Wednesday, February 15, 2017

TỔNG THỐNG TRUMP BIẾT CỐ VẤN AN NINH FLYNN NÓI DỐI TỪ GẦN MỘT THÁNG QUA ? (tin tổng hợp)




February 15, 2017

WASHINGTON (AP)Chỉ sáu ngày sau khi nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump được thông báo là cố vấn an ninh của ông nói dối Phó Tổng Thống Mike Pence về các cuộc điện đàm với phía Nga.

Ông Michael Flynn bắt tay Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại một buổi tiệc ở Moscow ngày 10 Tháng Mười Hai, 2015 nhân kỷ niệm 10 năm đài truyền hình Nga RT (Hình: AP)

Ông Trump không cho ông Pence biết về việc này và đợi gần 3 tuần mới có quyết định yêu cầu ông Flynn từ chức, viện dẫn lý do là dần mất đi sự tin tưởng vào ông Flynn, theo các giới chức Toà Bạch Ốc.

Ông Flynn được nhân viên FBI hỏi về các cuộc điện đàm với Đại Sứ Nga ở Mỹ, một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ của ông với Nga gây sự chú ý của giới chức công lực.

Tuy nhiên qua sự tường thuật của Toà Bạch Ốc về việc ông Flynn phải ra đi, lỗi lầm của ông không phải vì thảo luận các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga trước khi ông Trump chính thức thành Tổng Thống Mỹ- một điều có thể vi phạm đạo luật Logan Act cấm thường dân không được thương thảo với chính quyền ngoại quốc đang có tranh chấp với Mỹ. Đối với Toà Bạch Ốc, lỗi của ông Flynn là đã chối trong mấy tuần lễ liền, nói dối với Phó Tổng Thống Pence và các phụ tá cao cấp khác của ông Trump, về nội dung cuộc điện đàm. Giới chức Toà Bạch Ốc cho hay họ duyệt xét kỹ càng và không thấy có gì bất hợp pháp.

Các nguồn tin thông thạo cho hay ông Pence, người đứng ra bênh vực cho ông Flynn trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình trước đó, bày tỏ sự giận giữ và rất bất bình với ông này.

Hôm Thứ Ba 14 Tháng Hai, một ngày sau khi Tổng Thống Trump yêu cầu ông Flynn từ chức, Phát Ngôn Viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho báo chí hay rằng sự dần mất đi tin tưởng qua việc này và một loạt các vụ khác khiến ông Trump phải lấy quyết định buộc ông Flynn ra đi.

Các thông báo từ Toà Bạch Ốc trong vụ ông Flynn tạo ra một số câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng, như tại sao ông Trump không thông báo với Phó Tổng Thống Pence về việc này và tại sao ông Trump cho phép ông Flynn tiếp tục có được các tài liệu mật cũng như tham dự vào các cuộc họp của Tổng Thống với các nhà lãnh đạo thế giới cho tới ngày ông bị buộc phải từ chức.

Các giới chức Toà Bạch Ốc cũng gặp khó khăn để giải thích vì sao cố vấn của ông Trump là bà Kellyanne Conway khẳng định với giới truyền thông rằng Tổng Thống “hoàn toàn tin tưởng” vào ông Flynn, chỉ ít giờ trước khi cố vấn này đưa đơn từ chức.

Vào chiều ngày Thứ Ba, tờ báo New York Times tường thuật rằng các cơ quan tình báo Mỹ ghi nhận nhiều cuộc điện đàm hồi năm ngoái giữa các giới chức tình báo Nga và thành viên trong uỷ ban tranh cử 2016 của ông Trump.

Marc Lotter, phát ngôn viên của ông Pence, cho hay Phó Tổng Thống chỉ nhận ra là mình không được biết sự thật về ông Flynn sau khi có bài báo của tờ Washington Post. Ông Pence cũng đến lúc đó mới biết về cảnh báo của Bộ Tư Pháp cho Tòa Bạch Ốc hay về việc ông Flynn có thể bị khuynh loát do nói sai sự thật về những gì thảo luận với phía Nga. (V.Giang)

-----------------------

Tuesday, 14/02/2017 - 08:28:16

HOA THỊNH ĐỐN - Chưa đầy một tháng từ ngày lên nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump phải tìm một cố vấn an ninh quốc gia mới, sau khi ông Michael Flynn bị ép buộc phải từ chức vì đã nói dối về những cuộc hội đàm với đại sứ Nga. Hiện thời chính phủ gặp phải nhiều câu hỏi liên quan tới những điều mà Tòa Bạch Ốc biết về tình hình.

Trong hình chụp ngày 21 tháng 12, 2016 Trung Tướng Michael Flynn xuất hiện chung với Tổng Thống đắc cử Donald Trump tại Mar-a-Lago ở Florida. (Jim Watson/ Getty Images)

Phe Dân Chủ và những người khác chỉ trích ông Trump đã trích dẫn tin tức cho biết rằng, cách đây một tháng, Bộ Tư Pháp đã từng báo động cho Tòa Bạch Ốc biết rằng ông Flynn rất dễ bị kẻ khác lợi dụng để gây áp lực, vì ông đã nói dối về những cuộc điện đàm bí mật với các giới chức Nga. Phe Dân Chủ và những người đả kích ông Trump nói rằng họ sẽ tiếp tục nêu trường hợp của ông Flynn dính líu đến Nga với ông Trump và với chính phủ của ông về vụ này, trong đó có cả vai trò của Nga trong kỳ bầu cử năm 2016.

Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California), thành viên cao cấp của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, nói, “Chính phủ Trump vẫn còn phải nói thẳng về chuyện ai là người biết rõ những cuộc nói chuyện của ông Flynn với đại sứ Nga, và có phải ông đã hành động theo chỉ thị của tổng thống, hoặc bất cứ viên chức nào khác, hay là họ có biết trước về hành động của ông Flynn.” Phe Cộng Hòa cũng cho biết họ sẽ ủng hộ một cuộc điều tra về vụ ông Flynn.

Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, nói rằng việc ông Flynn từ chức “là một dấu hiệu rất đáng quan tâm vì nó cho thấy tình trạng rối loạn trong hoạt động của bộ máy an ninh quốc gia hiện nay,” và “cũng gây ra thêm nhiều câu hỏi về những ý định của chính phủ Trump đối với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.”

Ông McCain trích dẫn “những lời phát biểu của Tổng Thống gợi ý Mỹ và Nga có sự tương đương về đạo đức, bất chấp việc Nga đã xâm lăng Ukraine, sáp nhập vùng Crimea, những mối đe dọa cho các nước đồng minh trong khối NATO của chúng ta, và việc Nga tìm cách can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ.”

Nghị Sĩ Lindsey Graham từ tiểu bang South Carolina, một nhân vật Cộng Hòa nổi tiếng, nói với đài CNN, “Tướng Flynn có hành động một mình hay không? Tôi muốn biết Nga đang tính làm gì.”

Trong khi đó, như thường lệ, ông Trump dùng truyền thông xã hội để phản đối những tin tức được tiết lộ.

Tổng thống tránh nhắc tới Tướng Flynn và lái qua một đề tài khác. Ông Trump viết trên Twitter, “Chuyện đáng nói ở đây là tại sao có rất nhiều điều tiết lộ bất hợp pháp xuất phát từ Hoa Thịnh Đốn? Liệu sẽ có những gì khác bị tiết lộ hay không, trong lúc tôi đang xử trí với Bắc Hàn, v.v.?”

Ông Trump đã từ chối trả lời những câu hỏi của các phóng viên về ông Flynn, trong một cuộc họp vào sáng thứ Ba với các phụ huynh và các giáo viên.

Nguyên do của vụ từ chức đầu tiên của một nhân vật cao cấp trong chính phủ Trump là một cú điện thoại. Tại một bãi biển nghỉ mát ở Dominica trong vùng Caribbean, nơi vợ chồng ông Flynn vẫn thường đến, ông đã gọi về Hoa Thịnh Đốn và nói chuyện với Đại Sứ Nga về biện pháp chế tài của chính phủ Obama. Là người có kinh nghiệm trong chính quyền và ngành tình báo, đáng lý ông Flynn phải biết những cú gọi như vậy sẽ bị FBI nghe lén và phân tích. Hậu quả của cú gọi là sáu tuần sau ông bị mất chức.

Trong một cuộc trò chuyện vào cuối năm ngoái với ông Sergey Kislyak, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, ông Flynn thảo luận về những biện pháp chế tài lúc đó sắp diễn ra, mà chính phủ Obama áp đặt lên nước Nga, vì vụ can thiệp vào kỳ bầu cử ở Mỹ. Trong đó có việc tin tặc tấn công các email của các viên chức Đảng Dân Chủ thân cận với bà Hillary Clinton, người được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống.

Lúc đầu ông Flynn phủ nhận việc ông thảo luận về những biện pháp trừng phạt ấy với ông Kislyak trong cú phone. Ông đã nói tiếp tục nói dối như vậy khi phải thảo luận với Phó Tổng Thống Mike Pence, và những viên chức khác trong chính phủ, đưa đến sự việc các viên chức lập lại lời của ông Flynn.

Vào đêm thứ Hai, cách chỉ mấy giờ trước khi ông Flynn loan báo việc ông từ chức, bà Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng Thống Trump, còn nói rằng cố vấn an ninh quốc gia này được tổng thống hoàn toàn tin cậy. Bà nói với đài NBC rằng sau đó ông Flynn đổi ý và từ chức, vì “ông biết ông đã trở thành một cột thu lôi” thu hút sự chiếu cố trong dư luận.

Trong khi ông Trump bổ nhiệm một vị quyền cố vấn an ninh quốc gia để tạm thời đảm trách vai trò của ông Flynn, Tòa Bạch Ốc nhắc tới một số người có thể nhận chức này, trong đó có tướng ba sao hồi hưu Joseph Keith Kellogg Jr..

Trong số đó cũng có Robert Harward, một cựu tư lệnh phó của Bộ Chỉ Huy Trung Ương Hoa Kỳ, và là người được Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis bảo trợ, và tướng hồi hưu David Petraeus, một cựu giám đốc cơ quan tình báo CIA. Thời chính phủ Obama, ông Petraeus phải từ chức sau khi thừa nhận rằng ông đã cung cấp thông tin mật cho một người viết hồi ký mà ông có một mối quan hệ tình cảm.

Trong thư xin từ chức, ông Flynn nói rằng, vì “tốc độ nhanh của những điều xảy ra,” ông đã “vô tình” cung cấp cho ông Pence và những người khác “những thông tin không đầy đủ” về cuộc nói chuyện của ông với đại sứ Nga qua điện thoại. Ông Flynn viết, “Tôi thành thật xin lỗi Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Họ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.”

Tuy là một cố vấn thân cận của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử, ông Flynn đã gặp rắc rối từ ngày đầu tiên được chức cố vấn an ninh quốc gia. Những người chỉ trích đã viện dẫn những mối quan hệ trong quá khứ của ông với nước Nga, và những điều cho thấy tình trạng vô tổ chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc gia.

Ông Flynn là một cựu viên chức tình báo bị Tổng Thống Obama cách chức. Ông tự biến thành một mục tiêu chính trị, khi ông vận động mạnh mẽ chống lại bà Clinton. Đôi khi ông cầm đầu những người ủng hộ ông Trump hô vang “nhốt bà ấy lại” trong tù.

Ông Flynn từ chức cách mấy giờ sau khi ông Sean Spicer, phát ngôn viên của Tổng Thống Trump, loan báo rằng tổng thống “đang đánh giá tình hình” về ông Flynn. Ông từ chức cách mấy tiếng đồng hồ sau khi báo Washington Post đưa tin rằng chính phủ đã biết về cuộc thảo luận của ông Flynn về những biện pháp trừng phạt, trong ít nhất một tháng.

Vào cuối tháng qua, bà Sally Yates, lúc đó là quyền bộ trưởng tư pháp thông báo cho chính phủ Trump biết rằng ông Flynn đã nói dối về cuộc nói chuyện của ông với đại sứ Nga, và bị Nga uy hiếp vì chuyện đó, theo một giới chức liên bang nói với báo Washington Post.

Nhiệm kỳ của Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia, chưa đầy một tháng, tính cho đến nay là ngắn nhất cho chức vụ đầy thế lực ấy. Richard Allen, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng Thống Ronald Reagan, giữ chức chỉ non một năm.

Bà Hillary Clinton, người bị ông Trump đánh bại trong cuộc bầu cử tháng 11, cũng góp ý về ông Flynn. Bà đăng lại trên Twitter một tin nhắn từ cựu phát ngôn viên Philippe Reines, về sự dính líu của ông Flynn và con trai ông là Michael Flynn Jr., tung “tin tức giả” về cuộc vận động của đảng Dân Chủ.

Bà Clinton nói, “Philippe có cách thức riêng của ông để nói chuyện này chuyện nọ, nhưng ông nói đúng về những hậu quả thực sự của tin tức ngụy tạo.”




No comments: