?
Không ai có thể điều động được một tập thể 700 người đồng nhất, nếu trước đó
không có sự huấn luyện, đào tạo hoặc đã được đoàn thể hóa. Để chỉ huy, dẫn dắt
một đám đông 700 người xa lạ, chưa gặp nhau, phải có một khuôn mặt quen thuộc
đã được mọi người biết đến. Người chỉ huy, điều động hội viên Cờ Đỏ là ai, nếu
không phải là Trần Nhật Quang, một dư luận viên được cả nước biết tới?
Chẳng có bức xúc khác nhau nào ở đây ngoài những điều
đã được nhồi nhét vào đầu. Tách riêng từng người trong họ ra, chỉ cần vài câu hỏi
đơn giản, họ sẽ luống cuống không trả lời được.
Trích: “Đừng vội khinh thường họ, đừng vội bỉ bôi miệt thị niềm tin của họ,
đừng vội cho rằng họ là những con rối của chính quyền. Chính quyền không thể giật
dây kích động từng đó con người nếu như trong mỗi người họ không có trước sự
mâu thuẫn, xung đột với “thành phần phản động,” mà trong đó cả linh mục, giáo
dân, trí thức, người đấu tranh, người hoạt động xã hội…đều bị họ quy vào một mối
thù hằn. Hãy nhìn họ như một hội nhóm đối lập và cư xử với họ trên tinh thần
văn minh. Có thể không tôn trọng, nhưng chí ít là lịch sự tối thiểu của những
người làm chính trị thông minh.”
Đúng! Không ai có thể giật dây, kích động từng đó
con người nếu họ chưa được lập trình như những robot. Cũng không ai khinh thường
hay miệt thị niềm tin của họ, chỉ thương hại họ thôi. Trong điều kiện xã hội hiện
nay, khó lòng nhìn họ như một nhóm đối lập và cư xử trên tinh thần văn minh.
Bích Ngà có một tấm lòng quá nhân hậu, nhưng trong điều kiện xã hội khủng hoảng
như ở VN hiện nay, tôi tin rằng con người chỉ có thể cư xử trên tinh thần văn
minh tới một giới hạn nào đó.
Trích: “Tôi chúc mừng sự ra đời của Hội Cờ Đỏ, vì họ đã dũng cảm khẳng
định, thực hiện quyền công dân của mình: Tự do lập hội và tụ họp theo tinh thần
điều 25 hiến pháp”.
Không có điều gì chứng minh được sự dũng cảm của những
người thành lập Hội Cờ Đỏ. Muốn biết họ có dũng cảm hay không thì cần phải đối
thoại. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi biết những người trong Hội Cờ Đỏ sẽ không
bao giờ đối thoại khi phải đối thoại riêng lẻ từng người. Họ chỉ đối thoại khi
có số đông áp đảo.
Trích: “Tôi chúc mừng sự thành công của những người đấu tranh, vì sự
ra đời của Hội Cờ Đỏ là minh chứng tốt nhất cho chúng ta thấy việc phổ biến
nhân quyền, quyền công dân mà chúng ta thực hiện bao năm nay đã có kết quả rất
tốt đẹp. Rất nhiều người dân đã biết quyền của mình và tự đứng ra lập hội một
cách rầm rộ. Giỏi thay, hay thay!”
Không biết cô Bích Ngà có lạc quan tếu hay có ý gì
khác không nhỉ? Không biết, nhưng thấy viết cứ như thật. Tuy nhiên cũng xin cám
ơn cô Bích Ngà đã tạo cho tôi cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình về Hội Cờ Đỏ.
No comments:
Post a Comment