Hà
Tường Cát/Người Việt
March 6, 2017
Khi nói đến di dân, hầu hết mọi người đều chỉ mường
tượng về những người tị nạn trốn chạy khỏi đất nước họ vì tại họa chiến tranh,
hay những người nghèo khó, hy vọng tìm được một đời sống tốt đẹp hơn tại các đất
nước giàu có thịnh vượng.
Nhưng vào thời đại toàn cầu hóa, còn có một lớp người
dù không phải là đông đảo lắm, có thể di trú bằng con đường khác vốn không gian
nan nguy hiểm. Ðó là những người sẵn sàng sử dụng tiền bạc mà mình có để thay đổi
nơi sinh sống và đồng thời là quốc tịch. Hiện tượng này phổ biến nhất tại Trung
Quốc với một số lớn những người trở thành tỷ phú và triệu phú bằng phương cách
hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Rồi khi đã có nhiều tiền, họ muốn tránh xa những
mối đe dọa bất trắc thường xuyên tại quốc nội và tìm cuộc sống yên ổn hơn ở nước
ngoài.
Cũng vì tình trạng toàn cầu hóa, khi đã có thể dễ
dàng nhanh chóng bỏ tiền ra để mua được một cách hợp pháp quốc tịch thứ hai hay
thứ ba, người ta có khả năng đi lại trên toàn thế giới và tiếp tục công việc
làm ăn kinh doanh. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF gọi hành động này thuộc vào Chương
trình Công dân Kinh tế (ECP = Economic Citizenship Program), tương tự như một
chương trình đơn giản hơn là Di dân Ðầu tư hay Công dân Ðầu tư mà một số quốc
gia chấp nhận. Ít khi được giới truyền thông chú ý như các di dân Mexico, Phi
Châu, Trung Ðông, nhưng lớp di dân này có vai trò ảnh hưởng lớn đến các nền
kinh tế thế giới.
Canada là một trong những nơi di dân đầu tư đến nhiều
nhất. Từ 1997 cho đến nay, khi dân có tiền muốn rời khỏi thuộc địa Hồng Kông được
trả chủ quyền về Trung Quốc, thành phố Vancouver đã phát triển nhanh chóng và
giá nhà tăng cao kỷ lục. Chương trình di dân VIP cho phép dân Trung Quốc đầu tư
trên 1.6 triệu dollars Canada, được cấp visa nhập cảnh vô thời hạn, hưởng quy
chế thường trú nhân rồi sau đó nhập quốc tịch nếu muốn.
Một số ít hơn trong những người giầu có, các tỷ phú
là giới tận dụng các điều kiện về di trú để làm ăn trên thế giới và tránh thuế
hay tránh phức tạp chính trị ở Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post trước đây có loan tin về
trường hợp của tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianghua). Ðêm Giao Thừa Tết Âm lịch
vừa qua Tiêu biến mất khỏi khách sạn Four Seasons ở Hồng Kông, nơi ông đã sống
từ 4 năm nay với hy vọng là được tương đối an toàn với quy chế riêng biệt dành
cho đặc khu hành chính này.
Nhà chức trách Hồng Kông sau đó cho biết Tiêu đi hợp
pháp qua biên giới sang lục địa và Bắc Kinh xác nhận các nhân viên mật vụ đã
đưa về Trung Quốc để “trợ giúp cho việc điều tra.” Nhưng nhiều quan sát viên
coi đây là vụ Tiêu bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc, vì một nguyên nhân hay nhu cầu
nào đó, với những nhu cầu ở thời điểm hội nghị kỳ 9 đảng Cộng Sản Trung Quốc
khóa 16 sắp họp trong năm nay.
Tiêu Kiến Hoa có mang hộ chiếu Antigua &
Barbuda, một đảo quốc nhỏ bé trong vùng biển Caribbean, thuộc địa cũ của Anh được
trả độc lập năm 1981, chỉ có 94,000 dân nhưng có một tòa đại sứ sứ Trung Quốc với
đầy đủ quyền hạn về ngoại giao. Ông Tiêu không nhập quốc tịch Antigua &
Barbuda trong khuôn khổ chương trình Công dân Ðầu tư. Tuy vậy có thể hiểu là mối
quan hệ với một đối tượng như Tiêu là rất hữu ích, do ở chỗ đảo quốc này mắc nợ
$1 tỷ, ngang với tổng sản lượng quốc dân, trong thời đại khủng hoảng tài chính
thế giới năm 2008.
Là người có nhiều liên hệ với các giới chức cao cấp
trong chính quyền Trung Quốc, Tiêu được cấp hộ chiếu ngoại giao đặc biệt với
vai trò “đặc sứ toàn quyền” của Bermuda & Barbados. Năm 2014 thủ tướng
Antigua & Barbuda, Sir Ronald Sanders, đến Bắc Kinh họp với Thủ Tướng Lý Khắc
Cường và Trung Quốc đồng ý mở rộng quan hệ hợp tác trong các lãnh vực nông nghiệp,
năng lượng sạch, giáo dục, y tế, du lịch và phát triển hạ tầng cơ sở. Ông
Sanders bây giờ giải thích là Tiêu Kiến Hoa không được cấp quốc tịch hay dành
cho quy chế đặc biệt gì trong chương trình Công dân Ðầu tư.
Ông Tiêu đã bằng hồ sơ ngoại giao Antigua &
Bermuda để mở rộng hoạt động kinh doanh đến nhiều nước trên thế giới, và nhà cầm
quyền Trung Quốc lợi dụng vai trò của Tiêu trong chiến lược phát triển mối quan
hệ với các quốc gia Châu Mỹ.
Hộ chiếu Antigua & Barbuda của ông Tiêu được cấp
ngày 8 Tháng Tám năm 2014 và mãn hạn sau 3 năm. Như vậy khi Tiêu Kiến Hoa mất
tích ngày 27 Tháng Giêng năm 2017, ông ta không còn tư cách là một nhà ngoại
giao của đảo quốc này nữa. Không thể biết hai sự kiện ấy có tương quan gì
không, nhưng vậy một điều chắc chắn hệ thống chính trị và mạng lưới kinh tế của
Trung Quốc nói chung, và số phận bấp bênh của các tỷ phú Trung Quốc, luôn luôn
có những mối ràng buộc phức tạp mà không ai có thể tiên liệu chuyện gì sẽ xảy
ra.
No comments:
Post a Comment