Friday, September 2, 2016

TỪ FORMOSA HÀ TĨNH ĐẾN HOA SEN GROUP CÀ NÁ (VietTuSaiGon)




Thứ Năm, 09/01/2016 - 08:32 — VietTuSaiGon

Câu chuyện biển nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt ở biển Bắc miền Trung bởi một cú xả nước rửa ống của Formosa Hà Tĩnh dường như chưa hề nguội trong nhân dân thì liền sau đó, biển Nam miền Trung cũng chuẩn bị đón thêm một mối họa bởi tập đoàn Hoa Sen Group chính thức đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép với công suất 16 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra, bời biển Cà Ná còn gánh thêm 25 cụm cảng và hàng loạt công trình khác. Xem như bờ biển này chính thức bị công nghiệp hóa.

Và chẳng biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Người quan tâm chỉ nhớ một điều là trước đây, bài phát biểu trong buổi khởi công xây dựng Formosa, Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng nói như đinh đóng cột rằng bảo đảm công nghệ xử lý nước thải của Formosa hiện đại hàng đầu thế giới. Và cái hiện đại hàng đầu thề giới mà Thủ tướng Dũng nói đó cũng rất rõ ràng, vì nó quá hiện đại nên xả một phát súc ống thì cả biển miền Trung đi toi! Giờ biết kêu ai, ông Dũng về hưu, bận “làm người tử tế” rồi!

Tới lượt ông Phúc, ông cũng tuyên bố như đinh đóng cột là phải đảm bảo xử lý nước thải để làm sao “cá có thể bơi được trong nước thải”! Hay nói như một lãnh đạo Cộng sản là nước thải có thể múc lên rửa mặt được, rửa rau và luộc rau được. Xin lỗi, đây chỉ là tư duy của các lãnh đạo Cộng sản, kiểu tư duy của Phạm Văn Đồng rằng một ký rau muống có hàm lượng chất bổ ngang với một ký lô thịt bò.

Và cũng kiểu lý luận này, có một thời người ta ác ý với nhau bằng kiểu phân biệt người Bắc, người Nam bằng câu chuyện hai anh em kết nghĩa, một người Bắc, một người Nam, họ thân thiết và quí mến nhau đến mức cùng mặc chung một kiểu áo quần, để chung một kiểu tóc, ngày Tết thì mặc chung bộ áo quần màu đỏ, có in hình ngôi sao vàng. Tình bạn của họ tượng trưng cho mối hợp nhất Bắc – Nam chung một nhà. Một tình bạn được xem là mẫu mực và lý tưởng nhất trong lịch sử.

Thế rồi đôi bạn lịch sử này bị tai nạn trên đường sắt Bắc – Nam, vụ tai nạn cũng kinh hoàng ở mức lịch sử. Người ta không tài nào phân biệt đâu là người bắc, đâu là người Nam bởi không còn nhận dạng thân thể được. Cuối cùng, buộc phải làm pháp y, phân tích mẫu gen. Công an đang làm việc thì có một ông mới đi cải tạo về, bán cà rem, đi ngang qua, cũng dừng lại xem. Nhìn một hồi, ổng nói: Cái này dễ như chơi, có chi đâu mà phải phân tích gen cho nó mệt. Nhìn là biết ai Bắc ai Nam liền!”.

Công an nghe vậy quát: “Ông đừng có mà đứng đó nói dóc! Mau đi bán cà rem về nuôi vợ con!”. Ông cà rem tỉnh bơ: “Nếu cán bộ mua hết thùng cà rem cho tôi là tôi chỉ ngay ai Bắc ai Nam! Tôi nói thật chứ không có dóc đâu!”. Ông cán bộ công an nói: “Ông mà chỉ được, tôi mua hết thùng cà rem cho ông!”. Ông cà rem bảo, cán bộ chịu khó mở quần của người chết ra xem đi!”. Ông sĩ quan công an mở quần ra. Ông cà rem chỉ: “Cái anh này là Bắc, còn anh kia là Nam”. Tay công an quát: “Ông giỡn ,mặt với tôi hả? Nhìn qua môt cái rồi nói sàm vậy là được à!”. Ông cà rem tỉnh bơ: “Không có nói sàm, nói có cơ sở luận chứng về sinh học và văn hóa học đàng hoàng. Xác ông Bắc còn dính cọng rau muống ngoài sau mông, xác ông Nam có cái gì đó tựa như miếng thịt bò. Vì ngài Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng một ký rau muống bổ ngang với một ký thịt bò, giá tiền cũng bằng nhau. Nhưng do thói quen, ông Nam chọn thịt bò còn ông Bắc chọn rau muống. Thói quen và văn hóa là thứ mang theo cho đến lúc chết!”.

Câu chuyện kết thúc với tình huống ông cà rem bán hết thùng cà rem nhưng không kết luận ông ấy chỉ đúng hay chỉ sai. Và có vẻ như câu chuyện đó kéo dài mãi cho đến bây giờ, nó không còn nguyên vẹn câu chuyện thời bao cấp mà biến tấu theo nhịp điệu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyện cán bộ kiểm tra chất thải, nước thải bằng cách lấy tay không vốc lên một vốc rồi đưa lên mũi ngửi, khẳng định biển sạch, cá sạch bằng cách cởi áo nhảy xuống biển tắm và cùng nhau ăn cá, chụp hình, quay phim. Hay gần đây là Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng với một đám cán bộ khác cởi áo nhảy xuống biển tắm để khẳng định nước đã sạch, đã an toàn. Tất cả kiểu làm việc, trình diễn của họ đều cho thấy thứ tư duy “trực quan sinh động xã hội chủ nghĩa” vẫn còn chiếm vị trí rất lớn trong hệ thống công quyền.

Và dường như khoa học không có chỗ trong các quyết định của hệ thống cầm quyền Cộng sản Việt nam. Mà vấn đề then chốt trong các quyết định từ đầu tư cho đến cải cách vẫn là cảm tính. Chỗ nào ông lớn thấy có hứng là đưa ra quyết sách, có hứng thì phát biểu, có hứng thì ký cái rụp, cho tiền đầu tư, cho vay vốn, cho làm… Hoàn toàn không cần đến cơ sở khoa học của nó. Bởi nếu có cơ sở khoa học, người ta nhất định phải buộc lòng cần nhắc giữa cái lợi của một tập đoàn với cái lợi của môi trường, của đời sống cả một khu vực.

Bởi muốn nói gì cũng được nhưng có một vấn đề không thể chối cải là kinh tế Việt Nam tuy là kinh tế nông nghiệp nhưng mũi nhọn và tiềm lực phát triễn của nó vẫn là kinh tế biển. Ngư nghiệp chiếm chỉ số thu nhập rất cao. Và những ngành du lịch hay nuôi trồng thủy sản đều [phải dựa lưng vào biển. Một khi biển có vấn đề thì nguyên một dải đất một bên là núi, một bên là biển hình chữ S này sẽ khủng hoảng trầm trọng. Bài học về cú xả thải súc đường ống của Formosa là một bài học xương máu. Tuy nhiên, hình như nó chẳng xi-nhê gì đối với giới lãnh đạo Việt Nam thì phải!

Và người ta vẫn tiếp tục cho đầu tư khu công nghiệp gần bờ biển. Trong khi đó, chỉ cần suy nghĩ thấu đáo một chút thì chẳng mấy ai tin rằng nhà đầu tư lại đi chọn những diện tích sát bờ biển để mở nhà máy thép. Bởi giả sử như nhằm mục đích dễ vận chuyển, dễ đưa ra cảng thì cũng không bù nổi khoản khấu hao máy móc và chất lượng sản phẩm mau xuống nước, hoen gỉ vì hơi muối từ nước biển. Chỉ có một hướng duy nhất để người ta chọn nhà máy gần biển, đó là xả thải. Nếu làm nhà máy trong khu vực đồng bằng, lượng chất thải sẽ bị quan sát rất kĩ do nguồn thải là những chất cực độc như cyanua, asen, phenol… Và khi thải nó ra biển thì chỉ cần một đường ống là coi như xong. Bởi xây dựng một hệ thống xử lý chất thải như vậy tốn kém vô cùng.

Và nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra lượng tiền bằng một phần ba lượng tiền xử lý nước thải để bôi trơn hệ thống công quyền là coi như mọi việc xong xuôi tất. Và họ đã thành công với lối làm việc này tại Việt Nam. Cho dù là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước gì cũng thế, chỉ cần có tiền bôi trơn là coi như xong mọi việc!

Và, bù vào đó, lối tư duy của lãnh đạo Cộng sản Việt nam là lối tư duy đầy cảm tính, không cần luận chứng khoa học. Một kiểu tư duy làm sao để cá bơi trong nước thải hoặc làm thế nào để nước thải có thể dùng rửa mặt, rửa rau, luộc rau, rồi một ký rau muống bổ ngang với một ký thịt bò… Rất tiếc, vẫn có rất nhiều nhà khoa học, tiến sĩ, phó tiến sĩ, thay vì phản biện, thay vì đưa ra những luận cứ để chứng minh rằng một ký rau muống cho dù có hô biến kiểu gì thì cũng không thể bổ bằng một ký thịt bò, hoặc tắm biển và hội nghị thì không thể làm biển sạch… Mà họ chỉ biết ton hót, nịnh bợ và xun xoe giới quan chức để được cho ăn, được vinh thân phì gia.

Đất nước này ngày càng nát bét bởi đám quan chức có lối tư duy thời đồ đá và đám nhà khoa học mang sự thật ra đánh đổi bữa ăn, lấy sự quì gối làm đà thăng tiến. Thực sự, chẳng biết rồi đây sẽ ra sao?!






No comments: