Wednesday, August 5, 2015

Liệu “Apple nội địa” Xiaomi của Trung Quốc có thể thành công trên thương trường quốc tế? (Fan Yu - Việt Đại Kỷ Nguyên)





Tác giả: Fan Yu 
Dịch giả: Hannah
5 Tháng Tám , 2015

Ông Lôi Quân, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty Xiaomi phát biểu tại Bắc Kinh ngày 15 tháng 1 năm 2015. (ChinaFotoPress / Getty Images)

Hãng sản xuất smartphone hàng đầu của Trung Quốc, được đặt tên theo một loại ngũ cốc, chỉ mới ra đời trong vòng năm năm nhưng đã trị giá đến 45 tỷ USD.
Công ty Xiaomi (tên đầy đủ theo tiếng Hoa là Công ty TNHH Tiểu Mễ Khoa Kỹ Bắc Kinh) có trụ sở tại Bắc Kinh đã bán ra 18 triệu smartphone trong quý II năm 2015. Theo IDC – một công ty nghiên cứu thị trường,
Hiện tại công ty này là hãng sản xuất smartphone lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Samsung, Apple, và Huawei – đối thủ cạnh tranh cũng từ Trung Quốc.
Xiaomi hay Tiểu Mễ, có nghĩa là “hạt kê”, cũng sản xuất các thiết bị điện tử công nghệ và gia dụng đeo trên người. Xiaomi đang không ngừng tăng trưởng và mang tham vọng bành trướng toàn cầu. Xiaomi đã chính thức ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên ngoài thị trường châu Á trong tháng 7 vừa qua. Nhưng để thực sự thành công ở lĩnh vực mà chưa từng có công ty công nghệ cao nào của Trung Quốc từng thành công,  Xiaomi phải giữ các hoạt động ở thị trường nước ngoài độc lập với nền chính trị Trung Quốc và tiếp tục cung cấp các sản phẩm sáng tạo với giá thấp.

Phát triển nhanh

Những nhà sáng lập công ty Xiaomi là những người đã từng làm việc tại Google và Microsoft; họ xem Apple như nhãn hiệu đứng đầu toàn cầu trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Nhưng có rất ít sản phẩm lựa chọn ngoài Apple đặc biệt là ở mức giá thấp hơn.
Xiaomi sử dụng hệ điều hành Android của Google, và thậm chí còn thuê một cựu quản lý cấp cao của Google, Hugo Barra, để trở thành phó Chủ tịch phụ trách thị trường quốc tế.
Mô hình của công ty là sản xuất smartphone cấu hình cao giá thấp gần với chi phí. Xiaomi bán điện thoại độc quyền trực tuyến qua hệ thống cửa hàng Eschewing để cắt giảm chi phí. Nhờ đó, giá bán sản phẩm smartphone của họ chỉ bằng một nửa của iPhone hoặc Samsung Galaxy S tại thị trường Trung Quốc. Hiện tại, Xiaomi cũng tiếp thị một loạt các sản phẩm tiêu dùng như đồng hồ thông minh, bộ sạc bên ngoài, camera hành trình, và ngay cả máy lọc nước. Nhưng không giống như nhiều sản phẩm Trung Quốc khác trong quá khứ, có vẻ như các dòng sản phẩm của Xiaomi đều cao cấp hơn từ thiết kế đến chất lượng.
Xiaomi thường được gọi là “Apple của Trung Quốc” và cũng thường nhận được nhiều lời chỉ trích rằng họ đã sao chép một số mẫu thiết kế của Apple. CEO của Xiaomi, ông Lôi Quân, có thói quen mặc áo thun màu đen tại các sự kiện báo chí, làm người ta nhớ đến hình ảnh của cố CEO của Apple, ông Steve Jobs. Điều này khiến người ta cảm thấy một sự rập khuôn.
Dù có một số ý kiến tranh luận về việc bản quyền sáng chế, nhưng sự giống nhau lớn nhất giữa Xiaomi và Apple là những khách hàng trung thành, đặc biệt là giới trẻ am hiểu công nghệ.
Sự trung thành và lòng nhiệt huyết từ fan hâm mộ Xiaomi ở Trung Quốc không thể so sánh với lượng fan của Apple ngoài Trung Quốc. Xiaomi đang tích cực quảng bá thương hiệu trên phương tiện truyền thông xã hội, và hiện diện nhiều trên Instagram và Facebook và thường xuyên tiếp xúc khách hàng ở mức độ cá nhân. Công ty cũng tổ chức các sự kiện flash sales (giảm giá chớp nhoáng) cho “Mi-fans”, và thậm chí tổ chức party trong hộp đêm với quà tặng miễn phí. Đổi lại, khách hàng gửi thư tri ân và quà tặng của fan đến trụ sở công ty.
Một phần trong chiến lược của Xiaomi là nêu cao chủ nghĩa dân tộc. Wang Wenyong, một fan hâm mộ tại một bữa tiệc Xiaomi gần đây ở Hàng Châu, nói với tờ Wall Street Journal rằng anh “thích Xiaomi một phần vì nó là hàng Trung Quốc”. Dù chưa rõ ràng nhưng tên Xiaomi gợi nhớ đến một khẩu hiệu cộng sản từ những năm 1950, khi Mao Trạch Đông gọi người Trung Quốc là được lớn lên trên “kê và súng”.

Sơ lược về Xiaomi
Doanh thu (2014)
12 tỷ USD (74 tỷ NDT)
Định giá ước tính
45 tỷ USD
Người sáng lập
Lôi Quân
Sản phẩm
Smartphone, các ứng dụng, và các thiết bị kết nối qua Internet
Sở hữu
Lôi Quân sở hữu 78% và các nhà đầu tư khác 22% còn lại


Thị phần Smartphone toàn cầu Q2, 2015
Nhà cung cấp
Số lượng bán ra Q2, 2015 (triệu chiếc)
Thị phần Q2, 2015
Số lượng bán ra Q2, 2014
Thị phần Q2, 2014
Thay đổi theo năm
Samsung
73,2
21,7%
74,9
24,8%
-2,3%
Apple
47,5
14,1%
35,2
11,7%
34,9%
Huawei
29,9
8,9%
20,2
6,7%
48,1%
Xiaomi
17,9
5,3%
13,8
4,6%
29,4%
Lenovo
16,2
4,8%
15,8
5,2%
2,4%
Khác
152,5
45,2%
142,2
47,1%
7,3%

Thâm nhập Brazil

Vào tháng 7, Xiaomi đặt bước đột phá đầu tiên ra ngoài thị trường châu Á, khởi động sản phẩm smartphone Redmi 2 ở Brazil. Điện thoại Redmi 2 có bộ xử lý Qualcomm Snapdragon và một máy ảnh 8-megapixel. Sản phẩm này là một cú hit ở châu Á, bán mạnh ở thị trường Ấn Độ, Indonesia, và Malaysia.
Tất nhiên, Brazil là quê hương của Barra. Họ cũng nhận được phần lớn FDI từ Trung Quốc và một thị trường mới nổi đầy thiện ý đối với một công ty như Xiaomi.
Nhưng Brazil áp mức thuế cao với hàng nhập khẩu thiết bị điện tử. Điều này đã dẫn đến việc các điện thoại thông minh như iPhone và Galaxy S có giá hơn $1.000 hoặc cao hơn so với giá bán lẻ của họ ở Hoa Kỳ đến 30% – 40%, mặc dù mức lương ở Brazil thấp hơn nhiều.
Xiaomi đã ra một quyết định mà chưa từng có một công ty Trung Quốc nào thực hiện để làm cho điện thoại Xiaomi mang tính địa phương hơn. Họ khoán cho công ty Đài Loan, Hon Hai Precision Industry (còn được biết đến với tên Foxconn), lắp ráp điện thoại Xiaomi tại các nhà máy của Brazil.
Hàng ngàn khách hàng và khoảng 130 nhà báo đã có mặt tại sự kiện ra mắt Xiaomi ở thành phố São Paulo vào ngày 7 tháng 7. Điện thoại Redmi 2, được bán trực tuyến với giá chỉ $160, và bán hết chóng vánh trong vòng vài giờ.
Xem lại tham vọng toàn cầu
Xiaomi có mục tiêu dài hạn đầy tham vọng. Năm ngoái, Lôi Quân phát biểu rằng ông muốn Xiaomi trở thành hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới trong một thập kỷ.
Trong quá khứ, các hãng công nghệ khác của Trung Quốc chỉ được xem như hàng giá rẻ và chất lượng thấp, và luôn bị soi xét với ánh mắt nghi ngờ. So với họ, sản phẩm Xiaomi sáng tạo hơn và sắc sảo hơn.
Nhưng khi Xiaomi có một chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nước ngoài, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.
Thứ nhất là các vụ kiện. So với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của mình, Xiaomi hầu như sở hữu rất ít bằng sáng chế. Việc thiếu một hệ thống pháp lý độc lập ở Trung Quốc có nghĩa là Samsung, Apple, và những đối thủ khác hiện chưa có đủ cơ sở để khởi kiện Xiaomi. Nhưng các đối thủ cạnh tranh toàn cầu và các công ty nắm giữ bằng sáng chế có thể sẵn sàng nắm thóp Xiaomi khi công ty này lớn mạnh hơn ở Tây Âu hay Hoa Kỳ.
Xiaomi cần phải tăng cường cơ sở bằng sáng chế của họ, và đưa ra những quyết định thông minh khi nào nên cứng rắn và đối mặt với tranh chấp, và khi nào nên nhượng bộ thỏa hiệp và ký hợp đồng bản quyền. Họ có thể xem vụ kiện HTC Đài Loan khi bước ra thị trường quốc tế 10 năm trước đây là một ví dụ. Tổn thất pháp lý sẽ đẩy chi phí của Xiaomi lên cao, và giá bán smartphone của họ có thể sẽ bị đẩy lên cao một chút ở nước ngoài để duy trì mức lợi nhuận.
Quyết định quan trọng nhất Xiaomi có thể làm để đảm bảo thành công trên thị trường quốc tế là hàng rào bảo mật. Với những vụ việc liên quan đến tin tặc và gián điệp gần đây của Trung Quốc, bất cứ công ty Trung Quốc nào cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự, đặc biệt là một công ty công nghệ sản xuất điện thoại kết nối và các thiết bị lưu trữ thông tin cá nhân.
Xiaomi đang gặp phải vấn đề này ở Ấn Độ, thị trường lớn thứ hai của họ bên ngoài Trung Quốc. Không Lực Ấn Độ cáo buộc công ty Xiaomi gửi dữ liệu người dùng đến các máy chủ từ xa đặt tại Trung Quốc. Theo một bài báo mà Việt Đại Kỷ Nguyên chúng tôi đã đăng , điện thoại Xiaomi bán ở Ấn Độ có gắn “cửa hậu” trong phần mềm cố định (firmware) và có thể được sử dụng để chuyển thông tin đến Bắc Kinh. Công ty này tuyên bố họ đang xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Ấn Độ để lưu trữ thông tin ngay tại nước này, một trong nhiều kế hoạch để thành lập ở nước ngoài phải tuân theo luật pháp địa phương.
Công ty có thể giảm bớt những lo ngại bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất bên ngoài Trung Quốc, mở các trung tâm dữ liệu ở nước ngoài, và đảm bảo firmware trên điện thoại bán bên ngoài Trung Quốc không có các ứng dụng “cửa hậu”. 
Yêu cầu sau có thể gặp khó khăn, hoặc thậm chí là không thể thực hiện được, do sự kiểm soát sâu rộng của các cơ quan tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chưa từng có công ty Trung Quốc nào có khả năng ‘vượt rào’ đòi hỏi an ninh của Trung Quốc. Thực sự, nhiều công ty lớn đang nêu cao tinh thần yêu nước của họ, bao gồm cả Xiaomi (bài thuyết trình của Lôi Quân thường nhắc đến “Giấc mơ Trung Hoa”, khẩu hiệu tuyên truyền chính thức của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình).
Những tuyên bố đưa ra gần đây ở Trung Quốc về chủ quyền công nghệ và nhu cầu thâm nhập vào bên trong mã code của các hãng công nghệ và tài chính của Mỹ, nghi vấn về việc bị kiểm soát chính trị có thể là một trong những trở ngại nghiêm trọng nhất của Xiaomi – và ở phương diện này họ lại ít có khả năng kiểm soát được. Người tiêu dùng tinh tế còn đang băn khoăn với suy nghĩ rằng chính phủ Mỹ truy cập được vào dữ liệu điện thoại của họ – và Xiaomi, dù vô tình hay không, lại đang cho thấy khả năng các cơ quan tình báo Trung Quốc cũng có thể làm được đều đó.
Với tất cả những lý do này, người tiêu dùng thiếu tin tưởng vào thương hiệu Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Xiaomi gây dựng thương hiệu riêng của mình trẻ trung và vui vẻ, và đã bắt tay hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, ví dụ như Uber phân phối điện thoại cho Xiaomi trong khu vực Đông Nam Á; và tỷ phú Ấn Độ Ratan Tata sở hữu cổ phần trong công ty. Vì vậy nếu bất kỳ công ty công nghệ cao nào của Trung Quốc có thể vượt qua rào cản này, đó sẽ là Xiaomi.
Nhưng về phương diện chính trị, dù vượt qua được hay không thì chính bản thân Xiaomi cũng không hoàn toàn định đoạt được.






No comments: