09/02/2017
TT Hoa Kỳ Donald Trump tại CLB Golf Trump International, West Palm Beach,
Florida, nơi dự kiến ông sẽ cùng Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf.
Thủ
Tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ tiếp tục nỗ lực siết chặt các quan hệ với
Hoa Kỳ về mặt an ninh và thương mại, đồng thời vun đắp quan hệ cá nhân với Tổng
thống Trump khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần thứ nhì tại Washington vào ngày
mai, thứ Sáu 10/2. Ông Abe muốn đạt một thoả thuận thương mại song phương với
Hoa Kỳ để thay thế cho Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương đã bị ông Trump
bác bỏ. Thông tín viên Brian Padden có bài tường trình chi tiết do Hoài Hương
trình bày sau đây.
Giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Temple ở Nhật
Bản James Brown nói ông Trump là một doanh nhân hay coi trọng các quan hệ cá
nhân, và vì lý do đó trong chuyến đi thăm đầu tiên, ông Abe đã tặng ông Trump một
cây gậy đánh golf đắt tiền, và vì vậy trong chuyến đi thăm lần này, hai ông sẽ
đi đánh golf với nhau.
Trước đây, ông Trump đã nêu tên Nhật Bản cùng với
Trung Quốc và Mexico, là những nước đã được hưởng lợi một cách bất công từ các
chính sách thương mại đã đẩy Mỹ vào tình trạng thâm hụt mậu dịch. Ông Trump từng
tố cáo Tokyo là đã hạ giá đơn vị tiền tệ của mình để đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm ngoái mức thặng dư mậu dịch của Nhật Bản đối với
Hoa Kỳ lên tới 6,8 ngàn tỉ yen, giảm 4,6% so với năm 2015, nhưng các chuyến
hàng chở xe do Nhật Bản sản xuất đang trực chỉ Hoa Kỳ đã tăng trong 2 năm liên
tiếp, theo các dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản.
Giáo sư Brown nói trong khi ông Trump là một doanh
nhân dày dạn kinh nghiệm, Tokyo lo ngại rằng quan điểm của ông về vấn đề thương
mại khá hẹp hòi, và sự hiểu biết của ông về mức độ của sự lệ thuộc lẫn nhau
trong kinh tế còn khá hạn chế.
Giáo sư Brown nhận định:
“Ông Trump hình như coi thương mại như thể đây là vấn đề ‘ăn được cả, ngã
về không’. Dường như ông nghĩ rằng hoặc là ông thắng, hoặc là đối tác thương
thuyết của ông thắng. Ông hình như không chấp nhận ý kiến cho rằng thương mại
là một vấn đề có lợi cho cả đôi bên.”
Tin cho hay tháp tùng ông Abe sẽ có Bộ trưởng Tài
chính và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, phía Nhật sẽ đề nghị với chính quyền của
ông Trump một gói đầu tư có khả năng kiến tạo 700,000 việc làm ở Mỹ thông qua
các dự án đầu tư công-tư vào hệ thống hạ tầng cơ sở, chẳng hạn như hệ thống đường
xe lửa cao tốc.
Tập đoàn sản xuất xe hơi Toyota và các công ty lớn
khác của Nhật có thể cũng sẽ loan báo các kế hoạch đầu tư mới để xây dựng nhiều
nhà máy tại Hoa Kỳ, như kết quả của cuộc họp cấp cao song phương.
Quan
tâm về an ninh
Những động thái tương nhượng về kinh tế của Nhật được
nhiều người ở Tokyo xem là nhằm bảo đảm liên minh quân sự Mỹ-Nhật.
Ông Trump đã làm giới lãnh đạo ở Tokyo lo sợ trong
chiến dịch vận động tranh cử, khi ông tuyên bố có thể triệt thoái binh sĩ Mỹ và
rút ra khỏi các hiệp ước quốc phòng hỗ tương, trừ phi các đồng minh của Mỹ phải
chi trả nhiều hơn để đổi lấy việc được Mỹ bảo vệ.
Nhật Bản là nước tiếp nhận 50,000 binh sĩ Mỹ, và lệ
thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ để răn đe và bảo vệ nước này chống lại sức mạnh quân sự
đang lên của Trung Quốc, cũng như mối đe doạ hạt nhân từ Bình nhưỡng.
Tuy vậy, Tổng thống Trump sau đó đã giảm thiểu những
chỉ trích của ông trong các cuộc gặp gỡ và điện đàm với các lãnh đạo thế giới,
nói rằng Hoa Kỳ sẽ thực thi những cam kết của mình trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis mạnh mẽ trấn
an Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến đi thăm khu vực của ông hồi tuần trước,
ông khẳng định sẽ tiếp hậu thuẫn các mối liên minh của Mỹ, đồng thời cảnh cáo Bắc
Hàn rằng bất cứ cuộc tấn công nào cũng sẽ được đáp lại bằng sức mạnh áp đảo.
Ông Trump hứa sẽ duy trì một sự hiện diện hùng hậu trong khu vực để chống lại
các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Mattis miêu tả Nhật Bản là “một mô hình về
chia sẻ chi phí và gánh nặng quốc phòng”, ông đã cố làm giảm nhẹ sự cần thiết
phải thay đổi các thoả thuận hiện hành về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng.
Theo tin cho hay Tokyo trả hơn 1,6 tỉ đôla cho
Washington để trang trải chi phí triển khai binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản, ngoài việc
thanh toán kinh phí xây cất căn cứ, và các khoản hỗ trợ khác. Hoa Kỳ chi 5,5 tỉ
đôla trong năm 2016 cho các căn cứ ở Nhật Bản, theo Ngũ Giác Đài.
Ông Grant Newsham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn
đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, nói Thủ Tướng Abe sẵn sàng cam kết tài
chính phụ trội để củng cố Các Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JSDF), nhưng sẽ không
trả thêm cho Washington.
Ông Newsham nói:
“Ông Abe hy vọng ông Trump sẽ không áp lực ông chi thêm tiền để hậu thuẫn
các binh sĩ Mỹ ở Nhật Bản. Tôi tin rằng ông dự tính ông Trump sẽ đề nghị ông
Abe chi ra nhiều tiền bạc hơn để xây dựng các lực lượng của mình, tức là Lực lượng
Tự vệ Nhật Bản. Về mặt này, tôi tin là ông Abe sẵn sàng làm điều đó.”
Nhà nghiên cứu Newsham nói rằng Thủ Tướng Nhật Bản
có lẽ cũng sẽ cưỡng lại bất cứ sức ép nào của Hoa Kỳ, muốn Nhật Bản tiến xa hơn
vị thế truyền thống của nước này, tức là chỉ tự vệ chứ không đe doạ nước nào,
và đồng thời tránh gây bất bình cho Trung Quốc bằng cách tham gia các cuộc tuần
tiễu hàng hải trên Biển Đông.
*
*
09/02/2017
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Thủ
tướng Shinzo Abe ngày 9/2 lên đường tới Washington với hy vọng rằng các cam kết
giúp tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ và củng cố quân đội sẽ thuyết phục
tân Tổng thống Donald Trump hạ nhiệt trong vấn đề mậu dịch và tiền tệ cũng như
đứng về phía đồng minh lâu năm Nhật Bản.
Quan chức Nhật đã được các quan chức Mỹ trong đó có
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ‘trấn an’ nhưng họ e rằng Tổng thống Trump có
thể sẽ ‘rẽ hướng’ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào thứ sáu này tại Washington.
Tại Tokyo cũng xuất hiện một số quan ngại rằng ông
Trump có thể sẽ đạt một số thỏa thuận với Trung Quốc, ‘bỏ rơi’ Nhật. Ngoài ra,
cũng có người lo rằng ông Abe sẽ ‘thuyết phục’ ông Trump bằng những lời hứa khó
thực hiện.
Khi tranh cử Tổng thống, ông Trump từng chỉ trích rằng
Tokyo và Seoul chưa gánh vác đủ trách nhiệm đối với ô dù an ninh của Mỹ.
Ông cũng liệt kê Nhật cùng với Trung Quốc và Mexico
là những quốc gia gây thâm thủng mậu dịch cho Mỹ. Ông nói ngành mậu dịch ô tô của
Nhật cạnh tranh ‘không công bằng’ và tố cáo Tokyo hạ giá chỉ tệ hòng đẩy mạnh
xuất khẩu.
Đáp lại, Nhật nói các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư
vào Mỹ đáng kể và tỷ lệ thâm thủng mậu dịch Mỹ-Nhật cũng đã giảm từ mốc cao lịch
sử.
Thủ tướng Nhật trong chuyến công du Mỹ lần này sẽ
mang theo gói hành động gồm các bước mà Tokyo nói sẽ giúp tạo ra 700 ngàn công
ăn việc làm cho người Mỹ thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công-tư như
xe điện cao tốc.
No comments:
Post a Comment