Tuesday, August 18, 2015

Lá thư hai mươi năm và mô hình không muốn phát triển (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
17-08-2015

Một số báo xuất bản tại Việt nam cho đăng tải bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị đảng cộng sản Việt nam 20 năm trước đây. Trong bức thư này ông Kiệt đề nghị đảng cộng sản nên nhìn nhận tình hình thế giới lúc ấy khác đi với thời chiến tranh lạnh, tức là không theo quan điểm cổ điển của những người cộng sản rằng thế giới này chia thành hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa.

Một nội dung quan trọng khác mà ông Kiệt gửi đến các đồng chí của ông đang nắm giữ quyền lực là không nên duy trì sự ưu đãi cho nền kinh tế phi thị trường.

Tuy nhiên tờ báo không viết thêm về số phận chính trị của ông Kiệt sau khi gửi bức thư này.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh viết trên trang Diễn Đàn của nhóm trí thức tại Pháp về bước ngoặt của cuộc đời ông Kiệt sau bức thư đó. Ông Kiệt đã bị các đồng chí phê phán kịch liệt, đã phải từ chức Thủ tướng. Ngoài ra một số người liên quan đến bức thư, trong đó có nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu bị bắt và bị kết án trong cái mà ông Lê Đăng Doanh gọi là một làn sóng đàn áp và khủng bố.

Trong bức thư được viết cách nay gần một thế hệ, ông Kiệt còn kêu gọi việc thực thi dân chủ trong đảng của ông cũng như trong xã hội.

Blogger Trần Minh Khôi nhận định về bức thư này:

Nếu những điều ông Kiệt đề nghị trong lá thư gởi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hai mươi năm trước được thực hiện thì đất nước Việt Nam ngày nay đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Và điều tốt đẹp nhất là Đảng Cộng sản đã không còn giữ độc quyền cai trị. Đối với những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tương lai đất nước chưa bao giờ quan trọng bằng sự tồn vong của Đảng. Điều này đúng hai mươi năm trước và vẫn đúng lúc này.

Nhận xét của Trần Minh Khôi không biết có giống với ý muốn của ông cố Thủ tướng gửi gắm trong bức thư hay không, vì ngoài những điều ông Kiệt đề nghị về sự kỷ luật, về việc dân chủ hóa đảng của ông, người ta không thấy đề cập đến sự thay đổi thể chế chính trị, mà chỉ có chuyện cải cách kinh tế, người ta cũng không thấy ông đề cập đến ý thức hệ Mác Lê nin, mà trong đó vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản là điều không thể bàn cãi.

20 năm sau bức thư của ông Kiệt, giới trí thức Việt nam công khai lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa Mác Lê Nin. Một trong những người đó là Giáo sư Nguyễn Đình Cống, ông cho rằng bản chất của chủ nghĩa này là một sự ngụy biện, và nếu đeo đuổi nó, người ta sẽ chịu những hậu quả tai hại:

Một con người sống bằng dối trá và lừa đảo sẽ đến lúc bị mọi người thấy rõ và xa lánh. Một học thuyết dựa chủ yếu vào ngụy biện sớm muộn cũng bị phát hiện và tẩy chay. Một chính quyền phải dùng đến ngụy biện trong hành xử sẽ mất lòng tin của dân, mất lòng tin của các nước. Dù cho người ta có đón tiếp đại diện của bạn một cách trọng thị, có ký kết với bạn hiệp ước về quan hệ đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược thì ngoài những cái bắt tay chào hỏi xã giao, trong lòng họ vẫn canh cánh một tinh thần cảnh giác là đang quan hệ với một người dối trá đáng khinh bỉ.

Ông Nguyễn Đình Cống có ý muốn nói đến những mối quan hệ ngoại giao nồng ấm lên trong thời gian gần đây giữa nước Việt nam cộng sản và các quốc gia phương Tây, về nguyên tắc là những kẻ đối đầu ý thức hệ với đảng cộng sản Việt nam.

Tác giả Vũ Ngọc Yên viết trên trang blog Bauxite Việt nam:

Trong thời gian qua dư luận rất kinh ngạc khi thấy giới lãnh đạo Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác với Mỹ và Âu châu trên mọi bình diện. Dư luận đánh giá các hoạt động này chỉ là những tính toán chiến lược tìm ngõ thoát cho chế độ độc đảng trước những áp lực nội và ngoại hầu có thể tiếp tục trụ được.
Nói chung, Đảng Cộng sản hy vọng qua các Hiệp định thương mại, sẽ tạo được niềm tin ở quốc tế và tính chính danh cầm quyền vốn đã không tồn tại từ nhiều thập niên qua.

Còn trang Bauxite Việt nam bình luận về việc bầu cử trong chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo từ trước đến nay như sau:

Đảng nói rất hay về dân chủ. Nhưng đồng thời Đảng bao giờ cũng cố gắng tối đa để siết chặt “dân chủ” trong bàn tay sắt của mình. “Đảng cử dân bầu” là một trong những biện pháp để làm điều đó. Nói cho cùng, có chế độ toàn trị nào mà không sợ dân chủ thực chất? Xóa “Đảng cử dân bầu” là đặt Đảng vào sự thử thách thực sự, buộc Đảng phải lo lắng đến phản ứng của người dân. Duy trì “Đảng cử dân bầu” thì yên chí lớn: tất cả những vị trí lãnh đạo đều một tay Đảng sắp xếp. Quyền lực ở đấy mà quyền lợi cũng ở đấy.

Lời bình của Bauxite Việt nam có ý nói rằng cũng có chuyện bầu cử ở Việt nam nhưng chỉ do đảng cộng sản dàn dựng mà thôi, qua câu nói đảng cử dân bầu đầy mỉa mai.

Bản chất của chế độ và mô hình không muốn phát triển

Blogger Nguyễn Vũ Bình viết bài Bản chất và hiện tượng.
Trong bài này ông cho rằng có những ý kiến biện minh cho những điều không tốt trong xã hội Việt nam hiện nay chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Những ý kiến này nói rằng bản chất của chế độ cộng sản hiện nay ở Việt nam vẫn là tốt đẹp.

Nguyễn Vũ Bình phản bác điều này. Ông cho rằng nếu liên tục có những điều tệ hại xảy ra thì không thể nói là bản chất của chế độ là tốt đẹp được. Ông dẫn chứng là từ lúc đảng cộng sản Việt nam thống trị nền chính trị Việt nam cho đến nay, liên tục có những điều tệ hại xảy ra, đó là: Cải cách ruộng đất, Đàn áp nhân văn giai phẩm, Thảm sát Mậu thân, Cải tạo tư sản tại miền Nam.

Hãy nghe cây bút Nguyễn Đình Ấm mô tả cảnh tượng tàn phá văn hóa ở quê ông:

Từ sau cải cách ruộng đất chính quyền phát động phong trào phá đình chùa. Vào các buổi tối, thanh thiếu niên đốt đuốc tuần hành rầm rập hô đả đảo địa chủ rồi ban ngay đi phá đình, chùa, miếu. Những pho tượng cổ sơn son thiếp vàng cớ lớn tượng quan âm nghìn mắt, nghìn tay bị xà beng bật lên khênh vứt xuống sông Lô, các tượng gỗ mít nhẹ hơn bị mang về bổ củi đun, mùi sơn khét lẹt.

Một điều quan trọng mà các blogger nhận xét về những hành động của đảng cộng sản từ khi lên cầm quyền đến nay là tất cả những sai lầm đó đều được thực hiện nhân danh danh Nhân dân. Điều mà Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho là một sự ngụy biện nhân danh số đông. Ngoài ra ông còn cho rằng để thực hiện các chính sách của mình từ trước đến nay đảng cộng sản thường đưa ra những hy vọng, và ông gọi họ là những người buôn bán hy vọng. Và điều mà ông ngạc nhiên là vẫn có người tin vào những món hàng hy vọng đó.

Điều Giáo sư Tuấn ngạc nhiên cũng là điều một tác giả trên trang blog Triết học đường phố đặt ra là sau bao nhiêu tệ hại của sự độc tài, tại sao đảng cộng sản vẫn nắm quyền? Tác giả tự trả lời rằng đảng cộng sản cầm quyền đã nắm hai lĩnh vực cần thiết để cho người ta không thắc mắc về quyền lực của họ, đó là giáo dục và báo chí. Ngoài ra tác giả này còn đưa ra một điều quan trọng nữa mà theo đó những người cộng sản đặt nền móng chế độ của mình, đó là gieo rắc sợ hãi trong toàn xã hội.

Trong một tinh thần xã hội như vậy, mô hình kinh tế Việt nam vẫn tiếp tục được khẳng định là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với các đại công ty quốc doanh làm động lực, một mô hình được Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm gọi là của những người cộng sản thực thi chủ nghĩa tư bản.

Nói về mô hình này, bà Phạm Chi Lan trích dẫn lời nhận định của một nhà quan sát từ Ngân hàng thế giới, rằng mô hình hiện tại của Việt nam không phải là của một quốc gia kém phát triển, cũng không phải của một quốc gia đang phát triển, càng không phải đã phát triển, mà đó là một mô hình Không chịu phát triển.

Tác giả Võ Xuân Sơn nói rằng ông và nhiều người Việt nam khác không muốn mô hình đó:
Chúng tôi, người dân Việt nam, đâu có ai muốn cái mô hình “đặc biệt nhất thế giới”, mô hình không chịu phát triển. Nhưng họ, những kẻ không muốn đất nước này phát triển, những kẻ chỉ muốn trục lợi cá nhân, làm giàu cho cá nhân mình, cho gia đình mình bằng cách ăn cắp tiền của dân, đục khoét ngân sách, vắt cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm mất khả năng phát triển của cả nền kinh tế nước nhà, chỉ có những kẻ đó là muốn duy trì cái mô hình quái gở như vậy mà thôi.

Và trong những ngày tháng tám có nhiều kỷ niệm lịch sử không chỉ của Việt nam mà của cả thế giới, người Việt nam không khỏi chạnh lòng so sánh đất nước mình với các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Văn Đực Phó giám đốc một công ty địa ốc nhìn sang Singapore, đảo quốc nhỏ bé vừa kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, xuất ý làm một bài thơ ngắn đầy mỉa mai:

Năm mưoi Quốc Khánh nước Sing
Từ hòn đảo nhỏ mà : lên đỉnh Rồng
Bảy mưoi Quốc Khánh nước RỒNG
Từ đất nước lớn mà : không có gì ….
Quý hơn độc lập tự do

Người khác thì nhìn sang Nhật bản, đất nước chịu thảm họa nguyên tử cách đây 75 năm:

Hơn 40 năm qua từ ngày đất nước thống nhất, thế hệ ông cha làm được gì vẻ vang cho đất nước? Chỉ có thể kể ra nhiều việc làm xấu, làm nhục, làm cạn kiệt nguồn lực đất nước. Nước Nhật bại chiến bị tàn phá bởi bom nguyên tử, sau 40 năm trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Nước ta chiến thắng oanh liệt nhưng sau hơn 40 năm vẫn là nước nghèo, ngửa tay xin vay tiền giá rẻ của thế giới. Kết quả ấy, thế hệ nào phải gánh chịu trách nhiệm?

Le lói ánh sáng cuối đường hầm?

Có phải tất cả đều là một màu đen?
Dự án 1400 tỉ đồng xây dựng quảng trường cùng tượng ông Hồ Chí Minh tại tỉnh Sơn La bị nhiều chỉ trích đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải báo cáo.

Người ta cho rằng nhà cầm quyền đã phải để ý đến dư luận xã hội, đến một quyền lực mà nhà văn Bùi Minh Quốc gọi là quyền lực thứ hai, quyền lực truyền thông.

Ông Quốc đặt tên quyền tự do ngôn luận trong xã hội hiện tại của Việt nam là quyền lực thứ hai với lý do là xã hội này hiện nay vẫn chưa có tam quyền phân lập như các quốc gia phát triển bình thường, trong đó tự do ngôn luận là đệ tứ quyền. Ông nhận xét về cộng đồng những người Việt nam sử dụng mạng xã hội để thực hiện quyền lực thứ hai đó là từ chổ chỉ phát triển tự phát, những người Việt nam đã dùng mạng xã hội ngày càng có trách nhiệm hơn.

Quyền lực từ mạng xã hội đã góp phần làm cho nhà cầm quyền xem xét lại quyết định 1400 tỉ đồng mất lòng dân.

Từ đó, blogger Kami nhận định rằng đã có một xu hướng đa nguyên đáng mừng trong xã hội Việt nam. Điều làm le lói tia hy vọng bên cạnh thảm trạng mô hình Không muốn phát triển mà nhiều blogger nói đến trong tháng tám này.







No comments: