Tuesday, February 14, 2017

CHUYỆN DÀI ÔNG TRUMP : LÀM SAO MÀ CHÚNG TA ĐÃ BẦU MỘT NGƯỜI CÓ TẬT NÓI DỐI ? (Viễn Đông Daily)




Monday, 13/02/2017 - 09:35:06

Bài BƠI NGƯỢC DÒNG

Mỗi ngày lại nghe thêm một vài chuyện về Tổng Thống Donald Trump trên truyền thông nước Mỹ, toàn chuyện thật, không phải tin giả do Nga “bơm” đâu nha. Sau đây là ba trong nhiều chuyện được nghe ngài Trump hôm thứ Hai. Một là chuyện đánh vần sai mà nhóm cố vấn của Trump cứ vấp lia lịa. Họ đánh vần sai ngay trên sản phẩm được bày bán ca tụng ngài Trump.

Bức ảnh lưu niệm viết sai chữ “too” thành “to” được Thư Viện Quốc Hội rao bán với giá $16.95.

Chẳng biết ổng tuyển mấy người cố vấn này từ đâu ra để lãnh đạo một đất nước mà ông từng tuyên truyền là sẽ làm cho “vĩ đại” như trước. Tuy không được học thuyết cộng sản (chắc bận chuyện mua bán địa ốc, xây sân golf với giá nhận hội viên lên tới $200,000 một năm như ở sân Mar-a-Lago, Florida), ông Trump nhà ta cũng có một cá tính giống cộng sản, và đó là không ưa giới trí thức, sẵn sàng “bụp” những ai dám lên tiếng chê ông bằng lý luận. Có điều phải công nhận là ông Trump nhà mình rất nhân bản, chỉ mắng người khác bằng Twitter, chứ không bắt chước mấy ông Lenin, Stalin gốc Nga, hoặc ông Mao, Hồ gốc Tàu và thủ tiêu “bọn phản động” một cách nhanh gọn. Ông chỉ miệt thị đối thủ ra rả trên Twitter cho bà con thiên hạ cùng nghe những chuyện bực mình tủn mủn của ông.

Trở lại chuyện đánh vần mấy chữ tiếng Anh, nếu chỉ xảy ra một lần thì thôi không nói làm chi, chuyện bình thường của người Mỹ. Thế nhưng chính quyền Trump sai dài dài mặc dù chỉ mới cầm quyền chưa được một tháng.

Mới nhất là những tấm hình lưu niệm của ngài Trump được bán trong Thư Viện Quốc Hội. Hình in theo khổ 8x10. Bên trên tấm hình ngài Trump cười toe với hàm răng trắng tinh để chào hàng là dòng chữ, “No dream is too big, no challenge is to great. Nothing we want for the future is beyond our reach.” Sai ở đây là chữ “to” mà đáng lý là “too” mới đúng. Câu này có nghĩa là “Không có ước mơ nào quá lớn, không có thử thách nào quá vĩ đại. Không có gì chúng ta muốn cho tương lai lại nằm bên trên tầm tay.”

Ảnh lưu niệm bác Trump được Library of Congress bán online với giá $16.95. Đến khoảng 9:30 đêm Chủ Nhật thì ảnh được lấy xuống.

Theo báo New York Daily News, ảnh này là do ông John Rupert sáng tạo với sự hợp tác của công ty thiết kế Celebrating America. Không hiểu sao, ấn bản bán trên trang mạng của Thư Viện Quốc Hội thì sai chánh tả mà lại bán mắc hơn, trong khi bản do chính Celebrating America bán thì bán rẻ hơn là lại đánh vấn đúng cả hai chữ “too.”

Chưa nghe báo chí nói ông Trump có mắng “cái đứa nào” viết sai chánh tả trên hình yêu dấu của ông.

Trước đó, theo nhật báo The Washington Post, hôm Chủ Nhật, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã xin lỗi mọi người trên Twitter về việc đánh vấn sai tên của ông W.E.B. Du Bois, một nhà tranh đấu cho dân quyền của người da màu và cũng là người sáng lập hội NAACP. Tên “Du Bois” của ông bị viết trật thành “Debois.”

Ông Du Bois được nhắc tới trong tháng vinh danh những người Mỹ gốc Phi Châu. Tân bộ trưởng Bộ Giáo Dục là bà Betsy Devos. Hàng ngàn người đã viết trên Twitter để phản đối sự việc viết sai tên của một người nổi tiếng trong giới tranh đấu cho quyền bình đẳng trong xã hội. Họ cho rằng Bộ Trưởng Betsy Devos phải chịu trách nhiệm. Bà đổ lỗi cho một nhân viên.

Sự viết sai chính tả chưa dứt ở đây. Trong lời xin lỗi mọi người về việc viết sai tên ông Du Bois, Bộ Giáo Dục lại viết “our deepest apologizes” thay vì “our deepest apologies” (tạm dịch “lời xin lỗi sâu đậm của chúng tôi”). Đám di dân gốc Việt chúng mình mà viết sai tiếng Anh mấy chữ thông dụng hàng ngày là chuyện bình thường, nói chi đến mấy chữ “cao cấp” như “apologizes” (động từ) và “apologies” (danh từ). Nhưng đây là chữ viết sai của mấy ngài làm việc trong Bộ Giáo Dục, một cơ quan trông coi tất cả các trường học ở Mỹ, chuyên dạy dỗ các thế hệ tương lai.

Lời giả gán cho Abraham Lincoln
Chuyện thứ hai là vào ngày Chủ Nhật vừa qua, Tổng Thống Trump đánh dấu ngày sinh nhật của Abraham Lincoln bằng cách đăng hình chụp bức tượng tưởng niệm ông Lincoln kèm theo một lời được cho là để gây phấn khởi cho mọi người từ vị tổng thống thứ 16 của Mỹ.

Ý thì tốt đấy nhưng câu, “And in the end, its not the years in our life, its the life in our years,” thì bị các chuyên gia nói rằng câu ấy không phải của ông Lincoln, mà tác giả là ai thì cũng chẳng ai biết rõ. Câu có nghĩa tạm dịch là “Cuối cùng, điều quan trọng không phải là số năm trong cuộc sống của chúng ta, mà cuộc sống của chúng ta trong những năm ấy.”
Một cuộc tìm kiếm trên internet cho thấy câu trên thường bị gán lầm cho ông Lincoln, mà có thể xuất phát từ một quảng cáo nào đó trong thập niên 1940. Trong những ý kiến than phiền về vụ này, có người cho là ông Trump đã được cố vấn bởi bà Bộ Trưởng Giáo Dục Betsy Devos.

Chương trình của Oliver
Chuyện thứ ba là nghệ sĩ truyền hình John Oliver nói về ông Trump trên chương trình rất ăn khách của HBO là “Last Week Tonight.” Chương trình này duyệt lại những tin trong tuần qua với ý khôi hài, châm biếm. Trong buổi phát hình đầu tiên của năm 2017 hôm Chủ Nhật vừa qua, John Oliver nói rằng người ta đã ghi nhận những chứng cớ về tật nói dối của ông Trump trong suốt 40 năm qua. “Ông ấy nói dối về việc được mời lên chương trình này, về tỉ lệ người xem Celebrity Apprentice của ông ta, về việc ông mạo nhận một người khác để tự quảng cáo mình, và ngay cả về tòa nhà Trump Tower của ông ta cũng không lớn như ông nói.” (Trump Tower được liệt kê là cao 68 tầng lầu, nhưng thật sự chỉ cao có 58 tầng, chả biết 10 tầng kia... rơi đi đâu mất.)

John Oliver nói rằng người ta không nên xem thường chuyện nói dối của Trump, cho là “ông Donald là ông Donald, thế thôi, chả có gì là quan trọng.”

John Oliver đã đặt bốn câu hỏi dưới đây cho khán giả của Last Week Tonight, trước khi giải đáp từng câu một suốt chương trình bắt đầu từ lúc 11 giờ đêm Chủ Nhật: “Làm sao mà chúng ta đã bầu cho một người có tật nói dối vào Tòa Bạch Ốc? Những lời nói dối xuất phát từ đâu? Tại sao có quá nhiều người lại tin lời ông ấy? Và liệu chúng ta có thể làm gì được về chuyện này?”

Chịu thôi, biết làm sao giờ?




No comments: