Tuesday, March 7, 2017

NƯỚC MỸ CÓ CÒN LÀ ĐẤT NƯỚC CỦA NGƯỜI NHẬP CƯ ? (Andrew Lam)





07/03/2017

Lá thư dưới đây được viết sau sự kiện 11/9. Tôi gửi lá thư ngỏ này tới người anh chị họ của tôi đang lo ngại về viễn cảnh di cư sang Mỹ. Nhưng tôi có cảm giác lá thư này đặc biệt có ý nghĩa vào lúc này, nên xin giới thiệu với quý vị bản cập nhật.

Anh chị thân mến,

Là người nhập cư  ở Mỹ lúc này thì thế nào? Anh chị hỏi rằng liệu nước Mỹ có còn là nơi đáng sống không và giấc mơ Mỹ còn khả thi không?

Những câu hỏi của anh chị làm tôi phải suy nghĩ. Vì chỉ vài năm trước thôi thì có người Việt Nam nào lại hỏi những câu đó? Chả phải giấc mơ Mỹ, hay nói đúng hơn là giấc mơ qua Mỹ sống, đã khiến hàng triệu người bỏ xứ ra đi và khuấy động suy nghĩ của nhiều triệu người khác ở quê nhà hay sao? Tôi thấy đau lòng khi nghĩ đến anh chị có thể không sang đây sống nữa. Với tôi, đây là một tin xấu về đất nước mà tôi đã nhận làm quê hương.

Vậy mà đó lại là điều không thể phủ nhận được. Đất nước của người nhập cư một lần nữa đang quay lưng lại với chính người nhập cư. Chỗ đứng của người nhập cư trên đất Mỹ đang ngày một bất trắc. Ngay cả những người đã là công dân Mỹ hiện nay cũng bị đổ lên đầu những lời lẽ thù hằn, nhiều người bị tấn công trong bối cảnh các vụ tội phạm mang tính thù địch ngày một tăng. Ở các trường học, học sinh da trắng hét vào mặt những người bạn học gốc Mêhicô hoặc theo đạo Hồi: “Xây tường chắn!”

“Xây tường chắn!” đang trở thành khẩu hiệu mang tính phân biệt chủng tộc mà nhiều người hô vang khắp nơi nhằm vào những ai không phải là người da trắng.


Anh chị đã nghe qua hình ảnh ẩn dụ về một con chim hoàng yến trong mỏ than chưa? Khi hoàng yến ngừng hót, ấy là lúc ôxy đã hết, thành ra dấu hiệu cảnh báo cho tất cả mọi người.

Ở Mỹ, khi bối cảnh là một xã hội tự do và cởi mở, thì người nhập cư là con chim hoàng yến đó. Kinh tế suy thoái, người ta thường đổ lỗi cho người nhập cư đầu tiên. Còn trong cuộc chiến Mỹ chống khủng bố hiện nay, người nhập cư nhanh chóng trở thành kẻ phải giơ đầu chịu báng.

Sau cuộc bầu cử đã đưa ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ năm 2016, trong nhiều vụ tội phạm mang tính thù địch, những kẻ gây tội đã viện dẫn tên tổng thống Trump như để hợp pháp hóa hành động bạo lực và những lời lẽ nhục mạ của họ.

Trong khi tôi viết lá thư này thì nhân danh bảo vệ và an ninh cho người dân Mỹ, quyền của người nhập cư đang dần tiêu tan. Sinh viên, người lao động nước ngoài run sợ. Tôi đã thấy ở sân bay một người đàn ông Nam Á tay run lên khi đưa tấm thẻ xanh cho nhân viên nhập cảnh, lo sợ sẽ bất ngờ bị bắt giữ và trục xuất. Tôi biết một sinh viên trường Đại học California ở thành phố Berkeley không có giấy tờ định cư hợp pháp (cậu được đưa đến Mỹ từ khi 3 tuổi), nay khi điền vào tờ đơn nào cậu cũng đưa địa chỉ giả vì sợ bị trục xuất.

Make America White Again

“Tôi vẫn hy vọng.”

Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng. Người Mỹ đã biểu tình ở các sân bay khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp ngăn chặn một số người nhập cảnh vào Mỹ, kể cả những người đã có thẻ xanh.
Phong trào phản đối cách điều hành tàn bạo mới này rất mạnh mẽ và vẫn đang diễn ra. Tôi hy vọng rằng những gì ông Trump đang gây ra ở nước Mỹ và trên thế giới có thể giảm bớt vì ông ta đang ngày càng bị ghét bỏ. Xét cho cùng, ông ta đang phá bỏ những thể chế quốc tế đã được thiết lập từ Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể sẽ đưa thế giới về lại tình trạng các quốc gia cạnh tranh với nhau bằng cách dựng lên các đường biên cứng rắn, thuế nhập khẩu cao, tiến hành các cuộc chiến tranh thương mại và chính sách ngoại giao đe dọa sử dụng vũ lực, cưỡng lại xu thế toàn cầu hóa.

Và nghiêm trọng hơn, khi đi ngược lại các giá trị tự do dân chủ và bản sắc quốc gia của người nhập cư, nước Mỹ sẽ đánh mất sức mạnh do sự đa dạng mang lại.

Đến giờ, tôi thấy nên nhìn nhận đất nước này qua hai ống kính: nước Mỹ và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia có chủ quyền, có những quyền lợi vĩnh viễn, đang tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Và nếu cần, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ giẫm đạp lên những người vô tội trên đường đi của mình, dù ở trong nước hay nước ngoài, để giành chiến thắng trong cuộc chiến ấy. Trong tiến trình này, người nào mới đến định cư ở đất nước này mà không có tiếng nói và tiền bạc thì thường sẽ bị biến thành một dạng tổn thất ngoài dự kiến.

Trong khi đó, nước Mỹ có tất cả những gì mà chị và tôi đã mơ ước: sự minh bạch, tự do, dân chủ, cơ hội, thủ tục tố tụng công bằng, fair play và những hứa hẹn là chúng ta sẽ phát triển được ở đất nước ấy. Nước Mỹ là nơi chúng ta lao động vất vả và được tôn trọng vì điều đó.

Hai đất nước này tồn tại trong một vũ điệu phức tạp. Vào thời kỳ tươi đẹp, nước Mỹ vượt lên. Đến thời kỳ tồi tệ, nước Mỹ bị lãng quên và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ khiêu vũ một mình. Những ngày này, tôi e rằng làm một người nhập cư yêu nước thì phải yêu những lý tưởng của nước Mỹ bất chấp những gì Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đang tiến hành nhân danh an ninh cho người dân.

Mặc dù tôi hiểu lôgich của lợi ích vĩnh viễn, nhưng nếu nước Mỹ bị phá hủy trong quá trình bảo vệ những lợi ích ấy, thì được lợi gì? Và theo tôi thì lòng yêu nước duy nhất đúng là một lòng yêu nước văn minh. Yêu nước mù quáng luôn dẫn đến những kết cục đẫm máu. Yêu nước là dám đặt câu hỏi. Quyền con người có nên bị xâm phạm nhân danh bảo vệ an ninh? Có thực sự lợi ích của đất nước này là bôi nhọ các cộng đồng thiểu số và những người mới nhập cư?

Anh chị thân mến, tôi hy vọng là tôi đã không làm anh chị quá sợ. Nhưng tình thế đòi hỏi phải trung thực. Để đến được bờ biển nước Mỹ những ngày này sẽ khó khăn hơn nhiều, những hứa hẹn sẽ ít hơn.

Tôi vẫn muốn anh chị thực hiện hành trình khó khăn này, nhưng anh chị phải chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức trước mắt. Và tôi sẽ bật mí cho anh chị biết về giấc mơ Mỹ mà anh chị đã từng ấp ủ: chính anh chị là người phải khôi phục giấc mơ ấy. Không có anh chị mơ giấc mơ Mỹ thì đất nước này gặp mối nguy là sẽ già nua đi. Không có sức lực của anh chị thì chúng tôi sẽ yếu đi. Dù cho chúng tôi chưa biết nhưng chúng tôi thực sự cần tái sinh trong mắt của anh chị.

Vậy Giấc mơ Mỹ còn không? Không hẳn anh chị ạ. Giấc mơ ấy không thể còn một khi không có anh chị ngồi cùng bàn, khi sự thịnh vượng không dành cho anh chị , khi anh chị không có chỗ ở đây.

==========================

Andrew Lam hiện là chủ biên của New America Media, San Francisco. Anh là tác giả của cuốn “Birds of Paradise Lost”, tuyển tập truyện ngắn về người tỵ nạn Việt Nam tại thành phố San Francisco; cuốn “East Eats West: Writing in Two Hemispheres”, tuyển tập các bài viết về quan hệ Đông – Tây và hồi ký “Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora”. Andrew Lam Twitter: www.twitter.com/andrewqlam

***
Bản dịch này là bản dịch của tổ chức Pivot gởi cho Việt Báo với sự đồng ý của tác giả dựa theo bài đăng trên Báo điện tử The Hufftington Post


-----------------------------

07/03/2017



No comments: