Friday, August 14, 2015

Tháng 8 Nguyễn Hữu Đang (Trần Khải - Việt Báo)





13/08/2015

Định mệnh đã gắn liền cuộc đời của ông Nguyễn Hữu Đang với những ngày tháng 8 của dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Hữu Đang, một trong các nhân vật chủ lực của Nhân Văn Giai Phẩm, sinh ngày 15 tháng 8-1913, và là một khuôn mặt nổi bật trong Cách Mạng Tháng 8.

Ông là Thứ Trưởng Bộ Thanh Niên trong thời gian đầu của chính phủ Hồ Chí Minh, và bản thân ông là Trưởng ban tỏ chức, người dựng lễ đài Lễ Tuyên Bố Độc Lập năm 1945. Và rồi, ông lãnh án 15 năm tù vì hồ sơ Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đó là liên tục bị đẩy qua bên lề xã hội, cho tới những ngày cuối đời mới được hồi phục.

Chỉ mới gần đây, mới tuần qua, một báo trong nước viết về Nguyễn Hữu Đang. Thế nhưng, vài ngày sau, đã phải gỡ bỏ bài viết này.

BBC hôm 11-8-2015, có bản tin tựa đề “Báo Việt Nam rút bài về Nguyễn Hữu Đang” – trong đó cho biết:

“Một tờ báo ở Hà Nội vừa gỡ bỏ tư liệu vừa đăng tải về ông Nguyễn Hữu Đang, trụ cột của phong trào Nhân văn Giai phẩm.

Hôm 5/8, báo điện tử Dân Sinh thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội gây bất ngờ khi khởi đăng loạt bài 30 kỳ với chủ đề Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng.

Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, báo này đã gỡ bài. BBC chưa liên lạc được với tổng biên tập báo để làm rõ nguyên nhân.

Giới thạo tin ở Hà Nội cho hay ông Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Dân Sinh, có thể bị kỷ luật vì đăng bài tư liệu này.

Hôm 6/8, ông Phong nói với BBC sở dĩ ban biên tập quyết định đăng bài về ông Nguyễn Hữu Đang vì tin rằng ông Đang "là nhân vật mà mọi người muốn tìm hiểu, nghe nhiều về ông".

"Chúng tôi quyết định đăng tư liệu về ông Đang nhân dịp Cách mạng tháng 8 vì cuộc đời của ông có nhiều nỗi niềm trong giai đoạn này”.

Loạt bài dự định sẽ kéo dài kỳ này được trích từ cuốn sách Người đeo lục lạc chưa ấn hành của nhà văn Võ Bá Cường, tác giả cuốn sách 'Chuyện tướng Độ' do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2007.

Loạt bài được viết theo dạng tiểu thuyết tư liệu, theo đó nhà văn tiếp xúc với những nhân vật thật và tư liệu để xây dựng lên câu chuyện có một phần yếu tố hư cấu nhưng gần với đời sống…

Nguyễn Hữu Đang là một trong những khuôn mặt trí thức dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ can trường nhất tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Là cột trụ của phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông Đang đã bị bắt, bị cầm tù, quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 59 năm, từ tháng 4/1958 đến tháng 2/2007, khi ông mất.”(ngưng trích)

Vào Thứ Bảy này, ngày 15-8-2015 là sinh nhật thứ 102 của ông Nguyễn Hữu Đang.

Để ghi nhận về nhân vật kiệt xuất này, sau đây là tóm lược các thông tin từ Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia về ông Nguyễn Hữu Đang.

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) là một nhà báo, một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, là thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Ông cũng bị kết án 15 năm tù trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.

Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm Đình Thái) sinh ngày 15 tháng 8 năm 1913 trong một gia đình trí thức tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, Nguyễn Hữu Đang bị đưa ra tòa xét xử, nhưng được tha, vì dưới tuổi thành niên. Sau đó, ông lên Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Sư phạm.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức. Ông hoạt động công khai ở Hà Nội, là đồng chí thân thiết của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố.

Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật (1939-1945), ông hoạt động trong khối trí vận của đảng, chuyên lo việc vận động giới tư sản và trí thức, là một trong những người sáng lập ra Hội Truyền bá Quốc ngữ (do Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đằng sau hậu thuẫn) và làm Tổng Thư ký Hội. Năm 1943, ông tham gia Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc và gia nhập Tráng đoàn Lam Sơn của tổ chức Hướng đạo sinh Việt Nam. Mùa hè 1944, Nguyễn Hữu Đang tham gia tổ chức và chủ trì Hội nghị Giáo khoa thư Toàn quốc ở Hà Nội. Mùa thu 1944, ông bị bắt và bị giam giữ một tháng tại Nam Định.

Tháng 8 năm 1945, ông được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời khởi nghĩa) gồm 15 ủy viên.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Ngày nay trên sách báo người ta hay nhắc đến câu nói của Hồ Chí Minh khi giao việc dựng Lễ đài Độc lập với thời gian hết sức gấp gáp, trang thiết bị thiếu thốn: "Có khó mới giao cho chú" (tức Nguyễn Hữu Đang).

Từ 11/1945 đến tháng 12/1945, ông tham gia Chính phủ Lâm thời, lần lượt giữ chức Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung ương, phụ trách báo Toàn dân Kháng chiến (báo của cơ quan trung ương Hội Liên Hiệp).

Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ tháng 6/1949 đến tháng 10/1954, ông được cử làm Trưởng ban Thanh tra Bình dân học vụ.

Từ tháng 11/1954 đến tháng 4/1958, ông làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong Kháng chiến chống Pháp, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong lĩnh vực tuyên truyền kháng chiến. Ông cũng là một trong những người đầu tiên dũng cảm phê phán sai lầm của Cải cách ruộng đất.

Năm 1954-1958 ông làm biên tập cho báo Văn Nghệ.

Cuối 1956, ông làm biên tập báo Nhân Văn và cộng tác với báo Giai Phẩm.

Báo giới ngoài nước đều nhất loạt ghi nhận vai trò chủ yếu của Nguyễn Hữu Đang trong phong trào Nhân văn Giai phẩm (1956-1958). Mạng lưới Diễn Đàn gọi ông là lãnh đạo, Talawas cho là chủ chốt, mạng Nhịp Cầu Thế Giới dùng từ thủ lĩnh. Tài liệu thời chửi bới Nhân văn Giai phẩm tại Hà Nội, cũng nói vậy. Báo Nhân Dân, dưới ngòi bút Như Phong khẳng định Nguyễn Hữu Đang trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối công cuộc phá hoại bằng báo chí ấy (12-5-1958).

Tháng 4 năm 1958, ông bị bắt. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tham gia phong trào Nhân Văn-Giai phẩm, ông bị coi là kẻ "phản Đảng", "đầu cơ cách mạng".

Tại phiên tòa xét xử kín ông cùng bà Lưu Thị Yên (bút hiệu Thụy An) ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị", "làm gián điệp" và bị đưa lên giam giữ tại Hà Giang.

Sau khi ra tù vào năm 1973, ông bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình gần 20 năm[1]. Suốt thời gian trong tù ông bị cách biệt với thế giới bên ngoài và không hề biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình văn học Thụy Khuê: "Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống -không phải chống đảng cộng sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông."

Năm 1986, sau Đại hội Đảng VI, ông bắt đầu được minh oan và phục hồi danh dự và được coi là "lão thành cách mạng".

Từ năm 1990, ông được hưởng lương hưu trí.

Từ năm 1993, ông về sống ở Hà Nội, được cấp một căn hộ tại khu nhà B tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông không có vợ con.

Ông qua đời ngày 8 tháng 2 năm 2007 tại Hà Nội. Trong tang lễ của ông, đại diện chính quyền đọc điếu văn còn nhắc tội trạng: "phạm sai lầm tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm".

Ban Tang lễ của Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, tuần báo Văn Nghệ được thành lập. Thi hài ông được hỏa táng và đưa về quê an táng ngày 11 tháng 2 năm 2007.

Theo nhà thơ Hoàng Cầm, "Ông Nguyễn Hữu Đang làm việc gì cũng rất..., tôi dùng hai chữ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói, ông Đang là một con người "hùng hổ - kiên quyết".

Đúng vậy, tấm lòng yêu nước và yêu văn học của ông Nguyễn Hữu Đang đúng là hùng hổ... kiên quyết. Và những ngày tháng 8 của năm 2015 là sinh nhật thứ 102 của ông. Người ta ném ông vào tù, đày đọa ông gần như trọn đời, nhưng không xóa tên ông nổi trong lịch sử dân tộc.




No comments: