Friday, March 31, 2017

AI ĐÃ KÝ GIẤY PHÉP CHO LEE & MAN XẢ THẢI RA SÔNG HẬU và FORMOSA XẢ THẢI RA BIỂN VŨNG ÁNG ? (tin tổng hợp)





Vẫn là nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai.

Giữa năm 2016, Formosa cúi đầu thừa nhận xả thải gây ra thảm hoạ biển miền Trung. Cùng thời điểm, tại Hậu Giang, người dân thấp thỏm âu lo về một Formosa thứ hai khi Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam của nhà đầu tư Trung Quốc đang chuẩn bị vận hành có thể bức tử sông Hậu.

Gần một năm, sau những kiểm tra, thanh tra, Lee & Man vừa được vận hành thử nghiệm. Và đây là phản ánh của người dân khu vực gần nhà máy.

“Hằng ngày tui quét nhà ra một đống bụi than đá. Thử hỏi mình hít thở còn độc hại thế này thì làm sao không lo sợ?”.

“Một ngày chúng tôi phải hít vào cơ thể không biết bao nhiêu là mùi khác lạ, bụi than đá, mùi thối rất khó chịu phát ra từ nhà máy, tiếng ồn nhà máy 24/24 giờ… Bên cạnh còn nguồn nước sinh hoạt, chúng tôi rất lo ngại vì hiện chúng tôi dùng nước sông…”.

“Khói bụi cộng thêm mùi hôi khủng khiếp lắm. Nhà tui ngủ chịu không được, vào phòng đóng cửa lại cũng bị hôi. Đến mức ngủ phải bịt khẩu trang”

Còn đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

“Hậu Giang đã tổ chức đoàn kiểm tra, công ty đã thực hiện tất cả yêu cầu trước đó của Tổng cục Môi trường. Mọi thứ đều tốt”.

Từ ngày 7-3, Nhà máy Lee & Man được phép vận hành thử nghiệm trong 6 tháng. Mới chỉ hơn 20 ngày mà đã xảy ra tình trạng dân than một đằng, quan bảo vệ một nẻo. Ai là kẻ dối trá?

Giấy phép xả thải ra sông Hậu của nhà máy giấy Lee & Man do nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký vào ngày 11-12-2015. Đó cũng là ngày ông Lai ký giấy phép cho Formosa xả thải ra biển Vũng Áng, trước khi ông Lai về nghỉ hưu 20 ngày.

Sẽ còn bao nhiêu Formosa, còn bao nhiêu Lee & Man nữa trên đất nước này?

* Tên bài do BVN đặt

---------------------------
Bài liên quan: 

Tuổi Trẻ
30/03/2017 08:09 GMT+7

TTO - Người dân sống gần Nhà máy giấy Lee & Man gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi cuộc sống của họ bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm từ khi nhà máy này được phép vận hành thử trở lại.

Một ống xả thải của Nhà máy giấy Lee & Man ra sông Hậu - Ảnh: T.TRÌNH

Thế nhưng đại diện chính quyền địa phương lại nói "mọi thứ đều tốt".

Đi ngủ phải bịt... khẩu trang

Các hộ dân sống tại ấp Phú Xuân (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) trình bày nhà họ sống cách Nhà máy giấy Lee & Man khoảng 200m. Cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra gần đây.

“Một ngày chúng tôi phải hít vào cơ thể không biết bao nhiêu là mùi khác lạ, bụi than đá, mùi thối rất khó chịu phát ra từ nhà máy, tiếng ồn nhà máy 24/24 giờ... Bên cạnh còn nguồn nước sinh hoạt, chúng tôi rất lo ngại vì hiện chúng tôi dùng nước sông...” - các hộ dân ở đây bức xúc.

“Hôi thối lắm chú ơi. Ban đêm ngủ mà mùi như... hầm cầu thì làm sao dân chịu nổi” - bà Phạm Thị Quế Khâu (64 tuổi, người dân ở ấp Phú Xuân) cho biết. Từ nhiều ngày nay, mùi hôi thối từ Nhà máy giấy Lee & Man đã bao vây cuộc sống của gia đình bà và nhiều nhà dân lân cận.

“Khói bụi cộng thêm mùi hôi khủng khiếp lắm. Nhà tui ngủ chịu không được, vào phòng đóng cửa lại cũng bị hôi. Đến mức ngủ phải bịt khẩu trang” - bà Trần Thị Thúy Hồng (49 tuổi, sinh sống cách nhà máy một con sông) nói.

Để chứng minh những gì mình nói là sự thật, bà Trần Thị Dung (50 tuổi) dùng vật dụng quét nhẹ lên laphông nhà. Một lớp bụi đen kịt được phơi ra, bà Dung nhăn nhó: “Hằng ngày tui quét nhà ra một đống bụi than đá. Thử hỏi mình hít thở còn độc hại thế này thì làm sao không lo sợ?”.

Nhà bà Dung có 11 bè nuôi cá điêu hồng gần Nhà máy Lee & Man, trung bình mỗi lứa cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây khi nhà máy này hoạt động, gia đình bà không dám thả lứa cá mới với lý do: “Lỡ bị thiệt hại thì mình lãnh đủ...”.

Bà Lư Ngọc Ảnh, nhà có cây xăng cách Nhà máy Lee & Man trên 100m, nói trước đây khi nhà máy hoạt động thử đã gây tiếng ồn lớn. Khi người dân phản ảnh thì lãnh đạo nhà máy có cử người đến làm việc với dân, đo độ ồn để khắc phục.

Bà cho biết: “Họ khắc phục được một thời gian, tiếng ồn có giảm. Nhưng được vài hôm thì ồn ào trở lại, chịu không thấu luôn”.

“Tôi nhớ không lầm là đã nghe hứa khắc phục... 8 lần rồi. Nhưng không thấy khắc phục gì cả” - ông Ngô Mộng Thu cho biết và nói người dân ở đây chỉ còn nước bỏ đi nơi khác sinh sống mới mong tránh được ô nhiễm.

Nhà máy giấy Lee & Man được phép chạy thử nghiệm đã gây nhiều lo lắng cho người dân lân cận quanh câu chuyện ô nhiễm - Ảnh: T.Trình

Chính quyền nói mọi thứ đều tốt”

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Tống Hoàng Khôi - chủ tịch UBND huyện Châu Thành - cho biết ông có nghe thị trấn Mái Dầm báo cáo vấn đề người dân sống gần Nhà máy Lee & Man phản ảnh tình trạng ô nhiễm.

Huyện đã cử người tham gia đoàn giám sát hoạt động của nhà máy này. Tuy nhiên, kết quả thế nào địa phương chưa nắm được.

Chiều cùng ngày, ông Trần Phong - cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - xác nhận đã cho phép Nhà máy Lee & Man hoạt động thử nghiệm trở lại, chịu sự giám sát của địa phương và Bộ TN-MT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết Nhà máy Lee & Man được phép vận hành trở lại từ ngày 7-3 và kéo dài trong sáu tháng.

Sau khi vận hành thử nghiệm, đơn vị sẽ có báo cáo đánh giá, hoàn tất hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy hoạt động chính thức. Hai đơn vị giám sát là Tổng cục Môi trường và Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang. Ông Tuấn nói khi vận hành thử nghiệm trở lại có phát sinh mùi hôi nhưng đã xử lý xong.

“Hậu Giang đã tổ chức đoàn kiểm tra, công ty đã thực hiện tất cả yêu cầu trước đó của Tổng cục Môi trường. Mọi thứ đều tốt” - ông Tuấn khẳng định.

Chiều 29-3, chúng tôi cố gắng liên lạc với đại diện Công ty TNHH giấy Lee & Man, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời từ những người có trách nhiệm của nhà máy này.

Lý lịch của Lee & Man
Tháng 6-2007, UBND tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy giấy và sản xuất bột giấy cho Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam (Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) với số vốn 1,2 tỉ USD.
Dự án khởi công tháng 8-2007, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2009, tuy nhiên không hoàn thành đúng kế hoạch. Chủ đầu tư điều chỉnh giảm vốn đầu tư còn 628,7 triệu USD và dự án tạm ngưng.
Tháng 4-2011, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi Tập đoàn Lee & Man yêu cầu giải trình nhiều nội dung khiến dự án bất động, đồng thời gia hạn 3 lần trong khoảng thời gian này.
Tháng 4-2014, dự án khởi động lại rồi tiếp tục thi công trì trệ, UBND tỉnh Hậu Giang cho gia hạn lần thứ 4 đến cuối năm 2014.
Tháng 3-2015, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục cho gia hạn lần 5 đến ngày 31-12-2016 nhà máy phải hoạt động.
Giữa năm 2016, khi các hạng mục của dự án hoàn thành, chuẩn bị hoạt động thử nghiệm, VASEP có văn bản gửi Thủ tướng do lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động có thể gây “bức tử sông Hậu”.
-  Bộ TN-MT đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện Nhà máy giấy Lee & Man từ ngày 1-7-2016. Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng Nhà máy bột giấy Lee & Man.
Tháng 12-2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Lee & Man.
Tháng 1-2017, việc vận hành thử nghiệm có tải của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT.
Tháng 3-2017, nhà máy vận hành thử nghiệm trở lại.

Chưa cho xả thải khi chưa giám sát
Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 29-3, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết Nhà máy bột giấy Lee & Man đang trong giai đoạn thử nghiệm dưới sự giám sát của Sở TN-MT Hậu Giang.
Bộ TN-MT cho thử nghiệm với điều kiện chưa cho thải nước trực tiếp khi chưa giám sát nước thải.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) cho rằng: nên công khai cho dân giám sát.
Ông nói: “Tôi cũng biết nhà máy của Lee & Man được phép hoạt động thử nghiệm cả tháng nay. Tuy nhiên, đến nay mọi thông số thử nghiệm, cách vận hành thế nào đều bị họ giấu hết nên tôi không thể đánh giá được gì về việc này.
Theo tôi, nên xem lại vì sao họ không công khai, những dự án thế này nên công khai cho dân và nhà khoa học có thể giám sát.
Việc sông Hậu có nhà máy giấy, sông Tiền cũng có Nhà máy giấy Đại Dương đang gây tranh cãi nữa, cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ hủy diệt những dòng sông”.
T.Phùng - C.Quốc

TIẾN TRÌNH - LÊ DÂN


No comments: