Wednesday, August 5, 2015

Nhà Thơ Nguyễn Bắc Sơn Đã Ra Đi Tại Phan Thiết (Việt Báo)





05/08/2015

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, từng nổi tiếng trước năm 1975 với những bài thơ “ngông” vừa từ trần tại tư gia ở thành phố Phan Thiết, Việt Nam, vào sáng ngày 4 tháng 8 năm 2015, theo tin của Báo Tuổi Trẻ Online hôm Thứ Ba cho biết.

Bản tin báo Tuổi Trẻ viết rằng, “Theo tin từ nhà thơ Nguyễn Như Mây - một bạn thơ đồng hương Bình Thuận, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trong 2-3 năm nay bị bệnh suy tim, gần đây trở nặng và đã ra đi vào 9g sáng nay, 4-8, tại nhà riêng (43/17 đường Trần Lê, Phường Đức Long, TP. Phan Thiết). Hiện linh cữu nhà thơ quàn tại nhà, gia đình đang chuẩn bị tang lễ và chưa có thông tin lễ viếng cụ thể.”

Cũng theo báo Tuổi Trẻ thì “Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết,...”

Báo Tuổi trẻ cũng cho biết thêm chi tiết về tang lễ của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn như sau:

“Theo tin từ gia đình, 19g ngày 4-8 sẽ làm lễ nhập quan nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, lễ viếng bắt đầu ngay sau đó đến hết ngày 5-8. 6g ngày 6-8 sẽ di quan nhà thơ hỏa thiêu tại Vũng Tàu.”

Nhà văn Đặng Tiến, trong bài viết về Nguyễn Bắc Sơn được đăng trên trang mạng Thơ Tân Hình Thức vào năm 2005, nói về nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trước và sau năm 1975. Trong đó xin được trích mấy đoạn sau đây để tưởng niêm đến nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn.

“Vào khoảng 1970, khi thơ Nguyễn Bắc Sơn xuất hiện và gây ngạc nhiên, nhiều người cho rằng có hơi hướm thơ Quang Dũng, có lẽ vì đề tài chiến tranh và lời thơ bi tráng. Nhưng xét kỹ thì không đúng: thơ Quang Dũng lãng mạn và lý tưởng, thơ Nguyễn Bắc Sơn ngược lại, phi lãng mạn và phi lý tưởng. So với các nhà thơ khác, mà chúng tôi vừa trích dẫn, thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng có nét khu biệt, là chất bụi đời, mà nhà thơ tự cho là “du đãng”. Tống Biệt Hành là thơ để đời; Nguyễn Bắc Sơn là thơ bụi đời. Độc Hành Ca là loại thơ “miếu đền”, Nguyễn Bắc Sơn là thơ lề đường, quán sá. Xã hội, hoàn cảnh Miền Nam thời đó đã tạo một nguồn cảm hứng như thế và chỗ đứng cho một thể loại bất cần đời như thế. Và dư luận thời đó, của những nhà văn tên tuổi có thế lực văn học, lập trường chính trị vững vàng, như Võ Phiến trên Bách Khoa, Chu Tử trên báo Sống, Doãn Quốc Sĩ trên báo Văn, đã đồng loạt hoanh nghênh.

Sau 1975 Nguyễn Bắc Sơn có bài Một Ngày Nhàn Rỗi:

Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về

Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to

Vẫn một giọng thơ, một cốt cách, một phong thái. Võ Phiến, hai mươi năm sau cuộc chiến, có đủ bình tâm và khoảng cách để nhìn lại thơ văn và tâm tình một thời đại và thông hiểu thấu đáo hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn, trước sau như nhất, “cũng cái ngông nghênh ấy”:

“Ngày trước trong chiến tranh, ông kể chuyện chơi trò nổ súng cắc cù rất độc đáo; ngày nay hòa bình thiên hạ hớt hơ hớt hải lăn xả vào cuộc giành giật đồng tiền, thì ông nói chuyện hớt tóc cạo râu: lại rất độc đáo.

Thành thử giữa ông Nguyễn Bắc Sơn trong chiến tranh và ông Nguyễn Bắc Sơn sau chiến tranh vẫn có một chỗ nhất trí. Tuy hai mà một. Do hoàn cảnh khác nhau nên đề tài câu chuyện khác nhau; nhưng phong thái vẫn một thôi. Phong thái ấy khiến cho thời chiến ông là kẻ phản chiến, thời bình ông thành kẻ phản lao động. Thực ra thơ ông phát biểu về một thái độ sống, không phải chỉ là một thái độ đánh nhau hay một thái độ làm lụng. Sống là nhẹ, không phải chỉ riêng: đánh nhau là giỡn, là nhẹ. Đời không có nghĩa phải quấy. Một khi đời đã không có nghĩa, thì mọi hoạt động ở đời (kể cả chiến tranh) đều vô nghĩa. Hoặc giả nó có được trao cho ý nghĩa thì ông cũng không lý đến. Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ; bắn nhau cắc cụp lỡ có trúng đạn chết tươi cũng là chuyện nhỏ thôi”.(1994)” (ngưng trích) (nguồn: http://www.thotanhinhthuc.org)

*******

Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi

Nguyễn Bắc Sơn

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng chân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời …
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.

*******

Mật Khu Lê Hồng Phong

Nguyễn Bắc Sơn

Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoắt đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám xương tàn.

*******

Người Hoa Khôi Áo Rách

Nguyễn Bắc Sơn

rồi một hôm gió bấc có ai ngờ
ai lãng đãng ngờ chi cơn gió bấc
cây bạch đàn trước cửa nhà em đang còn hay đã mất
sao anh hình dung như có vết thương
đang loang ra trong vũng nước vô thường
truyền tín hiệu đến ngậm ngùi vô tận
anh có nghe chuyện đời em lận đận
những chuyến đi buôn những chuyến xe đò
tiếng nói sau lưng lời chua chát nhỏ to
dòng lệ em khô nhưng vẫn là dòng lệ mặn
đã qua chưa ôi cái thời đăng đẳng
đứng bên kia sông cũng ngó thấy điêu tàn
băng giá chuyển mình băng giá mau tan
tiếc câu thơ anh không đủ làm cho đời em ấm cúng
tiếc loài người bày ra xích xiềng huyển mộng
đến nỗi quên mình là hạt giống vô biên
câu chuyện tình như ngọn gió miên miên
thổi ấm Kinh Thi thổi lạnh hồn Kinh Dịch

*******

TIỄN BIỆT NGUYỄN BẮC SƠN

Nguyễn Lương Vỵ

Bạn đã về với diệu âm bay
Phan Thiết nắng rưng rưng sáng nay
Chớm thu chưa lạnh trời phương ấy
Mà buốt lòng ta ở chốn này
Mà nhớ lắm câu thơ bạt mạng
Một thời sặc máu của quê hương
Hồ trường say ngất trời ưu hận
Ngâm tràn cho đỡ bớt bi thương
Mà nhớ lắm câu thơ bầm dập
Một thời khô huyết của ly tan
Chiến tranh? Dấu hỏi không lời đáp
Chỉ có mồ ma réo ngập tràn

Mà nhớ lắm câu thơ phiêu hốt:

Mắt người như cánh hoa sen xanh (*)
Diệu âm Bát Nhã Ba La Mật
Hẹn sẽ về cùng bạn hòa thanh.

Calif. 2:30 AM, 04.08.2015

Ghi Chú:

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Hải), sinh năm 1944 tại Phan Thiết, từ trần lúc 9 giờ sáng ngày 04.08.2015 tại quê nhà (theo tin từ nhà thơ Võ Chân Cửu qua email). 2 tập thơ tiêu biểu: Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi (NXB Đồng Dao, Sài Gòn, 1972)- Ở Đời Như Một Nhà Thơ Đông Phương (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1995).

(*) Mắt người như cánh hoa sen xanh
Mắt của rừng nai mắt của tình
Một sáng ta về ngây ngất nhớ
Âm thầm thu phát những âm thanh.
(Diệu Âm - Nguyễn Bắc Sơn)

---------------------------------------------------


Thứ Ba, ngày 04 tháng 8 năm 2015

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1944 tại Phan Thiết, ông tên thật là Nguyễn Văn Hải rất nổi tiếng với những bài thơ có phong cách rất riêng không lẫn với bất cứ một tên tuổi nào.   
          
          NGUYỄN BẮC SƠN mất lúc 9giờ sáng 4.8.2015 vì cơn đau tim đột ngột. Cầu nguyện THI SĨ yên nghỉ cõi vĩnh hằng

                    Nhân dịp này xin đăng lại hai bài thơ của thi sĩ


                                   Bỏ Xứ
                       
                                       Nguyễn Bắc Sơn

Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.
Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.
Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết
Và hi hô tát cạn dòng sông
Khi giã từ, ta tặng cho các ngươi cái búa
Ðể đốn đời thánh hạnh của cây thông.


Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thở ấm má em hồng
Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh


Biết đời mình đủ ấm hay không?
Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất
Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
Ra hồ ngồi, câu đá câu mây.
Ở Ðà Lạt, lạc đàn dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba-lô
Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.

                Chiến Tranh Và Tôi

                               Nguyễn Bắc Sơn

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
rừng giáp rừng gío thổi cỏ lông măng
đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
hãy tránh xa ra ta xin xí điều
lúc này đây ta không thèm đánh giặc

Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
ăn muối đá và hăng say chiến đấu

Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc

Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
và máu xương làm phân bón rừng hoang

    NBS


Được đăng bởi Nhật Tuấn vào lúc 04:33:00







No comments: