Tuesday, September 13, 2016

SĨ PHU NƯỚC VIỆT & LỜI NGUYỀN "HỌC CON CHỮ, CÁI CHỮ" (Nguyễn Trần Sâm)




Nguyễn Trần Sâm
12/09/2016

Thật khá vô duyên, khi trong những ngày mà thảm họa môi sinh như một con quái vật trăm đầu, ngàn tay, vạn cái vòi đang lộ ra với toàn bộ sự tàn khốc của nó, cùng với hiện trạng non sông đang bị kiểm soát bởi một đội quân ngoại bang đội lốt các nhà đầu tư và người lao động nắm giữ các tử huyệt của đất nước, lại đi viết về chuyện “học con chữ, cái chữ”. Nhưng xét cho cùng thì không lẽ chỉ nói mỗi chuyện thảm họa môi trường? Hơn nữa, hiện trạng đất nước cũng có liên quan đến cả cái sự học của đám người được gọi là “sỹ phu” và ngay cả đám con nít trong nhà trường.

Trong những ngày qua, nhiều người không phải không có lý khi nêu câu hỏi: 24 ngàn tiến sỹ biến đi đâu cả mà không ai trả lời được cho dân là cái gì đã gây ra cái chết cho hàng triệu con cá ở biển miền Trung? Cái gì đang cướp đi cuộc sống của đám dân nghèo? Cái gì đang đầu độc môi sinh ngày một trầm trọng, đến mức hầu như đã hết hy vọng có một môi trường sống trong lành? Nguyên nhân chính của thảm họa đối với đất nước tất nhiên không nằm ở sự học. Thậm chí nó chủ yếu nằm ở sự vô học, sự “phản học”. Tuy nhiên, chính cái sự “học không ra học” cũng là đồng lõa của sự vô học và phản học. Sự đồng lõa này đã giúp cho những kẻ vô học thao túng xã hội, đẩy dân tộc tới tình trạng đen tối không thấy đường ra.  

Trong cả một thời kỳ kéo dài hơn hai ngàn năm trước cuối thế kỷ XIX, sự học ở đất nước ta chủ yếu là học vài pho sách do vài nhân vật người Tàu soạn ra. Dù so với cái thời mà vài pho sách đó được biên soạn thì tác giả của chúng đã thực sự là thiên tài, nhưng trong hơn 2000 năm mà chỉ học mỗi vài thứ đó thì làm sao đủ kiến thức để con người có thể đứng vững trước những thảm họa thiên nhiên và xây dựng một xã hội tốt đẹp? Nhưng vì không được tiếp xúc với nền học vấn phát minh, dân chúng và sỹ phu nước Nam cũng như ở Trung Hoa và các lân bang coi vài cuốn sách kia là tột đỉnh tri thức. Và không phải chỉ có vậy. Để đọc được vài cuốn sách đó, người ta phải học chữ Tàu, một hệ thống “chữ” rối rắm mà hầu như không có ai nắm được hết dù học cả đời. Thế là chỉ riêng việc học chữ theo nghĩa đen của nó, tức là nhớ được hết từ nào phải được viết như thế nào, cũng đã là cả một kỳ công! Và chỉ riêng việc nhớ chữ cũng đã là cái cớ rất có sức nặng để tôn vinh một con người. Một trong các cách mà mãi đến gần cuối thế kỷ XX vẫn còn được dùng để tôn vinh đại sát thủ Mao Trạch Đông là gieo rắc một truyền thuyết rằng ngay cả nhà văn uyên bác Quách Mạt Nhược cũng chỉ dám tự nhận mình là người biết nhiều chữ thứ hai, sau Mao chủ tịch vĩ đại!

Thế đấy! Sự học, chủ yếu là học từng cái chữ. Và “cái chữ” cũng được gọi (âu yếm?) là “con chữ”. Suốt đời học những “con chữ, cái chữ”. Tổng số con chữ, cái chữ mà một học sỹ nhớ được và đem ra tán ngược tán xuôi, tán lên tán xuống, được coi là thước đo của sự tinh thông, của trí tuệ và tài năng. Chẳng cần biết ông này ông kia có thể làm được việc gì. Đánh giá một học sỹ chủ yếu dựa vào cái lượng “chữ” và “nghĩa” như vậy. Các bậc sỹ phu hàng đầu của dân tộc chẳng cần mở mắt để nhìn ra xem thế giới bên ngoài người ta đang làm những gì, xã hội của người ta phát triển ra sao. Thế nên đến đầu thế kỷ XX người Việt ta chưa biết động cơ hơi nước là gì. Các nho sỹ được coi là thông thái nhất cũng chưa bao giờ được nghe nói đến những định luật cơ học hay hóa học đơn giản nhất. Đương nhiên là cả các học sỹ Trung Hoa cũng vậy. Cho nên khi người Pháp, người Anh đổ bộ từ biển vào, giơ súng bắn đòm đòm mấy phát thì quân Tàu bỏ chạy tán loạn, chỉ trong vài ngày quân Tây phương đã tiến đến Bắc Kinh! Học đã không làm được trò gì, mà bản thân cái sự học không hề có những nội dung khám phá thế giới. Sỹ phu không hề có tâm thế hướng tới phát minh, sáng chế. Học để khoe. Học để “vinh quy bái tổ”. Học để làm quan, làm bầy tôi của những tên vua ô trọc để trị dân. Cho nên, mặc dù kẻ khinh sự học nói chung là kẻ thù của lương tri, vẫn phải nói rằng cái sự khinh trí thức trong xã hội Tàu và Việt có lý do của nó.

Ở Việt Nam, mấy ông bà nông dân làm ra lúa gạo để nuôi cả xã hội biết tỏng sự vô dụng của những chàng học sỹ, nên gọi họ là đám “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, và ca “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ”. Ở Trung Quốc, “lãnh tụ vĩ đại” Mao Chủ Xị nói “trí thức không bằng cục phân”. Việc đàn áp và tiêu diệt trí thức của Mao đương nhiên là hành vi ngàn lần đáng lên án, nhưng trong việc Mao khinh trí thức thì có vài phần trăm là đúng.

Việc quan niệm sự học là học “con chữ, cái chữ” vẫn ám ảnh tâm trí những học sỹ Việt ngay cả trong thời đại ngày nay. Mặc dù chương trình giáo dục trong các trường học bây giờ bao gồm nhiều môn học, trong đó có các môn khoa học, tâm thế “học con chữ, cái chữ” vẫn chưa biến mất. Mặc dù hàm nghĩa của cụm từ “học cái chữ” ngày nay đã được mở rộng, đó là học kiến thức khoa học, nhưng kiểu cách học chưa thay đổi đáng kể. Học vẫn theo lối “học cái chữ”, nghĩa là học gạo, cố nhớ hoặc cùng lắm là cố hiểu hết những gì được đọc hoặc được nghe thầy giảng. Tâm thế “học chữ” không chỉ đè nặng trong tâm trí học trò. Ngay cả các nghiên cứu sinh cũng vậy. Nếu ở các nước phát triển (tư bản!), nghiên cứu sinh là người bắt đầu quá trình phát kiến, tìm ra cái mới trong khoa học, thì ở nước ta nghiên cứu sinh vẫn tự coi mình là học trò. Và đa số họ chỉ học những kiến thức đã được tìm ra. Luận án hầu hết chỉ là những bản “thu hoạch” kiến thức đã được học. Điều này càng đúng khi nói đến những luận án về khoa học xã hội. Tâm thế không dám nghĩ đến phát minh có ngay trong tâm trí của một vài vị giáo sư có tiếng. Một vị như vậy, từng dẫn đoàn học sinh đi dự thi Olympic quốc tế, khi được phóng viên hỏi: “Trong mấy chục năm qua, đã có học sinh nào đoạt giải quốc tế trở thành nhà phát minh chưa?” đã trả lời: “Không nên đòi hỏi cái đó!” Như vậy, vị này nghiễm nhiên cho rằng việc phát minh là của người thuộc các dân tộc khác. Trong khi đó, vị này lại nói rất nhiều về lòng tự hào dân tộc khi nước ta có nhiều học sinh giỏi đến vậy. Câu nói “học con chữ, cái chữ” đã trở thành lời nguyền đối với dân tộc ta. Nó ám ảnh cái sự học, làm cho đám học sỹ rất khó vượt lên trên cái tâm thế học gạo, học nhồi nhét, và cả đời chỉ học những thứ đã có sẵn.

Trong vài chục năm gần đây, một số trí thức Việt ngay cả ở trong nước đã thực sự hội nhập được với thế giới. Có những người thường xuyên có công trình được công bố trên những tạp chí chuyên ngành có uy tín quốc tế rất cao. Trong những công trình đó, có những thứ được công nhận là phát minh. Những người này về cơ bản đã vượt lên trên lời nguyền “học con chữ, cái chữ”. Tuy nhiên, ngay cả ở những con người rất đáng kính này, cái sự “vượt lên trên” kia lại chưa có nghĩa là “vượt hẳn ra ngoài”. Tâm lý đi quá sâu vào chữ và nghĩa được thay thế bởi thái độ coi công việc nghiên cứu là nơi ẩn náu, tránh phải đối diện với thực tại.

Tôi không nghi ngờ gì mức độ cao siêu của những kiến thức mà họ học được và phát minh ra. Tôi cũng không phủ nhận một điều là để có được những phát minh đó, họ đã phải lao động trí óc cật lực hàng chục năm, thậm chí trọn đời. Mặc dù vậy, với tầm nhìn của một người lao động bình thường, tôi không dám chắc việc nhà nước dùng thành quả lao động của những người như tôi để nuôi đội ngũ những nhà khoa học chuyên quá sâu vào một ngóc ngách của một chuyên ngành cực hẹp và cực kỳ trừu tượng là đúng đắn đến mức nào. (May mà cái đó tốn kém không thấm tháp gì so với việc xây những bảo tàng, tượng đài, làm những con đường chưa xong đã hỏng.) Và trong khi hàng triệu người dân thường đang hứng chịu những thảm họa đối với môi trường sống thì những người làm những thứ khoa học cao siêu kia, họ đang ở đâu? Họ có tham gia vào việc ngăn chặn bớt những hệ lụy của thảm họa hay không? Họ có cảm thấy họ có trách nhiệm phải quan tâm đến những vấn đề như vậy hay không? Cho nên, đối với chúng tôi, dù họ có phát minh thì công việc của họ cũng không khác nhiều so với những người chưa thoát khỏi lời nguyền “học con chữ, cái chữ”. Và nếu cả nguồn nước và bầu không khí bị đầu độc thì họ có phát minh nổi không? Nếu có thì phát minh để làm gì?

NGUYỄN TRẦN SÂM




No comments: