30.08.2016
Nhật Bản sau thế chiến thứ hai, nền kinh tế rơi vào
suy thoái, mỗi bữa trưa của Nghị viên Quốc hội cũng phải ăn cơm trộn khoai
lang, và cái đói bao trùm khắp nước.
Lúc bấy giờ, tướng Mỹ Douglas MacArthur - Tư lệnh của
quân đồng minh (bên thắng cuộc) đã đến để xây dựng nền tảng quốc gia cho Nhật Bản
trong tinh thần hòa giải đoàn kết. Ông đã lập tức ra lệnh thả tù nhân chính trị
và đôn đốc Quốc hội thông qua bản Hiến pháp mang đậm giá trị dân chủ phương
Tây. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản phải do toàn thể cử tri trao quyền và phải chịu
trách nhiệm trước toàn thể cử tri.
Bản Hiến pháp đó cũng nhấn mạnh những quyền lợi công
dân cơ bản của người Nhật, xem những quyền lợi này là “quyền lợi trời cho mà
không ai có quyền tước đoạt”. Những quyền này bao gồm: Quyền bầu cử, lập hội và
tự do xuất bản; không có sự tham gia của luật sư thì không được định tội; bảo đảm
quyền cư trú an toàn cho dân, cấm kiểm tra và tước đoạt tài sản vô cớ...
Tiếp đó Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một loạt các
chính sách cải cách như về giáo dục, với việc chọn lựa nhà giáo, sách học và bố
trí chương trình hoàn toàn do người dân tự chủ quyết định...
Từ việc xây đựng nền tảng chính trị đó, với những tiền
đề tiến bộ đầu tiên này đã cơ bản giúp người Nhật bước vào con đường thênh
thang của hòa bình thịnh vượng. Hơn 10 năm sau, Nhật Bản đã trở thành một cường
quốc kinh tế thứ hai trên thế giới.
Còn đối với cường quốc số một thế giới thì sao? Nếu
chúng ta biết rằng để có được nước Mỹ như ngày hôm nay, chỉ xuất phát từ những
con người đã đặt nền tảng pháp luật chuẩn mực và dân chủ đầu tiên trong bản hiến
pháp có hiệu lực năm 1789, thì chúng ta cũng sẽ ngỡ ngàng vì sao nền tảng ấy lại
hữu hiệu đến đáng kinh ngạc như vậy.
Đơn giản vì nó được xây dựng trên tinh thần hợp
nguyên (đa nguyên nhưng hợp tác), khi những con người ấy biết đặt quyền lợi của
dân tộc, quốc gia lên trên mọi quyền lợi của phe đảng và cá nhân họ, từ đó tạo
ra một bản hiến pháp có giá trị bất hủ được người dân phúc quyết thông qua. Bản
hiến pháp đã đi tiên phong trong việc lựa chọn một thể chế chính trị phù hợp
trong xu hướng tiến bộ chung của toàn nhân loại.
Theo đó học thuyết tam quyền phân lập của
Montesquieu được áp dụng để xây dựng một cơ chế chính trị ràng buộc, kiểm tra
và giám sát hoạt động lẫn nhau của thiết chế quyền lực nhà nước, với ba cơ quan
Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp tách bạch.
Đây được xem là một mô hình quản lý nhà nước khoa học
bậc nhất cho đến thời điểm hiện nay với mục tiêu kiềm chế quyền lực để hạn chế
lạm quyền, bảo vệ tự do dân chủ của công dân và đảm bảo việc xây dựng, thực thi
được một hệ thống pháp luật chuẩn mực. Chính điều đó mới tạo ra được một nước Mỹ
hùng mạnh như ngày nay - điều mà công dân của bất kỳ quốc gia nào cũng đang
khao khát.
Có thể nói một trong những nền tảng chính trị quốc
gia luôn được khởi nguồn từ việc xây dựng một hệ thống pháp luật chuẩn mực với
“hạt giống” đầu tiên là bản hiến pháp dân chủ và phải được người dân phúc quyết
thông qua, để từ đó dân quyền mới trở nên hiện thực.
Pháp
luật có chuẩn mực?
Tại Việt Nam, với một cơ chế nhà nước tập trung, các
cá nhân vừa tham gia Lập pháp, vừa tham gia Hành pháp, cũng kiêm nhiệm luôn Tư
pháp thì liệu có thể tách bạch và kiểm soát quyền lực của nhau được không?
Và, pháp luật liệu có phát huy hết quyền năng của nó
khi luôn có những “ông vua con” đang ngày ngày “cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh
khủng hơn địa chủ, tư sản…!”.
Như vậy, chúng ta có cơ chế nào để kiểm soát quyền lực
của họ đây, khi Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp cũng chỉ là họ? Và, chúng ta đã
xây dựng, thực thi được hệ thống pháp luật chuẩn mực chưa khi tham nhũng, lợi
ích nhóm đã và đang trở thành quốc nạn và có xu hướng ngày càng gia tăng?
Hay khi những người đang ngày ngày có trách nhiệm thực
thi công lý, liệu họ có dám tự hào nói rằng mình chỉ dựa vào luật pháp và công
lý mà chưa bao giờ làm theo sự chi phối hoặc chỉ đạo bởi những thế lực không phải
là công lý?
Vì đã có quá nhiều bất công trong việc vận dụng pháp
luật, như vụ “cướp bánh mì” của 2 thiếu niên phạm tội thì bị trừng trị với một
bản án rất hà khắc, trong khi đó, vụ "14 lần vỡ ống nước sông Đà” gây thiệt
hại đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, với 5 quan chức Vinaconex đã đủ cơ sở cấu
thành tội phạm thì lại khoan hồng, không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng như trong thảm họa Formosa đã hủy diệt nền kinh
tế biển của bốn tỉnh miền Trung, đẩy người dân vào tột cùng của sự đói khổ, nhiều
người đã bỏ mạng, nhiều người phải tha hương. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe,
môi trường, kinh tế... ít nhất cũng 50 năm nữa mới thống kê hết được.
Nhưng một bản án dành cho những hành vi vi phạm đó,
hay thậm chí cho những kẻ tiếp tay, cũng chỉ là sự mong mỏi vô vọng của người
dân, trong khi pháp luật hình sự đã quy định rành rành về những tội ác đó.
Hay mới đây, trong vụ "đập 7 hộp sữa" xảy
ra ở thành phố Vinh, người thực hiện hành vi đó đã bị bắt tạm giam và bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản. Nhưng trong vụ "đập 7 cây cầu"
ở thành phố Cần Thơ, quan chức đã xâm hại đến tài sản của toàn dân, với mức độ
thiệt hại chắc chắn nghiêm trọng hơn rất nhiều lần, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại
ở mức kiểm điểm, khiển trách lấy lệ.
Nếu mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thì
việc ông bố đập 7 hộp sữa có thể bị khởi tố thì hành vi hủy hoại 7 cây cầu không
thể không bị truy cứu trách nhiệm.
Và, những câu chuyện như vậy đang khiến dư luận đặt
rất nhiều câu hỏi về sự khác biệt trong cách thực thi luật pháp giữa người dân
và những “ông quan”, khi chỗ cần nhân đạo thì không nhân đạo, trong khi kẻ cần
trừng trị răn đe thì lại khoan hồng.
Dân bức xúc và mất niềm tin vào pháp luật cũng là điều
tất yếu, và yêu cầu cấp bách được đặt ra là: nếu không xây dựng, vận hành một
cách chuẩn mực hệ thống pháp luật để làm nền tảng và động lực cho xã hội phát
triển, thì liệu có thêm nửa thế kỷ nữa chúng ta có thoát nghèo và xóa bỏ được
những bất công gay gắt đang tồn tại trong lòng xã hội hay không?
Hiện nay, đã rõ ràng, đó là thất bại, thất bại của
những bản án, của công tác tư pháp và một nền tảng pháp luật chuẩn mực?
Dân
quyền có hiện thực?
Cũng đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày được gọi là
"giải phóng" miền Nam. Luật trưng cầu ý dân mới được xây dựng và có
hiệu lực 01/7/2016.
Theo tôi nhận định đó cũng là một bước tiến về xây dựng
hệ thống pháp luật của Việt Nam, tuy quá muộn màng nhưng có lẽ còn hơn là không
có.
Nhưng rồi trong tương lai, quyền làm chủ của người
dân thông qua việc trưng cầu dân ý này liệu có trở thành hiện thực và liệu Quốc
hội có trưng cầu ý dân "Về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng
của Hiến pháp"?. Ví dụ như tại điều 53 của Hiến pháp - Đất đai là tài sản
thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu - có nên chuyển sang quy
định đất đai thuộc đa thành phần sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân?
Vì chính quy định "khác người" này trong
Hiến pháp mà biết bao nhiêu gia đình chỉ qua một đêm đã trở thành những kẻ vô
gia cư hoặc phải chịu cảnh tù tội, bao nhiêu vụ án cướp đất, bao nhiêu tiêu cực
liên quan đến hành chính cũng từ nó mà ra.
Và, cũng vì nó mà trong xã hội xuất hiện thêm một
"giai cấp" mới - giai cấp dân oan, với một lực lượng hùng hậu đang
khiếu kiện ngày càng mạnh mẽ hơn trên khắp mọi nẻo đường của đất nước. Chính điều
đó đã làm xói mòn niềm tin của người dân, làm lãng phí nguồn nhân lực nông dân
lao động... Vậy, liệu Quốc hội có dám trưng cầu dân ý về việc thay đổi quy định
này không?
Cũng như hiện nay, có lẽ hầu hết người dân Việt Nam
đều rất rõ về âm mưu bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc, khi họ đã dùng
vũ lực để cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt
Nam.
Không dừng ở đó, với yêu sách "đường lưỡi
bò" để âm mưu độc chiếm gần trọn biển Đông, họ cấm đánh cá, bắn giết ngư
dân ta một cách tàn nhẫn, hòng gieo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng trên toàn biển
Đông.
Ngoài ra, họ luôn tìm cách thao túng, phá hoại và
làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam.
Chính điều đó cho thấy họ đang thực hiện chủ nghĩa
bá quyền Đại Hán và dùng bạo quyền để mở rộng biên giới, mở rộng vùng ảnh hưởng
lên toàn Việt Nam.
Như vậy, liệu Quốc hội Việt Nam có sẽ thực hiện việc
trưng cầu ý dân về vấn đề “chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an
ninh, đối ngoại" trong việc lựa chọn đồng minh hoặc thái độ đối với nhà cầm
quyền Trung Quốc?
Hay trưng cầu ý dân về "Vấn đề đặc biệt quan trọng
về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước"? Như
thảm họa Formosa vừa rồi đã cướp đi biết bao sinh mạng của người dân, gây ra những
thiệt hại khủng khiếp về mặt kinh tế và sự hủy diệt môi trường của bốn tỉnh miền
Trung, cũng như sự tồn tại của dân tộc.
Như vậy, Quốc hội đã trưng cầu ý dân chưa về việc
quyết định số phận của Formosa, mà Chính phủ đã vội hoàn thành việc ký kết thỏa
thuận với một con số bồi thường hời cho kẻ gây thiệt hại và lại tiếp tục cho nó
được tồn tại, để một ngày không xa có thể thảm họa Formasa 2, 3 lại tiếp tục
giáng xuống đầu những người dân vô tội?
Hoặc riêng về quyền biểu tình, việc xây dựng Luật biểu
tình là rất cần thiết để những người yêu nước có trách nhiệm với xã hội thực hiện
quyền hiến định của mình. Nhưng bao nhiêu năm tháng Quốc hội vẫn chây ỳ không
làm luật để tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho người dân thực hiện quyền này.
Đó là một việc làm hạn chế quyền con người mà chính
những người mang tiếng là "đại diện cho nhân dân" lại đang cố tình
ngăn cản quyền cơ bản đó của nhân dân, điều đó là vi hiến. Vậy, liệu dân quyền
đã hiện thực?
Dù thế nào đi chăng nữa, tôi chắc chắn một điều rằng
sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất lãnh thổ và tồn tại song song với sự phát
triển như vũ bão của nhân loại, chúng ta vẫn chỉ là một đất nước nghèo nàn, tụt
hậu về mọi mặt, môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, đạo đức đang ngày
càng tha hóa suy đồi, bất công xã hội lan rộng, phân hóa sâu sắc giàu nghèo,
tham nhũng bè cánh trở thành quốc nạn mà không thể nào kiểm soát được.
Có lẽ giờ đây người dân trên đất nước Việt Nam này
đang khát lắm những ngụm nước mát lạnh của một nền tảng pháp luật chuẩn mực và
dân chủ thật sự, để tạo tiền đề xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng
cường. Họ khát khao được cầm trên tay lá phiếu để thực thi quyền làm chủ của
mình hay trực tiếp chọn cho mình những người lãnh đạo có thể lèo lái con thuyền
quốc gia này mà họ thật sự biết rõ và tin tưởng.
Vì đơn giản là họ muốn thoát khỏi sự nghèo khổ triền
miên đến cùng cực, cường quyền, những bất công, và hơn hết là họ không muốn phải
bỏ lại quê hương đất nước này để tìm kiếm vùng trời tự do, hay mưu cầu sự an
toàn trên những mảnh đất xa lạ khác. Cũng đơn giản vì đây là tuổi thơ, là máu
thịt, và cha ông họ đã bao đời luôn gọi xứ sở này là Tổ quốc.
*
Luật sư Đông Nguyễn
thuộc Đoàn luật sư Sài Gòn và hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn.
----------------------
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của
Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment