Sunday, March 26, 2017

CHUYÊN GIA TRUNG QUỐC HÀNG ĐẦU CỦA TRUMP KHÔNG PHẢI LÀ CHUYÊN GIA VỀ TRUNG QUỐC (Melissa Chan - Financial Post)




Melissa Chan | Trà Mi
Posted on March 24, 2017 by editor — 0 Comments

Peter Navarro không nói tiếng Hoa, và có ít kinh nghiệm tại chỗ, ở Trung Quốc. Đó có thể là vấn đề hay không?

*
Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump. Nguồn: EPA

Theo những người trong vòng tròn chính trị của San Diego, nơi mà Navarro nổi tiếng là một người đáng nghi ngờ; Peter Navarro đã ra tranh cử 5 lần và thất cử cả năm lần. Dọc đường sự nghiệp, ông đã đổi áo, cởi áo đảng từ Cộng hòa, sang độc lập, qua Dân chủ, và trở lại đảng Cộng hòa – bất cứ cái nào cho ông lợi thế. Giáo sư kinh tế với bằng tiến sĩ Harvard có nhiều tham vọng hơn cuộc sống yên tĩnh của một giáo sư chính ngạch của ông trong nhiều năm qua. Giống như ông chủ hiện tại, Tổng thống Donald Trump, ông Navarro yêu chuộng sự để ý của giới truyền thông và đi tìm danh vọng ở chính trường.

Cuối cùng ông đã toại nguyện. Navarro đã uốn nắn những tu từ chan chát của Trump khi nói về Trung Quốc trong cuộc vận động tranh cử tổng thống; Bây giờ ông giữ một vai trò quan trọng, đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia do Trump tạo ra tại Toà Bạch Ốc. Tuy nhiên, tổng thể của hồ sơ lý lịch của Navarro phản ảnh một người có chuyên môn cao về các lợi ích công chúng hơn là các hoạt động phức tạp của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ông ta dường như không thông thạo tiếng Trung Quốc, và chưa khi nào dành thời gian đáng kể hoạt động, và cũng không phải là khách thường xuyên đến Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc được đánh giá cao hầu như đều đồng ý trong sự chê bai của họ về quan điểm của Navarro. Điều gì xảy ra khi chuyên gia Trung Quốc hàng đầu của Toà Bạch Ốc không – ít nhất theo các tiêu chuẩn được sử dụng trong các nhóm lập chính sách đối ngoại – thực sự là một chuyên gia Trung Quốc?

Câu trả lời có thể rất quan trọng. Thương mại là nền tảng cho hầu hết các khía cạnh khác của quan hệ địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới. Trong một cuộc nói chuyện kéo dài gần một giờ với Foreign Policy, Navarro cho biết,

“Ngay khi có một quốc gia lừa gạt, mô hình này sẽ sụp đổ. Ngay khi có những thao túng tiền tệ hoặc những khập khễnh tiền tệ, mô hình này sẽ đổ. Trong cả hai trường hợp, một quốc gia sẽ thắng và nước kia sẽ thua. Bất kỳ học sinh trung học nào cũng hiểu điều đó.”

Navarro, tái sinh như là một người phân tích Trung Quốc, dựa trên ý thức hệ của ông về việc xem Trung Quốc như là đối thủ chính của Mỹ trong trò chơi kinh tế chỉ có thắng thua (zero-sum game). Ông than phiền rằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới là một trong những sai lầm lớn nhất mà Hoa Kỳ đã vấp phải, và tin rằng Bắc Kinh không chơi theo luật. Ông ta đã tố cáo Trung Quốc vì chiến thuật hám lợi lèo lái bằng những doanh nghiệp nhà nước và các khoản trợ cấp, ông tin rằng phần lớn chúng đã góp phần làm suy giảm công việc sản xuất ở Hoa Kỳ. Mặc dù có quy ước đang lưu hành, ông vẫn khẳng định rằng Trung Quốc vẫn đang thao túng đồng nhân dân tệ. (Điều đó đúng trong quá khứ, nhưng đa số chuyên gia kinh tế đồng ý là đồng nhân dân tệ hiện nay không còn thấp hơn giá hợp lý.) Cùng với Trump, Navarro đã xé bỏ hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông nói nhiều lần rằng ông muốn đánh 43% thuế nhập cảng vào hàng hoá của Trung Quốc. (Ở một dịp khác, Trump đã từng nói về mức thuế nhập cảng 45%).

Kể từ khi Navarro đột ngột xuất hiện trên chính trường quốc gia, ông giống như một kẻ đạp cổng xông vào đối với những chuyên gia Trung Quốc, những người đã mất nhiều năm trời, thậm chí hàng chục năm để tạo dựng danh tiếng của họ. Hơn một chục chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đã tìm tới bài báo này – kể cả những chuyên gia ở đại học, ở viện nghiên cứu, các nhóm tư vấn, khu vực tư nhân, và những người trước đây làm việc trong chính phủ – nói rằng họ không biết về Navarro, hoặc ít tương tác với ông ta, và chỉ nghe nói về ông ta sau khi ông được phóng vào chính trường như một thành viên của nhóm kinh tế của Trump. Các giáo sư tại Nam California – những người hầu như có cơ hội gặp Navarro, những người đã dạy tại Đại học California, Irvine trong nhiều năm – cho biết ông đã không cố gắng để liên hệ với các chuyên gia Trung Quốc, cho dù họ là các nhà kinh tế học, các nhà khoa học chính trị hay sử gia. James McGregor, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc nói, “Navarro không được biết đến ở bất kỳ giới nghiên cứu Trung Quốc nào.”

Kenneth Pomeranz, giáo sư về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Chicago, và trước đây giảng dậy tại UC Irvine, nói: “Hồi ức của tôi cho biết ông ta tránh những người thực sự biết về Trung Quốc.” Patrick Chovanec, chiến lược gia của Silvercrest Asset Management và là một nhà bình luận thường xuyên về nền kinh tế Trung Quốc nói với FP, “Trung Quốc mà Navarro mô tả trong ‘Chết vì Trung Quốc’ chỉ là mối quan hệ tiếp tuyến với Trung Quốc mà tôi đã sống mười năm ở đó.” McGregor nói cuốn sách của Navarro và tài liệu của ông “gần như không đáng tin cậy với những người biết về Trung Quốc,” và đầy những “cường điệu, không chính xác” và một loại “tranh biếm hoạ về Trung Quốc mà ông đưa ra.”

Sự cường điệu mà McGregor đề cập đến phần lớn nằm trong trong ba cuốn sách của Navarro: Hổ phục: Chủ nghĩa quân sự của Trung Quốc có nghĩa gì với Thế giới; Chết vì Trung Quốc: Đối đầu với Rồng – Lời kêu gọi Hành động Toàn cầu (kèm theo bộ phim tài liệu cùng tên); Và Cuộc Chiến tranh Trung Quốc sắp xảy ra: Họ sẽ chiến đấu ở đâu và Làm thế nào để đánh bại họ.

[sách của P. Navarro: Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World; Death by China: Confronting the Dragon — A Global Call to Action (which was accompanied by a film documentary of the same name); and The Coming China Wars: Where They Will Be Fought and How They Can Be Won.]

Thật là công bằng khi gọi cả ba là luận chiến, nếu đọc được.

Trong cuốn “Death by China”, Navarro cảnh cáo người mua hàng hóa của Trung Quốc, “Nếu mơ được chết vì nổ, lửa, hoặc điện giật, bạn có thể chọn mua từ một loạt các dây điện đã gài bẫy, quạt, đèn, điều khiển từ xa quá nóng, Điện thoại di động tự nổ, và những radio tự bốc cháy.” Mở đầu ở một phần khác về vấn đề ô nhiễm của Trung Quốc, Navarro vẽ trước bối cảnh, tuyên bố, “Đó là Đại ca gặp mùa Xuân yên tĩnh”. Ông thậm chí còn gọi Trung Quốc là “Đất Rồng”.

Khi được hỏi về danh tiếng của mình, Navarro đã giới thiệu tôi đọc phần cảm ơn trong cuốn sách mới nhất của ông. Navarro nói, “Bạn có hơn 30 nhân vật Trung Quốc hàng đầu trên trên thế giới, thuộc mọi thành phần, mà tôi phỏng vấn. Làm sao có thể nói một cách đáng tin rằng tôi tránh gặp mọi người? Đó chỉ là kiểu vặn vẹo độc ác.” Các cuộc phỏng vấn, dĩ nhiên, không đồng nghĩa với sự chứng thực hay tán thành, và tôi đã không thể tìm được bất cứ nhân vật nào Navarro đã phỏng vấn sẵn sàng bình luận cho bài báo này.

Đối với hầu hết các chuyên gia Trung Quốc, thời gian hoạt động đáng kể ở Trung Quốc đã xây dựng quan tâm và chuyên môn của họ. Với Navarro, không phải vậy, Navarro nói ông chuyển sang chú ý đến Trung Quốc vào giữa những năm 2000, khi ông bắt đầu nhận thấy rằng những cựu sinh viên trường kinh doanh của ông đã mất việc làm. Ông đã bắt đầu một dự án nghiên cứu về mất việc làm khi có thặng dư thương mại của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ ở giá thấp nhất, và kết luận rằng Trung Quốc là một chính phạm.

Gordon Chang, một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong số những người theo dõi Trung Quốc, đã cảnh cáo hơn 15 năm nay rằng Trung Quốc sắp sụp đổ đên nơi, là người phân tích Trung Quốc duy nhất tôi tìm ra và có thể được gọi là người ủng hộ Navarro. Chang đã viết lời mở đầu cho cuốn sách của Navarro về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng ngay cả ông cũng không đồng ý với Navarro về mọi thứ.

Chang nói với FP, “Bạn sẽ không nghe thấy tôi bảo vệ việc đánh 45% thuế nhập cảng và tiền phạt vì thao túng tiền tệ liên tục.” Ông Chang cũng không ủng hộ việc Mỹ rút ra khỏi TPP, mà ông gọi là “một vụ đổ vỡ tự gây ra.”

Những chỉ trích của những chuyên gia Trung Quốc phản ảnh những chỉ trích về quan điểm kinh tế của Navarro. Những tài liệu trong đăng trên New Yorker và Vox cho rằng chủ trương của Navarro không có lý thuyết hậu thuẫn và bị cô lập khỏi tư tưởng kinh tế chủ đạo. Về phần mình, Navarro nghĩ rằng hầu hết những kinh tế gia đều bị cô lập với thực tế. Ông nói,
“Chín mươi chín trong số 100 người chỉ trích tôi về kinh tế không dạy kinh tế như tôi. Đây là một lĩnh vực chuyên môn cốt lõi của tôi, và những người không dạy mô hình lý thuyết và không hiểu tại sao lý thuyết đó lúc nào cũng sụp đổ hoàn toàn trong thế giới thực, đang chỉ trích tôi.”

Tương tự như vậy, Chang cho rằng các kinh tế gia hiểu lầm Navarro vì họ hiểu sai Trung Quốc. Chang nói, “Trung Quốc có một cái nhìn rất hẹp về thương mại. Họ luôn xem nó như là ‘Tôi thắng, bạn thua’. [Trung Quốc] quan niệm thương mại tương tự như lối nhìn của Navarro.”

Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung tại Châu Á, gần đây đã gặp Navarro. Giống như hầu hết các chuyên gia Trung Quốc được phỏng vấn, Schell không đồng ý với ứng xử đối nghịch của Navarro và nghĩ rằng ông không đánh giá cao mức độ nhạy cảm của quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng Schell tỏ ra hào phóng hơn những người khác. “Tôi biết Navarro làm nhiều kinh tế gia khó chịu, nhưng tôi không phải là một chuyên gia kinh tế. Người ta phải thừa nhận rằng ông ấy đã thu hút được sự chú ý của Trung Quốc. Ông ấy đang nhắc với Trung Quốc rằng họ đang gặt hái những thành quả cay đắng của sự thiếu thận trọng của họ đã tạo ra một sân chơi đầy thách thức và không cân xứng.”

Schell cũng đưa ra một cái nhìn rộng lượng hơn về sự cô lập của Navarro đối với giới quan sát Trung Quốc. Schell nói, “Theo quan điểm của ông ấy, các chuyên gia Trung Quốc đang mộng du qua mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Và ông ta đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần: Chúng ta đã thực sự đã có được gì từ mối quan hệ này?”

McGregor nói Navarro “đáng được ghi công đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang khôn hơn Mỹ và thế giới trong ít nhất mười năm qua.” Nhưng McGregor nói thêm rằng rất khó để chấp nhận thông điệp đó khi “nó đang bị trộn lộn trong một hỗn hợp vô nghĩa.”

Navarro tin rằng sự ghen tị của những người chỉ trích cho thấy rằng “theo thời gian, tôi trong ngày càng giống như Paul Revere nhiều hơn một kẻ gieo hoang mang mà những người chỉ trích tôi đã miêu tả.”

[Paul Revere là một thợ bạc, thợ khắc, một nhà công nghiệp người Mỹ đầu tiên, và một người yêu nước trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, – TM]

Sự bào chữa lớn nhất của Navarro, dĩ nhiên, là việc được gia nhập vào chính quyền của Trump. Hai người lần đầu tiên liên lạc với nhau vào năm 2011, sau khi Navarro biết rằng Trump đã đọc “The Coming China Wars”; sau đó, Trump đã đánh giá tốt cho cuốn phim tài liệu của Navarro. Khi Trump vận động tranh cử tổng thống, Navarro đến New York, và sau cùng đã làm việc giúp đỡ trong cuộc vận động tranh cử. Navarro nói ông không chờ đợi sẽ ở lại làm việc tại Washington. “Tất cả chỉ xảy ra một cách hữu cơ.”

Navarro có thể đã đến Washington như một nhân vật không ai biết, nhưng cộng đồng chính trị San Diego biết Navarro rất rõ, vừa sợ hãi vừa ghê tởm. Lisa Ross, tuỳ viên báo chí của Navarro trong vài cuộc vận động tranh cử thất bại cho biết: “Không ai trong tỉnh có thể tin rằng Peter Navarro đang ở nơi ông ở.”

Navarro ra tranh cử thị trưởng năm 1992 sau khi dẫn đầu một nhóm thường dân phản đối cái mà ông gọi là phát triển quá mức ở San Diego. Ông đặc biệt hiểu rõ về ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đặc biệt vì có những nghiên cứu khoa học về các tiện ích công cộng và kiểm soát tiền thuê nhà trọ. Ông ta thích đấu đá và coi mình là người của quần chúng. Ông ta tự đặt mình là người ngoài cuộc, chống lại cơ chế. Ông ta tự tin, điên cuồng, và có khiếu đối thoại với báo chí. Ross nói, “Peter có thể khiến báo giới xuất hiện bất cứ lúc nào. Họ yêu ông ấy.”

Đối phó với một đối thủ vừa ly dị sau khi ông chồng bị buộc tội rửa tiền ma tuý, Navarro đã vùi dập Susan Golding trong một trong một cuộc vận động tranh cử tiêu cực nhất trong trí nhớ của thành phố San Diego. Tom Shepard, chiến lược gia chính của Golding, nói: “Ông ta rất giỏi xác định điểm cần phải tấn công và khai thác nó đến cùng.” Navarro vẽ hình ảnh Golding, người đã từng trải nhiều năm trong chính trường địa phương, như một phần tử thuộc tầng lớp cai trị thối rữa. Trong cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình trước ngày bỏ phiếu, ông tấn công đến nỗi bà Golding phải khóc. Thay vì ngưng lại, Navarro tấn công gấp đôi, và buộc tội là Golding đang đóng kịch. Cử tri không hài lòng; lần đó Navarro thất cử khít khao.

Navarro tiếp tục tranh cử làm nghị viên hội đồng thành phố, giám sát viên quận, và cuối cùng là dân biểu vào năm 1996. Lần này, ông đã thảm bại. Ross nói, “Tính tiêu cực của Peter rất cao, không có cách nào chúng tôi có thể thắng được cuộc đua đó.”

Nhiều người biết Navarro, nói chuyện với FP, đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa ông và Trump. Cả hai đều dễ bùng nổ, lôi cuốn, đeo đuổi một mục đích, chỉ biết đến mình, và có khả năng ứng xử trước máy thu hình và đưa ra một phát biểu xuất sắc. Kim Cox, Chủ tịch Đảng Dân chủ quận từ thời kỳ đó, nói, “Tôi nghĩ ông ấy và Trump xứng đôi vừa lứa.”

Larry Remer, chiến lược gia chính của Navarro trong một số cuộc vận động tranh cử, nói, “Có cái tôi bự cỡ Trump không phải dễ. Nhưng Peter chắc chắn tin rằng ông có thể đóng góp rất nhiều.”

Tuy nhiên, Remer cảnh cáo về việc đánh đồng Navarro với ông chủ hiện tại.

“Peter mà tôi biết không có mối quan hệ nào với con người thô lỗ, dâm dục, phân biệt chủng tộc, chống lại nữ quyền Donald Trump. Ông ấy không bao giờ là những thứ đó và tôi không tin anh ấy như thế ngày hôm nay.”

Rõ ràng Navarro là một nhân vật gây tranh cãi luôn luôn muốn thắng và sẵn sàng làm tổn thương cảm xúc nếu cần. Công bằng mà nói, dù như vậy cũng không thể loại trừ khả năng Navarro cũng chân thành trong quan điểm của mình và thực sự mong muốn phục vụ công chúng. Có bằng chứng cho điều đó. Navarro là một tình nguyện viên trong Peace Corp ở Thái Lan vào đầu những năm 1970. Ông ấy nói về thời gian đó với sự yêu mến sâu sắc. Những người bạn tình nguyện viên nhớ đến ông ta là một thanh niên nghiêm túc, bình tĩnh và một người biết lắng nghe.

Cái tinh thần phục vụ công chúng đó – từ những ngày là tình nguyện viên của Peace Corp và từ những nghiên cứu học thuật về sự mất việc làm – vẫn còn trong con người Navarro. Navarro tiếp tục tin rằng ông đang tranh đấu vì người dân thấp cổ bé miệng. Trong một bài phát biểu vào ngày 6 tháng 3, ông đã nói với những người bảo vệ sản xuất của Trung Quốc vì nó cung cấp cho người Mỹ những mặt hàng rẻ hơn.

“Dường như đây là một lý luận không hợp thời của giới tinh hoa. Nó giả định rằng những thành phần nghèo nhất trong xã hội của chúng ta muốn mua sản phẩm rẻ hơn là muốn có công việc tốt và một mức lương tốt.”

Trong tinh thần đó, văn phòng của Navarro đang hoạt động như một “đội Đặc nhiệm” để giúp các nhà sản xuất – và các chủ trang trại, nông dân và công nhân – bằng cách chỉ điểm những trường hợp cạnh tranh thương mại không công bằng của những công ty nước ngoài. Navarro cho biết ông đang xét lại tác động của luật an ninh không gian mạng mới của Bắc Kinh, đòi hỏi tất cả các công ty trong nước và nước ngoài lưu trữ các thông tin quan trọng thu thập được ở Trung Quốc trên các máy chủ ở Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, điều này gây ra nhiều bất lợi đối với các công ty dịch vụ trên mây của Mỹ trong khi vẫn hỗ trợ các công ty địa phương như Alibaba Cloud. Navarro muốn có đi có lại. Ông nói, “Alibaba Cloud sẽ độc quyền ở thị trường Trung Quốc ngay cả khi nó có thể tự do nhập vào thị trường của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho phép một công ty Trung Quốc đến Hoa Kỳ, ngay cả khi Trung Quốc đang đẩy Amazon ra.”

Vai trò của Đội Đặc nhiệm có thể phù hợp với Navarro. McGregor nói, “Về chính sách thương mại lớn hơn, ông dường như có thái độ nhiều hơn là khả năng. Vì vậy, để ông ta bận rộn với từng trường hợp cá nhân và dùng ông ta như lực lượng tấn công ở cấp địa phương có lẽ tốt hơn cả.”

Câu hỏi đặt ra là liệu tính hay gây gỗ của Navarro sẽ một lần nữa đè bẹp tinh thần phục vụ quần chúng của ông hay không. Tin tức gần đây cho biết Navarro đang bị gạt ra bên lề ở Toà Bạch Ốc, và cựu Giám đốc điều hành của Goldman Sachs Gary Cohn của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, người đã quy tụ một khối nhân viên hùng mạnh và nói chung là ôn hoà hơn đối với Trung Quốc, có thể là ngôi sao đang sáng. Một số thì thầm rằng Navarro và nhóm nhỏ của ông có thể sớm bị chuyển sang Bộ Thương mại, dưới sự giám sát của Wilbur Ross, người trước cuộc vận động tranh cử tổng thống thường xuyên ca ngợi nền văn hoá Trung Quốc. Navarro không bình luận về những bản tin này.

Nhưng ông ấy nhận ra nghịch lý do bản sắc chính trị của ông đã tạo ra. Trong “San Diego Confidential”, một cuốn sách không được tôn trọng và rất dễ đọc phản ảnh về những năm tháng ông đi vận động để được dân cử, Navarro có viết một số tự đánh giá khắc nghiệt, kể cả thời điểm chân lý sau khi ông thất bại trong cuộc chạy đua vào Quốc hội. Ông viết,
“Tôi đã thất bại vì tôi đã tranh cử quá nhiều lần và xúc phạm quá nhiều người trong quá trình này. Kết quả là, tôi không bao giờ có thể làm được điều duy nhất tôi muốn làm trong chính trường – tranh đấu cho những vấn đề quan trọng.”

© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Trump’s Top China Expert Isn’t a China Expert. Peter Navarro doesn’t speak Chinese, and has scant in-country experience. Should that matter? BY MELISSA CHAN. Financial Post. MARCH 13, 2017.




No comments: