Saturday, August 15, 2015

Neo chặt tỉ giá VND/USD, nền kinh tế Việt Nam được gì, mất gì? (Việt Hoàng - Thông Luận)





CHỦ NHẬT, NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2015

Ngay sau năm mới 2015 Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tăng tỉ giá USD/VND lên 1%. Hai tháng sau tỉ giá USD/VND lại có dấu hiệu ‘tăng giá’. Tỉ giá USD/VND trong các ngân hàng thương mại tăng kịch trần và giá chợ đen tăng vọt, có thời điểm lên gần 23.000VND/1USD. NHNN đã tích cực can thiệp để tỉ giá xoay quanh mốc 22.000VND/1USD. Theo kế hoạch của NHNN thì trong năm 2015 tỉ giá USD/VND sẽ được điều chỉnh tăng giá không quá 2%. Vậy kế hoạch này có thể thực hiện được không? Nên hay không nên nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm giá đồng nội tệ?

Chúng ta đều biết rằng kinh tế Mỹ đang hồi phục và có dấu hiệu tăng trưởng trở lại vì vậy đồng đô la trở nên mạnh hơn. Trong năm qua đồng đô la đã tăng giá 20%, các đồng tiền khác trên thế giới đều mất giá. Lần đầu tiên sau 12 năm đồng EURO gần bằng đồng đôla (1,07đôla/1Euro). Tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới như Nhật, Trung Quốc đều phải hạ giá đồng nội tệ của mình, thậm chí ngay cả các nước trong ASEAN cũng phải làm như vậy.

Trong khi đó NHNN Việt Nam vẫn không có ý định điều chỉnh tỉ giá đồng nội tệ so với đồng đôla. Có mấy lý do:

1) Nếu hạ giá đồng nội tệ có nghĩa là số nợ nước ngoài (mà nhà nước vay bằng đôla) sẽ cao hơn. Nôm na là tiền nợ sẽ phải trả nhiều hơn.

2) Khi hạ giá VND thì hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn trong đó có nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Giá cả các mặt hàng sẽ tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát.

3) Tỉ giá USD/VND ổn định khiến cho kinh tế vĩ mô ổn định và duy trì được niềm tin của dân chúng vào đồng nội tệ…

Nợ công của Việt Nam hiện nay vào khoảng 60% hay 85 tỉ đôla (theo số liệu của chính phủ). Tuy nhiên theo một số chuyên gia thì nợ công Việt Nam nếu bao gồm cả khoản nợ của các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì đã lên tới hơn 100% GDP, tức vào khoảng 180 tỉ đôla. Hàng năm chính phủ Việt Nam phải trả nợ công gần 10 tỉ đôla. Đây là một áp lực không nhỏ khi ngân sách luôn bị thâm thủng.

Dù vậy thì việc lấy lý do này để neo giữ tỉ giá USD/VND vẫn không hợp lý. Vay nợ thì phải có trách nhiệm trả nợ. Muốn trả nợ thì phải làm ra tiền, tức là nền kinh tế phải phát triển bền vững và có hiệu quả. Các doanh nghiệp phải ăn nên làm ra mới có tiền nộp thuế. Với một chính sách tiền tệ thiếu linh hoạt thì các doanh nghiệp không thể phát triển, kinh tế sẽ trì trệ và khi đó ngân sách lại tiếp tục thâm thủng, vậy chính phủ lấy đâu ra tiền để trả nợ?

Thứ hai, chúng ta đều biết khi VND hạ giá thì xuất khẩu sẽ có lợi và nhập khẩu sẽ bất lợi. Tất cả những nhà nhập khẩu vào Việt Nam đều hưởng lợi khi đồng nội tệ mạnh như hiện nay. Người có lợi nhất đó là Trung Quốc. Năm 2014 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 24 tỉ đôla. Có người cho rằng vì đa số nguyên phụ liệu chúng ta đều phải nhập từ nước ngoài nên khi hạ giá VND thì giá cả thành phẩm sẽ tăng lên vì vậy xuất khẩu cũng không hưởng lợi gì mấy. Điều này đúng nhưng nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì mãi mãi ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không thể nào phát triển được. Chúng ta sẽ dừng ở điểm gia công và lắp ráp.

Việc neo giữ tỉ giá USD/VND tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam một cách dễ dàng. Các tập đoàn lớn của Nhật, Hàn, Thái đang mạnh tay thâu tóm các doanh nghiệp trong nước. Tương lai không xa các doanh nghiệp Việt Nam muốn bán sản phẩm của mình thì phải cầu cạnh các tập đoàn này mới đưa được sản phẩm đến người tiêu dùng. Mất chủ quyền kinh tế ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng teo dần và thu nhỏ.

Với nhiều quốc gia họ dùng việc điều chỉnh tỉ giá đồng nội tệ như là một hàng rào phi thuế quan để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Một bất lợi nữa khi neo giữ tỉ giá cố định đồng nội tệ là làm cho dòng vốn đầu tư quốc tế chạy khỏi Việt Nam. Rõ ràng là đồng đôla đang mạnh lên khắp thế giới trong khi tại Việt Nam thì nó vẫn bị ‘dìm giá’ vậy tội gì dòng vốn đầu tư quốc tế chảy vào đây? Ngay cả các doanh nghiệp đầu tư của Nhật cũng đang tính rời bỏ thị trường Việt Nam.

Lý do cuối cùng mà theo chúng tôi là quan trọng nhất khiến cho chính quyền Việt Nam không dám hạ giá đồng tiền nội tệ đó là muốn “giữ sự ổn định vĩ mô và lòng tin của dân chúng”. Chính quyền Việt Nam chưa bao giờ là “của dân, do dân và vì dân”, tất cả các việc làm của họ là đều vì quyền lợi của họ hay của phe nhóm mình chứ không vì người dân. Niềm tin của người dân Việt Nam vào chính phủ cực kỳ thấp. Đây là tình trạng ‘đồng sàng, dị mộng’, tuy người dân phải sống dưới sự cai trị của nhà nước nhưng họ vẫn ngấm ngầm ‘chống đối’ khi có điều kiện. Cũng vì miếng cơm manh áo nên người dân kinh doanh sẵn sàng trục lợi khi có điều kiện, bất chấp việc đó có hại cho người khác. Bất cứ một sự tăng giá nào dù là tăng giá điện, tăng giá xăng hay tăng giá đôla thì giá cả thị trường luôn tăng theo ngay lập tức.

Các chính sách phát triển của Việt Nam luôn manh mún, thiếu minh bạch và luôn chậm trễ. Thế giới đã đưa vào sử dụng xe ô tô chạy 100% bằng điện thay cho chạy xăng như hiện nay, năm 2017 các loại ô tô- bay sẽ được xuất xưởng hàng loạt… trong khi đó chính quyền Việt Nam vẫn loay hoay “trồng cây gì? nuôi con gì?...” Luật pháp chồng chéo, tiền hậu bất nhất, quan chức đi đêm với doanh nghiệp để trục lợi, sự giàu có xa hoa đến ngông cuồng của quan chức đối lập với sự nghèo khó đến bi thảm của người dân… hố ngăn cách giữa chính quyền và người dân ngày càng rộng thêm và không biết kéo dài đến bao giờ?

Dù nợ công ngập ngụa như vậy nhưng chính quyền vẫn cương quyết theo đuổi những dự án khủng như sân bay Long Thành với chi phí gần 18 tỉ đôla. Quan chức đua nhau vơ vét cứ như là cú áp phe cuối cùng. Chính quyền sẵn sàng làm những việc kinh thiên động địa như lấp sông Đồng Nai để làm dự án, chặt 6700 cây xanh tại thủ đô Hà Nội… Các công trình trọng điểm của đất nước như đường xá, sân bay, cảng biển… đang được rao bán như bó rau muống. Tất nhiên những doanh nghiệp được mua những công trình này sẽ là sân sau của các lãnh đạo đảng và chính phủ. Họ đang “cổ phần hóa” doanh nghiệp bằng cách biến tài sản chung thành tài sản riêng như đã từng xảy ra tại Nga hồi thập niên 90.

Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng lại phải nhập khẩu từ cái tăm cho đến rau củ cải. Đây là một nghịch lý. Lý do để nghịch lý này tồn tại được trong nhiều năm là vì tỉ giá USD/VND bị neo chặt bởi một tỉ giá cố định. Có người cho rằng một tỉ giá cố định sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hoạch định các kế hoạch kinh doanh của mình. Điều này chỉ đúng một phần vì chắc chắn đến một thời điểm nào đó tỉ giá này sẽ bị phá vỡ. Do kìm hãm quá lâu và quá vô lý nên khi bị phá vỡ nó sẽ rất thảm khốc. Các doanh nhân có thể hoàn toàn trắng tay và mất tất cả những gì gom góp suốt cuộc đời. Không phải tự nhiên mà nhiều đại gia Việt chấp nhận “bán lúa non” để hạ cánh an toàn. Nên nhớ rằng tất cả những cái gì vô lý và trái với qui luật thì ắt sẽ bị đào thải, không sớm thì muộn.

Lời khuyến cáo của chúng tôi cho các doanh nhân là đừng quá tham lam chạy theo lợi nhuận ảo trước mắt. Kênh đầu tư bằng cách giữ tiền mặt trong lúc này là tốt nhất, tất nhiên là phải ngoại tệ mạnh, tốt nhất là giữ đôla. Các nhà nhập khẩu nên hết sức thận trọng, đừng vì thấy giá rẻ mà tung tiền ôm hàng. Tốt nhất là bán được đến đâu lấy đến đó. Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, tiền VND mất giá, lạm phát tăng cao khi đó muốn thu hồi vốn cũng khó. Sau khủng hoảng, thể chế kinh tế và chính trị thay đổi, một luật chơi mới minh bạch và dân chủ sẽ được thiết lập, khi đó bắt đầu lại cũng không muộn.

Với chính quyền có lẽ mọi lời khuyên đều vô ích. Họ luôn cho mình là đỉnh cao trí tuệ nên thích gì làm nấy, không ai ngăn cản được họ. Giải pháp cho họ vẫn có. Nếu muốn thì chính quyền có thể tham khảo đề nghị của tác giả trẻ Hoàng My, đó là phải thay đổi chế độ chính trị hiện nay bằng một chính phủ dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm. 

Việt Hoàng





No comments: