September 8, 2016
.
Hải Cảnh và Hải Quân Trung Quốc phối hợp thực hiện
bài tập ứng phó với trường hợp khẩn cấp ở quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Getty
Images)
WASHINGTON
DC. (NV) – Ðó là kết luận của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến
Lược-Quốc Tế ở Hoa Kỳ (CSIS) sau khi thực hiện về những va chạm trong giai đoạn
từ 2010 đến 2015 tại vùng biển này.
Theo CSIS, xung đột toàn diện ở Biển Ðông vẫn là
nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa an ninh, hòa bình của cả Ðông Nam Á, Châu Á lẫn toàn cầu.
Muốn phòng ngừa một cuộc xung đột toàn diện phải quan tâm đặc biệt đến hoạt động
của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tại Biển Ðông.
Từ 2010 đến
2015, tại khu vực Biển Ðông xảy ra 45 vụ đụng độ, 30 vụ
trong số này liên quan đến Hải Cảnh Trung Quốc, 4/15 vụ còn lại liên quan tới Hải
Quân Trung Quốc.
Trong năm năm vừa kể, 2012 và 2014 là hai năm xảy ra
nhiều vụ đụng độ nhất ở Biển Ðông. Lý do: 2012 là năm mà Trung Quốc cưỡng đoạt
bãi Scarborough của Philippines, còn 2014 là thời điểm Trung Quốc điều động
giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của CSIS về an ninh
Châu Á, cảnh báo, cần phải chú ý nhiều hơn đến khả năng đụng độ giữa các lực lượng
hải cảnh. Theo bà Glaser, hoạt động của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tại Biển
Ðông rất khác với cách ứng xử thông thường của lực lượng hải cảnh. Cũng vì vậy,
hành động của Hải Cảnh Trung Quốc tại Biển Ðông đã và đang tạo ra bất ổn.
CSIS sử dụng sự kiện xảy ra ngày 9 tháng 7 vừa qua tại
khu vực quần đảo Hoàng Sa làm ví dụ. Hôm đó, hai tàu đánh cá QNg 90749 và QNg
95001 của Việt Nam bị hai tàu của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc là Haijing
35103 và Haijing 46101 đâm chìm. Ðáng nói là sau đó, lực lượng Hải Cảnh Trung
Quốc đã ngăn chặn những tàu đánh cá khác vớt các nạn nhân.
Khi trò chuyện với Reuters về nghiên cứu của CSIS,
bà Glaser nhấn mạnh, có nhiều bằng chứng rất rõ ràng rằng đó là lối hành xử
chung của Hải Cảnh Trung Quốc. Về lý thuyết, hải cảnh là lực lượng thực thi luật
pháp trên biển, bảo vệ và duy trì trật tự, an ninh, an toàn hàng hải nhưng bà
Glaser lưu ý là lối hành xử của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc hoàn toàn trái
ngược với việc thực thi luật pháp trên biển. Hải Cảnh Trung Quốc hiện đang sách
nhiễu, quấy rối, tấn công, đâm chìm tàu của lực lượng hải cảnh và tàu đánh cá của
các quốc gia khác nhằm bảo vệ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Ðông.
CSIS nhắc lại việc Trung Quốc gộp cả hải giám, kiểm
ngư vào lực lượng hải cảnh hồi 2013 và nâng ngân sách cấp cho lực lượng hải cảnh
đã biến lực lượng hải cảnh của Trung Quốc trở thành lực lượng hải cảnh có qui
mô lớn nhất thế giới. Ngân sách trung bình mà Trung Quốc dành cho hải cảnh
trong năm năm vừa qua là 1,74 tỉ Mỹ kim, hơn Nhật (1.5 tỉ Mỹ kim), gấp tám lần
Philippines (200 triệu Mỹ kim) và gấp 17 lần Việt Nam (100 triệu Mỹ kim). Theo
ước đoán của tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, Hải Cảnh Trung Quốc hiện có 205 tàu, 95
tàu trong số này có trọng tải hơn 1,000 tấn. Hải Cảnh Trung Quốc tại Biển Ðông
có qui mô của một hạm đội. Qui mô đó vượt xa qui mô của lực lượng hải cảnh nhiều
quốc gia, kể cả Nhật.
Bà Glaser tin rằng, khi lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc
tiếp tục hành xử như thế, trong ngắn hạn, số lượng thương vong từ những vụ va
chạm ở Biển Ðông có thể tăng cả về số lượng lẫn mức độ thiệt hại. (G.Ð)
Mời
độc giả xem thêm video: Nhật lo ngại
hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông September 8,
2016
No comments:
Post a Comment