Wednesday, August 5, 2015

Nhật Bản xúc tiến kế hoạch nới rộng sứ mạng của quân đội (Brian Padden - VOA Tiếng Việt)





Brian Padden  -  VOA Tiếng Việt
05.08.2015

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt hàng quân danh dự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại Căn cứ Asaka, phía bắc Tokyo. Kế hoạch nới rộng sứ mạng của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản của ông Abe vấp phải sự chống đối của phe chủ hoà trong nước và những sự chỉ trích của các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

SEOUL— Các nhà phân tích cho rằng sự ủng hộ của công chúng dành cho thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị sút giảm có thể tạo ra cho ông một số phiền toái về mặt chính trị, nhưng nó sẽ không ngăn chận kế hoạch của ông nhằm nới rộng sứ mạng của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản. Họ cũng nói rằng nó cũng sẽ không làm thay đổi nhận thức của các nước trong khu vực là Nhật Bản muốn phục hồi vị thế của một cường quốc quân sự ở Á Châu. Thông tín viên Brian Padden tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Bắc Á của đài VOA ở Seoul.

Hôm thứ ba (04-08-2015), chính phủ Nhật loan báo quyết định tạm ngưng dự án xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ trên đảo Okinawa. Những cuộc biểu tình chống đối căn cứ này trong năm vừa qua, cùng với việc Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga, yêu cầu giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ, cho thấy sự mâu thuẫn giữa dân chúng Okinawa với Thủ tướng Abe, là người mạnh mẽ ủng hộ cho việc tăng cường quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật.

Dự án nới rộng Trại Schwab của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ có mục đích thay thế căn cứ không quân Futenma trong vùng dân cư đông đúc ở miền nam Okinawa. Sự chống đối dự án này phát xuất từ những sự bất mãn của người dân địa phương đối với việc các căn cứ Mỹ chiếm đến 20% diện tích Okinawa và đối với điều được xem là chính phủ trung ương không giữ lời hứa là sẽ giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Ông Junichi Tomita, chủ nhiệm của một báo lớn ở Okinawa là tờ Ryukyu Shimpo, cho biết như sau.

"Dân chúng Okinawa chống đối bởi vì chính phủ Nhật Bản cứ nói đây là một sự giảm thiểu, nhưng trên thực tế đây không phải là một sự giảm thiểu."

Việc tạm ngưng dự án tại Trại Schwab được một số người cho là có mục đích giảm bớt những thiệt hại chính trị mà Thủ tướng Abe đang gánh chịu vì sự ủng hộ của ông đối với các dự luật quốc phòng đang được quốc hội xem xét. Những dự luật đó, nếu được thông qua, sẽ dành cho quân đội nhiều quyền hạn hơn, như tham gia các hoạt động tự vệ tập thể và bảo vệ cho các nước đồng minh như Hoa Kỳ.

Ông Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Á Châu Đương đại của Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng các dự luật đó sẽ không làm thay đổi đáng kể thái độ ngần ngại của Nhật Bản sau Đệ nhị Thế chiến trong việc sử dụng sức mạnh quân sự mà cũng chẳng làm thay đổi vị thế thứ yếu của Tokyo trong liên minh Mỹ-Nhật.

"Nước Nhật sau khi các dự luật này được thông qua sẽ không khác gì mấy so với nước Nhật trước đây."

Tuy nhiên, ký ức về sự hung hãn của Nhật trong thời chiến tiếp tục làm cho kế hoạch của Thủ tướng Abe gặp phải sự chống đối của phe chủ hoà trong nước và những sự chỉ trích của các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

Những mối liên hệ gia đình cùng với những hành động của ông Abe cũng góp phần khích động vụ tranh cãi này.

Ông ngoại của ông Abe là ông Nobusuke Kishi, một chính khách cực hữu từng giữ chức bộ trưởng công thương trong thời thế chiến thứ hai và từng bị lực lượng đồng minh bắt giam vì bị nghi là phạm tội ác chiến tranh.

Giáo sư Dujarric cho rằng những chuyến viếng thăm của ông Abe tới đền Yasukuni và những phát biểu bị cho là có mục đích làm giảm bớt sự nghiêm trọng của những hành vi tàn ác của quân đội Nhật trong quá khứ chứng tỏ ông Abe đã thiếu khôn khéo trong lúc tranh thủ sự ủng hộ cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự.

"Người mà chúng ta đang nói không phải một chính khách thượng hạng. Ý tôi muốn nói là ông ấy không nằm trong số 10% chính khách tài ba nhất."

Hàng vạn người Nhật đã xuống đường biểu tình sau khi dự luật an ninh được Hạ viện thông qua. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy đa số người Nhật hiện nay chống đối các dự luật an ninh và tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Abe chưa tới 40%.

Sự chống đối đang trên đà gia tăng, nhưng vẫn chưa đủ mạnh hoặc được tổ chức để có thể ngăn chận sự thông qua của các dự luật này tại Thượng viện, nơi liên minh của ông Abe đang nắm thế đa số hai phần ba.

Sự chống đối đó cũng không làm giảm bớt lo ngại của các nước láng giềng về điều mà họ cho là sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nhật Bản.
Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong ở Nam Triều Tiên, nhận định như sau.

"Ông Abe lên nắm quyền đã 3 năm rồi mà sự chống cự của dân chúng Nhật Bản bây giờ mới bắt đầu."

Nhiều nhà lãnh đạo Á Châu đã thúc giục Thủ tướng Abe trấn an thế giới về những ý định của nước ông trong lãnh vực quân sự bằng cách đưa ra một lời tạ lỗi thành khẩn về những hành vi tàn ác trong thời chiến khi ông phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt.






No comments: