Tuesday, February 7, 2017

ÔNG GIÀ BẾN NGỰ (Trần Thảo - Danlambao)





Dù thất bại, nhưng những bậc tiền bối như hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh mãi mãi ghi đậm dấu ấn hào hùng trong dòng sử Việt. Trong công cuộc đấu tranh hiện nay nhằm giải thể chế độ CSVN, giành lại những quyền sống căn bản của con người, chúng ta học hỏi được gì từ hai cụ Phan? Chúng ta cách hai cụ Phan gần tròn một thế kỷ, nhưng hiện nay xem ra Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh vẫn là chủ trương hữu ích mà chúng ta nên hướng tới. Trong bộ máy tuyên truyền của chế độ CSVN, dân trí vẫn u mê lầm lạc đấy thôi, vẫn tin tưởng "bác" là người vì dân vì nước! Những lễ hội chém trâu, chém lợn rùng rợn dã man với những tiếng reo hò đầu năm, những tranh giành lộc mới, mẻ đầu sứt trán vẫn có hằng ngàn người tham dự, trong khi lại vô cảm trước những cảnh bất công, trước nhục mất nước mất biển vào tay tàu khựa. Đất nước ta, dân tộc ta phần số thê lương đến như thế sao?...

*

Ông Già Bến Ngự là tên gọi thân thiết mà cư dân Huế dành cho cụ Phan Bội Châu khi cụ bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải vào năm 1925 và đem về Hà Nội xử với bản án chung thân khổ sai. Tuy nhiên, do dư luận quần chúng phản đối quá mạnh, nên nhà cầm quyền thực dân cho an trí cụ Phan tại Bến Ngự, Huế cho đến lúc cụ qua đời năm 1940.

Bài viết này không có ý định liệt kê ra tiểu sử với những thăng trầm của cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm, xin tự vào mạng và tra cứu. Nhưng có một điều tôi muốn đề nghị với các bạn, là những tài liệu do phía CSVN cung cấp sẽ không đúng với thực tế khách quan. Bạn cần phải đối chiếu và gạn lọc để tìm cho mình những kiến thức chân thật hữu ích.

Trong bài viết này, tôi muốn cùng bạn tìm hiểu về sự kiện cụ Phan Bội Châu bị bắt tại Thượng Hải vào năm 1925 như thế nào? Và qua đó góp một số ý kiến chủ quan của mình về những đường lối cách mạng của các cụ Sào Nam Phan Bội Châu và cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh.

Năm 1900 cụ Phan Bội Châu đổ giải nguyên (đổ đầu) kỳ thi Hương. Đối với những người mà tấm lòng của họ luôn đau đáu vì phận số nghiệt ngã của đất nước, của dân tộc trong gọng kèm cai trị của thực dân Pháp, trước sự bất lực và thỏa hiệp của triều đình Huế, như cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh thì dẫu có đi thi, họ cũng không mong thực hiện giấc mộng công hầu khanh tướng bằng con đường khoa cử, nhất là do tiếp xúc ít nhiều với "tân thư", họ đã quá chán ngán lối học từ chương sáo mòn. Cụ Phan Bội Châu đi thi vì muốn tạo cho mình một danh tiếng khả dĩ đáp ứng được cái thói tục cổ hủ của người đời, không danh không tiếng thì nói không ai nghe! Điều này cũng giải thích cho việc vào năm 1903 cụ Phan Châu Trinh cũng đã từng ra làm quan với triều đình Huế. Trong hoàn cảnh của cụ Phan Châu Trinh còn có một mục đích khác, đó là cụ muốn len lỏi vào tầng lớp quan lại, tìm kiếm những người đồng tâm, nhưng cả hai cụ Phan đều thất vọng, và chỉ sau một năm, cụ Phan Châu Trinh từ quan vào năm 1904.

Tài học và chí khí cách mạng của cụ Phan Bội Châu dần dần đã tạo nên danh tiếng và giúp cho cụ rất nhiều trên con đường âm kết hào kiệt, bằng hữu cùng chí hướng. 

Năm 1904 cụ Phan Bội Châu cùng với Cường Để, một hậu duệ của nhà Nguyễn, và khoảng 20 người tâm huyết đã họp riêng ở nhà ông Nguyễn Hàm, còn gọi là cụ Tiểu La, để thành lập Duy Tân Hội. Chủ trương của Duy Tân Hội là vận động sự hổ trợ của mọi tầng lớp nhân dân, đặt nền móng đầu tiên cho phong trào Đông Du, đưa du học sinh sang Nhật để học hỏi, đồng thời vận động chính phủ Nhật ủng hộ cho cách mạng Việt Nam để đánh đuổi thực dân Pháp.

Ngoài một số ít nhân sĩ Nhật tử tế và thông cảm hoàn cảnh của những nhà cách mạng Việt Nam, chính phủ Nhật cũng mang những dã tâm riêng, lại thêm sức ép từ thực dân Pháp nên vào năm 1909, phong trào Đông Du tan vỡ, du sinh Việt Nam bị trục xuất khỏi nước Nhật, một số ít trốn ở lại Nhật với đời sống vô cùng khó khăn, một số lớn chạy về Trung Quốc, Thái Lan.

Tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 1912, cụ Phan Bội Châu cố gắng vận động thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, nhưng chưa hoạt động được gì thì cụ bị quân phiệt Trung Quốc Long Tế Quang bắt giam vào ngày 24 tháng 12 năm 1913, mãi tới năm 1917 mới được thả ra.

Vào thời gian này, ngoài tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, còn có tổ chức Tâm Tâm Xã, và một trong những sáng lập viên của tổ chức này là Phạm Hồng Thái đã làm chấn động thế giới với tiếng bom Sa Điện xảy ra vào tháng 6 năm 1924. 

Cũng vào tháng 6 năm 1924, sau khi đã tốt nghiệp Đại Học Phương Đông ở Moscow, Hồ Chí Minh đã theo phái đoàn của Borodine, cố vấn của Quốc Tế Cộng Sản cho trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu vừa được thành lập đầu năm 1924.

HCM bề ngoài là làm thông ngôn cho Borodine, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của HCM là thành lập và kiểm soát các đảng CS tại Đông Á trong vai trò Ủy Viên Đông Phương Cục của Quốc Tế Cộng Sản.

Vừa về tới Trung Quốc, HCM đã thành lập tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Với bản lãnh tuyên truyền đã được huấn luyện ở Liên Sô, lại thêm bản chất xảo trá ghê gớm, HCM đã dễ dàng lôi kéo khá nhiều thành viên của Tâm Tâm Xã gia nhập VNTNCMĐCH. Những thành phần khá nổi như Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh v.v... đều là người của Tâm Tâm Xã trước đó. Lâm Đức Thụ làm việc cho HCM, nhưng bên ngoài thì giấu kỹ cái đuôi cộng sản. Hắn tên thật là Nguyễn Công Viễn, sống ở Hong Kong với nhiệm vụ là đón tiếp những thanh niên VN được đưa ra khỏi nước. Lâm Đức Thụ đón tiếp những thanh niên này tử tế, lấy lý lịch và hình ảnh của họ. Những người nào nghe theo lời dụ dỗ của hắn, gia nhập VNTNCMĐCH thì yên ổn, ngược lại thì LĐT cung cấp lý lịch và hình ảnh của họ cho thực dân Pháp bắt để lãnh thưởng và loại trừ bớt chướng ngại sau này cho hoạt động của CS.

Đầu năm 1925, cụ Phan Bội Châu tiến hành cải biến Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, điều này đã thực sự biến cụ PBC thành cái gai trong mắt HCM. Cụ Phan Bội Châu vẫn không thấy được cái đuôi CS qua bộ mặt thơn thớt nói cười của Hồ Chí Minh, và nhận sự đón rước, thăm nom, liên lạc của nhóm Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu, Vương Thúc Oánh, là nhóm tay chân đắc lực của họ Hồ.

Tháng 6 năm 1925, cụ Phan Bội Châu đang ở Hàng Châu. Những người trong VNTNCMĐCH muốn tổ chức buổi giỗ đầu cho liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Hồ Chí Minh khẩn khoản mời cụ Phan Bội Châu về tham dự. Trên đường về Quảng Châu, cụ Phan phải ghé Thượng Hải. Hồ Chí Minh, qua tay sai đắc lực Lâm Đức Thụ, cung cấp đường đi nước bước của cụ Phan cho Pháp, thế là cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngay tại tô giới Thượng Hải, sau đó giải về Hà Nội xét xử.

Sau này chính Lâm Đức Thụ tiết lộ chính Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho mình cung cấp tin tức về cụ Phan Bội Châu cho Pháp để lấy tiền thưởng 20 ngàn đồng. Thời giá lúc đó nếu hai vợ chồng và hai đứa con mà có 2 đồng tiền lương hằng tháng là tạm đủ sống. HCM bán cụ PBC cho Pháp lấy tiền thưởng để hoạt động cho VNTNVMĐCH, đồng thời gây căm phẩn của nhân dân Việt Nam, có lợi cho công tác tuyên truyền của CS. Năm 1949, tại Thái Bình, Lâm Đức Thụ cũng bị HCM ra lịnh thủ tiêu để giữ bí mật, nhưng cây kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra.

Cũng chính cụ Phan đã đề cập tới vấn đề bị bán đứng này trong tác phẩm Tự Phán ở trang 220, cụ Phan viết: "Khi tôi ở Hàng Châu xuất phát, có mang theo 400 $ bạc tàu, tức là số bạc gửi cho ông Trần. Ai dè lúc tôi ra đi mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp."

Đầu năm 1925 cụ Phan Bội Châu biến Việt Nam Quang Phục Hội, lúc đó đã khá tan tác, thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng mãi đến năm 1927 thì VNQDĐ mới chính thức được thành lập trong nước, và cụ Phan Bội Châu được bầu vắng mặt làm Chủ Tịch danh dự của Đảng. Những thành viên VNQDĐ đã hai lần tìm cách giải thoát cho cụ Phan tại Huế nhưng đều thất bại. 

Hồ Chí Minh và tay sai của ông ta chẳng những bán cụ Phan cho Pháp mà còn làm nhiều trò bỉ ổi để hại những người Việt Nam yêu nước chân chính trong tổ chức VNQDĐ. Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi nghĩa ở Yên Bái vào ngày 10 tháng 2 năm 1930, nhưng trước đó mấy tháng, ở miền Bắc xuất hiện nhiều truyền đơn của cộng sản tố cáo với thực dân Pháp rằng VNQDĐ có dự định Tổng Khởi Nghĩa quân sự. Những người Việt Nam yêu nước chân thành, nào có ngờ được những tên cộng sản nham hiểm đã đâm những nhát dao chí tử vào sau lưng mình! 

Những đảng viên VNQDĐ đã bị rắn CS cắn vào năm 1930 với cái chết của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và mười một đồng chí khác ở đoạn đầu đài. Nhân lực tan tác, nhưng họ dường như không học được bài học cay đắng từ người cộng sản, để lại xảy ra một vụ khác cũng không kém phần đắng cay vào ngày 12 tháng 7 năm 1946. Đó là Vụ Án khu phố Ôn Gia Hầu (tức phố Nguyễn Gia Thiều ngày nay). HCM và Võ Nguyên Giáp, Lê Hữu Qua (sau này lên tới chức Thiếu Tướng ngành công an, là chú ruột của nhà báo Lê Phú Khải, tác giả Lời Ai Điếu) tất cả đã âm mưu giết người rồi giấu xác vào cơ sở của VNQDĐ để vu oan giá họa, sau đó báo cho Pháp biết. Lực lượng Pháp lúc này được trở lại miền bắc VN nhờ hiệp ước Sơ Bộ ký với Hồ Chí Minh. Thế là Việt Minh của HCM và Pháp liên tay càn quét, tiêu diệt những thành phần VNQDĐ mà trong con mắt HCM là lực cản của cách mạng cộng sản. HCM và tay chân của ông ta gian ác và xảo quyệt như thế nhưng Lê Phú Khải viết trong Lời Ai Điếu rằng người chú Lê Hữu Qua của mình đã góp công lớn trong việc phá vụ án Ôn Như Hầu, nhưng thực chất là tay của chú anh ta đã nhúng vào máu của những người VN yêu nước. Chế độ CSVN cũng tuyên truyền láo khoét rằng những thành viên VNQDĐ ở phố Ôn Như Hầu làm tay sai cho Pháp, chuẩn bị làm đảo chánh, lật đổ "chính quyền cách mạng non trẻ". CSVN không phải bây giờ mới có bản chất láu cá như thế, mà từ đời Hồ Chí Minh đã mang bản chất vừa ăn cướp vừa la làng.

Cộng sản đã bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp để lấy thưởng và đồng thời loại bỏ một cái gai trong mắt, nhưng trong những tài liệu tuyên truyền của chúng lại ghi rằng: "Ở căn nhà Bến Ngự, cụ Phan Bội Châu còn treo ở giữa một tấm hình của Lênin, và trước đây khi còn ở Trung Quốc cụ còn viết sách về Lênin."

Tôi không thể nào kiểm chứng vụ này, nhưng cái thói ăn đầu sóng nói đầu gió, hóa phép như mấy lão tiên trong Phong Thần của cộng sản thì chả ai dám tin nửa chữ! 

Tôi chỉ xin trình bày với các bạn một bằng chứng, cho thấy cụ Phan Bội Châu yêu Lenin tới cỡ nào? 
Khi cụ Phan Bội Châu đi Bắc Kinh, qua sự giới thiệu của ông Thái Nguyên Bồi, đã gặp một viên Tham Tán của Tòa Đại Sứ Nga ở Bắc Kinh mà cụ Phan gọi là Lạp Tiên Sinh. Cụ Phan hỏi người Nga này về việc có thể cho du học sinh Việt Nam qua Nga học hỏi không? Lạp tiên sinh này cho biết Nga sẵn sàng hoan nghinh du học sinh VN qua Nga du học, mọi chi phí chính phủ Nga tài trợ, nhưng đặt điều kiện là trước khi qua Nga, phải thừa nhận:

1- Tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản.

2- Học xong, về nước phải thực hiện tuyên truyền chủ nghĩa CS.

3- Học thành tài, về trong nước mình, phải ra sức thực hiện sự nghiệp cách mạng xã hội.

Chi tiết này cụ Phan viết trong tác phẩm Tự Phán và bỏ lửng ở đó, mà người đọc cũng hiểu rằng cụ Phan chẳng tha thiết gì với cái trò cù rủ người Việt Nam làm tay sai cho cộng sản Nga! Thế thì cụ Phan yêu quý gì Lê Nin mà treo hình bẹo dáng con quỷ dâm dục, bị bệnh kín Giang Mai mà mãi sau này người ta mới phát hiện? 

Cũng qua đoạn văn đối đáp giữa cụ Phan Bội Châu và Lạp Tiên Sinh, những người Việt Nam nào còn mơ hồ về Hồ Chí Minh, cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản tìm đến HCM chứ ông ta không tìm đến CNCS, cho rằng HCM là người yêu nước, có cơ hội thấy được bộ mặt thật của một tay sai ngoại hạng của CNCS! 

Tôi đọc một đoạn văn trong Lời Ai Điếu của Lê Phú Khải, nói về một buổi gặp mặt giữa bà Nguyễn Thị Bình với nhà văn Nguyên Ngọc và một số thân hữu, không rõ ngày tháng năm nào, bà NTB hỏi "Thế thì chúng ta sai từ lúc nào?". Mọi người cho rằng bắt đầu sai từ năm 1951 tức là từ đại hội đảng lần 2, lấy chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi chính sách. Riêng nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng sai từ đại hội Tour, năm 1920, nghĩa là năm mà những thành phần trong đảng Xã Hội Pháp đã được KGB của Nga tách ra thành lập Đảng Cộng Sản Pháp, và Hồ Chí Minh từ một thành viên Đảng Xã Hội Pháp ngả theo đảng Cộng Sản Nga từ đấy. Bà Bình không đồng ý với Nguyên Ngọc, nhưng sáng hôm sau, bà Bình nói "Nguyên Ngọc nói đúng đó!" Chi tiết này khá ý nghĩa.

Cụ Phan Bội Châu là một người nhiệt thành yêu nước, ngay từ thuở 17 tuổi, chưa lập danh, mà cụ đã dám viết bài hịch "Bình Tây Thu Bắc" để thử lòng dân, xem coi dân khí thế nào? Sau đó khi đã thành danh, song thân qua đời, ông đã hy sinh trọn cuộc đời mình, dấn thân vào đường tranh đấu. Những bài văn và tác phẩm của cụ như Lưu Cầu Huyết Lệ Tân thư, Hải Ngoại Huyết Thư, Việt Nam Vong quốc Sử v.v... và hàng trăm tác phẩm khác, đã nói lên tấm lòng vì nước vì dân của cụ. Nhưng phải nói một sự thật như chính cụ Phan Bội Châu đã từng công nhận, đó là cuộc đời của cụ Phan là một cuộc đời thất bại. Dĩ nhiên không ai đem thành bại luận anh hùng, nhưng đứng ở vị trí hậu nhân của cụ Phan vào đầu thế kỷ 21, khi dân tộc và đất nước Việt Nam đang chìm đắm trong vũng lầy tăm tối của chế độ toàn trị cộng sản, gian ác, dã man, đày đọa người dân bằng những phương cách thâm hiểm gấp nhiều lần hơn thực dân Pháp, chúng ta đã học hỏi được gì từ những bài học mà bản thân cụ Phan Sào Nam trải nghiệm? 

Trước hết xin được tìm hiểu về tính cách của cá nhân cụ Phan Bội Châu. Đây là lý do nội tại, chủ quan, đã phần nào khiến cho con đường đấu tranh vì dân tộc, đất nước của cụ Phan thất bại.

Trong Tự Phán, cụ Phan Bội Châu viết về mình:

1- Sức tự nhận quá chừng mạnh, thường bảo trong thiên hạ không có một việc gì không làm xong. Đó là tội không tự lượng sức mình.

2- Đối với người quá chừng thật, thường bảo trong thiên hạ không một người nào là không tin được. Đó là tội không cơ cảnh quyền thuật.

3- Tính người tính việc, chỉ chăm ở nơi việc lo lớn, đến cớ nhỏ việc mọn, thường tùy tiện xuất ý làm. Vì vậy hay vì cớ nhỏ mà hại đến mưu lớn. Đó là tội sơ lược bất tiểu tâm.

Ngoài ra cụ Phan cũng nêu lên một vài ưu điểm của mình như có tinh thần mạo hiểm, hăng hái, chân thành với người, có tinh thần cầu thị, thiện chí học hỏi v.v...

Xin được có đôi lời góp ý về những gì cụ Phan Bội Châu viết về mình.

Phần (1): Cụ nói về tinh thần duy ý chí. Đây cũng là lỗi lầm của khá nhiều người đi làm cách mạng lúc tuổi còn trẻ, bừng bừng khí thế, họ không so đo tính toán nhiều, chỉ một lòng lao về phía trước, cho tới khi va chạm thực tế thì mới hiểu được đường đấu tranh trăm nghìn gian khổ.

Phần (2): Một người mang chí lớn như Cụ Phan Bội Châu, đi làm cách mạng cứu nước cứu dân, mà tính chất quá ngay thật, tin người, không so đo sau trước, thì quả thật là yếu điểm chí mạng. Dĩ nhiên ngay thật, chân thành là điều quý, nhưng một người như cụ Phan, khi đi vào biển đời trăm vẻ như thế, dù ta không mang lòng hại người, nhưng phải ý tứ đề phòng những trò gian hiểm. Một người chân thành như cụ Phan, mà đặt bên cạnh một siêu sao ma mảnh như Hồ Chí Minh, đã bản chất gian manh rồi mà còn được quốc tế CS huấn luyện về tuyên truyền, điệp báo, thì phần thiệt thòi thuộc về ai đã thấy quá rõ! Hãy nghe chính Hồ Chí Minh nhận xét về cụ Phan Bội Châu: "Cụ Phan ái quốc thật, nhưng cụ đã quá già, đầu óc rất khó tiếp thu những trào lưu tư tưởng mới. Cụ lại quá thành thực, dễ tin người." Bởi cụ Phan quá tin người, nên cụ bị Hồ Chí Minh bán cho Pháp lấy tiền thưởng, mà Võ Nguyên Giáp còn láu cá khi cho cụ Phan Bội Châu giúp Hồ Chí Minh đếm tiền khi tiết lộ "Ở ngôi nhà tranh Bến Ngự, Cụ Phan còn treo giữa nhà tấm hình của Lenin."

Phần (3): Người đi làm cách mạng, chỉ chăm chăm vào mục đích lý tưởng lớn, ỷ y vào ý nghĩ chủ quan, cho rằng người khác cũng cùng tâm ý như mình, không tiểu tâm để ý đến việc nhỏ, có ngờ đâu thuyền kia có thể bị chìm chỉ vì cái lổ mọt, anh hùng nhiều khi chết chìm ở lổ chân trâu! 

Bây giờ xin điểm sơ qua tình hình đất nước VN vào đầu thế kỷ 20, đây là những yếu tố ngoại tại, khách quan, đã khiến cho sự nghiệp đấu tranh của cụ Phan thất bại.

Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp dựa vào quân khí tân tiến đã từ từ xâm chiếm nước ta từ miền Nam rồi ra tới miền Bắc, đặt ách thống trị bóc lột về mọi mặt để cung cấp nguyên liệu sản xuất cũng như nhân lực lao động cho mẫu quốc. Triều đình Huế, lúc đầu cũng có những phản ứng chống lại, nhưng khi thấy ngai vàng bị uy hiếp, thì thái độ biến chuyển, trở thành thụ động và thỏa hiệp với chế độ bảo hộ, nhiều khi lại tiếp tay với thực dân đàn áp những phong trào chống Pháp, giết hại kẻ trung lương. Người dân VN sống dưới hai tầng áp bức, thực dân và phong kiến, đã trải qua bao điều cay đắng, đời sống bấp bênh đói nghèo, vì thế mà giặc giả nổi lên khắp nơi. Những phong trào đấu tranh chống Pháp như của Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định, Mai Xuân Thưởng v.v... tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước. Ngoại trừ phong trào của cụ Phan Đình Phùng còn có nhân tài Cao Thắng tự chế ra súng trường ở dạng đơn sơ, tất cả những phong trào khác đều dựa vào dạng vũ khí truyền thống cổ xưa như giáo, mác, gươm, mã tấu, tầm vông v.v... Chính vì thế mà có nhiều hoàn cảnh bi thương khi chỉ vài trăm lính Pháp, thậm chí mười mấy người, cũng đã đủ để đánh hạ một thành lũy của Việt Nam. Tương quan lực lượng hai bên như thế thì việc đất nước rơi vào tay thực dân Pháp là điều dĩ nhiên.

Đối với tình trạng dân trí như thế, hoàn toàn xa lạ với những tư tưởng, khoa học tân tiến, mà cụ Phan Bội Châu muốn tiến hành cách mạng thiết huyết, lật đổ chế độ bảo hộ của Pháp thì quả thật là quá mộng mơ, chỉ là một bước nối dài của những phong trào đấu tranh vũ trang bị thất bại và tan rã trước đó. Mặc dù cụ Phan Bội Châu cũng nhìn ra được cái nhu cầu cải tiến tình trạng lạc hậu của cách mạng, thành lập Duy Tân Hội, tiến hành phong trào Đông Du, đưa du học sinh qua Nhật để học hỏi những kiến thức mới, đặc biệt về quân sự, và vận động chính giới Nhật ủng hộ cách mạng Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi VN. Nhưng cái hiện thực bi ai của cụ Phan chính là khi mình không có nội lực, ngoại nhân không thấy được lợi lộc gì cho họ, thì dễ gì họ thành tâm giúp mình làm chuyện lớn? Nghe cụ Phan kể lại thời gian trước khi sang Nhật lần đầu, đi quyên góp lộ phí, có khi chỉ là 10 đồng bạc, một tài sản lớn của người bạn, ta mới thấy hết được nỗi lòng của những người đi làm việc lớn trong hoàn cảnh "lực bất tòng tâm" như cụ Phan.

Thế nhưng cụ Phan lại khăng khăng đi theo con đường vũ trang đánh Pháp, tới khi Nhật Bản vì dã tâm riêng mình, thêm áp lực từ phía Pháp, ra lịnh trục xuất du sinh Việt Nam ra khỏi Nhật, thì coi như những cố gắng của cụ Phan đều đổ sông đổ biển. Và vì bất cẩn tin người quá đáng, kết cuộc của cụ Phan là bị an trí ở Huế cho đến cuối đời.

Nhìn bao quát cuộc đời đấu tranh của cụ Phan, cá nhân tôi có một cảm nghĩ khá chủ quan, rằng bên cạnh cụ Phan, nhìn tới nhìn lui, không hề thấy một ai có khả năng làm cố vấn cho cụ. Nếu cụ Phan giống như Lê Lợi, có được bậc tham mưu lỗi lạc như Nguyễn Trãi, biết nhìn xa trông rộng, góp ý với cụ Phan điều gì nên làm, điều gì không, lúc nào công thành lúc nào công tâm, may ra con đường cứu nước của cụ Phan đã không đi vào ngõ cụt như thế.

Nghĩ thế thôi, chứ với tính khí khá cứng của cụ Phan, đã đặt tín điều thì có sét đánh cũng không thay đổi, chưa chắc cụ đã nghe theo lời khuyên. Điều này được chứng minh khi cụ Phan Châu Trinh đã nhiều lần khuyên cụ Phan Bội Châu đi theo con đường Duy tân, Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu nhân sinh, dựa vào Pháp để cải thiện dần dần tình trạng lạc hậu của quốc dân, khai mở ý thức của dân với tư tưởng dân chủ, dân quyền từ phương tây truyền tới, rồi ra sẽ giành được độc lập nước nhà. Mặc dầu trong tác phẩm Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư, cụ Phan Bội Châu cũng đề cập tới Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Thực Nhân Tài (bồi dưỡng nhân tài), nghe khá tương tự như chủ trương của cụ Phan Châu Trinh, nhưng trong thực tế cụ Phan Bội Châu coi chủ trương khai mở ý thức dân chủ cho quốc dân của cụ Phan Châu Trinh là không tưởng. Cụ từng nói với cụ Phan Châu Trinh: "Nhân dân ngu muội đói khổ, nay mình đem những lý luận cao siêu mà áp dụng không sao tránh khỏi những việc lảo đảo ngã nghiêng... Ôi dân chủ! Dân không còn nữa thì chủ vào đâu?"

Cho mãi đến khi bị Pháp an trí tại Huế, thời gian di dưỡng đã bào mòn tính khí, trước cái tang của người bạn tri kỷ, đồng tâm chí nhưng khác đường là cụ Phan Châu Trinh vào năm 1926, cụ Phan Bội Châu đã có những lời thật lâm ly bi thiết, cụ nhận ra con đường của cụ Phan Châu Trinh là vô cùng đúng đắn. 

Nhưng nói cho cùng, với cái nhìn sâu sắc và tiến bộ như của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh, cuối cùng cũng bị một sự kiện bất ngờ vào tháng 3 năm 1908, vụ Cự Sưu Khất Thuế (Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ), tự phát xảy ra, ngoài ý liệu của các nhà cách mạng Việt Nam, đã làm đảo lộn mọi toan tính của cụ Phan Châu Trinh, và khiến cho nhiều người tâm huyết trong phong trào Duy Tân bị đàn áp, riêng cụ Phan Châu Trinh bị đày ra Côn Đảo. Số mệnh của đất nước chăng? Một vì sao sáng đầy trí tuệ vụt tắt vào năm 1926 để đất nước cuối cùng rơi vào tay lũ cộng sản mọi rợ, gian ác, thủ đoạn nào cũng dám làm, đưa đất nước và dân tộc vào bóng đêm ảm đạm suốt gần một thế kỷ qua.

Dù thất bại, nhưng những bậc tiền bối như hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh mãi mãi ghi đậm dấu ấn hào hùng trong dòng sử Việt. Trong công cuộc đấu tranh hiện nay nhằm giải thể chế độ CSVN, giành lại những quyền sống căn bản của con người, chúng ta học hỏi được gì từ hai cụ Phan? Chúng ta cách hai cụ Phan gần tròn một thế kỷ, nhưng hiện nay xem ra Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh vẫn là chủ trương hữu ích mà chúng ta nên hướng tới. Trong bộ máy tuyên truyền của chế độ CSVN, dân trí vẫn u mê lầm lạc đấy thôi, vẫn tin tưởng "bác" là người vì dân vì nước! Những lễ hội chém trâu, chém lợn rùng rợn dã man với những tiếng reo hò đầu năm, những tranh giành lộc mới, mẻ đầu sứt trán vẫn có hằng ngàn người tham dự, trong khi lại vô cảm trước những cảnh bất công, trước nhục mất nước mất biển vào tay tàu khựa. Đất nước ta, dân tộc ta phần số thê lương đến như thế sao? 

08.02.2017







No comments: