Monday, August 10, 2015

Nông dân Việt càng ngày càng bần cùng (Người Việt)





Sunday, August 9, 2015 2:50:12 PM

HÀ NỘI (NV) - Đó là kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế của Việt Nam (CIEM) thực hiện và công bố.

Theo kết quả cuộc khảo sát vừa kể thì dù bộ mặt của nông thôn Việt Nam sáng sủa hơn song có nhiều gia đình nay nghèo hơn trước. Đói nghèo hiện vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở nông thôn Việt Nam. GDP tính trên đầu người ở khu vực nông thôn của Việt Nam hiện chỉ hơn Cambodia. 

CIEM cho biết, suốt thập niên vừa qua, giá trị gia tăng trong nông nghiệp tính trên mỗi lao động ở Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ,” không tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Ông Ngô Trí Long, cựu Viện phó Viện Nghiên cứu Thị Trường-Giá Cả, nhận định, tụt hậu không còn là nguy cơ nữa mà đang hiện hữu! Đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản dẫu hết sức quan trọng nhưng vẫn là vấn đề nan giải trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

Không riêng ông Long mà ai cũng thấy, đến giờ, “được mùa, mất giá” vẫn là điệp khúc lặp đi, lặp lại. Nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản bị đổ bỏ xảy ra thường xuyên tại khắp mọi nơi. Nông dân không thể sống được bằng nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản do họ làm ra. Đầu tư càng nhiều, làm việc càng cật lực thì thua lỗ càng lớn.

Vào lúc này, 40 ký chanh chỉ bán được 6,000 đồng, vừa đủ mua nửa ổ bánh mì thịt. Bán hai ký khoai lang chỉ đủ tiền mua được một ly trà đá ở Sài Gòn. Đó cũng là lý do khiến khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa giàu với nghèo càng ngày càng rộng.

Ông Long cho rằng, bức tranh về khu vực nông thôn đang rất ảm đạm, chưa đạt mục tiêu đặt ra, chưa xứng với tiềm năng, vì vậy nông dân rất khổ!

Một chuyên gia kinh tế khác tên là Huỳnh Thế Du, hiện đang là giảng viên chương trình giảng dạy Kinh Tế Fulbright, cảnh báo, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao nhưng các chính sách không phù hợp với thực tế, ưu đãi không đến được với nông dân. Cộng với tỷ lệ lao động có kỹ năng nhưng thất nghiệp cao là những trục trặc lớn của nền kinh tế.

Ông Lưu Đức Khải, trưởng ban Chính Sách Phát Triển Nông Thôn của CIEM, nhìn nhận, nông dân Việt Nam chiếm 2/3 dân số nhưng giá trị GDP trong nông nghiệp chỉ dao động trong khoảng 20%. Điều đó cho thấy năng suất lao động nông nghiệp rất thấp.

Theo ông Khải thì sự tin cậy lẫn nhau trong sản xuất đang có vấn đề, chưa có sự chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa nông dân và các tác nhân khác như doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Ông Long nhấn mạnh, phải thấy thủ tục hành chính, các loại phí đang cản trở đầu tư vào nông nghiệp. Cũng vì vậy, những lao động trẻ, khỏe, có trình độ di chuyển từ nông thôn ra thành thị chứ không chịu ở lại nông thôn. Điều đó làm bối cảnh nông thôn vốn đã trì trệ càng thêm ảm đạm.

Ông Khải thừa nhận, niềm tin, sự hài lòng của nông dân về cuộc sống tiếp tục suy giảm. Đó là lý do họ không yên tâm để trồng trọt, chăn nuôi như trước nữa. (G.Đ)

------------------------

Monday, August 10, 2015 4:24:53 PM 

HÀ NỘI 10-8 (NV) - “Dù đã tích cực rà soát để bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí trong riêng lĩnh vực nông nghiệp”. Bộ trưởng Bộ Tài chính CSVN Đinh Tiến Dũng nhìn nhận như vậy.

Tình trạng thuế và phí chồng chất đánh vào nông dân, nông nghiệp được nêu ra trong phiên thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN hôm Thứ Hai khi thảo luận về  dự án Luật Phí và Lệ Phí.

Theo tường thuật về cuộc thảo luận trên tờ Người Lao Động, ông Đinh Tiến Dũng cho biết dự luật “phí và lệ phí” ban đầu đưa ra 73 khoản phí và 42 lệ phí, nhưng “sau khi nghe góp ý đã giảm chỉ còn 48 khoản phí và 33 lệ phí.” Tuy nhiên, khi thấy “riêng lĩnh vực nông nghiệp hiện có 90 lệ phí và 937 khoản phí” thì Bộ Tài chính của chế độ “đang rà soát lại.”

Tình trạng thuế, phí và lệ phí tròng tréo nhau, các địa phương tùy tiện đẻ ra các cách thu tiền của dân từng bị bị đả kích nhiều lần là trái luật vẫn thấy xảy ra.

Không riêng gì lãnh vực nông nghiệp, theo tờ Người Lao Động, “các lĩnh vực khác như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có 16 lệ phí, 95 khoản phí; quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản có 183 khoản phí, chăn nuôi có 16 lệ phí, 1 khoản phí.”

Hồi Tháng Giêng 2015 vừa qua, ông bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát từng bị đả kích về chuyện một con gà hay 1 quả trứng khi đến tay người tiêu thụ đã phải gánh tấc cả “14 loại phí”. Ông đã hứa buộc các cơ quan dưới quyền ông “đề xuất sửa đổi và báo cáo” cho ông trước ngày 15/2/2015.

Nay lại vẫn thấy ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội CSVN rên rỉ trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí. Trời đất ơi, như thế người dân sống sao được. Trong khi quy trình để thu được 1 đồng phí rất phức tạp.”

Ngày 27/6/2013, có một cuộc hội thảo do Báo Nông thôn ngày nay cùng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển nông thôn tổ chức ở Hà Nội. Dịp này, một bản kết quả nghiên cứu được đưa ra nói rằng nông dân Việt Nam vẫn chiếm hai phần ba dân số cả nước và càng ngày họ càng nghèo đi. Kết quả nghiên cứu dựa trên các cuộc phỏng vấn với 3,000 họ gia đình tại 12 tỉnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cứ 2 năm thực hiện một lần.

Hồi tuần trước, một cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh Tế của Việt Nam (CIEM) được công bố cho thấy người nông dân Việt Nam vẫn ngày một bần cùng khốn khổ.
Một vài hình ảnh được ông Ngô Trí Long, phó viện trưởng của viện vừa kể dẫn ra như 40 kg chanh chỉ bán được có 6,000 đồng, vừa đủ để mua một ổ bánh mì thịt. Hai ký lô khoai lang bán đi chỉ bằng giá một ly trà đá rẻ tiền.

Không mấy năm người ta không nghe thấy điệp khúc người nông dân trồng lúa “được mùa, rớt giá.” Trùm trên tất cả là các chính sách thuế khóa tròng tréo và vô trật tự là một trong những nguyên nhân làm người nông dân sản xuất ra thực phẩm lại có đời sống kinh tế khốn khổ mà ông Lưu Đức Khải, trưởng ban chính sách phát triển nông thôn của CIEM thú nhận “niềm tin, sự hài lòng về cuộc sống của nông dân ngày càng giảm”.

Bởi vậy, ông Ngô Trí Long cảnh cáo rằng những lời báo động trước đây về nguy cơ “tụt hậu” nay “không còn là nguy cơ nữa mà nó đang hiện hữu”. (TN)






No comments: