Wednesday, September 21, 2016

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO BÀ CẤN THỊ THÊU TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ SƠ THẨM NGÀY 20/9/2016 (LS Hà Huy Sơn)




LS Hà Huy Sơn
21/09/2016

Kính thưa Hội đồng xét xử (HĐXX),

Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn; địa chỉ số 156 Trần Vĩ, Cầu Giấy, Hà Nội; xin được trình bày luận cứ bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu, như sau:

I. Tóm tắt các sự kiện của vụ án

Ngày 09/06/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) công an quận Đống Đa, Hà Nội ra Quyết định số 305/ĐTHS “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại Điều 245, Bộ luật hình sự 1999, 2009.

Ngày 09/06/2016, Cơ quan CSĐT công an quận Đống Đa ra Quyết định khởi tố bị can số 347/ĐTHS đối với bà Cấn Thị Thêu về “Tội gây rối trật tự công cộng”, quy định tại Điều 245, Bộ luật hình sự 1999, 2009.

Ngày 05/08/2016, Cơ quan CSĐT công an quận Đống Đa ra Bản kết luận điều tra vụ án số 305/ĐTHS, đề nghị truy tố bà Cấn Thị Thêu.

Ngày 31/08/2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Đống Đa, ra Cáo trạng số 302/CT-VKS, truy tố bà Cấn Thị Thêu ra Tòa án nhân dân (TAND) quận Đống Đa để xét xử bà Cấn Thị Thêu về “Tội gây rối trật tự công cộng”, quy định tại khoản 1 Điều 245, Bộ luật hình sự (BLHS) 1999, 2009.

Ngày 05/09/2016, TAND quận Đống Đa ra Quyết định số 386/2016/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử công khai vào 08 giờ 30 phút, ngày 20/09/2016.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từba tháng đến hai năm.

II. Vi phạm thủ tục tố tụng

1. Vụ án xét xử công khai nhưng người dân không được tạo điều kiện tham dự phiên tòa.

2. Khởi tố vụ án không có căn cứ theo Điều 100, Bộ luật tố tụng hình sự (BL TTHS) 2003:
“Điều 100. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú”.
Cáo trạng (trang 01) trích: “Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, công an phường Láng Hạ phối hợp…” nhưng trong hồ sơ vụ án không có một bút lục nào làm chứng là có tin báo của quần chúng nhân dân cho công an phường Láng Hạ.

3. Bút lục (BL) 02: Quyết định số 315/ĐTHS, ngày 09/06/2016, của Cơ quan CSĐT, phân công Điều tra viên (ĐTV) điều tra vụ án hình sự, phân công ĐTV Đinh Sĩ Hải, Đội trưởng Đội hình sự tổng hợp làm ĐTV vụ án là vi phạm khoản 3 Điều 42, Bộ luật tố tụng hình sự (BL TTHS) 2003, quy định:
“Điều 42. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:
3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”.
Vì: Theo như bà Cấn Thị Thêu tại phiên tòa hôm nay cho biết, trước khi khởi tố bị can, trong những lần làm việc khi bà Thêu bị bắt, giữ ở trụ sở cơ quan công an, ông Hải đã nhiều lần chửi bà Thêu với lời lẽ rất tục tĩu và nhiều lần đe dọa tính mạng của bà Thêu.

4. Và bà Thêu cho biết, ngày 10/06/2016, khi bắt giữ bà Thêu, ĐTV Đinh Sĩ Hải, đã có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, và xâm phạm danh dự, nhân phẩm bà Thêu.
“Điều 7. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân
Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.
Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật”.
BL 63, ngày 10/06/2016, (Biên bản lấy lời khai của bị can Thêu), do ĐTV Đinh Sĩ Hải thực hiện, ghi “… không bị xúc phạm đến danh dự nhân phẩm” là không đúng. Bà Thêu không ký vào biên bản lấy lời khai; người chứng kiến là ông Vũ Đình Thắng ký biên bản nhưng ông Thắng đang là bị can bị tạm giam ở Trại tạm giam số 1 công an Hà Nội, không thể làm chứng khách quan.

III. Mặt khách quan của tội phạm Điều 245, BLHS

1. Về việc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này”:
- BL 481: Ngày 30/09/2015, công an phường Cống Vị, quận Ba Đình, xử phạt bà Thêu 750.000đ về hành vi gây rối trật tự công cộng.
- BL 492: Ngày 23/10/2015, công an phường Liễu Giai, quận Ba Đình, xử phạt bà Thêu 1.000.000đ về hành vi gây rối trật tự công cộng.
- BL 503: Ngày 19/01/2016, công an quận Hoàn Kiếm, xử phạt bà Thêu 750.000đ về hành vi gây rối trật tự công cộng.
- BL 524: Ngày 06/04/2016, công an phường Quang Trung, quận Hà Đông, xử phạt bà Thêu 1.000.000đ về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bà Cấn Thị Thêu, sinh năm 1962 là một nông dân tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Gia đình bà bị UBND quận Hà Đông thu hồi đất đai để giao cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, lại bồi thường theo giá thu đất phục vụ vì lợi ích công cộng. Nên bà Thêu đã nhiều năm đi khiếu kiện đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Bốn lần bị xử phạt hành chính nêu trên là bốn lần bà Thêu thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và quyền biểu tình theo quy định tại Điều 30, 25 của Hiến pháp 2013. Các cơ quan công an đã lạm dụng quyền lực, xâm phạm quyền hợp pháp của công dân. Nên các quyết định xử phạt hành chính nêu trên đối với bà Thêu là trái pháp luật, không có giá trị pháp lý.

2. Về “Gây hậu quả nghiêm trọng”:
2.1. Dữ liệu camera thu tại Trung tâm thương mại Vincom, 54ª Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội: Ngày 09/04/2016, ĐTV sao lại dữ liệu từ camera của Vincom, không theo trình tự, thủ tục quy định, hình ảnh không được giám định kỹ thuật (BL 101), không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định Điều 64, BL TTHS.
Điều 64. Chứng cứ
1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tụcdo Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.
Khoản 4, Điều 95, BL tố tụng dân sự 2015, quy định:
“Điều 95. Xác định chứng cứ
Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc”.
2.2. Vụ án không có đồng phạm:
2.2.1. Một mình bà Thêu không thể tạo ra đám đông để gây cản trở giao thông.
2.2.2. Cơ quan điều tra không có hình ảnh, sơ đồ hiện trường để chứng minh bà Thêu đã có hành vi như thế nào để gây ra ách tắc giao thông. Mặt đường tại 79 Nguyễn Chí Thanh, vỉa hè, rộng bao nhiêu mét? mật độ giao thông là bao nhiêu? Không có một ai tham gia giao thông đi qua khu vực này, tại thời điểm đó làm chứng việc bản thân gặp ách tắc giao thông.
2.3. Kết luận giám định:
Kết luận giám định số 1560/C54-P6, ngày 14/04/2016, của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an đối với hình ảnh camera do Cơ quan Điều tra cung cấp:
2.3.1. Không xác định được là những hình ảnh này ghi được ở địa điểm nào (định vị).
2.3.2. Các bản ảnh được trích cho thấy:
+ BL 113, 114, 115: Bà Thêu đang đứng trên vỉa hè.
+ BL 115: Ảnh 2 người cho rằng là bà Thêu quay lưng lại mà không rõ mặt là ai.
+ BL 116: Có nhiều người đang đứng, không nhìn thấy rõ mặt người cho rằng là bà Thêu.
+ BL 117: Có nhiều người trong đám đông, không nhìn thấy rõ mặt người cho rằng là bà Thêu.
2.3.3. Không có hình ảnh bà Thêu nằm ra lòng đường.
2.4. Phòng Tiếp dân, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã không tạo điều kiện về cơ sở, vật chất để người dân thực hiện quyền khiếu kiện nên đã phải đứng ra vỉa hè.
2.5. Trách nhiệm của lực lượng công an là đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm quyền khiếu kiện của công dân. Thay bằng việc, ngăn chặn, đánh đập, bắt bớ người khiếu kiện. Do công an sử dụng xe buýt và lực lượng thanh niên thường phục lao vào bắt bớ người khiếu kiện nên đã gây ra ách tắc giao thông.

IV. Đề nghị HĐXX

Với các chứng cứ, lý lẽ trình bày ở trên,
Căn cứ khoản 2 Điều 107, khoản 2 Điều 222 và khoản 1 Điều 227 BL TTHS 2003, tôi đề nghị HĐXX, xem xét tuyên bà Cấn Thị Thêu không có tội và trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu.

Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,

Đống Đa, ngày 20/09/2016.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn

Nguyên bản :

H.H.S.
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:19





No comments: