March 6, 2017
WASHINGTON
DC (NV) – Bí ẩn về việc liên lạc ngầm giữa một số
viên chức cao cấp trong ban tham mưu của ông Donald Trump với Nga đang xói mòn
dần cương vị tổng thống của ông, từ tường trình của truyền thông đến những tố
giác khiến đe dọa uy tín của ông lẫn Tòa Bạch Ốc.
Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Sergey Kislyak (giữa) đến Quốc
Hội nghe bài diễn văn của Tổng Thống Trump hôm 28 Tháng Hai. Ông Kislyak đã nhiều
lần gặp vài cố vấn cao cấp của ông Trump trong thời gian bầu cử Mỹ. (Hình:
BRENDAN SMIALOWSKI/AFP/Getty Images)
Theo CNN, Washington DC hiện đang trong tình trạng
hoang mang, khó phân biệt giữa những lời đồn đãi và sự kiện hiển nhiên, trong
khi cơn phẫn nộ từ đảng phái và các thuyết âm mưu lên đến mức cao điểm.
Kết quả thăm dò của CNN/ORC cho thấy, 55% người Mỹ
nói họ quan tâm đến những tường thuật nói rằng ban vận động tranh cử của Tổng
Thống Trump có liên lạc với người Nga.
Hai phần ba người Mỹ, gồm 43% của Cộng Hòa, Dân Chủ
82% và Độc Lập 67%, nói cần có một công tố viên đặc biệt để điều tra về các
liên lạc ấy.
Trong khi Tòa Bạch Ốc chưa có cách nào để đánh tan
dư luận về việc này, thì Tổng Thống Trump hôm Thứ Bảy lại khơi thêm dư luận ồn
ào khi đổ cho người tiền nhiệm là cựu Tổng Thống Barack Obama đã từng nghe lén
điện thoại của ông.
Hôm Chủ Nhật, ông James Clapper, cựu giám đốc Tình
Báo Quốc Gia, khẳng định, không cơ quan tình báo nào dưới quyền ông từng làm
chuyện nghe lén đó, kể cả FBI cũng không nhận lệnh tòa dựa theo đạo luật
Foreign Intelligent Surveillance Act để nghe lén điện thoại của ông Trump.
Nghị Sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware) hôm Thứ Hai
nói, Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện tuần này sẽ duyệt các tin tình báo liên quan đến
cuộc điều tra của Quốc Hội về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống vừa
qua và rằng đây là bước tiến được sự hoan nghênh của các dân cử.
Việc được cho là liên lạc ngầm với Nga này sẽ khiến
cho guồng máy hoạt động của chính phủ và Tòa Bạch Ốc bị rắc rối trong nhiều
tháng trời.
Trong một diễn tiến mới nhất, vị thế của Bộ Trưởng
Tư Pháp Jeff Sessions đang ở trong vòng nghi vấn, sau khi bị phát giác đã không
nói với các nghị sĩ trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện về việc ông đã từng hai lần
liên lạc với đại sứ Nga ở Hoa Kỳ.
Trong tuần qua có tiết lộ nói rằng ông Jared
Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của tổng thống, và ông Michael Flynn,
cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump, đã từng nói chuyện với Đại Sứ
Nga Sergey Kislyak tại Trump Tower hồi Tháng Mười Hai, điều mà sau đó khiến ông
Flynn phải từ chức.
Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) hôm Thứ Bảy
nói: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng, làm bẻ
cong nền văn minh.” (TP)
---------------------
Minh Anh – RFI
Đăng ngày 07-03-2017
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170307-%C2%AB-tin-gia-la-bai-duoc-cac-che-do-doc-tai-chau-a-ua-dung-%C2%BB
Donald
Trump và sở thích "thuyết âm mưu"
Với hàng tựa "Donald Trump dùng thuyết âm
mưu mới và nhắm vào Barack Obama", báo Le Figaro nhận định : Ông
Trump không giữ lâu được tư thế và "tầm cao" của một vị tổng
thống mà ông đã thể hiện khi đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ, hồi đầu tuần
trước. Do một số nhân vật trong tân chính quyền đang bị điều tra về việc bí mật
liên hệ với Nga trong lúc vận động tranh cử, tân tổng thống Mỹ đã tìm cách đánh
lạc hướng bằng cách tố cáo người tiền nhiệm cho nghe lén ông. Thế nhưng, do
không có bằng chứng cáo buộc cụ thể, vụ việc này có thể gây bất lợi cho chính
ông Trump.
Hôm Chủ Nhật, 05/03, ông James Clapper, lãnh đạo
tình báo quốc gia dưới thời Obama đã kịch liệt bác bỏ thông tin của ông Trump.
Đồng thời, giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI, James Comey, đã đề nghị bộ
Tư Pháp cải chính thông tin của tổng thống. Theo Le Figaro, chỉ có tư pháp Liên
Bang, trên cơ sở báo cáo của chính phủ bao gồm những thông tin, chỉ dấu về hoạt
động tội phạm hoặc làm tình báo cho kẻ thù, mới có quyền cho phép giám sát công
dân Mỹ. Nếu quả thật là hệ thống điện thoại và các máy tính của ông Trump bị tư
pháp cho phép nghe lén, thì có nghĩa là có những nghi ngờ nghiêm trọng đối với
ông và cộng sự.
Le Figaro phác họa lại "hành trình" tạo
dựng thông tin tố cáo ông Obama nghe lén điện thoại. Trước tiên, dường như ông
Trump có ý tưởng này dựa vào một bài viết đăng trên website Breibart News, do
ông Steve Bannon lãnh đạo cho đến tháng Tám năm ngoái. Hiện nay, ông Bannon là
cố vấn chiến lược của tân tổng thống Mỹ.
Website có xu hướng cánh hữu và thường xuyên chạy
theo các thuyết âm mưu, đã nhắc lại những phát biểu của Mark Levin, một nhà báo
có tư tưởng cực kỳ bảo thủ. Ông này khẳng định rằng chính quyền Obama đang chuẩn
bị một "cuộc đảo chính thầm lặng" chống lại ông Trump.
Nhà báo này dựa vào một bài viết trên blog HeatStreet, hay đưa tin giật gân,
không chính xác, cho rằng chính quyền Obama hồi tháng 10 năm ngoái đã được tư
pháp cho phép nghe lén tháp Trump (Trump Tower) vì nghi ngờ có những hành động
hợp tác gián điệp với nước ngoài. Thế nhưng, không một nguồn tin độc lập nào khẳng
định là có lệnh nói trên của tư pháp Liên Bang.
Le Figaro kết luận, ông Trump đã cho thấy là ông ưa
thích các học thuyết âm mưu, ví dụ trong vòng 5 năm, ông liên tục đưa ra những
tuyên bố sai lệch về nơi sinh của tổng thống Obama. Theo Josh Earnest, nguyên
là phát ngôn viên của ông Obama, thì tổng thống Mỹ không có quyền đơn phương ra
lệnh giám sát công dân Hoa Kỳ. Đây là cách xử lý khủng hoảng trong nhiệm kỳ tổng
thống của Donald Trump bằng cách tung ra các tweet hoặc đưa ra các phát biểu
gây bê bối nhằm đánh lạc hướng sự chú ý vào một vụ việc bê bối khác.
Về điểm này, báo Le Monde trong bài "Trump
cáo buộc Obama nghe lén, nhưng FBI cải chính" cũng có
cùng nhận định với Le Figaro. Theo quan điểm của tờ báo, các tweet của ông
Trump cho thấy hai việc : thứ nhất là tân tổng thống Mỹ muốn đánh lạc hướng
công luận trong lúc nhiều nhân vật trong chính quyền đang bị điều tra về việc
có liên hệ với Nga. Thứ hai, là tổng thống Mỹ đang rất tức giận về việc có nhiều
thông tin bị rò rỉ, tiết lộ cho báo chí, gây khó khăn cho chính quyền của ông.
Le Monde còn cho biết thêm là ban phụ trách báo chí
và thông tin của tân tổng thống Mỹ đã im lặng trong 24 giờ sau các tweet của
ông Trump vì dường như họ cũng bị bất ngờ. Một ngày sau, phát ngôn viên của tổng
thống Mỹ mới ra thông cáo là trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hoạt động can
thiệp của Nga, các tiểu ban phụ trách tình báo của Quốc Hội nên xác định xem
chính quyền Obama trong năm 2016, có hành động vượt quá thẩm quyền hay không.
Thế nhưng, bản thông cáo này cũng không đưa ra được các bằng chứng nhắm vào
chính quyền Obama.
No comments:
Post a Comment