Hồ Anh Thái - TBKTSG
Thứ Năm, 9/2/2017, 07:13 (GMT+7)
(TBKTSG)
- Công chúng đã ít nhiều quen với hình ảnh người đại diện thường trú ở nước
ngoài của các cơ quan truyền thông ta. Thông tin, nếu ngay lập tức được truyền
về trong nước, còn nóng hổi, thì có ích cho việc phân tích đánh giá tình hình,
cũng có ích cho người dân quan tâm đến thế giới ta đang sống.
Nhưng phương pháp tác nghiệp cần phải thay đổi khi
mà mạng lưới Internet đã nhanh như điện, và hệ thống truyền thông quốc tế vận
hành còn hơn thác lũ. Một sự kiện diễn ra, người Việt có thể tức khắc vào mạng
Internet hoặc mở một kênh phát thanh truyền hình nước ngoài, thế là có đủ thông
tin. Nhìn thấy hình ảnh tại chỗ, nghe được những âm thanh tại chỗ, được thuyết
minh tình hình tại chỗ. Vậy còn muốn gì hơn nữa?
Phóng viên thường trú của ta ở nước ngoài cũng nhanh
chóng tìm đến hiện trường. Một vụ xả súng ở bang Florida nước Mỹ chẳng hạn. Một
vụ tấn công khủng bố ở châu Âu chẳng hạn. Một biến cố trong quan hệ Nga - Mỹ chẳng
hạn. Một vụ tàu đánh cá Việt Nam bị bắt trong vùng biển Malaysia chẳng hạn.
Phóng viên hình sẽ cầm micrô đứng trước hiện trường để đưa tin. Phóng viên phát
thanh thì thu âm thanh xôn xao tại hiện trường và đề nghị những người có mặt trả
lời phỏng vấn dăm câu ba điều. Phóng viên báo in thì thao tác ngay bằng những
con chữ rồi gửi lên trang báo mạng.
Tất cả đều chứng minh rằng tôi đang thao tác nghiệp
vụ, đang thực hiện nhiệm vụ, tôi đã có mặt ở hiện trường, kịp thời.
Nhưng người làm truyền thông thường trú mà chỉ chứng
minh một điều như vậy thì chưa đủ, thậm chí là ít ý nghĩa, giữa thời buổi Internet
và truyền thông quá nhanh chóng như thế này.
Trước hết, nói rằng người truyền thông đã có mặt kịp
thời cũng là chưa chính xác. Mạng Internet và các đài báo bản địa còn kịp thời
hơn ta nhiều. Vụ việc trong cùng thành phố, ta vác máy đến nơi thì tin tức người
ta đã đưa đầy tràn trên mạng kèm theo ảnh và hình ảnh động, kèm theo bản thu
thanh xôn xao sống động. Vụ việc xảy ra ở thành phố khác hoặc nước láng giềng,
người thường trú phải cần dăm ba tiếng sau mới bay đến nơi và bắt đầu truyền
tin. Thế thì còn chậm hơn nữa, tin tức của ta chỉ mang thân phận của “người đến
sau”.
Tin tức ấy được truyền về trong nước, trung tâm tiếp
nhận vui lòng đưa lên sóng, vui lòng cập nhật vào báo mạng. Vui lòng và cầm
lòng vậy mà thôi, thực ra người biên tập ở trong nước đã lấy được thông tin sớm
hơn thế nhiều, như đã nói, lấy từ các kênh nước ngoài, từ các trang mạng trực
tuyến nước ngoài.
Tức là những tin tức bạn gửi về thì chỉ cần ngồi ở
trong nước cũng lấy được, lại còn sớm hơn thông tin của bạn.
Thông tin của bạn mới ở vòng gửi xe, mới ở bên ngoài
băng chắn ngăn cách hiện trường. Còn thông tin của truyền thông nước ngoài đã
xông được vào tận bên trong phòng họp đại hội đồng, phòng họp nghị viện, văn
phòng các lãnh đạo. Nếu bạn cũng đưa được máy quay máy thu vào trong phòng họp
thì thông tin cũng sơ sài đơn giản hơn thông tin của người ta. Hầu hết đều tinh
khôn mà mượn hình ảnh mượn âm thanh sẵn có của các đài nước ngoài để đưa vào bản
tin của mình. Thôi thì lọt sàng xuống nia, khi cần thì mượn của nhau, đều là đồng
nghiệp cả, họ nghĩ thế.
Chậm hơn người ta, thì mượn của người ta, hoặc mua của
người ta. Những cái chậm này sẽ được thể tất nếu phóng viên thường trú làm được
điều quan trọng bậc nhất: bình luận. Bình luận cho thật đắt.
Rất thường thấy trong các bản tin ấy, phóng viên có
chen thêm đôi ba câu của riêng mình, phân tích, đánh giá, nhận định, bình luận.
Cảm tưởng rất rõ về một bàn ăn toàn dăm bông xúc xích bánh mì pho mát lại chen
vào đấy một bát nước mắm. Bạn đã dịch vội hầu như toàn bộ bản tin của người ta,
kèm theo nỗi lo ngại rằng công chúng sẽ nhận ra điều ấy, bèn chèn thêm vào dăm
ba câu nhận định của mình. Rất dễ phát hiện ra cái râu ông này và cái cằm bà
kia trong đó. Phần chèn vào thường là sơ sài giản đơn về mặt tư duy. Những cuộc
phỏng vấn hoặc các phóng sự chuyên đề của phóng viên ta hầu như không tiếp cận
được những nhân vật đích đáng, những vấn đề tiêu điểm.
Nhiều bản tin dịch vội đã bê nguyên xi quan điểm của
nước ngoài. Đấy là vi phạm bản quyền. Đấy là vay mượn chất xám mà nhập nhằng
không ghi nhận nguồn gốc. Đấy còn là tự xóa bỏ mình khi lấy nguyên vẹn quan điểm
của người khác và để cho nó trùm lấp lên cái phần rất bé nhỏ của mình.
Ta đã đi đến cốt lõi của vấn đề. Người phóng viên
thường trú thời nay khó mà hơn một phóng viên ngồi trong nước theo dõi tình
hình quốc tế, nếu thiếu một kiến thức sâu rộng, thiếu tư duy sắc sảo được chuyển
hóa thành nhận định, đánh giá, bình luận thật đích đáng.
Nói như vậy liệu có thể hiểu rằng một phóng viên ngồi
trong nước nếu có đủ các phẩm chất trên thì chắc chắn lại hơn người được gửi ra
nước ngoài thường trú? Rất nhiều khi lại đúng là như vậy. Rất nhiều khi người ở
nhà phải biên tập lại để cho bản tin của người ở bển gửi về chính xác hơn, sâu
sắc hơn. Kể cả nếu cơ quan thường trú có bộ phận biên tập và duyệt tại chỗ, thì
cũng chỉ có ý nghĩa là sự nới rộng nhân sự.
Đây là tình trạng chung của cơ quan thường trú ở nước
ngoài của các bộ các ngành. Có khi sự hiện diện ở nước ngoài chỉ là chứng tỏ có
mặt ở hiện trường mà hiệu quả không tương xứng, thậm chí không bằng bộ phận ngồi
tác nghiệp và nghiên cứu ở trong nước. Cần tránh, chỉ để duy trì một văn phòng
đại diện, duy trì những nhân sự, mà phải tiếp tục chấp nhận sự thiếu hiệu quả
và lãng phí.
Nhưng như vậy không có nghĩa là phủ nhận việc gửi
phóng viên đi thường trú. Vấn đề là giữa thời đại Internet, một cơ quan thường
trú không cần phải là bộ máy cồng kềnh. Không cần gửi đi những phóng viên chỉ
biết đưa tin nhặt tin, mà phải là những người có khả năng phân tích bình luận.
Nhiều khi, văn phòng ảo với những cộng tác viên ảo cũng có thể đem lại hiệu quả
lớn. Và vấn đề chính là phải có những người thường trú thực sự có kiến thức quảng
bác. Sự ứng biến khôn khôn kheo khéo thôi chưa đủ. Nhiệt tình thôi chưa đủ.
No comments:
Post a Comment