Sunday, February 5, 2017

TUẦN LỄ THỨ 2 CỦA ÔNG TRUMP - CHAO ĐẢO GIA TĂNG (Việt Báo)



03/02/2017  18:41:00

Từ ngày nhậm chức 20-1-2017 tới ngày 3-2-2017, tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã vượt kỷ lục của tất cả mọi tổng thống về những thành tích đặc biệt như sau:

1. Biểu tình chống đối tân tổng thống nổ ra khắp nơi - tại Hoa Kỳ và trên thế giới, liên tục không ngừng nghỉ trong suốt 2 tuần qua, với số lượng người chống đối kỷ lục lên tới nhiều triệu.

2. Ngày nào ông Trump cũng có những hành xử - từ hàng loạt sắc lệnh tới những lời tweet và tuyên bố - làm dậy sóng dư luận và chao đảo tình hình. Ông Trump đã trở thành nhân vật tạo được sự chú ý nhiều nhất từ trước tới nay - từ truyền thông tới các lãnh đạo thế giới, và cũng là người bị điều tiếng nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

So với 9 vị tổng thống tiền nhiệm kể từ TT Eisenhower, TT Trump chỉ được lòng 44% người dân (approval rating). Đây là mức điểm thấp nhất so với cùng thời kỳ của các tổng thống khác. Mức điểm của họ là từ 51% đến 76% - điểm cao nhất dành cho TT Obama. Đa số người dân, 53%, không chấp thuận việc làm của ông Trump trong 2 tuần qua.

Đối với hai điều quan trọng mà ông Trump cho là đã được cử tri ủng hộ và bầu cho ông, đó là xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ  thì hiện có 60% người chống, và việc hủy bỏ luật Obamacare hay ACA (Affordable Care Act) thì có 75% người chống.  Ngay cả đảng Cộng Hòa (Republican hay GOP) của ông Trump cũng đã có vẻ không chấp thuận việc xây tường vì quá đắt đỏ và không có đủ tiền (lên tới 25 tỷ Mỹ kim). Họ cũng không có chương trình chăm sóc y tế nào hay hơn để thay thế Obamacare dù đã lên tiếng đòi hủy bỏ luật này trong suốt 6 năm qua. Các giới chức GOP đã giảm động lượng đòi hủy và thay thế (repeal and replace), để chuyển qua chỉ sửa đổi (repair) một số điểm của ACA. Có thể Obamacare sẽ được sơn phết lại đôi chút rồi đặt tên là Trumpcare.


Sau đây là những phần tin tóm lược về những điều ông Trump đã thực hiện trong hai tuần lễ đầu nhậm chức và những hệ quả của nó:

1. Sắc lệnh cấm di dân (27-1-2017) từ 7 quốc gia Hồi giáo đã đưa đến sự chống đối khắp nơi, đặc biệt tạo ra những sự bắt bớ phi pháp, những rối loạn từ người dân đến các cơ quan thi hành vì lệnh không rõ ràng và đưa ra bất thình lình, không tham khảo với các cấp và cơ quan liên hệ. Những chao đảo do sắc lệnh này đưa ra bị nhiều tầng lớp dân chúng chống đối, gây phẫn nộ vì mang tính chia rẽ, phi nhân, phi pháp và vi hiến, nên đã bị kiện lên nhiều tòa án liên bang.

Ngoài ra, một sự kiện chưa từng có là hàng ngàn nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hiện đang phục vụ tại các nhiệm sở trên khắp thế giới, đã cùng ký tên vào một kiến nghị để chống lại sắc lệnh cấm di dân của TT Donald Trump. Các đại công ty kỹ thuật của Hoa Kỳ cũng đã đồng loạt lên tiếng chống lại đạo luật này.  

2. Cuộc hành quân bí mật ngày 29-1-2017 đã bị thất bại tại Yemen, khiến một người nhái Hoa Kỳ bị tử thương, 3 người bị trọng thương, khoảng 30 thường dân gồm 10 phụ nữ và trẻ em bị thiệt mạng.

Những điều được tiết lộ cho biết, cuộc hành quân do ông Trump quyết định thiếu kế hoạch kỹ lưỡng, thiếu tin tức tình báo, không tham khảo với những cơ quan có trách nhiệm như lệ thường mà chỉ được quyết định tại một bữa ăn tối có ông Trump và 5 nhân vật thân tín, bao gồm:  Phó Tổng Thống Mike Pence, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Michael T Flynn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, Tổng Tham Mưu Trưởng Joseph F Dunford Jr., con rể kiêm cố vấn Jared Kushner, và Stephen K Bannon, chiến lược gia của tổng thống.

Ông Trump và Phát ngôn viên Sean Spicer ca ngợi cuộc hành quân chống khủng bố đầu tiên đã rất thành công, với “nhiều tin tình báo tịch thu được có thể giúp nước Mỹ ngăn chận được những cuộc khủng bố nhắm vào người dân Hoa Kỳ và thế giới.” Tuy nhiên, theo cuộc điều tra riêng của cơ quan truyền thông NPR thì, người dân trong vùng bị tấn công cho biết quân đội Mỹ đã không hề tiến vào một căn nhà nào để có thể tịch thu các tài liệu hay computer.  

Ngũ Giác Đài hôm nay (3-2-2017) đã đưa ra một video nói đây là bằng chứng đã lấy được của quân khủng bố trong cuộc hành quân. Nhưng sau khi bị lật tẩy là video này đã được loan tải trên Internet từ 10 năm nay, Ngũ Giác Đài và Bộ Chỉ Huy Quân Sự Trung Ương đã vội xóa video trên trang nhà của Ngũ giác đài. Hiện cuộc hành quân đang bị điều tra.

3. TT Trump gây hoang mang đối với thế giới khi phê phán NATO, làm mất thiện cảm đối với đồng minh, thách thức không cần thiết với Iran, trong khi đó lại tỏ vẻ thân mật với độc tài Putin. Ông Trump đã nổi đóa và cúp ngang điện thoại với thủ tướng Úc trong lúc đang đàm đạo, gây hấn với tổng thống Mễ Tây Cơ về việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ và bắt Mễ phải trả tiền, khiến TT Mễ hủy bỏ cuộc hội kiến đã dự trù với ông Trump, sử dụng những ngôn từ không lịch sự như gọi người Mễ bằng tiếng lóng Hombre và đòi đưa quân vào Mễ để trừ khử những “bad Hombre.”

Dù độc tài Putin ngày 29-1-2017 đã xua quân tấn công Ukraine - một đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng ông Trump vẫn yên lặng không hề lên tiếng trước sự vi phạm trắng trợn hiệp ước Minsk này. Không những thế, ông Trump còn gỡ bỏ một khoản nhỏ cấm vận Nga, khoản FSB, mà TT Obama đã đưa vào để phạt Putin tội nhúng tay vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2016. Một ngày trước khi Ukraine bị tấn công, ông Trump cũng đã có một cuộc điện đàm thân mật với Vlaimir Putin.

4. Những việc làm “bất thường” và nguy hại khác:

a/ Ngày 30-1-2017: Ông Trump đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Chiến lược gia Steve Bannon của Tòa Bạch Ốc vào ghế Ủy ban thường trực của Hội đồng an ninh quốc gia, và giảm vai trò truyền thống của  Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ và Giám đốc Tình báo trong Ủy ban này. Quyết định đưa Bannon, một nhân vật đã từng có thành tích vận động cho khuynh hướng “Da trắng cực đoan”, thuyết âm mưu và chống toàn cầu hóa,  đã bị Thượng nghị sĩ John McCain và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Vị trí này thường dành cho các vị tướng lãnh, và sẽ khiến cho Bannon nắm được các tin tức tình báo quan trọng của quốc gia.

Ông McCain gọi quyết định của ông Trump là hành động mang tính triệt hạ tận gốc bởi nó góp phần hạn chế vai trò của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

"Tôi cực kỳ lo lắng về Hội đồng an ninh quốc gia sau sự kiện này. Ai là các thành viên của tổ chức này còn ai là những thành viên vĩnh viễn?" Việc bổ nhiệm ông Steve Bannon là một điều gì đó tương tự việc đưa Hội đồng an ninh quốc gia ra khỏi lịch sử Mỹ" - ông McCain nói trên chương trình "Face the Nation" của đài CBS.

Đây là một nỗ lực tập trung quyền lực cho ông Steve Bannon - tác giả chính của chính sách mị dân và tạo đối kháng của Tổng thống Trump ngay từ khi còn ở giai đoạn tranh cử.

Ông McCain cho hay, tướng Joseph Dunford - người có quyền đưa ra những quyết định tham vấn quan trọng nhất tại Hội đồng an ninh quốc gia đã bị gạt ra khỏi các cuộc họp quan trọng.

b/ Sa thải Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates (ngày 30-1-2017) vì bà đã không chấp hành sắc lệnh cấm di dân của TT Trump. Việc làm này đã dấy lên quan tâm chuyên quyền của ông Trump, cũng như tính chất thiếu độc lập giữa Hành Pháp và Tư Pháp.

c/ Đưa ra những quyết sách bằng Twitter mang tính ngẫu hứng, hoặc các tuyên bố bất chợt không tham khảo với những giới chức có thẩm quyền liên hệ, khiến những chính sách không thân thiện của Hoa Kỳ đối với một quốc gia nào đó có thể tạo nguy hiểm cho người Mỹ và quân đội hiện diện tại quốc gia đó. Thí dụ như đưa ra lời cảnh báo Iran về vụ bắn missile qua lời tuyên bố của Tướng Michael Lynn, cố vấn an ninh quốc gia, và sắc lệnh cấm di dân mà các giới chức quân đội, ngoại giao và quốc hội không được biết trước.  

Ông Trump còn thoải mái tweet và tuyên bố những điều phi pháp như chủ trương đem trở lại chính sách tra tấn, đã bị Hoa Kỳ ra luật cấm.

d/ Ông Trump và đội ngũ đại diện (Sean Spicer, Kellyanne Conway...) thường đưa ra những điều không có thật, những dữ kiện giả làm mất uy tín của tổng thống nói riêng và chính phủ Hoa Kỳ nói chung. Thí dụ như
·         Đưa ra con số giả tưởng 3 triệu tới 5 triệu cử tri bất hợp pháp tại Hoa Kỳ để minh chứng là ông Trump thực sự không thua đối thủ Clinton 3 triệu phiếu phổ thông;
·         Cho rằng số lượng người tham dự lễ nhậm chức của ông đông tới 1.5 triệu người, trong khi trên thực tế thì các dữ kiện cho thấy con số chỉ vài trăm ngàn và thua xa con số 1,8 triệu người tham dự lễ nhậm chức của ông Obama năm 2009;
·         Cuộc hành quân Yemen thất bại đã được thổi phồng là thành công, và đưa cuốn video cũ ra làm bằng chứng, sau đó hành động sai trái này đã bị lật tẩy vì cuốn video đã lưu hành trên Internet từ 10 năm nay;
·         Cho rằng sắc lệnh cấm di dân Hồi giáo là cần thiết vì đã có một cuộc thảm sát tại Bowling Green, Kentucky năm 2011, do hai người di dân từ Iraq thực hiện, trong khi không hề có cuộc thảm sát nào như vậy.  

Và còn có rất nhiều những điều ông Trump và đội ngũ đã nói dối, thêu dệt, đưa tin “fake news” và “thuyết âm mưu” trong suốt thời gian tranh cử.

*
TT Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp vì chống lệnh cấm nhập cư
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/1 sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vì bà đã ra lệnh cho cơ quan không chấp nhận sắc lệnh của ông Trump.

Bà Yates bị cáo buộc đã  “phản bội” lại cơ quan của mình, khi từ chối thực thi sắc lệnh “nhằm bảo vệ” người dân Mỹ.
Trong bức thư gửi các nhân viên hôm 30/1, Sally Yates nói bà có trách nhiệm bảo đảm quan điểm của bộ Tư pháp phù hợp với nghĩa vụ chính thức của cơ quan là luôn tìm kiếm công lý, bênh vực lẽ phải.
“Hiện tại, tôi không tin rằng việc bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh là phù hợp với những trách nhiệm này, tôi cũng không tin rằng mệnh lệnh này hợp pháp”, Washington Post dẫn nội dung trong lá thư của bà Yates.
Hành động của bà Yates được sự ủng hộ của các nhà hoạt động di dân và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Nhưng chỉ 3 giờ sau đó, ông Trump đã ra lệnh sa thải bà.
Tổng thống Trump chỉ định bà Dana J. Boente, công tố viên của quận Đông Virginia, làm Bộ trưởng Tư pháp tạm thời cho đến khi có bộ trưởng mới.
Bà Sally Yates từng là thứ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama, và trở thành quyền Bộ trưởng khi người tiền nhiệm Loretta Lynch rời vị trí. Bà được chính ông Trump lưu lại trong thời gian chờ đợi ứng viên bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions được chuẩn nhận từ Thượng viện Hoa Kỳ.

TT Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp làm người Mỹ nhớ lại "vụ thảm sát đêm thứ Bảy".

Truyền thông Mỹ đang nhắc về "vụ thảm sát đêm thứ Bảy" thời TT Richard Nixon. Ý niệm thảm sát này là thuật ngữ ám chỉ trường hợp tổng thống Hoa Kỳ sa thải ngay một nhân vật "không đồng quan điểm" - giống như cách ông Trump vừa sa thải Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vào 11h đêm ngày 30/1.
Năm 1973, Tổng thống Nixon gọi Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson đến và yêu cầu ông sa thải công tố viên Archibald Cox – công tố viên đặc trách điều tra vụ Watergate (chiến dịch nghe lén đối thủ của TT Nixon).
Công tố viên Cox lúc đó đã ban hành một "trát tòa" yêu cầu được cung cấp nội dung những đoạn hội thoại đã được ghi âm của tổng thống Nixon, khiến Tổng thống lo ngại.
Bộ trưởng Richardson lúc đó đã từ chối việc thực thi yêu cầu của tổng thống, và sau đó từ chức.
Ông Nixon ra lệnh cho Thứ trưởng William Ruckelshaus sa thải ông Cox, nhưng ông này cũng đã từ chối và từ chức. Ông Nixon sau đó trao quyền quản lý Bộ Tư pháp cho ông Robert Bork và yêu cầu sa thải ông Cox. Ông Bork đã vui vẻ thực hiện và sau này đã khoe rằng Tổng thống Nixon rất biết ơn ông.
Nhưng chỉ 9 tháng sau, ông Nixon đã phải từ chức thay vì bị truất phế.

Bộ trưởng Tư pháp Richardson và Thứ trưởng Ruckelsaus được ghi nhớ như những công chức có nguyên tắc và đạo đức, còn tên của ông Bork sau này trở thành một động từ, với nghĩa "hủy hoại thanh danh của chính mình".

Việc bà Sally Yates bị sa thải một cách bất ngờ, đã không chỉ làm cho các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ nổi giận, mà họ còn đe dọa sẽ giám sát sự độc lập của Bộ Tư pháp trong chính quyền Trump.

Thượng nghị sĩ Dân chủ John Conyers (tiểu bang Michigan) đã viết trên Twitter:
"Ông Trump đã bắt đầu thực hiện những hành động giống như ông Nixon đã từng làm, và tất cả những việc đó đe dọa sự độc lập của Bộ Tư pháp. Khi có những quan chức chính phủ mẫn cán gọi các mệnh lệnh của Trump là trái pháp luật và vi hiến, ông ấy đã sa thải họ. Chính phủ dường như đã trở thành một show truyền hình thực tế!" [Trump là nhân vật chính trong show truyền hình thực tế nổi tiêng ‘You’re fired’ – Anh bị sa thải]

Bà Yates đã bị sa thải trong bối cảnh chính quyền mới đang cố gắng vượt qua những chỉ trích đối với chính sách cấm nhập cư cứng rắn của Trump.
Trong làn sóng chỉ trích khắp nước và trên thế giới, có cả những nhận xét "chua cay" của các đảng viên Cộng hòa, những người mà ông Trump đã không hề tham vấn khi đưa ra chính sách, khiến họ cũng bất ngờ và bị động như tất cả những người khác.

Việc bãi nhiệm bà Yates sẽ làm cho những cuộc điều trần sắp tới đối với ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trở nên căng thẳng hơn, khi những thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hiểu rằng họ sẽ phải ngăn cản Sessions trở thành Bộ trưởng Tư pháp nếu muốn ngăn cản những chính sách của Trump.

Một điều oái oăm là bà Yates, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Thượng viện năm 2015 để được thông qua trước khi nhậm chức, đã bị TNS Session hỏi là “Bà có nghĩ là một bộ trưởng tư pháp phải có trách nhiệm từ chối tổng thống khi ông ấy đòi hỏi một điều không đúng?”, và bà Yates đã trả lời là “Tôi tin rằng một bộ trưởng hay bộ phó tư pháp bắt buộc phải theo luật và hiến pháp, và phải đưa cho tổng thống những cố vấn pháp lý độc lập.” Bà Yates đã làm đúng lời tuyên hứa, hoàn thành trách nhiệm như ông Session và Ủy ban Thượng viện mong muốn, nhưng lại bị tổng thống sa thải và bị phát ngôn viên tòa Bạch Ốc lên án là “phản bội”.

*  
Ai đứng sau những quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump?
Tuy ít xuất hiện trên truyền hình hay trong các cuộc hội họp của giới chức cấp cao ở Washington, nhưng Steve Bannon, một cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc, được cho là đứng sau hầu hết những quyết định gây tranh cãi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngày 28/1 khi các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư vào Mỹ đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo, nhiều thành viên chủ chốt ông Trump đã rời đi để tới bữa tiệc tri ân ở Alfalfa Club, chỉ có Steve Bannon vẫn ở lại cùng Tổng thống
Bannon đã nhanh chóng củng cố quyền lực trong vai trò cố vấn cấp cao của Tổng thống, thậm chí “qua mặt” cả Chánh văn phòng Reince Priebus.

Ông Trump đã bổ nhiệm Bannon hôm 28-1 vào ghế thường trực trong Hội đồng An ninh Quốc gia, một vị trí thường dành cho các tướng lãnh, và do đó được biết đến những tin tức tình báo nhạy cảm nhất của Mỹ.
Bannon và cố vấn cấp cao khác Stephen Miller đã giúp vạch ra những nền tảng tư tưởng, chính sách cho Tổng thống Trump. Họ chịu trách nhiệm “lên kế hoạch hành động” cho ông Trump trong những tuần đầu ở Tòa Bạch Ốc, vạch ra những sắc lệnh hành pháp, quyết định khi nào ông Trump sẽ ký ban hành văn kiện mới, Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết.

“Ông ấy nói với Tổng thống Trump rằng ông ấy có thể làm mọi thứ mà ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử”. Chính vì lý do đó, Bannon được tân tổng thống trọng dụng.

Cho đến nay, kế hoạch này đã sản sinh ra một loạt sắc lệnh làm suy yếu Obamacare, tăng cường kiểm soát di trú, đóng băng việc tuyển dụng liên bang, ngăn chặn những người tị nạn và những người có visa nhập cảnh vào Mỹ từ các nước Hồi giáo.

Trong khi đó, vào giai đoạn chuyển giao quyền lực, Bannon không can dự vào các quyết định ở cấp thấp, tránh các cuộc hội họp, thay vào đó chỉ tập trung vào việc lập nội các cùng ông Trump.

Không giống như những cố vấn khác, Bannon ít khi xuất hiện trên truyền hình hay tham dự các bữa tiệc ở Washington, thường chửi thề, ăn mặc xuề xòa  so với hầu hết các nhân viên khác, tỏ ra khá thoải mái khi xuất hiện cùng ông Trump, và rất được tín cẩn ngay trong thời kỳ tranh cử.

“Steve Bannon điều khiển tiếng nói của Trump. Ông ấy đưa ra những thứ mà ông ấy biết tổng thống sẽ thích, rồi đặt nó vào trong ngôn từ mà tổng thống sẽ muốn nói ra”, một người thân cận cho biết.

Sự nổi lên của Bannon khiến giới chỉ trích Tổng thống Trump phải lo ngại. Cánh tay phải của Bannon, Miller Stephen đã thúc đẩy ông Trump thể hiện những quan điểm gây hấn nhất, đặc biệt đối với truyền thông. Chính Bannon mới đây đã lên tiếng mắng truyền thông nên “câm miệng lại.”
Theo những người thân thiết, Bannon, một triệu phú tự thân, được Trump xem như người ngang hàng hơn là nhân viên cấp dưới.
Bannon và Miller đã cùng viết diễn văn nhậm chức của Trump. Họ chủ truơng các khuynh hướng mị dân, tạo sự chao đảo để đánh sập các định chế và hệ thống cũ hầu xây dựng một xã hội mới, chống toàn cầu hóa, chủ trương da trắng cực đoan, bảo thủ cực hữu, chủ nghĩa biệt lập, chống di dân ...
Cả hai đều có đôi lúc đụng độ với các nhân viên khác của đảng Cộng hòa và Tòa Bạch Ốc, những người cáo buộc họ ém nhẹm thông tin. Các phụ tá khác lo ngại rằng chính sách của Bannon/Miller đang được thực hiện quá nhanh với rất ít kế hoạch được chuẩn bị trong khi Trump lại có vẻ coi trọng cả hai người.

Các nhà phê bình sắc bén nhất của tổng thống đã chỉ ra rằng sự bổ nhiệm Bannon vào Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) là dấu hiệu cho thấy Trump sẽ áp dụng các chính sách và điều hành cực hữu và phi truyền thống trong chính phủ.
Việc bổ nhiệm Bannon, một cố vấn chính trị, vào NSC bị coi là bất thường và phi pháp.

Cố vấn chính trị của Tổng thống George W. Bush, Karl Rove, người thường được gọi là "bộ não của Bush" và được coi là phụ tá có ảnh hưởng lớn đối với tổng thống, từng bị chính ông Bush cấm tham dự các cuộc họp an ninh quốc gia.

Cố vấn chính trị của Tổng thống Barack Obama, David Axelrod, từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đôi khi ông quan sát các cuộc họp tại Phòng Tình huống (Situation Room) nhưng cũng có những lúc mà người ta nói thẳng rằng ông không được tham dự.

------------------

HÌNH BIẾM HỌA (Theo Viet-Studies )   

Ước vọng của dân Mỹ: Một cái TV nhỏ hơn!
(Los Angeles Times 3-2-17)

Trump vừa được phụ tá giải thích "Đường Lưỡi Bò"
(Hí họa thấy trên mạng)

Trump : America First
Bìa báo Der Spiegel (6/2017)

Trump : An toàn rồi!
(Biếm họa trên Times of London ngày 30-1-17)

Xin giới thiệu: Steve Bannon, người cố vấn đàng sau các "chính sách" của Trump
(Hí hoạ trên Washington Post (29-1-17))

Hí họa trên New York Times (29-1-17) về việc Trump rút khỏi TPP



No comments: