Thursday, August 20, 2015

Những vấn đề của Hoa Kỳ khi trở lại Á châu – Thái bình dương (Banyan - The Economist)





Trần Bình Nam phóng dịch
02:56:pm 19/08/15

(The Economist ngày 8 tháng 8, 2015: “America struggles to maintain its credibility as the dominant power in the Asia-Pacific” by Banyan).

Sau khi đi Âu châu lo việc kết thúc bản thỏa ước với Iran để tạm thời chận đứng chương trình chế tạo bom nguyên tử của Iran, ông John Kerry, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dù còn khập khiễng trên cặp nạng gỗ sau một tai nạn đi xe đạp tại Âu châu, vội vàng đi Hawaii để họp với Bộ trưởng Ngoại giao 12 nước trong đó có Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam để thỏa thuận những chi tiết cuối cùng của Hiệp ước Thương mãi Xuyên Thái bình dương (Trans-Pacific Partnership – TPP). Sau đó ông Kerry họp thượng đỉnh với 27 nước trong vùng do ASEAN triệu tập trong đó có Trung quốc tại Kuala Lumpur. Cả hai buổi họp quan trọng đều không có kết quả tốt. TPP còn kèn cựa, và tại Kuala Lumpur Trung quốc không chịu bàn về việc Trung quốc xây cất căn cứ trên các hòn đảo và mỏm đá trong vùng Trường Sa. Trong bối cảnh đó ông Kerry rất lúng túng không biết sẽ nói gì về chính sách lớn của Hoa Kỳ khi nói chuyện với sinh viên tại đại học Singapore trước khi trở về Hoa Kỳ.

Tuy vậy bài diễn văn của ông Kerry vẫn rất lạc quan. Mặc dù tính đến ngày 15 tháng Tám năm nay đúng 70 năm từ ngày Nhật đầu hàng chấm dứt Thế chiến 2 trong vùng Thái bình dương, chưa có lúc nào thế đứng của Hoa Kỳ tại Á châu – Thái bình dương mong manh như lúc này.

Hoa Kỳ đặt nhiều hy vọng vào TPP, gồm các nước ven Thái bình dương (không có sự tham dự của Trung quốc) để chứng tỏ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong vùng. Tại Singapore ông Kerry nói cuộc thảo luận về TPP tại Hawaii tiến triển tốt, hầu như đã hoàn tất 98% chỉ còn các chi tiết cuối cùng. Ông Kerry không nói hiệp ước nào cũng gay go nhất vào chút phần trăm còn lại.

Những bất đồng gay gắt còn lại gồm: Canada chưa muốn mở cửa thị trường cho các sản phẩm chế biến từ sữa như Tân Tây Lan yêu cầu để tránh làm một đề tài trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10 năm nay. Đối với Nhật Bản, việc yêu cầu các nước TPP mở cửa thị trường nông phẩm, nhất là gạo là một ưu tiên. Mễ Tây Cơ không chấp nhận cái tỷ lệ giá quá cao của các bộ phận sản xuất từ các nước bên ngoài TPP, mà Nhật dùng để chế tạo hàng xuất cảng qui mô của họ. Trong khi đó Hoa Kỳ muốn bảo vệ những nhà sản xuất đường, và yêu cầu các công ty chế thuốc tây của Hoa Kỳ được độc quyền bằng chế biến trong 12 năm đối với thuốc chế biến từ sinh vật sống và cây cỏ. Đa số 11 nước còn lại cho rằng 12 năm độc quyền quá dài.

Cuộc họp tại Hawaii quan trọng ở chỗ đó là buổi họp đầu tiên giữa 12 bộ trưởng ngoại giao sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật “Trade Promotion Authority – TPA” cho phép Hành pháp có quyền ký thỏa ước mậu dịch với nước ngoài và Quốc hội chỉ có thể phê chuẩn toàn bản văn hay bác bỏ mà không có quyền đi vào từng điều khoản. Không có luật TPA thì không nước nào có can đảm ký thỏa ước mậu dịch với Hoa Kỳ. Tuy nhiên các quốc gia khác trong nhóm TPP e ngại rằng để thuyết phục quốc hội thông qua TPA, hành pháp Hoa Kỳ đã hứa hẹn với quốc hội một bản thỏa ước có lợi nhất cho Hoa Kỳ, và đương nhiên không có lợi cho mình.

Hội nghị Hawaii còn quan trọng ở chỗ thời gian. Chính phủ Hoa Kỳ phải thông báo cho quốc hội 90 ngày trước khi ký TPP. Năm tới, 2016, Hoa Kỳ bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống nên có thể không có thì giờ hoàn tất TPP trước cuối năm 2016 mà phải nhảy sang năm 2017.

Sự thành công của TPP rất quan trọng đối với Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ vừa thất bại không thuyết phục nổi các nước đồng minh đừng tham gia Ngân hàng Đầu tư Xây dựng Hạ tầng cơ sở Á châu do sáng kiến của Trung quốc .

Nếu Hoa Kỳ không tạo được thế đứng kinh tế tại Á châu qua TPP, Hoa Kỳ cần thế quân sự vững chắc nếu muốn chính sách “xoay trục” về Á châu có ý nghĩa. Các nước Đông Nam Á đang cần sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng sự đắp và nới rộng các mỏm đá và đảo nhỏ trong vùng Trường Sa của Trung quốc làm cho Hoa Kỳ rất khó xử, mặc dù Bộ trưởng ngoại giao Trung quốc vừa tuyên bố họ ngưng không xây dựng thêm nữa.

Chính sách của Hoa Kỳ là không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp quyền sở hữu và quyền khai thác những vùng biển chập lên nhau (theo Luật biển UNCLOS) giữa Trung quốc và các nước trong vùng nhất là với Việt Nam và với Phi Luật Tân. Hoa Kỳ chỉ đòi hỏi quyền đi lại tự do của Hải và Không quân Mỹ. Hoa Kỳ thường tuyên bố theo Luật biển các hòn đảo xây đắp từ các mỏm đá chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên cao không có quyền lãnh hải 12 hải lý. Nhưng Trung quốc vẫn xem mình có chủ quyền lãnh hải quanh các đảo mới xây và dọa sẽ dùng vũ lực bảo vệ nếu bị xâm phạm.Và Hoa Kỳ cũng không muốn gây chuyện với Trung quốc nên tàu chiến và máy may Không quân Hoa Kỳ bay qua lại cũng cố ý tránh ngoài 12 hải lý.

Trung quốc xem sự tranh chấp tay đôi giữa Trung quốc và các nước trong vùng về quyền sở hữu các mỏm đá có xây cất hay không không liên hệ gì đến Hoa Kỳ. Cái khó xử của Hoa Kỳ là nếu cho tàu chiến hay máy bay quân sự bay vào các vùng lãnh hải đó có thể gây ra xung đột chưa cần thiết, nhưng nếu không thì đó là một biểu lộ thế yếu của Hoa Kỳ.

Sự tự chế của Hoa Kỳ còn thể hiện qua thái độ mềm dẻo của Hoa Kỳ đối với các giá trị cố hữu như nhân quyền, tự do và dân chủ. Luật Hoa Kỳ không cho phép quốc gia nào nằm chót trong danh sách có nạn buôn người tham gia TPP. Danh sách này do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thiết lập hằng năm. Indonesia vẫn nằm hạng chót, nhưng để Indonesia đủ điều kiện tham gia TPP, tháng trước bộ Ngoại giao đã nâng hạng Indonesia .

Qua vụ việc Indonesia và TPP, những người ưa chỉ trích Hoa Kỳ nói rằng mới đây tại đại học Singapore ông bộ trưởng Ngoại giao John Kerry tuyên bố rằng kể từ ngày Thế chiến 2 chấm dứt, Hoa Kỳ là nước chủ trương một Á châu “ổn định, có luật lệ và trong sáng” chỉ là lời nói ngọai giao. Hoa Kỳ đặt ra nguyên tắc, nhưng khi cần phục vụ quyền lợi của mình Hoa Kỳ có thể tạm thời gác các nguyên tắc đó qua một bên./.

August 19, 2015
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt

--------------------------------

THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Ba chiến lược phòng thủ Á Châu – Thái Bình Dương của Mỹ
  2. Hoa Kỳ và Châu Á-Thái Bình Dương
  3. Hoa Kỳ trở lại tây Thái Bình Dương
  4. Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ
  5. Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc và cuộc đọ sức tại Châu Á Thái Bình Dương
  6. Trung Quốc muốn chia đôi Thái Bình Dương?






No comments: