Tuesday, August 25, 2015

Việt Nam cần chuyển đổi qua chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc (Thiện Ý)





25.08.2015

Trong bài viết nhan đề “Việt Nam đã và đang đi về đâu?” được Đài VOA cho đăng tải trên diễn đàn này trước đây, chúng tôi đã khẳng định một cách có căn cứ rằng “Việt Nam đã và đang đi đến dân chủ” và nhất định phải đi đến dân chủ. Bài viết này chúng tôi đề nghị Việt Nam cần chuyển đổi “chế độ độc tài nhất nguyên xã hội chủ nghĩa” hiện nay qua “chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc”.
I/- Thế nào là một chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc

Theo quan niệm của chúng tôi rất đơn giản, chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc là chế độ dân chủ cai trị bằng luật pháp (pháp trị),khác với chế độ độc tài toàn trị nhất nguyen XHCN cai trị bằng nghị quyết của đảng CS (nghị trị hay đảng trị), xây dựng trên nền tảng một cái nguyên chung, nguồn gốc chung là nguồn gốc dân tộc Việt, không dựa trên một chủ nghĩa độc tôn nào, mà vận dụng có chọn lọc mọi ưu điểm của bất cứ chủ nghĩa cổ kim nào (đa chủ nghĩa) thích dụng với thực trạng đất nước, vào chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam tương lai. Điển hình cụ thể, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, nếu có những luận điểm, nguyên tắc cai trị hữu dụng, thích hợp, khả thi, có hiệu quả thực tiễn, đem lại lợi ích cho dân cho nước và dân tộc trước mắt cũng như lâu dài cho mai sau, đều có thể vận dụng vào chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc tại Việt Nam.

Trong khung cảnh chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc này, mọi người dân Việt Nam, thuộc mọi giai tầng xã hội, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đều được tôn trọng, bảo vệ và hành xử các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền; đều được sống bình đẳng, tự do, âm no, hạnh phúc, trong một đất nước phát triển toàn diện đến phú cường và văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Đồng thời, cũng trong khung cảnh chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc, chúng ta mới có điều kiện thuận lợi đoàn kết, thống nhất được toàn lực quốc gia, để xây dựng, phát triển toàn diện đất nước và bảo vệ được đất nước trước họa ngoại xâm, và những nguy cơ bất cứ từ đâu tới.

II/- Vì sao Việt Nam cần chuyển đổi qua chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc?

Sở dĩ chúng tôi đề nghị cho tương lai một chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc, là vì trong quá khứ, cũng chỉ vì muốn thực hiện cái gọi là chế độ độc tài (hay chuyên chính) nhất nguyên xã hội chủ nghĩa (Việt cộng) hay chế độ dân chủ đa nguyên tư bản chủ nghĩa (Việt quốc),bất kể tình tự dân tộc và bất lợi cho đất nước,chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân và tập đoàn thống trị, nên đã bị ngoại bang đẩy đưa Việt Nam vào một cuộc nội chiến ý thức hệ, đất nước tan hoang, lòng người ly tán, nhân dân hai miền Bắc-Nam khốn khổ, cơ cực lầm than, phải hy sinh nhiều xương máu trong một cuộc chiến “cốt nhục tương tàn”,tình tự dân tộc trở thành xa lạ, gây hận thù, làm phân hóa dân tộc (1954-1975).

Vì sao Việt Nam ra nông nỗi này?    

Là vì lãnh tụ Hồ Chí Minh của đảng CSVN đã nói một câu rất đúng, nhưng Ông và cả cái đảng CSVN của Ông đã không thực hiện theo ý nghĩa câu nói này: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.Trái lại, trên thực tế trong quá khứ, Ông Hồ và đảng CSVN đã chỉ dùng câu nói này làm khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị, dùng tình tự dân tộc để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm để lôi kéo nhân dân kháng chiến chống Pháp giành độc lập (1945-1954).Thế nhưng độc lập dân tộc chỉ là bánh vẽ, là mục tiêu giai đoạn che giấu mục tiêu tối hậu là cộng sản hóa Việt Nam sau này;và sau khi thống trị một nửa đất nước (Miền Bắc), tiếp tục tiến hành chiến tranh giải phóng Miền Nam (1954-1975), thống nhất đất nước dưới chế độ độc tài toàn trị nhất nguyên XHCN (1975-2015), hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cộng sản. Như vậy, Việt cộng đã coi dân tộc chỉ là phương tiện, là công cụ để thành đạt mục tiêu tối hậu đưa cả dân tộc vào vòng cương tỏa của cộng sản quốc tế, phản dân tộc, với chủ trương tam vô: vô tổ quốc (cùng nghĩa với phi dân tộc), vô gia đình và vô tôn giáo.

III/- Những phương cách chuyển đổi hòa bình chế độ nhất nguyên xã hội chủ nghĩa qua dân chủ nhất nguyên dân tộc
 
Theo nhận định của chúng tôi, căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam và thế giới trong bối cảnh chiến lược toàn cầu của các cường quốc, thì có hai phương cách chuyển đổi hòa bình, theo một tiến trình thời gian phù hợp (5 năm chẳng hạn) để tránh bất ổn gây bất lợi cho đất nước.

Một là Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam (Việt cộng) ngay từ đầu hợp tác với các lực lượng quốc gia dân tộc dân chủ gồm các chính đảng và các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước (Việt quốc) để cùng thực hiện một tiến trình chuyển đổi thích hợp, khả thi, nhằm dân chủ hóa Việt Nam.
Phương cách này về nguyên tắc là tối ưu, là thượng sách, là lý tưởng, song trên thực tế khó thực hiện. Vì cho đến thời điểm này về phía Việt cộng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng muốn có sự hợp tác với Việt quốc để cùng thực hiện một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, họ vẫn muốn độc quyền cai trị và độc tôn làm tất cả theo ý muốn chủ quan của mình.

Trong khi đó, về phía Việt quốc cho đến lúc này nội bộ vẫn ở tình trạng phân hóa đa đầu, chưa thống nhất được về mặt tổ chức cũng như việc hợp tác với Việt cộng để cùng làm bất cứ điều gì. Nội bộ Việt quốc vẫn còn mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng chống cộng về vấn đề đối thoại với Việt cộng để đi đến hòa giải và hòa hợp dân tộc theo đúng ý nghĩa của cụm từ này. Đó là chưa kể những khó khăn không thể vượt qua trước vấn đề ai có đủ tư cách đại diện Việt quốc tham gia hợp tác với Việt cộng để cùng thực hiện dân chủ hóa đất nước.

Đây là phương cách chúng tôi đã đề nghị năm 1995 qua “Giải pháp ba bước đến nền dân chủ nhất nguyên dân tôc” (Hội nghị hóa giải mâu thuẫn về lãnh đạo dân tộc – Hội nghị thống nhất toàn lực quốc gia – Hình thành chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc) (1).

Hai là Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam (Việt cộng) tự nguyên, tự giác, chủ động tự chuyển đổi qua chế độ dân chủ theo một tiến trình thời gian thích hợp.

Phương cách này phù hợp với luận lý và khả thi trên thực tế, có lợi cho đất nước và có lợi cho chính đảng CSVN, theo đó đảng CSVN có thể thực hiện tiến trình chuyển đổi một cách tổng quát như sau:

1.- Đảng CSVN cần biến Đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2016 thành “Đại hội Chuyển đổi”. Nghị trình Đại hội tập trung bàn thảo một vấn đề hàng đầu là nhu cầu cấp thiết phải “chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị nhất nguyên Xã hội chủ nghĩa qua chế độ dân chủ pháp trị nhất nguyên dân tộc, đa chủ nghĩa” (Nếu chấp nhận đề nghị của chúng tôi); chuyển đổi sao cho an toàn, ổn định, vì lợi ích tối thượng của Đất nước,dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, và lợi ích cho chính đảng CSVN.

2.- Kết thúc Đại hội là một “Nghị quyết Chuyển đổi” nội dung nêu rõ:
–    Lý do, lợi ích và nhu cầu cấp thiết cần “Chuyển đổi”.
–    Nội dung “Chuyển đổi”
–    Tiến trình thực hiện “Chuyển đổi”
–    Vai trò, nhiệm vụ của đảng CSVN và Nhà nước (Quốc hội, cơ cấu chính quyền đương nhiệm các cấp, các ngành..) trong “Sự nghiệp chuyển đổi”.

Căn cứ vào “Nghị quyết Chuyển đổi” của Đại hội toàn quốc Đảng CSVN lần thứ 12, Đảng CSVN chiếu nhiệm vụ thực hiện “Chuyển đổi cơ chế và hoạt động Đảng” sao cho phù hợp với khung cảnh chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Nhà nước bao gồm Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp; chính phủ với chính quyền các cấp từ trung ương đến các địa phương chiếu nhiệm vụ “chuyển đổi” về mặt pháp lý (Hiến pháp, luật pháp, lập quy…) cũng như thực tế (cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành và các hoạt động…) sao cho phù hợp với khung cảnh chế độ dân chủ pháp trị nhất nguyên dân tộc, đa đảng…

IV/- Kết luận:

Tương lai sớm muộn Việt Nam nhất định sẽ đi đến dân chủ, đó là một tất yếu phù hợp với xu thế thời đại và chiều hướng phát triển không thể đảo ngược của lịch sử và thực tiễn Việt Nam. Vấn đề chỉ còn là thời gian, mà nếu những người lãnh đạo đảng và chế độ đương quyền tại Việt Nam biết khôn ngoan hơn thì sẽ rút ngắn thời gian đi đến tương lai đó.

Một cách cụ thể là các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay hãy biến Đại hội lần thứ 12 của Đảng CSVN sắp tới đây thành “Đại hội Chuyển đổi” với một nghị quyết đưa ra một tiến trình chuyển đổi cụ thể về pháp lý cũng như thực tiễn, sao cho kết thúc tiến trình hòa bình này Việt Nam có được “một chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc”. Vì chỉ trên cơ dân tộc và dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước, trong khung cảnh chế độ dân chủ này, chúng ta mới đoàn kết, thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại. Từ đó, chúng ta mới có thế và lực vững chắc bảo vệ độc lập dân tộc và đập tan mọi cuồng vọng xâm lăng bất cứ từ đâu tới.

Giờ lịch sử đã điểm, thời cơ đã đến, Việt Nam đang hội đủ các điều kiện “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để lật qua một trang sử đen tối, mở ra một trang sử tưới sáng, tốt đẹp cho dân tộc và đất nước.Tất cả chỉ còn tùy thuộc vào nhận thức, thái độ và hành động chọn lựa thức thời, khôn ngoan của những người lãnh đạo có trách nhiệm của đảng và nhà nước đương quyền tại Việt Nam./.

Thiện Ý
Houston, ngày 18 tháng 8 năm 2015

(1): Xin vào Web Site CLBLKVN: luatkhoavietnam.com, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục “Tác giả- Tác phẩm” để đọc toàn tập Tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”. Mục “ Thuyết trình-Hội luận” để nghe đài VOA phỏng vấn tác giả Thiện Ý về tác phẩm và một số vấn đề khác liên quan đến đất nước.









No comments: