07/03/2017
Những ngày đầu tháng 3, tình hình biển Đông-Việt Nam
trở nên căng thẳng. Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các nước đồng
minh của mỗi bên đang có dấu hiệu tăng thêm nồng độ. Tổng thống mới của Hoa Kỳ
Donald Trump đã yên vị, sắp xếp tạm xong những chức vị chủ chốt, đã có tuyên bố
rõ ràng về các chính sách lớn về đối nội và đối ngoại, nêu rõ chính sách cứng
rắn với Trung Quốc về kinh tế, tài chính, quốc phòng. Về biển Đông các bộ trưởng
Quốc phòng và Ngoại giao của chính quyền Trump còn tỏ ra mạnh mẽ hơn cả tổng thống
trong việc đối đầu với chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc
phòng James Mattis nhiều lần khẳng định giữ nguyên và củng cố liên minh quân sự
với các nước Liên Âu, với các nước châu Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Đài Loan,
Ấn Độ, Philippines, Indonesia..., kiên quyết bảo vệ tự do thông thương hàng hải
và hàng không quốc tế trong vùng, kiên quyết chống lại việc độc chiếm và biến
các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson còn mạnh
mẽ tuyên bố không cho ai được chiếm các đảo nhân tạo trong vùng biển quốc tế,
vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế.
Từ ngày 28/2/2017, tình hình vùng biển Đông căng thẳng
thêm một nấc. Đô đốc James Kilby chỉ huy Cụm tàu sân bay USS Carl
Vinson tuyên bố ngày 28/2 rằng đây là "một lịch trình hải hành
thông thường", "một cuộc diễn tập thường diễn ra". Nhưng các nhà
bình luận quân sự đều cho rằng đây là một hành động rất quan trọng nhằm thăm
dò, nắn gân Bắc Kinh xem phản ứng của Bắc Kinh ra sao khi một Cụm tàu tác chiến
hiện đại Hoa Kỳ tiến sát vào các hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa mà
Trung Quốc đã củng cố thành căn cứ quân sự suốt mấy năm nay. Trong 12 tháng
qua, Trung Quốc đã mở rộng và kéo dài thêm các đường băng, xây dựng thêm hải cảng,
đặt nhiều bệ phóng tên lửa tầm ngắn - có thể khi cần thay bằng tên lửa tầm
trung - cùng với nhiều căn cứ radar, doanh trại, nhà nghỉ cho khách du lịch.
Người phát ngôn của bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng
Trung Quốc cùng khẳng định chủ quyền lịch sử tự xa xưa không thể phủ nhận của
Trung Quốc trên toàn vùng biển Đông theo bản đồ chín đoạn, coi hành động trên
đây của Cụm tác chiến hải quân Hoa Kỳ là phi pháp, khiêu khích, vi phạm chủ quyền
Trung Quốc. Tuy nhiên lần này luận điệu phản ứng của Trung Quốc có vẻ như bớt
hung hăng, không nói đến tính chất gây chiến, không nói đến hành động chiến
tranh và sự giáng trả, cũng im lặng về vùng không phận bất khả xâm phạm bao
trùm vùng biển Đông.
Cuộc ra quân khá lớn của Hoa Kỳ lần này diễn ra sau
khi Tổng thống Trump cùng các bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, các tướng lĩnh
Ngũ Giác Đài, Tư lệnh Hạm đội 7 đều chung một luận điểm "Hòa bình thông
qua sức mạnh", khẳng định mạnh mẽ Hoa Kỳ và các nước đồng minh có quyền thực
hiện tự do hàng hải và hàng không phù hợp với pháp luật quốc tế ở mọi vùng biển
quốc tế, mà biển Đông là một trong số những địa bàn quan trọng nhất do sự tấp
nập dày đặc của hàng hải thế giới. Hơn nữa sự lên gân khá ngọan mục lần này của
Hải quân Hoa Kỳ được thực hiện sau khi sự liên minh toàn diện của Hoa Kỳ với Nhật
Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Úc, Indonesia, Philippines... đã được thắt chặt sau khi
Hoa Kỳ có tổng thống mới, một số cuộc diễn tập hải quân đã được tiến hành. Cũng
cần nhắc đến việc Việt Nam gần đây đã nhận thêm 2 tàu ngầm Kilo mua
của Nga, nhận một số tàu tuần duyên của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, để các tàu Hoa
Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ... vào nghỉ và thăm cảng Cam Ranh.
Cũng cần nói rõ thêm Tướng James Mattis được dư luận
Hoa Kỳ coi là vị tướng tài ba, xông xáo nhất, từng nổi bật trên chiến trường
Afghanistan và Iraq. Còn Ngoại trưởng Rex Tillerson vốn là Tổng giám đốc đại
công ty dầu hỏa ExxonMobil, công ty này vừa ký với Việt Nam một dự án khai thác
dầu trên vùng biển Đông thuộc hải phận Việt Nam lên đến 10 tỷ đôla. Tất nhiên Bắc
Kinh biết rất rõ các điều đó nên không thể coi thường cuộc chạm trán, đọ sức sắp
tới với Cụm tác chiến Hoa Kỳ đang làm cuộc hải hành thâm nhập biển Đông. So
sánh về lực lượng hải quân ở vùng biển Đông cũng như trong vùng Thái Bình
Dương, Trung Quốc còn kém rất xa Hoa Kỳ, phải mất hàng chục năm để thu hẹp,
nhưng lúc ấy lực lượng của Hoa Kỳ cũng sẽ mạnh hơn lên nhiều. Chính phía Trung
Quốc đã thú nhận trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 Quân Giải phóng
Trung Quốc đã tỏ ra lạc hậu, chỉ huy lúng túng, quân lính nhát gan vì chưa hề
qua thử thách, tuyệt đối không dám dùng hải quân và không quân, nay sẽ rất lúng
túng khi phải đối đầu với Hoa Kỳ sung sức và dày dạn hơn nhiều, đặc biệt là về
hải quân và không quân.
Trước thái dộ cứng rắn và hành động kiên quyết của
chính quyền Trump, tờ Hoàn cầu Thời báo vốn là tiếng
nói của cánh quân sự diều hâu Quân Giải phóng Trung quốc cũng đã phải nhún nhường,
không còn hùng hổ thách thức sự đối đầu quân sự ở biển Đông.
Sự xuống nước của chính quyền Tập Cận Bình trong phản
ứng gần đây về biển Đông là dễ hiểu. Tình hình chính trị, kinh tế, tài chính,
ngoại giao, quốc phòng của Trung Quốc đang ở trong cơn khủng hỏang diễn ra đồng
thời. Cuộc sát phạt nội bộ "diệt ruồi đánh hổ săn cáo" chưa kết thúc,
việc nhân sự cao cấp dự kiến cho Đại hội XIX còn chưa rõ, ngân sách quốc phòng
cố hết sức chỉ tăng được 7% năm nay (trong khi ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ sẽ tăng
trên 10%), vấn đề chính trị Đài Loan và Hồng Kông rối thêm, dư trữ ngoại hối
vơi đi từng tháng, đồng nhân dân tệ mất giá nhanh, chưa biết Trung Quốc sẽ phản
ứng ra sao, đến mức nào khi Cụm tác chiến USS Carl Vinson thâm
nhập tiếp cận các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa.
Lẽ ra chính quyền Việt Nam phải tỏ ra lạc quan khi
có thế lực quân sự áp đảo bọn bành trướng sẽ có mặt lâu dài sát cạnh nước ta.
Hơn nữa tin tốt lành này xuất hiện khi nhân dân ta tưởng niệm các liệt sỹ nạn
nhân cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979, cũng là dịp tưởng niệm các liệt sỹ
hy sinh ở đảo Gạc Ma đầu năm 1988. Nhưng có vẻ như chính quyền vẫn còn lúng
túng, chưa dám thoát Trung khi đang có thời cơ thuận lợi, còn đàn áp anh chị em
dân chủ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên biên giới và ngoài hải đảo, vì say
mê quyền lực và tệ tham nhũng, trong khi tuyệt đại đa số nhân dân ta đã tỏ rõ
chính kiến là nên buông ra cái gông Thành Đô để gắn bó với thế giới dân chủ
hùng mạnh và văn minh.
Lãnh đạo là gì, nếu không phải là biết tận dụng thời
cơ và bẻ lái đi vào con đường có lợi nhất, giữ vững chủ quyền và nền độc lập của
đất nước.
--------------
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài
viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
CÙNG
TÁC GIẢ :
No comments:
Post a Comment