Tuesday, August 18, 2015

Nghĩ về Cuba nghĩ về Việt Nam (Bùi Văn Phú)





19.08.2015

Một ngày cuối tháng Tư năm 1992, khi nghe tin Tổng thống George W.H. Bush (cha) quyết định nới lỏng một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam bằng cách cho nối lại liên lạc viễn thông giữa hai quốc gia, ngay chiều hôm đó, từ California tôi gọi điện thoại về Sài Gòn cho người quen và đường dây đã thực sự được nối lại, chuyển những âm giọng cho nhau nghe giữa hai bờ đại dương sau 17 năm cắt tiếng.

Thời đó rất ít gia đình người Việt có điện thoại. Tôi nhớ, khi cần nói chuyện với bố mẹ, qua điện thoại của nhà người quen, tôi phải gọi trước, nhờ nhắn với người nhà vào một giờ nhất định tôi sẽ gọi lại. Sau bao năm không được nghe giọng người thân, nay điện thoại nối lại cho mình cảm giác như gia đình và quê hương sau bao năm rời xa đã gần lại, dù địa lý vẫn còn cách nhau cả một đại dương bao la. Giá gọi điện lúc đó là 3 đô-la một phút. Với nền kinh tế đã mở ra cho kinh doanh cá thể nên nhiều nơi ở Sài Gòn có dịch vụ điện thoại để người trong nước nói chuyện với thân nhân từ Mỹ. Sau điện thoại, dịch vụ quay video sinh hoạt gia đình để gửi qua Mỹ cũng nở rộ một thời.

Tuần trước, kênh CNN đưa tin những người trẻ Cuba tìm đến vài địa điểm trong Thủ đô Havana có wi-fi để lên mạng trò chuyện với người thân ở Mỹ. Bản tin cho biết hiện nay có chưa đến 40 địa điểm trên toàn quốc Cuba là nơi người dân có thể dùng điện thoại thông minh để nối mạng qua wi-fi.

Dân Cuba ngày nay giống như dân Việt cách đây 23 năm, muốn được liên lạc trực tiếp với thân nhân ở Mỹ.

Từ tháng 12 năm ngoái, sau khi Hoa Kỳ và Cuba quyết định mở ra những thảo luận để tiến đến bình thường quan hệ, các công ty Mỹ đã bắt đầu phác thảo kế hoạch nối lại liên lạc giữa hai nước, bằng viễn thông, bằng du lịch đường hàng không, đường phà và du thuyền.

Bây giờ bàn chuyện liên lạc giữa hai nước thì chuyện nối đường dây điện thoại là xưa cũ rồi. Ngày nay liên lạc với nhau là dùng wi-fi, qua internet để hai bên không những được nghe giọng nói mà còn thấy hình ảnh người thân sống động trên màn hình nhỏ.

Nhưng tiến trình phát triển quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba vừa được mở ra có những bước trái chiều với tiến trình quan hệ Mỹ-Việt.

Với Hà Nội, từ đầu thập niên 1990 Washington đã cho phép công ty Mỹ vào Việt Nam khảo sát thị trường, tổ chức tua du lịch, cho các tổ chức thiện nguyện NGO vào làm việc, cho Việt Nam được vay tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB). Mỹ hoàn toàn bỏ cấm vận vào đầu năm 1994, sau 30 năm không bang giao với Bắc Việt từ 1964 và toàn cõi Việt Nam từ năm 1975.

Sau đó Hoa Kỳ và Việt Nam đồng ý trao trả tài sản trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995, hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt và người Mỹ rút lui.

Trong quan hệ với Cuba, sau hơn nửa thế kỷ không bang giao, cuối năm vừa qua Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro đã đồng ý mở ra những thảo luận để tiến tới bang giao. Hôm 20/7 vừa qua Havana và Washington đã chính thức nối lại quan hệ trước, các vấn đề khác sẽ được đưa vào nghị trình thương thảo sau. Lệnh cấm vận Cuba từ năm 1961 đến nay vẫn còn hiệu lực.

Dù đã bang giao nhưng công dân Mỹ vẫn chưa được tự do du lịch đến Cuba mà phải đi theo các chương trình văn hoá, giáo dục, y tế hay tôn giáo. Havana chưa thể vay tiền từ các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển.

Hai năm trước tôi đến Cuba và nhận ra nơi đây vẫn thực sự là một đất nước cộng sản. Đường phố không có một bảng quảng cáo thương hiệu và hai bên đường hay những nơi cao có khẩu hiệu hoan hô cách mạng, tán dương xã hội chủ nghĩa. Muốn mua tờ báo hay tạp chí để đọc thật là khó tìm, chỉ có tuần báo Granma, ấn bản tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha, là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba.

Từ Cuba muốn liên lạc về Mỹ qua điện thoại phải trả 2 đô 55 xu một phút, cùng giá khi gọi châu Mỹ còn các nơi khác 4 đô một phút. Thủ đô Havana chưa có café internet, không thấy ai có điện thoại cầm tay và bên đường vẫn còn những trụ điện thoại công cộng với nhiều người sử dụng. Muốn liên lạc bằng email về Mỹ, khách sạn Riviera là nơi đoàn chúng tôi ở chỉ có ba bốn máy điện toán đặt tại hành lang, mua thẻ dùng tốn hơn 8 đô-la cho nửa giờ.
Havana vẫn còn những cửa hàng bán nhu yếu phẩm theo tem phiếu, tuy ngoài đường đã có sinh hoạt buôn bán cá thể như bán rau, trái cây trên xe ba bánh hay một vài chợ nông dân. Quanh khu phố cổ có những người đạp xích lô, chạy coco taxi đưa đón khách là những nghề mới có trong vòng một thập niên, kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro từ nhiệm và trao quyền lại cho em là Raúl Castro và ông đã cho phép một vài hoạt động kinh tế tư nhân.

Dăm bảy năm trước người dân Cuba không được ở trong những khách sạn dành cho du khách nước ngoài. Nay người dân có thể cho du khách thuê phòng, được phép mở cửa hàng ăn uống, thường là tầng trệt của một ngôi nhà khang trang. Những sinh hoạt kinh tế giống như ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 1980.

Sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ vào đầu thập niên 1990 và không còn trợ giúp về tài chánh và năng lượng, Cuba đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn gọi là “thời kỳ đặc biệt” với thực phẩm cắt giảm, xăng dầu thiếu, như “thời bao cấp” ở Việt Nam. Nhưng Havana vẫn không có những bước ngoặt thay đổi kinh tế như Hà Nội đưa ra năm 1986 sau nhiều thất bại với hợp tác xã và nền kinh tế tập trung.

Chính sách “Đổi mới” của Việt Nam mở ra cho sinh hoạt kinh tế nhiều thành phần, giúp phát triển đất nước, cải thiện cuộc sống của dân nhưng cũng đã kéo nền giáo dục và y tế vào khủng hoảng, đã biến bệnh viện và trường học thành những nơi mà người dân phải tốn nhiều tiền mà vẫn không được phục vụ tốt.

Đó cũng là nhận xét của người hướng dẫn mà tôi có dịp trò chuyện khi ở Cuba. Anh nhận xét, Việt Nam đã xa rời xã hội chủ nghĩa, Cuba nhìn vào kinh nghiệm Việt Nam và không cho đó là những cải cách tốt đẹp khi giao tiếp với phương Tây. Sau hơn nửa thế kỷ áp dụng chủ nghĩa xã hội, dù qua nhiều  khó khăn và vẫn còn bị Mỹ cấm vận, ngày nay mọi người dân Cuba vẫn được hưởng giáo dục và các dịch vụ y tế miễn phí.

Thời gian một tuần ở Havana, buổi sáng mỗi ngày đoàn chúng tôi được nghe thuyết trình, thảo luận với các giới chức văn hoá, giáo dục, y tế và nghệ thuật để hiểu hơn về Cuba. Sau đó đi tham quan các cơ sở y tế, trường học, bảo tàng.

Về chăm sóc y tế, cứ khoảng 150 dân là có một bác sĩ. Mỗi khu cư dân đều có một trạm y tế gia đình điều hảnh bởi một bác sĩ và là người chăm sóc sức khoẻ cho cư dân khu vực. Ai bệnh nặng sẽ được chuyển lên bác sĩ chuyên khoa hay bệnh viện để chữa trị mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Ngành y của Cuba nổi tiếng đào tạo được nhiều bác sĩ giỏi được gửi đi làm việc ở Nam Mỹ, châu Phi. Cả nghìn sinh viên Mỹ đang theo học y khoa ở đây, theo lời một bác sĩ trong buổi thuyết trình.

Cũng như trong giáo dục, học sinh đi học từ mẫu giáo lên hết bậc đại học đều không phải đóng học phí. Những học sinh có năng khiếu sẽ được vào những trường chuyên.

Mấy tháng qua truyền thông ở Hoa Kỳ tràn ngập tin tức về Cuba với viễn ảnh đất nước này sẽ mở ra cho Hoa Kỳ mau chóng vào đầu tư, sẽ đón chào du khách Mỹ ào ạt sang thăm.

Đại sứ quán Cuba ở Washington đã mở cửa tháng trước. Sáng 14/8/2015 Ngoại trưởng John Kerry đến Havana dự lễ thượng kỳ và mở cửa Đại sứ quán Mỹ ở đây. Trong bài diễn văn, ông nhắc đến bang giao Mỹ-Việt như một thành quả đưa hai nước từ cựu thù đến gần nhau, giúp Việt Nam phát triển sau hai mươi năm mở ra quan hệ.

Những chuyển động từ sáu tháng qua mới chỉ đưa đến việc nối lại bang giao hai nước nhưng nhiều người dân Cuba hân hoan nhảy múa, phất cờ Mỹ đón mừng sự kiện này.

So với Việt Nam vào tháng 7/1995 khi hai nước cựu thù nối lại bang giao, ở Hà Nội không có cảnh dân ra phố phất cờ Mỹ múa hát reo mừng và lãnh đạo Việt Nam đón nhận tin bang giao với sự e dè. Vài tháng sau, cựu Tổng thống George W.H. Bush đến Hà Nội nói chuyện về tương lai phát triển quan hệ hai nước chỉ được đón nhận chừng mực trong một thính đường với số khách chưa đầy một nửa.

Cuba và Việt Nam có những điểm giống nhau, chỉ cách nhau 20 năm.

Những ngày ở Cuba tôi gửi về cho gia đình hai bưu thiếp qua đường bưu điện. Lâu không thấy nhận được, tưởng đã thất lạc. Ba tháng sau bưu thiếp mới đến. Như những cánh thư giữa Việt Nam và Mỹ thời còn cấm vận, đi lòng vòng hơn tháng mới đến tay người nhận.
Chuyến bay từ Havana về lại Miami dự định cất cánh lúc 11 giờ 40 sáng, đến Miami lúc 12 giờ 45. Tôi và nhiều bạn đã lên chương trình đi thăm Little Havana vài tiếng đồng hồ vì chuyến bay về lại San Francisco cất cánh lúc 8 giờ tối.

Buổi sáng ở phi trường José Martí, đang xếp hàng check-in thì cúp điện. Nhân viên không làm gì được nên mọi người phải chờ. Lúc sau có điện lại chừng 15 phút rồi lại bị cúp nữa. Vào phòng đợi thì biết chuyến bay khởi hành sẽ trễ hai tiếng, rồi lên hơn bốn tiếng.

Về đến Miami gần 6 giờ chiều. Nhân viên di trú hỏi qua Cuba làm gì? Tôi trả lời qua đó trong một chương trình học để tìm hiểu về giáo dục và y tế. Ông nói: “In Cuba they don’t teach you anything, only about communism.” - Ở Cuba họ không dạy gì ngoài chủ nghĩa cộng sản.
Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói đó. Một tuần ở Cuba, nghe thuyết trình và đi tham quan nhiều nơi những tôi cũng mới chỉ nhìn thấy bề mặt của đất nước này xem ra vẫn kiên định với chủ nghĩa xã hội, còn bề sâu chưa được biết nhiều. Nhân quyền của người dân Cuba chắc chắn không có vì còn chế độ cộng sản và đó cũng là những quan tâm của chính giới Mỹ trong tiến trình phát triển bang giao. Giờ đã bang giao với Mỹ, rồi Cuba sẽ có cải tiến kinh tế, chính trị nhanh chóng hay lại bị tham nhũng, cửa quyền từ một giai cấp giầu sang mới gọi là “tư bản đỏ” làm cản trở phát triển.

Tôi nhớ người tài xế và anh hướng dẫn cho đoàn. Anh là một trong hai người có điện thoại cầm tay mà tôi gặp trong thời gian ở Cuba. Người khác nữa có điện thoại là cô thiếu nữ lo sắp xếp đưa các diễn giả đến nói chuyện với đoàn.

Trước khi chia tay, 29 người trong đoàn góp nhau tiền típ cho tài xế 600 đô-la, anh hướng dẫn hơn 700 đô. Với lương trung bình của người dân là 30 đô một tháng thì làm trong ngành du lịch, ngoài lương căn bản, với tiền típ một tuần như thế là rất khá. Anh hướng dẫn đã có tâm sự với chúng tôi, anh là kĩ sư công nghệ thông tin, làm việc cho chính phủ lương không cao nên bỏ đi làm hướng dẫn viên du lịch.

Riêng với tôi, một người gốc Việt nên được anh kể cho nghe đôi điều về gạo và cà-phê Việt trên đất Cuba. Anh nói trước đây cố vấn nông nghiệp Cuba từng sang Việt Nam dạy trồng cà-phê, nay cà-phê Việt ở Cuba nổi tiếng ngon thơm. Gạo mà Hà Nội viện trợ cho Havana cũng thế, đó là loại gạo trắng và ngon hơn các loại gạo khác có ở Cuba.

Với quan hệ Mỹ-Cuba ấm lên, du lịch sẽ bùng phát tôi tin anh sẽ trở thành những người giầu có trên đất nước Cuba trong giai đoạn mới.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







No comments: