Wednesday, February 1, 2017

Ý NGHĨA CỔNG LÀNG (Trần Công Nhung)




Trần Công Nhung
(VienDongDaily.Com - 20/01/2017)

Như đã trình bày trong những kỳ trước, cổng làng không chỉ là địa giới giữa làng này và làng khác, cổng làng còn là biểu tượng về đạo đức, văn hóa, nghề nghiệp của làng. Lối giáo dục của người xưa thật thâm thúy sâu sắc, chỉ nghe tên làng thôi cũng đã biết được phần nào tư cách tài năng của dân làng: làng Ước Lễ, làng Tiến Sĩ, làng Đồng Cầu Nôm, v.v..

    Làng Trinh Tiết (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Như làng Ước Lễ, cổng đắp nổi ba đại tự Ước Lễ Môn (Cổng làng Ước Lễ) không chỉ là tên làng mà còn nói lên triết lý của Nho Giáo được dân làng tiếp nhận. Ước Lễ là chữ xuất phát từ lời của Khổng Tử (Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ), ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hóa); học đã rộng rồi thì phải chế định (Ước) bằng Lễ, ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng là ý nói dân làng sống trong trật tự lễ giáo nghĩa là biết thượng tôn pháp luật biết đạo cư xử với nhau.

Mặt sau cổng làng Ước Lễ cũng như cổng làng khác, có chữ “Thiểu Cao Đại.” Đây là điển tích trong Hán thư, nói về ông quan đời Hán tên là Vu Định Quốc, làm quan trong triều. Khi về quê ông thấy con cháu đang làm nhà, bèn dặn con cháu, làm cửa phải cao hơn một chút (thiểu cao đại). Có ý mong cho sau này con cháu làm quan to, thì xe ngựa mới đi vừa. Dùng điển tích xưa đắp trên cổng nơi dân làng thường qua lại, cũng là nhắc nhở mọi người phải có chí học hành, tiến thủ để được thành đạt trong cuộc sống.

   Ban thờ Tiến Sĩ (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Làng Đông Ngạc ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được mệnh danh là “làng Tiến Sĩ” bởi có truyền thống khoa bảng. Điều này thể hiện ngay trên cổng cuốn thư và có hai tháp bút. Làng cổ Đông Ngạc, tên nôm là Kẻ Vẽ, nơi có nhiều người đỗ đạt nổi danh như Đỗ Thế Giai, Hoàng Minh Giám, Phan Phu Tiên, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Trung…

 Làng Tiến Sĩ (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Chỉ tính riêng các khoa thi thời phong kiến làng đã có 25 tiến sĩ Hán học, 6 tiến sĩ vọng và gần 400 cử nhân, tú tài. Cả năm dòng họ lớn trong làng là Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng đều có người đỗ đạt cao. Hầu hết những chiếc cổng làng, cổng ngõ ở Đông Ngạc đều có hai ngọn bút tháp vươn cao thể hiện tinh thần hiếu học.

Nhà thờ họ Phan Nổi có pho tượng sử gia Phan Phu Tiên. Ông chính là tiến sĩ khai khoa của làng Đông Ngạc dưới thời Lê Thái Tổ. Dân làng Đông Ngạc vẫn ghi nhớ lời ông dạy:

“Trẻ mà không học khó làm nên
Tự thẹn già nua trót kém hèn
Ôn cũ sau này mong biết mới
Vào nhà ắt phải bước qua hiên.”

   Làng Nôm (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Trên tấm bia đá ở nhà thờ họ Phan còn có những tên tuổi danh tiếng khác như Phan Tuấn Phong - lãnh tụ phong trào Đông kinh nghĩa thục; Phan Văn Trường - tiến sĩ luật tại Pháp...

Các cụ cao niên ở Đông Ngạc cho biết: hầu hết các dòng họ lớn trong làng đều có nguồn gốc từ đất Ái Châu, Thanh Hóa. Cuộc sống ngày xưa khốn khó nên các cụ đều chăm chỉ theo nghiệp đèn sách.

Câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để nói về truyền thống đỗ đạt ở đây. Kẻ Vẽ trước kia có tên Đống Ếch vì học trò trong làng (ham học) đọc sách râm ran như tiếng ếch kêu. Địa thế của làng Tiến Sĩ là thế Rồng. Ngôi đình làng cũng được xây dựng dựa trên thế đó nên con cháu trong làng mới có nhiều người công thành danh toại làm vang danh tiếng tăm làng.

Tên cổng làng cũng nói lên nghề chuyên môn của làng, như cổng làng Nôm đắp ba chữ Hán “Đồng Cầu Nôm”: Nghề chính của làng là buôn “đồng nát”, nhờ có làng Nôm mà ngành đúc đồng phát triển nhanh và ngày một tinh xảo. Từ đó làng Thông nổi tiếng và dân làng hãnh diện với tên “Đồng Cầu Nôm”.
Những câu ca dao:

Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha.

Hoặc:

Cái Bống đi chợ cầu Nôm
Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng
Cái Tôm nó giận đùng đùng
Nó ra ngoài biển lấy chồng lái buôn...

   Cổng làng xưa mà nay (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Làng Nôm ngày xưa là làng Thông, sau đổi thành Đại Đồng, bây giờ làng Nôm do có chùa Nôm, ngôi chùa cổ nổi tiếng của làng.”(1) Cổng làng cuốn vòm, không xưa lắm, bốn trụ vuông kết cấu theo dạng tam quan, nhưng hai cửa bên xây bít. Trên đầu trụ có đắp nghê chầu, hai trụ cao đắp búp sen. Bảng tên làng 3 đại tự chữ Hán bị tróc mất chữ bên trái.

Làng xưa thường mỗi làng chuyên một nghề, nhất là miền Bắc: làng chuyên đèn sách, làng chuyên nông tang, làng giỏi về thương lái, “sĩ nông công thương” theo đó để thiết kế cổng làng sao cho gói ghém trọn vẹn ý nghĩa riêng của làng mình.

Trong tâm thức dân gian Việt Nam, mỗi khi nhắc đến quê hương, không ai mà không nhớ đến hình ảnh cổng làng với một ý nghĩa thiêng liêng, cổng làng từng chứng kiến bao thăng trầm thịnh suy cũng như tiếng tăm vẻ vang do con dân làng tạo dựng...

Nói về chữ và nghĩa nơi cổng làng cũng lắm điều gây ngộ nhận như làng “Hành Lạc,”(2) làng “Trinh Tiết.”
Trinh Tiết là do sự tích xưa kia làng tên là Bối Lang, sau đổi thành làng Sêu, làng nổi tiếng khắp vùng bởi có những người con gái hiền dịu, nết na, xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, đặc biệt là đức tính thờ chồng nuôi con. Truyền thuyết về Phụ thân của Thành Hoàng làng Triệu Quốc Bảo là một người “xứ trong,” ra đây lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng sống rất hòa thuận hạnh phúc. Khi sinh hạ được Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi.

Mẹ Bảo là người phụ nữ có vẻ đẹp nức tiếng gần xa. Chính vì thế sau tang chồng, có nhiều trai làng giàu sang đến ngỏ lời cầu hôn, nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết thờ chồng. Bà tần tảo nuôi con, nhất quyết không tái giá. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng con.

Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông một lần du thuyền qua sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu nên đã dừng thuyền lên bờ vãn cảnh. Thấy các thiếu nữ ở đây xinh đẹp, dịu dàng nên vua cũng phải tấm tắc ngợi khen. Các cụ trong làng đã biếu nhà Vua một áo lụa và một áo tơ tằm do các cô gái làng dệt thêu. Vua rất vui và nhà Vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, vua đã đổi tên làng thành Trinh Tiết. Tuy nhiên mặt trong cổng làng vẫn giữ “làng Sêu”. Theo tôi thấy cổng làng Trinh Tiết hiện nay không là cổng cổ bởi thời Lý Thánh Tông (1054-1072), chắc chắn không có kiểu cổng “hoành tráng xhcn” này.

   Làng Hành Lạc (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

VN xhcn ngày nay không những có cổng làng, mà còn cổng thôn, cổng phường, cổng khóm... Nhưng tiếc thay, tất cả chỉ mang chung một nghĩa: tuyên truyền. Từ vóc dáng cổng đến tên làng chẳng có tí gì ý nghĩa cổ kính ngày trước, một số cổng làng cũng mô phỏng kiểu cổ nhưng cách điệu quá đáng hoặc tô vẻ rườm rà rối rắm chỉ để mang những khẩu hiệu: độc lập –tự do – hạnh phúc - làng văn hóa x, y, z... chẳng ăn nhập gì với đời sống phong tục của làng, đôi khi gây phản cảm, mỉa mai: làng văn hóa X mà trong làng chẳng ai học tới lớp 9, khóm văn hóa Y mà đời sống dân chúng nghèo nàn nhếch nhác, thanh niên thì cướp giật, xì ke ma túy.

Những hình minh họa về cổng làng như độc giả thấy, nhiều người cho là đồ mã tốn kém tiền dân, chẳng ích lợi gì.

Xưa kia, ông cha chúng ta xây dựng cổng làng là có ý nhắn nhủ thế hệ mai sau qua kiểu dáng, hoa văn, nét chữ, ý tưởng ở mỗi dòng câu đối… Tiếc rằng xã hội ngày nay đã vội vàng “đô thị hóa” phá bỏ nhiều công trình văn hóa cổ, cổng làng là một. Đó là sự mất mát lớn của nền văn hóa nước nhà.
Người khách lạ đứng trước cổng làng đúng nghĩa đã có thể cảm nhận được phần nào cốt cách của làng, tư chất của mỗi dân làng. Bởi vậy, cổng làng phải ở vị trí trang trọng nhất phải được thiết kế trang điểm sao để người làng đi xa về, chỉ khẽ chạm tay vào cổng là đã biết mình về nơi chôn nhau cắt rốn rồi.

(1) Làng Nôm, âm hưởng rất dân dã hàm ý về di sản, di tích của một miền. “Đại Đồng” là tên gọi khi đất nước đi theo con đường cộng sản, và có lẽ ý nghĩa lạ quá nên người dân không dùng. Làng còn chùa Nôm và cầu Nôm đều là di sản cổ nổi tiếng.
(2) Xem bài “làng Nôm” đã đi tháng Hai 2016.

Tin sách: Sách QHQOK bộ 16 tập (discount 50%). Đã có hai tác phẩm mới: Vào Đời (350 trang), Tình Tự Quê Hương (250 trang).
Xin liên lạc tác giả: mail: trannhungcong46@gmail.com, hoặc Tel. (657) 296-8727, hay thư về địa chỉ 1209 SW. Hopi St., Blue Springs, MO 64015.

----------------
Các tin khác




No comments: