06/03/2017
Tuần
thứ 6:
Các
rò rỉ làm nội chính ông Trump tê liệt, Tổng thống phản đòn
(Tổng
hợp từ Washington Post, New York Times, MSNBC, Reuters, AP, CNN, USA Today,
ABC, the Guardian, the Hill)
Washington Post: Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions gặp
đại sứ Nga 2 lần, nhưng nói dối với Ủy ban điều tra của Thượng viện. Trước áp lực
dư luận, ông Sessions đã tự rút lui khỏi cuộc điều tra vụ Nga dính líu tới cuộc
bầu cử 2016.
Jared Kushner, con rể ông Trump kiêm cố vấn cao cấp
của Tòa Bạch ốc, cùng ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông
Trump, đã gặp đại sứ Nga tại Trump Tower tháng 12 vừa qua.
Có thêm dữ kiện liên lạc với Nga của hai giới chức
trong ủy ban tranh cử của ông Trump.
Sắc lệnh di trú mới và quyết định bỏ Obamacare vẫn
chưa được thực hiện.
Tổng thống Donald Trump chưa kịp ăn mừng “thành quả”
bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ (28/2/2017) của ông - được dư luận đánh giá là tốt
nhất từ trước đến giờ, tương đối mềm dẻo, thân thiện hơn những phát biểu đen tối
và gây chia rẽ trước đây; thì liên tục trong mấy ngày qua, ông Trump và nội các
lại phải đối diện với sóng gió về những liên quan tới Nga và sắc lệnh cấm di
trú.
*
Bộ trưởng
Tư pháp nói dối với Quốc hội về 2 lần gặp đại sứ Nga
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions
Ngày 1/3/2017, tờ Washington Post là cơ quan đầu
tiên đưa tin rò rỉ về vụ ông Jeff Sessions đã gặp ông Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey
Kislyak 2 lần - vào tháng 7 và tháng 9 năm ngoái, ngay lúc tin tức Nga nhúng
tay thao túng cuộc bầu cử Hoa Kỳ đang sôi nổi trong giới chức tình báo và chính
quyền Obama. Cuộc gặp đầu là một buổi tổ chức bên lề Đại hội đảng Cộng hòa, và
cuộc gặp vào tháng 9 là tại văn phòng của ông Sessions, lúc đó đang là thành
viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Ông Sessions là thượng nghị sĩ đầu tiên đã lên tiếng
ủng hộ ông Trump, và đã xuất hiện nhiều lần trong các buổi vận động tranh cử, cổ
võ mạnh mẽ cho ông Trump, và được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp, một vị
trí tương đương với viên cảnh sát cao cấp nhất quốc gia.
Khi bản tin của Washington Post được đưa ra, ông
Sessions đã chống chế là không hề nói dối với Ủy ban Thượng viện khi được hỏi về
những liên lạc với Nga, nhưng ngay ngày hôm sau (mồng 2/3) ông đã tuyên bố
là sẽ rút lui khỏi những cuộc điều tra về mối liên hệ Nga - Trump. Các nhà làm
luật của đảng Dân chủ cho như vậy là vẫn chưa đủ, và đang gia tăng áp lực buộc ông
Sessions phải từ chức vì cho rằng ông đã phạm tội “man khai” khi nói dối trong
lúc hữu thệ với ủy ban thượng viện, và kêu gọi một ủy ban điều tra độc lập về vụ
Nga nhúng tay vào nội tình Hoa Kỳ qua đội ngũ của ông Trump.
*
Con rể
kiêm cố vấn cao cấp của TT Trump gặp đại sứ Nga tháng 12/2016
Tin về ông Sessions còn xôn xao, thì ngày 2/3/2017 tờ
New York Times lại đưa tin là Jared Kushner, con rể của ông Trump và hiện là cố
vấn cao cấp của cha vợ kiêm tổng thống, đã cùng với ông Flynn gặp Đại sứ Nga
Sergey Kislyak tại Trump Tower ở New York vào tháng 12 vừa qua. Tin này do một
giới chức TBO giấu tên tiết lộ, nhưng đã được Giám đốc Thông tin Chiến lược của
TBO là Hope Hicks xác nhận với ABC.
Không biết họ đã trao đổi những gì trong cuộc gặp gỡ
này.
Con rể của ông Trump, Jared Kushner (phải) và Tướng Michael Flynn. Ảnh:
Reuters
*
Thêm
hai cố vấn của ông Trump bí mật liên lạc với Nga
Ngày 3/3 lại có thêm tiết lộ của truyền thông, là có
hai cố vấn nữa của ông Trump trong ủy ban tranh cử đã gặp Đại sứ Kislyak của
Nga trong một buổi họp bên lề Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa hồi tháng 7 năm
ngoái: ông J.D. Gordon và Carter Page. Đây cũng là buổi mà ông Sessions,
lúc đó là thượng nghị sĩ tiểu bang Alabama và là thành viên cao cấp của Ủy ban
Quân vụ Thượng viện, gặp ông Kislyak.
Hai tuần trước, tờ New York Times cho biết
tình báo Mỹ cũng đang điều tra người từng đứng đầu chiến dịch tranh cử của
ông Trump là Paul Manafort, đã liên lạc và có nhiều liên hệ mật
thiết với giới chức tình báo Nga.
Trên cương vị một thượng nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ,
và ngay cả là một nhân vật trong hàng ngũ tranh cử của ông Trump, việc ông
Sessions hay các cố vấn khác gặp gỡ đại diện Nga không phải là một vấn đề phạm
pháp hay bất thường. Điều
đáng nói và tạo nghi ngờ là tại sao họ lại phải nói dối về những buổi gặp gỡ
này. Trường hợp ông Flynn thì đã nói dối với phó Tổng thống Mike Pence,
và ông Pence đã lập lại lời nói dối này với quốc dân hồi tháng Giêng vừa qua;
còn ông Sessions thì đã nói dối với Quốc hội - một trọng tội về “man khai”
trong luật pháp Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho rằng trong vị trí bộ
trưởng tư pháp, tức cầm chịch cán cân công lý quốc gia, mà nói dối thì ông
không xứng đáng tại vị, và kêu gọi ông Sessions từ chức.
Ngoài việc chối quanh cho đến khi bị báo chí phanh
phui mới thú nhận, như trong cả hai trường hợp của ông Flynn và ông Sessions,
điều tạo nghi vấn là ông
Trump trong suốt thời gian tranh cử và sau khi thắng cử đều hết lời ca ngợi
trùm độc tài Vladimir Putin kiêm giám đốc tình báo KGB của Liên Sô trước đây, một
kẻ giết người không gớm tay và gây chiến với các quốc gia láng giềng, hiện đang
bị thế giới lên án và cấm vận. Một chi tiết đáng kể là ngay sau khi TT
Obama tăng cường cấm vận Nga vì đã nhúng tay vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ, và đuổi 35
tình báo Nga ra khỏi Mỹ trong vòng 72 tiếng vào ngày 29/12/2016, thì ngay sau
đó Putin đã lên tiếng là không trả đũa Hoa Kỳ. Động thái khác thường này của
Putin lại được ông Trump tweet khen ngợi là một hành động khôn ngoan khi trì
hoãn phản ứng, ngụ ý chờ đợi khi ông Trump lên nhậm chức sẽ bỏ cấm vận như ông
vẫn từng tuyên bố trong lúc tranh cử. Chính vì điều này mà FBI đã nghi ngờ và
thu âm lén các cuộc đàm đạo của đại sứ Nga, một việc làm hoàn toàn hợp pháp tại
Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi đang theo dõi lén những nhân vật ngoại quốc mà thấy có sự
tham dự của một người Mỹ, thì ngay lập tức phải ngưng ngay cuộc theo dõi theo
luật pháp Mỹ. Sau đó, phải xin phép tòa mới được quyền tiếp tục nghe lén theo
luật FISA.
Tình báo Hoa Kỳ đã theo dõi, thu băng những cuộc trò
chuyện từ tòa đại sứ Nga, và qua những rò rỉ, truyền thông Hoa Kỳ đã phanh phui
ra vụ ông Michael Flynn điện thoại với ông Kislyak nhiều lần trong ngày TT
Obama ban hành cấm vận Nga vào cuối tháng 12 năm ngoái - một điều mà ông Flynn
đã liên tục chối bỏ. Khi tin này được tờ Washington Post tiết lộ (ngày
9/2/2017), ông Trump vẫn tuyên bố tin tưởng “tuyệt đối” vào ông Flynn, và cho
là truyền thông đã loan tin thất thiệt. Nhưng đến ngày 13/2 ông Flynn đã bị buộc
phải từ chức, sau 24 ngày tại nhiệm trong vị trí cố vấn an ninh quốc gia.
Các cố vấn thân cận của TT Trump gặp Đại sứ Nga đúng
vào thời điểm Washington đang cáo buộc Moscow đứng đằng sau vụ tấn công vào hệ
thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ và can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Không những thế, ông Trump còn ca tụng Wikileaks về những rò rỉ mà Nga đưa cho
Wikileaks loan tải, đồng thời ông Trump còn khích lệ Wikileaks tìm thêm hơn
30,000 email mà bà Clinton đã hủy đi khi bị cơ quan FBI điều tra vụ dùng email
riêng cho việc công; những emails này bà nói là không liên quan gì tới công việc.
Mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump
và Nga đã trở thành tâm điểm chú ý của các cơ quan tình báo và các đơn vị lập
pháp liên bang; những rò rỉ về các mối liên hệ này đã được báo chí loan tải,
càng làm gia tăng thêm áp lực điều tra vào những việc làm của ông Trump và đội
ngũ của ông.
Hiện Tòa Bạch Ốc chưa đưa ra bình luận nào về các
cáo buộc mới liên quan tới các cố vấn cao cấp của ông Trump có liên hệ với Nga,
trừ vụ ông Sessions đã nhận được những lời bênh vực của ông Trump, phát ngôn
nhân TBO và một số dân cử đảng Cộng hòa.
TT Trump đã luôn lên tiếng mạnh mẽ rằng “Các cáo buộc
về liên hệ với Nga chỉ là tin giả,” do đảng Dân chủ bịa ra để tấn công ông sau
khi họ thua cử. Những đại diện cao cấp trong nội các Trump như Phó TT Mike
Pence và Chánh văn phòng Reine Priebus đều chối bỏ mọi cáo buộc liên hệ giữa đội
ngũ ông Trump và Nga, ngay cả sau khi ông Flynn bị buộc phải từ nhiệm vì nói dối.
*
Đại sứ
Nga là gián điệp hàng đầu chuyên tuyển dụng gián điệp
Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak
Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, 66t và tại nhiệm
trong 8 năm qua, xuất thân là một kỹ sư, nói thạo tiếng Anh và Pháp, là một người
ăn nói nhỏ nhẹ, vui vẻ, thông minh, nhưng thực chất là một gián điệp cao cấp,
chuyên trị việc tuyển dụng nhân sự cho tình báo Nga. Trong tòa đại sứ Nga, có
hơn 50% nhân viên là gián điệp Nga.
Hiện ông Kislyak là trung tâm điểm của những cuộc điều
tra về mối liên lạc giữa đội ngũ ông Trump và Nga, theo các tin tức rò rỉ được
truyền thông loan tải. Ông Kislyak được thấy đã tham dự một cuộc họp về
chính sách đối ngoại của ông Trump tổ chức hồi tháng 4/2016, ngồi ở hàng ghế đầu.
Sau đó, ông Kislyak còn gặp gỡ nhiều nhân vật khác như đã nêu ở trên. Trong lần
ông Kislyak tới gặp ông Flynn và Kushner hồi tháng 12/2016 tại Trump Tower,
truyền thông cho biết là ông đã được đưa đi lối bí mật và do đó, không hề có
hình ảnh được lưu lại dù luôn có máy ảnh thu hình trong hành lang nhộn nhịp của
tòa nhà từ ngày ông Trump đắc cử.
*
Giới chức
Tòa Bạch ốc bị cáo buộc can thiệp vào hoạt động của FBI
Theo các nhà
phân tích, chính quyền Trump đang nỗ lực khỏa lấp các liên hệ với Nga, kể cả việc
xen vào hoạt động điều tra của FBI.
Tờ New York Times hôm 14/2 đưa tin các cố vấn thân cận
của ông Trump đã nhiều lần tiếp xúc với Cơ quan an ninh liên bang (FSB) của Nga
trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Các cuộc điện đàm do Cục Tình báo và phản
gián (Office of Intelligence and Counterintelligence) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ
thu âm được.
Đặc biệt, giám đốc ủy ban tranh cử Paul Manafort
và cựu cố vấn Carter Page của ông Trump bị nghi ngờ là có liên lạc với
các giới chức Nga để phác họa chính sách ngoại giao.
Theo CNN,
Chánh văn phòng Reince Priebus của ông Trump đã liên lạc với Phó giám đốc
FBI là ông Andrew McCabe và yêu cầu họ nói với các cơ quan truyền thông là vụ
liên hệ với Nga không có gì.
Bên cạnh những liên lạc không đúng phép của ông
Priebus, một số giới chức đảng Cộng hòa cũng bị chỉ trích là không trong sáng
trong cuộc điều tra vụ Nga.
Dân
biểu Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã khẳng định
với truyền thông ngày 27/2 là “không thấy có bằng chứng gì” về mối liên hệ giữa
đội ngũ tranh cử của ông Trump và giới chức Nga. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy
ban Tình báo là Dân biểu Adam Schiff thuộc đảng Dân chủ phản bác lại nhận
định của ông Nunes, cho biết là cuộc điều tra mới chỉ ở bước đầu, không thể nào
kết luận như vậy được.
Ông Nunes đã xác nhận chính Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu
ông đưa ra tuyên bố chính thức phủ nhận bài báo ngày 14/2 của tờ New York Times.
Ông Nunes cũng cho rằng không cần bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt cho cuộc
điều tra Nga-Trump, đồng thời bác bỏ đề nghị quốc hội ban hành trát đòi ông
Trump phải nộp giấy tờ khai thuế để làm sáng tỏ những cáo buộc ông có quan hệ
kinh doanh với Nga.
Hiện ủy ban tình báo của Hạ viện cùng 2 ủy ban khác
của Thượng viện Mỹ đang điều tra mối liên hệ giữa Nga và ông Trump cùng các giới
chức cao cấp của ông.
Với sự rút lui khỏi cuộc điều tra vụ Nga của ông
Sessions, ông Dana Boente, quyền thứ trưởng Bộ Tư Pháp, sẽ thay thế tham gia cuộc
điều tra. Ông Boente là người được TT Obama bổ nhiệm. Tuy nhiên, một thứ trưởng
bộ tư pháp do ông Trump bổ nhiệm có thể sẽ được Quốc hội thông qua vào tuần tới
để thay thế ông Boente.
*
Tự vẫn
chính trị?
Dư luận cho rằng
Đảng Cộng hòa có vẻ như đang cố gắng bảo vệ TBO và đội ngũ ông Trump, ngăn cản
việc thành lập một ủy ban độc lập để điều tra mối liên hệ Trump-Nga. Ngay cả Giám đốc FBI James Comey có vẻ cũng không làm đúng nhiệm vụ của
một giới chức tình báo độc lập, mà đã bị chi phối vì những quyết định chính trị.
Nếu đảng Cộng hòa không tỏ ra biết đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi
của đảng phái và rốt ráo trong việc điều tra ảnh hưởng của Nga, họ coi như sẽ tự
sát về chính trị khi cử tri tham dự cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới để bầu
lại toàn bộ 435 ghế của Hạ viện, 34 ghế (trong số 100 ghế) của Thượng viện Hoa
Kỳ. Họ cũng bầu lại thống đốc trong 39 tiểu bang và rất nhiều vị trí khác của
chính quyền tiểu bang và địa phương.
Thượng
nghị sĩ John McCain, một trong những tiếng nói đơn lẻ của đảng Cộng
hòa, mới đây đã kêu gọi Quốc hội Mỹ lập ra một ủy ban đặc nhiệm để điều
tra “ảnh hưởng của Nga” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Dân
biểu Darrell Issa là giới chức duy nhất thuộc đảng Cộng hòa đã kêu gọi
phải có một cuộc điều tra độc lập. Ủy ban Tình báo Thượng viện - đứng đầu là
Richard Burr cũng đã hứa sẽ điều tra kỹ lưỡng mọi liên lạc giữa các phụ tá
Trump và điện Cẩm Linh, kể cả vụ ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak.
Đảng Dân chủ đã yêu cầu lập ra ủy ban độc lập hoặc
công tố viên đặc biệt, nhưng đề nghị này đã bị hầu hết các thành viên đảng Cộng
hòa phản đối.
*
Tòa Bạch
Ốc chặn tin tức liên quan tới đường dây Trump-Nga qua ngân hàng
Thượng
nghị sĩ Bill Nelson của Florida, thuộc đảng Dân chủ
và là thành viên cao cấp của Ủy ban Thương mại Thượng viện, cáo buộc là Tòa Bạch
Ốc đã ngăn chặn văn bản của ông Wilbur Ross, trả lời những câu hỏi của Ủy ban
Thượng viện thẩm vấn ông Ross trước khi thông qua vị trí bộ trưởng thương mại của
ông.
Ông Ross, dù đã được Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm
đa số thông qua, nhưng những ràng buộc sâu đậm của ông đối với Nga đang là vấn
đề tranh cãi.
Tân Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross ngày 23/2/2017. Photograph: Michael
Reynolds/EPA
Là một nhà đầu tư tỷ phú, ông Ross từng là phó chủ tịch
của ngân hàng Cyprus từ năm 2014, và chỉ mới từ nhiệm sau khi trở thành bộ trưởng
thương mại.
Ủy ban Thượng viện đã hỏi ông Ross về những liên hệ
hoặc kiến thức của ông về các nhà đầu tư Nga trong ngân hàng này, thí dụ Viktor
Vekselberg, một đồng minh lâu đời của TT Vladimir Putin, và Vladimir
Strzhalkovsky, cựu phó chủ tịch của ngân hàng Cyprus cũng từng là một điệp viên
Nga KGB rất gần gũi với Putin.
Ông Ross cho biết là ông không biết gì về những món
nợ hay liên lạc giữa ngân hàng Cyprus và các nhân sự của ông Trump trong ủy ban
tranh cử hay công ty Trump Organization. Ông cũng nói với TNS Nelson là ông đã
có một buổi gặp với một nhà đầu tư người Nga khoảng 1 tiếng đồng hồ năm 2014,
nhưng không cho biết thêm chi tiết.
TNS
Cory Booker của New Jersey (D) đã gửi thư cho ông Ross, với
11 câu hỏi về liên hệ của ông với Nga, như: khi nào thì ông biết Vladimir
Strzhalkovsky là một mật vụ KGB, và có khi nào Strzhalkovsky gặp ông Trump
không? ông Ross có biết gì về vụ mua bán căn nhà của ông Trump ở Palm Beach năm
2008, do ông trùm “phân bón” của Nga, Dmitry Rybolovlev, một tỷ phú và nhà đầu
tư của ngân hàng Cyprus, đã mua với giá $95 triệu MK, giúp ông Trump lời
tới gần $60 triệu, nhưng không bao giờ ông Rybolovlev bước chân tới ngôi nhà hằng
trăm trieu này. Căn nhà cũng sẽ bị phá đi để xây căn khác.
Năm 2014, ông Ross đã đầu tư $424 triệu MK vào
Cyprus, khiến nhóm đầu tư của ông trở thành một cổ đông lớn tới 18% của ngân
hàng này. Ông Ross đã mướn một chuyên viên ngân hàng nổi tiếng có liên hệ mật
thiết với Nga, đó là cựu CEO Josef Ackermann của Deutsche Bank, một ngân hàng Đức mà công ty Trump
Organization mượn nhiều tiền nhất.
Ngân hàng Cyprus bị tình báo Đức nghi là đã được những
thành phần chóp bu và tham nhũng của Nga dùng cho những vụ rửa tiền lên tới khoảng
$8 tỷ- $37 tỷ MK.
*
Phó Tổng
thống Pence dùng email cá nhân bàn chuyện quốc sự
03/03/2017 09:36
Văn phòng của ông Pence hôm 2/3/2017 đã xác nhận tin
do tờ Indianapolis Star loan tải. cho biet trong cuong vi la thong
doc tieu bang, ong Pence đã dùng email cá nhân để thảo luận những vấn đề nhạy cảm
và cả các vấn đề an ninh nội địa. Tài khoản thư điện tử này đã bị tin tặc tấn
công vào tháng 6 năm ngoái.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Reuters
Điều trớ trêu là trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, ông Pence đã nhiều lần mạnh mẽ chỉ
trích bà Clinton về vụ dùng email cá nhân để làm việc nước khi giữ chức vụ Ngoại
trưởng Mỹ, cho rằng hành động này đe dọa tới an ninh quốc gia.
Theo the Star, ông Pence đã không đi sai luật của tiểu
bang, nhưng việc ông lên tiếng chỉ trích bà Clinton nói lên tinh thần đạo đức
giả.
*
TT
Trump cáo buộc TT Obama theo dõi lén – nhưng không đưa ra bằng chứng
Sau giai đoạn “trăng mật” ngắn ngủi với vị tiền nhiệm,
Tổng thống Trump trong tuần qua đã cáo buộc Tổng thống Barack Obama xúi giục
người dân biểu tình chống ông, thay vì trước đó chỉ nói chung chung là “những kẻ
thua cuộc phe Dân chủ” đã tham dự biểu tình và lên tiếng chống đối mọi chính
sách của chính quyền Trump tại những buổi gặp chính giới “town hall”.
Ngày 4/3/2017, ông Trump đã nâng cấp tấn công đối với
ông Obama lên một mức chấn động, khi ông tweet là TT Obama đã ra lệnh thu băng
lén văn phòng của ông tại tòa Trump Tower, New York trước cuộc bầu cử tổng thống
tháng 11 năm 2016. Tuy không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc mang tính
trầm trọng này, ông Trump đã so sánh cáo buộc của ông với vụ bê bối chính trị
Watergate, dẫn đến việc cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức vào năm 1974.
Một cựu giới chức cao cấp trong chính quyền TT Obama
ngay lập tức đã lên tiếng rằng “cáo buộc này hoàn toàn sai."
Thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ trong Ủy
ban Đối ngoại Thượng viện, Ben Cardin, cho biết nếu chính quyền của ông Obama
có do thám tại Trump Tower thì việc này cần được tòa án FISA cho phép; hành
pháp không thể tự động làm mà không có sự chấp thuận của tòa.
Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài năm 1978
(Foreign Intelligence Surveillance Court Act, FISA), cho phép do thám hợp pháp
và thu thập thông tin giữa các nước ngoài và những điệp viên của họ.
Tuần vừa qua, tin tức tiết lộ rằng Đại sứ Nga Sergei
Kislyak đã gặp gỡ con rể của ông Trump là Jared Kushner và cựu cố vấn an ninh
quốc gia Michael Flynn tại Trump Tower ở New York vào tháng 12. Ông Flynn bị sa
thải chỉ sau 24 ngày tại chức sau khi tin rò rỉ cho biết ông đã nói dối về các
cuộc trò chuyện giữa ông với ông Kislyak liên quan tới lệnh cấm vận Nga của TT
Obama.
Những tiết lộ về các cuộc gặp gỡ tại Trump Tower xuất
hiện sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã thừa nhận rằng ông có gặp ông
Kislyak hai lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái, nhưng đã
nói dối khi được hỏi về vấn đề này trong phiên điều trần của Thượng viện để
thông qua những vị trí quan trọng trong nội các.
Lý do ông Trump đã nghi ngờ TT Obama theo dõi lén
ông là do một bản tin ngày 2/3 từ một cơ quan cực đoan, chuyên loan tin không
kiểm chứng, là Breitbart News, mà Steve Bannon, cố vấn chiến lược của TBO từng
là CEO của cơ quan tuyền thông cực hữu này.
Sự cáo buộc của
ông Trump đã gặp phản ứng mãnh liệt từ giới chức cao cấp của các cơ quan
tình báo. Giám đốc FBI James Comey ngày 4/3 đã yêu cầu Bộ Tư pháp lên tiếng phủ
nhận cáo buộc này vì hoàn toàn sai và cần phải sửa lại. Trong khi đó cựu Giám đốc
CIA Michael Hayden phê bình: Ông Trump đã quên mình đang là tổng thống, vì với
cương vị này ông đã có thể yêu cầu quyền giám đốc của cơ quan tình báo quốc gia
và giám đốc FBI hiện nay để biết thực hư câu chuyện từ nguồn Breitbart? cựu
Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia DNI, ông James Clapper, khẳng định trong cuộc
phỏng vấn trên đài NBC rằng: “Không hề có chuyện TT Obama thu lén ông Trump,
cũng không hề co lệnh FISA cho một vụ nghe lén nào cả.”
Ông Hayden cho rằng TT Trump muốn hướng dư luận tới
phía khác trong lúc các chi tiết về mối liên hệ giữa các cộng sự viên của ông với
Nga liên tục bị khui ra, và đây là điều mà ông Trump chuyên làm khi có nguồn
tin xấu xảy ra cho ông.
Bình luận gia Joe Scarborough của đài MSNBC giải
thích sự điên loạn của ông Trump qua một loạt các tweets cuối tuần này, là một
phản ứng của người không thể tự chủ được chính mình.
*
Bộ Nội
An: Sắc lệnh di trú của TT Trump không ngăn ngừa được khủng bố
WASHINGTON (March 3, 2017) – Một bản báo cáo mới của
Bộ Nội An Mỹ đề ngày 1/3/2017 - đã được chuyển bí mật tới cô Rachel Maddow của
đài MSNBC, và đã được cô Maddow kiểm chứng với Bộ Nội an đúng là tài liệu của Bộ
- cho hay phần lớn thành phần người ngoại quốc đến Mỹ chỉ trở thành cực đoan,
quá khích và khủng bố sau khi sống tại Mỹ một thời gian dài.
Điều tra 88 kẻ cực đoan sinh ra ngoài nước Mỹ cho thấy, hơn một nửa đã tới Mỹ hơn 10 năm trước khi họ bị buộc tội hoặc bị giết trong những cuộc bạo động.
Điều tra 88 kẻ cực đoan sinh ra ngoài nước Mỹ cho thấy, hơn một nửa đã tới Mỹ hơn 10 năm trước khi họ bị buộc tội hoặc bị giết trong những cuộc bạo động.
Bản báo cáo còn nhận định thêm là “Cấm di dân dựa
vào quốc tịch của họ, kể cả 7 quốc gia Hồi giáo nêu ra trong sắc lệnh của ông
Trump, là việc làm không đúng,” và không giúp gì thêm cho mục tiêu ngăn chặn khủng
bố tại Hoa Kỳ.”
Dựa trên hai nhận định này của Bộ Nội an, thì chủ
trương “kiểm tra kỳ cùng” (extreme vetting) của ông Trump cũng như sắc lệnh cấm
di dân từ 7 quốc gia Hồi giáo đều không giúp cho việc tăng cường an ninh quốc
gia, vì viec kiểm tra di dân của Hoa Kỳ đã ở mức độ cực kỳ cao từ sau vụ khủng
bố ngày 11/9/2001, và không thể nào ngăn ngừa được những người chỉ cực đoan hóa
sau này.
Ngoài ra, cách thực hiện cẩu thả của luật cấm đã tạo
ra nhiều công phẫn trong dân chúng, đưa đến nhiều vụ kiện và nhiều cuộc biểu
tình liên tục; những hiện tượng chia rẽ, kỳ thị Hồi giáo và kỳ thị chủng tộc
trong số những thành phần người Mỹ quá khích đã gia tăng. Các chuyên gia và
chính giới còn nhận định là sắc lệnh mang tính “cấm Hồi giáo” này đã giúp những
thành phần khủng bố trên thế giới thêm “đạn tuyên truyền”, và gây nguy hiểm cho
người dân Mỹ.
Bản báo cáo này được Văn phòng Phân tích Tình báo Bộ
Nội an soạn thảo từ tháng 8/2016, cùng với Sở Quan thuế và Biên phòng (CBP), Bộ
Ngoại giao, Sở Thi hành Luật Quan thuế và Di trú (ICE), Trung tâm Quốc gia Chống
khủng bố (NCTC) cũng như Cơ quan Công dân và Di trú Mỹ (USCIS).
Bản phúc trình này của Bộ Nội an có thể đã khiến sắc
lệnh di trú mới của ông Trump bị trì hoãn, sau khi sắc lệnh cũ – ban hành ngày
27/1/2017, và tạo ra nhiều chống đối cũng như xáo trộn khắp nước – đã bị Tòa
Kháng án khu vực 9th bác bỏ ngày 9/2/2017. Ông Trump đã trả đũa lệnh tòa với
dòng tweet thách thức “See you in court!” ngay sau đó, ám chỉ sẽ kiện lên Tối
cao pháp viện, nhưng biết là sẽ không thành công vì phi pháp và vi hiến, nên
Tòa Bạch ốc đã im và hứa sẽ ban hành lệnh mới. Sau nhiều thất hẹn, chính quyền
ông Trump nói là sẽ ban hành lệnh di trú mới vào tuần lễ 6 tháng 3 này.
*
Một
ngày buồn - biểu tình ủng hộ TT Trump biến thành bạo lực
Theo Reuters, cuộc tuần hành tại Berkely,
California, đã trở thành bạo động giữa hai phe ủng hộ và chống TT Trump. Có 5
người bị bắt, nhiều người bị trầy xước và chảy máu. Những người tham gia biểu
tình ôn hòa kết luận: “Đây là một ngày buồn!” Hai bên đã ẩu đả, đấm đá, dùng gậy
gộc phang nhau, xịt thuốc cay vào nhau.
Hầu hết các cuộc biểu tình, nổ ra khắp nước từ ngày
ông Trump lên nắm quyền, đều ôn hòa. Chỉ thỉnh thoảng thấy có bạo động khi có một
nhóm người bịt mặt, mặc quần áo đen, trà trộn vào đoàn người biểu tình và gây bạo
động. Nhân chứng buổi biểu tình tại Berkeley hôm mồng 4/3 cho biết những nhân vật
đáng nghi ngờ này đã gây sự trước. Họ cũng thấy xuất hiện trong cuộc biểu tình
bạo động ở Washington D.C. hôm ông Trump nhậm chức.
Nhóm tổ chức các cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống
mang tên "Tinh thần Mỹ" cho hay tại rất nhiều thành phố, thị trấn, họ
chỉ thu hút được khoảng vài trăm người tham gia. Họ phải đối mặt với rủi ro bị
các nhóm phản đối Tổng thống lấn át.
Ở Berkeley, đám đông ủng hộ khoảng 100 người và phản
đối khoảng 200 người, đại diện lực lượng cảnh sát địa phương Byron White cho
hay.
Tại Minnesota, 400 người ủng hộ Tổng thống Trump tập
trung tại thủ phủ tiểu bang ở St. Paul và xảy ra xô xát với một nhóm nhỏ người
phản đối, khiến 6 người bị bắt giữ.
Tại Nashville, Tennessee, người ủng hộ và phản đối
Trump đã đôi co, xô xát, nhưng không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Hầu hết các
cuộc tuần hành khác đều diễn ra một cách ôn hòa.
Phong trào tuần hành ủng hộ TT Trump bắt đầu từ hôm
24/2 và dự kiến duy trì mỗi tuần hai lần vào các ngày thứ hai và thứ 7. Một
nhóm mang tên gọi Main Street Patriots cho biết họ đã giúp tổ chức những cuộc
tuần hành "Tinh thần Mỹ" tại ít nhất 28 trong số 50 tiểu bang.
Trong khi đó, những cuoc biểu tình chống TT Trump
thường rất đông, và đã xảy ra liên tục trong nhiều ngày ke tu khi ong len nham
chuc. Ngoài những cuộc xuống đường, người dân còn tập trung tại các buổi họp với
chính giới, có nơi lên đến nhiều nghìn người, để chống lại hoặc kêu gọi các giới
chức đảng Cộng hòa phải bảo vệ người dân chống lại những chính sách sai trái của
ông Trump như hủy bỏ Obamacare, đuổi di dân và cấm người theo đạo Hồi. Đặc biệt,
tại những buổi gặp gỡ town hall này, người dân kể cả những người đã bỏ phiếu
cho ông Trump đã lên tiếng đòi phải mở cuộc điều tra rốt ráo về mối liên hệ
Nga-Trump và đòi ông Trump phải công khai hồ sơ thuế.
No comments:
Post a Comment