Mặc
Lâm, biên tập viên RFA
2017-03-04
2017-03-04
Di sản văn hóa đô thị là những chủ thể không thể thiếu
trong hầu hết những đô thị trên thế giới. Những nét văn hóa tồn đọng lại từ lịch
sử qua sự giao tiếp của các nền văn hóa thế giới hay từ tinh hoa của nghệ thuật
trên các công trình kiến trúc của người dân bản địa là di sản văn hóa quý giá
cho mỗi dân tộc mà không bất cứ mục tiêu kinh tế nào có thể đánh đổi.
Chùa Giác Lâm ở Sài Gòn được xây dựng năm
1744. AFP
Việt Nam không ngoại lệ và di sản văn hóa đô thị của
Việt Nam mang dấu ấn các kiến trúc thời Pháp thuộc để lại khá đa dạng tại các
thành phố lớn nhỏ trên toàn quốc. Hai nơi chiếm tỷ lệ lớn và quan trọng nhất của
các kiến trúc trở thành di sản văn hóa là Hà Nội và Sài Gòn lại đang phải đối
diện với việc phá bỏ để phát triển kinh tế, điều mà các nhà làm chính sách
không lượng trước được hậu quả về khiếm khuyết kiến thức cũng như văn hóa bị
triệt tiêu, tàn phá.
Di
sản đô thị Sài Gòn
Trước hiện tượng triệt phá di sản để phát triển đô
thị chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu, đang giảng dạy Khoa Văn
hóa học, Đô thị học và Khảo cổ học trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn thành phố
HCM về vấn đề này, trước tiên TS Hậu cho biết:
TS
Nguyễn Thị Hậu: Di sản đô thị Sài Gòn theo tôi đấy chính là những di
tích di vật còn lại được hình thành trong quá trình lịch sử và đặc biệt trong
điều kiện tự nhiên xã hội rất đặc thù của vùng đất phía nam. Cho đến nay nếu
nói về di sản đô thị Sài Gòn thì nó còn bao gồm các loại như các di tích vào thời
Nguyễn có dấu tích của thành lũy, những đình chùa đền miếu, những ngôi nhà cổ.
Một số di tích của các làng nghề từng nổi tiếng ở Sài Gòn như Xòm Lò gốm chẳng
hạn. Kể cả những địa danh dân gian, địa danh của một số đơn vị hành chính mà
nhà Nguyễn đã thiết lập, đặt tên. Về lễ hội thì có những lễ hội đình miếu, đó
là giai đoạn thời Nguyễn.
Còn đô thị thời Pháp thuộc thì được quy hoạch và xây
dựng bao gồm các công trình như công sở, biệt thự, dinh thự, công trình văn
hóa, thương mại hay kiến trúc tôn giáo đặc biệt là hệ thống nhà máy và bến cảng
nền công nghiệp phát triển sớm tại Sài Gòn. Ngoài ra còn có một di sản nữa cũng
rất quan trọng đó là cảnh quan đô thị như đường phố, những thiết kế về giao
thông như bùng binh hay hệ thống cây xanh, công viên.
Hệ thống này được xây dựng và tồn tại trong môi trường
cảnh quan của phía Nam nên đối với Sài Gòn nó có một di sản tự nhiên rất quan
trọng đó là cảnh quan sông nước thường được hình dung với hình ảnh “trên bến dưới
thuyền”, đây cũng là đặc trưng quan trọng tạo nên đặc trưng cho đô thị Sài Gòn.
Mặc
Lâm: Thế thì những giá trị cơ bản nhất của di sản đô thị
Sài Gòn mà bà vửa nêu lên nó là gì?
TS
Nguyễn Thị Hậu: Ngày nay theo đánh giá một đô thị người ta không chỉ
đánh giá với góc độ nó có vai trò kinh tế hay chính trị mà cái quan trọng của một
đô thị người ta thường chú ý đến những cơ bản nhất của nó. Nếu nói về giá trị đầu
tiên của một vùng đất hay đô thị thì phải nói đến lịch sử cho nên khi nhìn vào
hệ thống di sản đô thị Sài Gòn, chủ yếu dưới những di sản vật thể thì chúng ta
có thể thấy được quá trình phát triển lịch sử của thành phố này tuy rằng nó chỉ
mới hơn 300 năm xây dựng và phát triển vùng đất mà ta gọi là đô thị. Trước đó tất
nhiên nó cũng có di tích của những thời kỳ sớm hơn.
Tuy chỉ mới 300 năm qua những di sản vật thể còn lại
cho chúng ta thấy Sài Gòn không những là nơi luôn luôn có vai trò trung tâm ở
phía Nam mà còn có vai trò trung tâm ở khu vực Đông Nam Á nữa. Đó là những vai
trò trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa và trong một thời
gian dài nó là trung tâm chính trị. Đấy là giá trị thứ nhất là những giá trị lịch
sử.
Giá trị thứ hai là giá trị văn hóa thì phải nói là
đô thị Sài Gòn thể hiện một sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn bởi vì
thành phố này được xây dựng từ nhiều nguồn gốc dân cư. Từ những tộc người khác
nhau nên tiếp thu được rất nhiều nền văn hóa khác nhau.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử thành phố Sài Gòn đều có
những kiểu kiến trúc đặc trưng của giai đoạn đó nhưng nó rất hòa hợp với cảnh
quan chung của cả đô thị đặc biệt rất nhiều dấu ấn công trình xây dựng dưới thời
Pháp mang tính chất truyền thống của văn hóa Việt Nam chẳng hạn. Một đặc điểm nữa
là thành phố Sài Gòn có rất nhiều công trình do tư nhân xây dựng là dinh thự,
công trình công cộng hay là chợ, nhà thương, nó còn cho biết thêm về một tầng lớp
dân cư và đặc điểm cư dân của vùng đất này là hoạt động đóng góp cho xã hội đã
có từ rất sớm.
Việc bảo tồn giá trị văn hóa di sản đô thị không phải
chỉ bảo tồn bản thân công trình đó mà tôi nghĩ rằng giá trị văn hóa còn quan trọng
hơn bởi nó có ý nghĩa gắn kết các thế hệ và cộng đồng cư dân có nguồn gốc khác
nhau đã và đang sinh sống trong vùng đất này.
Một giá trị thứ ba mà gần đây người ta thường hay nhắc
đến và cho rằng đây là giá trị trong thời đại đang phát triển rất nhanh ở thế kỷ
2 đó là giá trị biểu tượng của một vùng đất mà đối với đô thị nó cũng có những
giá trị đó. Phần lớn những công trình kiến trúc tiêu biểu có niên đại 150 năm
trở lại tại Sài Gòn thì nó đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn, thí dụ
như một số công sở tại trung tâm hay chợ Bến Thành.... Tính biểu tượng của di sản
đô thị không phải chỉ là từ giá trị kiến trúc nghệ thuật mà cái quan trọng nhất
là ký ức được lưu truyền qua các thế hệ cư dân Sài Gòn và cư dân miền Nam, cũng
như rất nhiều du khách đã đến đây tham quan khoảng hơn 100 năm nay.
Tính biểu tượng này nó rất quan trọng nó giữ cho
thành phố được số vốn lịch sử và văn hóa để cho những người nhập cư có thể hiểu
biết hơn về nơi mình đến sinh sống và đồng thời đối với một đô thị thì nó là một
cái vốn xã hội để tăng giá trị kinh tế trong việc khai thác di sản văn hóa cũng
như các di sản văn hóa đô thị. Nói về di sản văn hóa đô thị thì người ta thường
nói tới ba giá trị quan trọng như vừa trình bày.
Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, ảnh minh họa. AFP
PHOTO
Bảo
tồn hời hợt
Mặc
Lâm: Đới với việc bảo tồn những công trình kiến trúc, lịch
sử trong vài năm vừa qua cho thấy là chính phủ rất hời hợt thậm chí trong một số
trường hợp các di sản văn hóa đô thị đã bị đập bỏ để thay vào đó những công
trình họ gọi là phát triển kinh tế đô thị. Cụ thể nhất người dân đang lo ngại
là chính quyền thành phố sẽ đập bỏ bùng binh chợ Bến Thành TS có những ý kiến
gì trước việc làm này thưa bà?
TS
Nguyễn Thị Hậu: Có thể nói trong khoảng mươi năm trở lại đây dưới
góc độ nghề nghiệp thì tôi có cảm giác càng ngày càng có nhiều tiêu cực đối với
việc bảo tồn các di sản kiến trúc đúng như anh nhận xét. Về mặt khách quan thì
chúng ta phải nhận thấy rằng thành phố có nhu cầu hiện đại hóa và tăng cường cơ
sở hạ tầng để phục vụ cho một thành phố hiện nay đã hơn 10 triệu dân và ngoài
ra còn có rất nhiều người vãng lai nữa.
Với một mục tiêu dân sinh như vậy nhưng để phục vụ
cho mục tiêu đó rất nhiều di sản và cảnh quan đô thị đã bị thay đổi, thậm chí bị
phá hủy, rất đáng buồn là khu trung tâm thành phố. Dưới góc độ là người làm công
tác bảo tồn thì tôi rất đau xót. Thật sự nếu nói đến khu vực trung tâm, khu vực
lõi của đô thị thì khu vực từ đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và như anh vừa
nhắc là Bùng binh chợ Bến Thành thì có thể nói ngay bản thân tôi ở Sài Gòn thì
khoảng một hai năm nếu ai đi qua đấy và chú ý một chút thì thấy có sự thay đổi,
còn nếu như người đã đi xa khi quay trở lại thì kể như là ngày nay đã thay đổi
quá lớn, không còn sự khác biệt nào cho người ta nhận biết đây là Sài Gòn của
những năm trước khi người ta sinh sống ở đây nữa.
Những công trình tên tuổi trên dưới cả trăm năm phải
nói là rất quen thuộc với du khách thí dụ như Thương xa Tax, Bùng binh Nguyễn
Huệ hay những dãy nhà xưa trên đường Đồng Khởi, khu Eden hay vườn hoa Chi Lăng.
. .hiện nay đã không còn nữa và sắp tới đây là Bùng binh chợ Bến Thành.
Đây là một trong những cách xử lý mà theo tôi chính
quyền đã không cẩn trọng trong việc xử lý các di sản đô thị có lẽ do sức ép nhiều
mặt tôi sẽ nói sau cái lý do này, nhưng rõ ràng việc xử lý không khéo léo cân đối
trong những công trình hiện đại đối với việc bảo tồn các di sản đô thị đã để lại
một lổ hỗng rất lớn về lịch sử thành phố mà có lẽ không bao giờ bù đắp lại nỗi.
Mặc
Lâm: Ngoài lý do phát triển kinh tế, theo TS còn những yếu
tố nào tác động đến thực trạng này?
TS
Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi ngắn gọn là như thế này. Theo quan sát của
tôi khoảng 5 năm gần đây điều đầu tiên phải thừa nhận đó là chính quyền và rất
nhiều nhà chuyên môn chưa đánh giá đúng giá trị di sản văn hóa đô thị Sài Gòn.
Chưa đánh giá đúng thứ nhất là việc nghiên cứu giá trị di sản đô thị chúng ta
làm rất chậm và trong giới nghiên cứu cũng có quan niệm là đối với những thành
phố nào có tuổi đời lâu năm, có một quá trình lịch sử trải qua nhiều triều đại
chẳng hạn, thì mới có thể gọi là có di sản, còn thành phố Sài Gòn thì chỉ bắt đầu
từ thời Nguyễn sau này là thời Pháp thuộc và Mỹ... có lẽ người ta cho rằng đấy
là những công trình có tính hiện đại, nó không có giá trị gì chăng? cho nên việc
nghiên cứu đối với các công trình ở đây thật chậm, không có đủ thời gian tạo ra
được công trình để mà tuyên truyền cho mọi người nhận biết được điều này. Bản
thân chính quyền hay là nhà quản lý họ cũng không biết hoặc biết nhưng rất ít về
di sản đô thị nên họ không quan tâm, đấy là nguyên nhân thứ nhất.
Nguyên nhân thứ hai ngay từ quy hoạch đô thị thì chỉ
đến những quy hoạch gần đây mới có đưa vấn đề về bảo tồn di sản vào trong quy
hoạch đô thị nhưng thật ra nó chỉ ở tầm vĩ mô thôi chứ bắt dầu quy hoạch cụ thể
ở từng khu vực hay từng quận huyện nào đấy thì hầu như việc bảo tồn di sản đều
bị lướt qua do sức ép của người này người khác cho nên thực sự là chuyện đưa vấn
đề bảo tồn vào quy hoạch đô thị là không thực hiện được.
Cái thứ ba nữa quá trình xây dựng thành phố quá chậm
trong việc đặt ra ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình xây dựng của
mình. Nó bị những làn sóng về bất động sản và các yếu tố khác kéo đi. Hai nữa
khi người có ý thức được thì những di sản tốt đẹp nhất của chúng ta ở trung tâm
không còn nguyên vẹn và gần đây tôi nhận ra một nguyên nhân nữa mà sâu xa nó nằm
ở quan điểm, ở một định hướng nào đấy đó là Sài Gòn với bây giờ là thành phố Hồ
Chí Minh, nó luôn được nhấn mạnh về vai trò kinh tế, đầu tầu kinh tế hay là vai
trò kinh tế quan trọng nhất trong cả nước. . . Thế thì nếu như luôn luôn chỉ
nhìn dưới góc độ đấy là thành phố phải phát triển về kinh tế thì tất yếu các vấn
đề về văn hóa trong đó có di sản đô thị phải hy sinh cho nhiệm vụ kinh tế.
Có lẽ ngay từ quan điểm nhìn nhận vai trò của Sài
Gòn, thành phố Hồ Chí Minh thì tôi nghĩ rằng cũng nên nhìn nhận lại.
Mặc
Lâm: Chúng tôi được biết TS từng có những nghiên cứu về
văn hóa đô thị tại nhiều nước, liệu với cơ sở hạ tầng cũng như kỹ thuật hiện
nay thì chính quyền có áp dụng được kinh nghiệm gì của các nước trong việc bảo
tồn tôn tạo những di sản văn hóa để áp dụng vào thành phố Saigon trong lúc này?
TS
Nguyễn Thị Hậu: Trong quá trình nghiên cứu của tôi về việc bảo tồn
di sản đô thị thì cũng có đi tham quan học hỏi một vài nước đặc biệt là Pháp là
nơi đã sản sinh ra đô thị Sài Gòn cũng như một số đô thị tại Việt Nam. Điều đầu
tiên tôi thấy rằng quá trình xây dựng hiện đại hóa của họ thí dụ như làm Metro
hay những con đường giao thông thậm chí xây dựng những khu đô thị mới thì điều
đầu tiên tôi nhận thấy là họ cũng từ xuất phát điểm như chúng ta, thậm chí lạc
hậu hơn, thế nhưng vì sao họ có thể bảo tồn di sản được thì trước tiên do họ có
chính sách coi trọng văn hóa di sản và đặt vấn đề ưu tiên bảo tồn, ưu tiên bảo
vệ di sản trong quá trình hiện đại hóa.
Gần như những khu trung tâm của thành phố họ không
biến đổi hay biến động ở trên mặt đất. Họ vẫn làm đường và ga tàu điện ngầm
nhưng bên trên mặt đất thì họ vẫn phục dựng nguyên vẹn cảnh quan không biến
chúng thành một quảng trường mênh mông, cũng không chặt cây để xây dựng những
công trình ngầm. Tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh nếu quan tâm tới vần đề này thì
sẽ có biện pháp để giữ nguyên hay có phương án phục dựng phục hồi các di sản
trên mặt đất chứ không đến nỗi như theo tôi nhận xét, gần như giải tỏa trắng
trên mặt đất để mà làm những công trình ngầm đó là cái thứ nhất mà tôi nghĩ
thành phố có thể học tập được kinh nghiệm của nước ngoài
Thứ hai nữa trong khi quy hoạch các công trình cổ
thì luôn luôn hạt nhân ở trung tâm đề mà xây dựng cảnh quan của một khu vực thì
công trình cổ phải được ưu tiên bảo tồn và lấy nó làm hạt nhân để mà phát triển.
Trong đề nghị thứ nhất là giúp cho nó có khu vực cảnh quan lịch sử, cái thứ hai
những công trình này tồn tại thì nó sẽ nuôi dưỡng lịch sử càng ngày càng dày dặn
hơn. Điều quan trọng thứ ba có thể nói việc tìm hiểu về giá trị và hiểu biết những
kiến thức về di sản phải được đưa vào nội dung giảng dạy trong nhà trường,
tuyên truyền cho nhân dân, tuyên truyền cho du khách và đặc biệt đưa đến gần
công chúng bằng cách tất cả các di sản luôn luôn được mở cửa cho công chúng vào
xem
Ngay cả những công sở người ta làm việc quanh năm
nhưng người ta vẫn sắp xếp mở cửa cho công chúng xem để họ thấy rằng đấy thực sự
là di sản mà người ta được thừa hưởng thật sự chứ không phải của mình vì vậy có
giữ hay không cũng chẳng có lợi gì trong ấy cả!
Mặc
Lâm: Xin cám ơn TS.
--------------------
Tin,
bài liên quan
Những
hòn ngọc kiến trúc của Việt Nam đang biến mất:
Vietnam's
architectural gems are disappearing (USA Today 4-3-17)
No comments:
Post a Comment