Cách đây 15 năm, khi đang học ở Mỹ, tôi ở nhà của GS
Yeung. Bố mẹ vợ của GS Yeung thường chở tôi đi chơi. Tôi hết sức ngạc nhiên khi
đi hoài trên những con đường cao tốc mà không thấy trạm thu phí nào. Khi tôi hỏi
về điều đó, ông bố vợ GS Yeung nói: chúng tôi đóng thuế, chính phủ phải có
trách nhiệm xây dựng đường sá.
Một lần, GS Yeung đi công tác vắng 1 tuần. Tôi xin
ông cho tôi vào bệnh viện ở. Bệnh viện của GS Yeung là bệnh viện trong ngày,
không có phòng lưu bệnh. Tối tối, không còn ai ở đó, bệnh viện lại không có
hàng rào. Mọi người hướng dẫn tôi cách sử dụng hệ thống an ninh, và đặc biệt,
hướng dẫn tôi cách gọi cảnh sát khi có trường hợp khẩn cấp.
Họ bắt tôi thực tập, và đặt giả thiết là cảnh sát sẽ
đến sau 5 phút, họ hướng dẫn tôi phải làm gì trong 5 phút ấy. Tôi hỏi lại: vậy
lỡ họ không đến thì sao, lỡ sau 1 giờ họ mới đến thì sao? Tôi nhớ mãi câu trả lời
của một nhân viên của GS Yeung: Họ ăn lương từ tiền thuế của chúng tôi, họ phải
có mặt khi chúng tôi cần họ. Nếu họ không đến, nếu họ chậm trễ, chúng tôi sẽ kiện
họ.
Sinh ra và lớn lên trong một chế độ mà tôi luôn được
dậy, tôi chính là người chủ của đất nước. Tôi nhận thức rằng, đất nước này như
một ngôi nhà. Đảng, Chính phủ là cha, là mẹ. Bổn phận làm con, tôi luôn phải biết
ơn Đảng, ơn Chính phủ khi mình vẫn còn tồn tại, khi mình có cơm ăn, áo mặc, khi
mình biết đọc chữ… Câu nói “ơn Đảng, ơn Chính phủ” là câu cửa miệng của nhiều
người. Bổn phận làm con, tôi không được phán xét cha mẹ. “Quân xử thần tử, thần
bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”.
Tương tự vậy, cái gì xấu xa, cái gì gây thiệt hại,
đích thị đó là tàn dư của phong kiến, thực dân, sau này là đế quốc, phản động,
và gần đây là các thế lực thù địch, là diễn tiến hòa bình… Khái niệm làm chủ đất
nước dần được hiểu theo nghĩa đóng thuế, đóng phí, đóng tiền lao động công ích,
đóng góp cái gì bảo đóng, họp tổ dân phố là luôn phải đồng ý, tới ngày lễ là phải
treo cờ, đến ngày bầu cử, cán bộ phường gọi là phải đi bầu sớm, cán bộ gợi ý bầu
cho ai thì bầu cho người đó, chủ trương chính sách đưa ra thì phải nhiệt liệt
hưởng ứng… Nếu khác đi, nếu nghi ngờ, lăn tăn thì không phải là làm chủ.
Và, cái tinh thần làm chủ đất nước ấy dậy tôi rằng,
ngân sách là tiền của Đảng, của Nhà nước. Lãnh đạo sử dụng tiền đó để xây dựng
và bảo vệ đất nước này. Đừng nghi ngờ, đừng thắc mắc, đừng hỏi tại sao. Đó
không phải là việc của tôi. Việc của tôi là đọc những gì lãnh đạo cho đọc, nói
những những gì lãnh đạo cho nói, làm những gì lãnh đạo bảo làm, hi sinh cho lí
tưởng mà lãnh đạo ca ngợi.
Trở lại câu chuyện tôi đi học ở Mỹ. Với tôi khi ấy,
chuyện kiện cảnh sát, chuyện nói các quan chức phải làm thế này thế khác, rồi
tiền ngân sách là tiền đóng thuế của người dân… là những tư tưởng rất phản động.
Nhưng rồi, tôi để ý, cứ mỗi khi các quan chức của
chúng ta lên TV, nói rằng dứt khoát không có chuyện tăng giá, là y như rằng giá
sẽ tăng ngay sau đó, khi họ nói, rằng không có tham nhũng, là y như rằng bao
nhiêu tiền, tài sản bị mất… Dần dần, cứ như là qui luật, khi lãnh đạo khẳng định
điều gì, thì sự thật ngược lại, khi lãnh đạo phủ nhận chuyện gì, chuyện đó
đúng. Do vậy, tôi không thể không đặt câu hỏi.
Thì ra, đất nước này thực sự là của tôi, của những
người dân như tôi, nó không thể là của riêng ai cả. Ngoài cha mẹ đẻ ra tôi, chẳng
có ai khác làm cho tôi tồn tại trên cõi đời này. Để cho tôi có thể kiếm cái ăn,
cái mặc, người đầu tiên giúp tôi là cha mẹ tôi, sau đó là thầy cô tôi, các đàn
anh, đàn chị, các đồng nghiệp. Tôi cần biết ơn những người đó, chứ không phải
ơn cái gì đó xa vời vợi.
Thì ra tiền ngân sách thực sự là tiền của tôi, của đồng
bào tôi đóng góp vào. Đồng tiền ấy phải phục vụ cho lợi ích của tôi, của đồng
bào tôi. Mọi hành động nhắm chiếm riêng những đồng tiền đó đều là ăn cắp, ăn cướp
tiền của tôi và đồng bào tôi. Những kẻ ăn cắp, ăn cướp ấy phải bị vạch mặt và
trừng trị.
Rồi tôi nhận thức được rằng, nếu tôi cứ im lặng, nếu
tôi không cùng mọi người lên tiếng chống lại bọn ăn cắp, bọn đục khoét, có
nghĩa là tôi góp phần đưa đất nước này đến sự diệt vong. Nếu tôi không chống lại
cái xấu, có nghĩa là tôi nuôi dưỡng cái xấu.
Khi nhận thức được như vậy, tôi lên tiếng. Tôi lên
tiếng để bảo vệ đất nước tôi, để thực thi quyền làm chủ đất nước của tôi. Nhưng
một số kẻ bảo rằng, tôi phản động.
Ai mới là người yêu nước, và ai là kẻ phản động?
No comments:
Post a Comment