Tuesday, August 18, 2015

Phong trào xây tượng đài Hồ Chí Minh ở Việt Nam (Nguyễn Hưng Quốc)





16.08.2015

Ở Việt Nam, những năm gần đây, rộ lên những dự án xây dựng khổng lồ với kinh phí lên đến mấy trăm, thậm chí, mấy chục ngàn tỉ đồng như dự án xây bảo tàng lớn nhất Việt Nam (11.000 tỉ đồng, tương đương với khoảng 550 triệu Mỹ kim), dự án xây Văn Miếu ở Vĩnh Phúc (271 tỉ đồng tương đương với hơn 13 triệu Mỹ kim), dự án xây nhà hát ở Hà Nội (117 tỉ đồng, tương đương với gần 6 triệu Mỹ kim), dự án xây tượng đài Mẹ Việt Nam tại Quảng Nam (411 tỉ đồng, tương đương với trên 20 triệu Mỹ kim). Gần đây nhất và cũng gây ồn ào trong dư luận nhất là dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường với quần thể kiến trúc chung quanh bao gồm đền thờ, đài tưởng niệm và viện bảo tàng tại tỉnh Sơn La với kinh phí lên đến 1.400 tỉ đồng (tương đương với 70 triệu Mỹ kim).

Báo chí ở trong nước cho biết, hiện nay trên cả nước đã có 101 tượng đài Hồ Chí Minh trong các khuôn viên trụ sở cơ quan và 31 tượng đài ở các trung tâm hành chính và chính trị.

Theo đề án quy hoạch hệ thống tượng đài Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, người ta dự định xây thêm 58 tượng đài nữa, trong đó có 14 dự án đã được chấp thuận ở các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Các tượng đài này được chia thành hai nhóm: Nhóm A đặt ở các trung tâm hành chính cao từ 4 đến 9 mét; nhóm B đặt trong khuôn viên các cơ quan hay trường học cao từ 1.5 đến 3 mét.

Trên báo chí cũng như trên các diễn đàn mạng, nhiều người gay gắt phản đối các dự án ấy. Tất cả đều xuất phát từ một trong hai lý do chính: kinh tế và thẩm mỹ.

Về phương diện kinh tế, hầu như mọi người đều có ý kiến giống nhau: đất nước còn nghèo, nợ công chồng chất; tất cả các bệnh viện đều quá tải; nhiều địa phương chưa có đường và cầu có đủ chất lượng để dân chúng đi lại; nhiều gia đình còn thiếu ăn thiếu mặc; trẻ con đi học còn thiếu trường thiếu lớp, việc xây dựng những tượng đài với hàng trăm hay hàng ngàn tỉ đồng như thế là phí phạm, thậm chí, phí phạm một cách tàn nhẫn, hay nói theo chữ của Giáo sư Ngô Bảo Châu, trên trang facebook của ông, “khốn nạn” hoặc có vấn đề về “thần kinh”.

Về phương diện thẩm mỹ, hầu hết các tượng đài được xây dựng lâu nay đều rất xấu. Các bức tượng Hồ Chí Minh ở đâu cũng hao hao như nhau: hoặc đứng vẫy tay chào hoặc ngồi đọc sách hoặc ngồi/đứng giữa các em nhi đồng/bộ đội/người dân. Tất cả đều theo những khuôn mẫu sáo mòn, không có chút giá trị gì về nghệ thuật cả. Nhiều bức tượng vụng về đến nổi không đúng với giải phẫu nhân thể. Hơn nữa, nghệ thuật đúc đồng của Việt Nam còn lạc hậu, với những tượng đài lớn, người ta thấy rõ những vết nứt, những chỗ nổi bọt, độ dày mỏng không đều. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam cho “Việt Nam đang quá thừa các công trình tượng đài kém chất lượng”. Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tại Úc, “Có thể nói rằng những công trình tượng đài đang ngự trị ở Việt Nam ngày nay, dưới cái nhìn của một người bình thường, là những hình tượng thô kệch, xa lạ, vô hồn, phi dân tộc, và lai căng.”

Thế nhưng, bất chấp sự phản đối của dân chúng, cả chính quyền trung ương lẫn địa phương ở Việt Nam đều tiếp tục các dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở khắp nơi. Một câu hỏi cần được đặt ra: tại sao như vậy?

Lý do đầu tiên được nhiều người nhắc đến là để các viên chức chính quyền kiếm chác. Kiếm chác bằng nhiều cách: Một là nâng giá thành lên thật cao để hưởng các khoản chênh lệch; hai là nhận hối lộ từ các công ty trúng thầu; và ba là được hưởng khoản tiền “lại quả” từ các công ty trúng thầu ấy (nghe đồn lên đến khoảng 30% trên giá thành được tính). Với những sự ăn chận như vậy, hầu hết các công trình hay tượng đài đã hoàn tất đều có vấn đề. Có tượng xây chưa xong đã đổ sập; có tượng mới xây xong đã hư chỗ này nát chỗ nọ. Lý do thứ hai là tâm lý chơi nổi vốn rất phổ biến, càng ngày càng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Ở đâu, trong lãnh vực nào, người ta cũng tranh nhau giành các “kỷ lục”: Hết tô phở lớn nhất đến chiếc bánh chưng lớn nhất, đòn bánh tét dài nhất, con đường gốm sứ dài nhất, v.v…

Với tinh thần chơi nổi ấy, địa phương nào cũng muốn có những công trình hay những tượng đài được xem là hoành tráng nhất, nguy nga nhất bất chấp tình hình thực tế là phần lớn dân chúng tại địa phương còn bị xem là nghèo đói.

Lý do thứ ba là nỗ lực thần tượng hoá Hồ Chí Minh. Thì từ cả năm bảy chục năm nay, tính từ năm 1945, có lúc nào đảng Cộng sản lại không thần tượng hoá, thậm chí, thần thánh hoá Hồ Chí Minh? Người ta xây lăng cho Hồ Chí Minh. Người ta ra lệnh làm thơ, viết văn, dựng kịch để ca ngợi Hồ Chí Minh. Người ta bắt treo ảnh Hồ Chí Minh trên bàn thờ mỗi gia đình. Người ta lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho thành phố lớn nhất nước. Và dĩ nhiên, người ta cho dựng tượng Hồ Chí Minh ở khắp nơi. Nhưng có lẽ chưa bao giờ người ta cần Hồ Chí Minh như lúc này. Lý do là chưa bao giờ đảng Cộng sản bị nghi ngờ và phản đối như lúc này.

Chưa bao giờ tính chính đáng (legimimacy) của đảng Cộng sản lại bị lung lay như lúc này. Dân chúng không những bất mãn trước các chính sách về kinh tế, xã hội, giáo dục của nhà cầm quyền mà còn đặt vấn đề về lòng yêu nước của giới lãnh đạo. Đối diện với sự sụp đổ của mọi niềm tin từ dân chúng, đảng và chính quyền phải cầu cứu đến uy danh của Hồ Chí Minh. Nhưng liệu chút uy danh của Hồ Chí Minh có đủ cứu họ không, đó mới là vấn đề.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







No comments: