Sunday, August 2, 2015

Nhân Quyền và Phát Triển của Việt Nam trong Bang Giao Việt-Mỹ (Trần Phan)





02.08.2015

Ý đồ của Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam và độc chiếm con đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông có hệ quả đương nhiên là đẩy chính sách ngoại giao của Việt Nam dần dần xa hơn với Trung Quốc và gần hơn với Mỹ, Nhật… Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đón sự tiếp trọng thị của chính quyền Mỹ được xem là một cột mốc trong tiến trình chuyển trục của Việt Nam.

Chuyến thăm này liên quan tới nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Các nhà hoạt động xã hội yêu cầu nhân quyền phải được tôn trọng và thực thi tại Việt Nam như là một điều kiện cho việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt. Thậm chí có những người trông đợi Mỹ sẽ gây áp lực buộc Việt Nam tuân thủ các qui định về nhân quyền.
Chính quyền Mỹ có sẽ can thiệp vào tình trạng nhân quyền của Việt Nam hay không?
Câu trả lời của người viết là KHÔNG.

Vẫn có các báo cáo nhân quyền hàng năm để phân loại các quốc gia. Nhưng các báo cáo này góp phần không quan trọng vào chính sách ngoại giao của Mỹ so với các nhu cầu về an ninh, kinh tế, chính trị… của quốc gia. Ngay cả khi Việt Nam bị xếp hạng vi phạm nhân quyền thì chính quyền Mỹ cũng KHÔNG can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhân quyền của người dân Việt Nam phải do dân chúng Việt Nam đòi hỏi và tranh đấu.

Cho nên, liên quan tới đề tài này, thay vì đặt câu hỏi Mỹ sẽ làm gì để ủng hộ nhân quyền cho Việt Nam, tác giả sẽ đặt vấn đề như sau:
Dân chúng Việt Nam sẽ dùng mối quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng phát triển để đòi hỏi, tranh đấu cho nhân quyền của mình như thế nào?

Để nhận định về đề tài này, trước hết người viết xin xem xét mục tiêu của quan hệ Mỹ - Việt và đặt vị trí của nhân quyền trong mối liên quan với các mặt khác của xã hội phát triển hiện đại.

Mục tiêu chính của quan hệ Mỹ - Việt hiện nay
Mục tiêu chính của quan hệ Mỹ - Việt là chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam phải mạnh về kinh tế và quân sự. Cho nên quan hệ Mỹ - Việt trước hết là quan hệ về kinh tế và quân sự. Mỹ và đồng minh sẽ ủng hộ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế vững vàng và tự chủ hơn, cũng như xây dựng một nền quốc phòng đủ mạnh để bảo vệ độc lập và chủ quyền.

Các Yêu Cầu Cho Một Nước Việt Nam Phát Triển
Thời đại hiện nay là thời đại của nền kinh tế dựa trên khoa học và tri thức, với tất cả các mối liên hệ đan xen của các ngành kinh tế, của các nước cạnh tranh và hợp tác, hội nhập với nhau. Để nền kinh tế một nước phát triển vững vàng và tự chủ, xã hội nước đó phải cởi mở, đa chiều, đa cực, giảm tính nhà nước cai trị và tăng tính dân sự. Cụ thể là phải có cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thành phần kinh tế nhà nước ngày càng lui bước nhường chỗ cho thành phần kinh tế dân doanh ngày càng lớn mạnh, phải có công đoàn độc lập phi nhà nước…

Các đòi hỏi nói trên không phải là đòi hỏi của Mỹ đối với Việt Nam, mà chính là đòi hỏi của nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Đảng Cộng Sản Việt Nam hiển nhiên không muốn mất thế độc quyền độc đảng trên đất nước này. Tuy nhiên các biến chuyển thời cuộc đang tạo áp lực cực lớn lên đảng từ nhiều hướng:

a) Trung Quốc đã chứng tỏ là kẻ hung hăng lấn chiếm. Nước này cũng đã cho thấy các bất cập trong phát triển kinh tế bền vững, cũng như trong quản lý chính trị và xã hội.     

b) Các vấn đề nội trị của đất nước đang bộc lộ suy thoái trên nhiều mặt: tham nhũng, lợi ích nhóm, dân chúng mất các quyền tự do căn bản và bị bốc lột tàn tệ, đạo đức xã hội và phong hóa suy đồi…

c) Nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, và càng thấp kém so với lân bang.

d) Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao cùng với các sự thật về chính quyền ngày càng được phơi bày, do đó dân chúng có các đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ hơn và càng cao hơn về trình độ của chính quyền.

Đáp Ứng Các Yêu Cầu Về Phát Triển Có Ích Lợi Cho Ai?
Việc đáp ứng các đòi hỏi về phát triển bền vững cho đất nước sẽ mang lại ích lợi cho dân chúng Việt Nam. Nhưng đồng thời cũng sẽ làm giảm bớt áp lực trên đảng CSVN. Như vậy việc này mang lại lợi ích vừa cho dân chúng vừa cho cả chính quyền.

Các đòi hỏi cho sự phát triển đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nhân quyền. Thực vậy, Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc nêu rõ Nhân Quyền chính là nền tảng của Tự Do, Công Bằng và Hòa Bình trên thế giới (1). Và, một dân tộc mất tự do, không có bình đẳng không thể phát triển kinh tế giàu mạnh và tự chủ vốn chỉ có thể được tạo nên bởi những con người tự do trong một xã hội công bằng không có chiến tranh. Do đó, vấn đề nhân quyền của Việt Nam không chỉ là nhân quyền, mà là tương lai phát triển của dân tộc.

Dân chúng Việt Nam có thể tranh đấu và hợp tác với đảng CSVN, với nhà cầm quyền xây dựng xã hội theo hướng ngày càng thỏa mãn các đòi hỏi phát triển đất nước đã nêu trên, trong đó bao hàm đòi hỏi về nhân quyền. Chắc có độc giả sẽ nói mong muốn hợp tác với đảng CSVN là mộng mơ, bởi kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy đảng chỉ muốn độc quyền thống trị chớ không muốn hợp tác. Người viết thì nghĩ rằng trong hoàn cảnh “bí lối” như hiện nay, có nhiều khả năng đảng CSVN sẽ chấp nhận hợp tác với dân chúng để tìm lối thoát. Bởi vì một mình đảng thì không làm được. Hơn nữa, một số lượng không ít đảng viên đã bị thuyết phục rằng dân chúng có tự do sẽ mang lại lợi ích cho đất nước. Đảng chắc cũng biết lời cảnh cáo: “Nhân quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại chế độ cường quyền và áp bức” (2)

Kịch Bản Gì Có Thể Xảy Ra?
Vậy thì, một cách khả thi nhất, dân chúng có thể đặt cho nhà cầm quyền các yêu cầu gì?
Các yêu cầu đầu tiên nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện và hỗ trợ mà trong đó người ta có thể kinh doanh có hiệu quả hơn.
Tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Việc này đương nhiên dẫn tới thu hẹp phạm vi độc quyền hay ưu tiên dành cho thành phần kinh tế quốc doanh và mở rộng quyền tự do dân doanh.
Giảm các thủ tục quản lí hành chánh của chính quyền đối với hoạt động kinh doanh. Các thủ tục hải quan, thuế… sẽ dần dần được giảm bớt và minh bạch hơn.
Giảm bớt vai trò, sự hiện diện của tổ chức đảng, đoàn… trong công ty dân doanh.
Công đoàn phi nhà nước, do chính người lao động lập ra, sẽ được phép thành lập và hoạt động.
Khi môi trường kinh doanh lành mạnh và năng động hơn, giàu có hơn, xã hội sẽ có nhu cầu, và cũng có điều kiện kinh tế giảm nhanh kích thước của bộ máy hành chánh.

Lúc này, giới tư sản doanh nhân đã tương đối có thế lực, tầng lớp trung lưu trong xã hội đã đông đúc, các lực lượng khác nhau trong xã hội tạo nên thế cân bằng và một trong các hệ quả là quyền tự do ngôn luận, báo chí tư nhân sẽ chính thức được nhà nước công nhận. Song song với đó là tự do lập hội, rồi tiến tới tự do lập đảng…

Hoàn cảnh thế giới và khu vực đang diễn biến rất thuận lợi cho Việt Nam, nếu dân chúng và chính quyền hợp tác hiệu quả trong việc canh tân đất nước thì các tình huống như kể trên sẽ diễn tiến nhanh chóng. Đây là con đường tốt nhất để Việt Nam mở ra cục diện tăng trưởng trong vài thập niên tới, và thúc đẩy phát triển lâu dài. Đây cũng là con đường tốt nhất giúp Việt Nam thoát vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, xây dựng nền tự chủ. Việt Nam có thể kém Trung Quốc về một số tiềm năng, nhưng chắc chắn Việt Nam có tiềm năng vượt trội về khả năng canh tân, thích nghi với môi trường sống dân chủ tự do.  
Dân chúng mong mỏi điều này. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã biết lòng dân đang hướng về đâu.

Sự Hợp Tác giữa Dân Chúng và Chính Quyền
Nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, trong vòng 25 năm nay, đang ngày càng lệ thuộc vào một Trung Quốc không hề giấu giếm dã tâm và đang ngang ngược xâm lấn lãnh thổ đất nước. Dân chúng Việt Nam, dù rất gần gũi và yêu mến nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc, có tinh thần và truyền thống rất quyết liệt chống xâm lăng đến từ phương Bắc. Trong vài chục năm nay, lòng dân phẫn uất vì cuộc chiến biên giới phía Bắc, càng phẫn uất hơn về việc đảng CSVN đưa cả nước vào cái thòng lọng Thành Đô, và do đó đã cúi đầu chấp nhận việc quân Trung Quốc đánh vào lãnh thổ Việt Nam giết hại trăm ngàn con dân nước Việt, chiếm đất Việt Nam.            

Không nhà chính trị khôn ngoan nào dám thách thức lòng dân Việt chống Bắc xâm. Vẫn biết đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn diện về hoàn cảnh hiện nay của đất nước đang bị phụ thuộc và xâm lấn bởi Trung Quốc, nhưng nhà lãnh đạo Cộng Sản nào đưa đất nước thoát khỏi “lối bí” hiện nay để mạnh tiến trên con đường phát triển, nhà lãnh đạo đó sẽ trở thành anh hùng dân tộc.  

Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, triển vọng hợp tác giữa dân chúng và chính quyền trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Thoát Độc tài, thoát Trung là ngọn cờ qui tụ lòng dân. Chính quyền thực lòng tiến về hướng đó là dân chúng ủng hộ, người tài xuất hiện, vận nước sẽ trung hưng.

Dân chúng và chính quyền cần hợp tác với nhau để xóa bỏ hận thù Quốc - Cộng trong quá khứ, xóa bỏ hố chia rẽ giữa chính quyền và người dân, xây dựng đức bao dung trong lòng dân tộc, củng cố lòng tự hào và tự tín dân tộc, phục hồi các giá trị sống truyền thống và văn minh… Tinh thần đó sẽ được thể chế hóa bởi các chính sách và cách tổ chức xã hội như tam quyền phân lập, báo chí tư nhân, quyền lập hội (và tiến tới lập đảng), chính quyền thuộc về dân, phục vụ dân chứ không thuộc về đảng, phục vụ đảng… Công cuộc cải cách này là rất to lớn và phức tạp, cần có lộ trình thích hợp cùng các nguồn lực dồi dào,  nhưng sức dân đồng lòng có thể đảm đương nổi.

Dân chúng, trong khi thông cảm và ủng hộ các chính sách của chính quyền hướng về cải cách, văn minh, cần dứt khoát và kiên quyết đấu tranh để:
1) đòi các quyền tự do căn bản;    
2) phản biện, và nếu cần, chống lại các chính sách mị dân, các trò gian lận, không trung thực trong chính trị (như kiểm phiếu…)… nhằm mục đích giữ con đường cải cách đi đúng hướng, hữu hiệu nhằm phục vụ dân tộc và tổ quốc chứ không bị lợi dụng cho mưu đồ cá nhân hay đảng phái;
3) cũng cần mở rộng thảo luận công khai về các chọn lựa chính trị cho tổ quốc, nâng cao tri thức và ý thức của quần chúng tạo bệ đỡ rộng lớn cho việc canh tân. Việc này cũng giúp dân tộc vững vàng thẳng tiến tới mục tiêu, gạt bỏ các hận thù, cực đoan có thể xảy ra trong quá trình canh tân.

Kết Luận
Bài viết này được kết luận trên các điểm sau:
1) Thời cơ trước mắt là cực kì to lớn cho nước Vệt Nam xóa bỏ hận thù, chia rẽ trong lòng dân tộc để xây dựng một đất nước giàu mạnh căn cơ;
2) Việc canh tân đất nước theo hướng tôn trọng nhân quyền, xây dựng đất nước theo thể chế tự do dân chủ mang lại lợi ích cho cả dân chúng và chính quyền;
3) Sự hợp tác của dân chúng và chính quyền trong sự nghiệp canh tân sẽ mang tới các thành công vượt bậc.

Lúc đó Việt Nam không cần nói tới mục tiêu thoát Trung, bởi vì thoát Trung là hệ quả đương nhiên của việc canh tân đất nước. Người viết tin tưởng mạnh mẽ rằng, với kích thước, cấu trúc dân số thuận lợi, với kinh nghiệm tổ chức xã hội tự do dân chủ từ chế độ miền Nam trước đây, Việt Nam sẽ canh tân thành công và vượt Trung về nhiều mặt, ít nhất là theo tiêu chí đầu người.

Có thể hi vọng rằng nếu Việt Nam thành công trên con đường này sẽ là niềm cảm hứng cho dân tộc Trung Quốc vốn vẫn còn âm ỉ ngọn lửa tự do Thiên An Môn, Hồng Kông… chắc cũng không cam chịu cảnh mất nhân quyền lâu. Việt Nam không mong làm ngọn cờ đầu, chỉ mong tạo nền hòa bình lâu dài cho tổ quốc. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy chỉ có thể chế độc tài mới tạo chiến tranh tàn khốc.     

TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), (2): Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Về Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc.http://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/vie.pdf

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.









No comments: