Thursday, August 20, 2015

Huyền thoại BRICS, bóng mờ ảo vọng (Thụy My - RFI)





Thụy My  -  RFI
Thứ Năm, ngày 20 tháng 8 năm 2015

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và ông Kundapur Vaman Kamath, chủ tịch ngân hàng các nước BRICS tại Bắc Kinh, 23/07/2015.  REUTERS/China Daily

Theo tác giả Renaud Girard của Le Figaro, ngân hàng rất lớn và rất khôn ngoan của Mỹ- Goldman Sachs - vào đầu thiên niên kỷ này không chỉ nổi bật với sự thành công trong việc tô điểm cho các tài khoản công của Hy Lạp đối với Bruxelles. Goldman Sachs còn sáng tác ra và phổ biến huyền thoại về BRICS, nhóm các nước được cho là đối thủ của phương Tây, mà trong tương lai rất gần sẽ áp đặt luật lệ kinh tế lên hành tinh.

Ý tưởng ở đây là, cùng với việc áp dụng tự do mậu dịch trên toàn thế giới, việc tự do hóa cơ cấu sản xuất và thương mại ở Brazil, ở Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ gây ra tiến bộ choáng ngợp về tầm vóc kinh tế các nước này, được gọi là « các quốc gia mới nổi ». Đó là những gì đã diễn ra.

Tổng sản phẩm nội địa của các nước BRICS cộng lại chiếm 15% toàn cầu vào đầu thiên niên kỷ, và nay tỉ lệ này là 27%. Nam Phi được gắn thêm vào nhóm nhỏ chọn lọc này chỉ vì lý do chính trị, để lục địa đen có được đại diện. Bởi vì sức mạnh kinh tế thực sự của Nam Phi thấp hơn nhiều so với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc hay Mêhicô.

Con số đã rõ ràng như thế, vì sao lại nói là « huyền thoại » ? Tác giả cho rằng thật ra, có đến hai huyền thoại. Thứ nhất, các quốc gia mới nổi được giới thiệu như những nước có mức tăng trưởng rực rỡ. Thứ hai, người ta muốn làm chúng ta tin rằng nhóm nhỏ các nước này là một khối có thể so sánh với Liên hiệp Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Tăng trưởng, một khi còn hiện diện, không thể nào « huy hoàng » nổi. Tại Trung Quốc, một tai nạn công nghiệp vừa tố cáo sự vô trách nhiệm của chính quyền cộng sản đối với môi trường, từ khi Đặng Tiểu Bình hô hào lao vào cuộc đua làm giàu vào đầu thập niên 80. Hôm 12/08/2015, thành phố Thiên Tân đã phải chịu đựng một vụ nổ mãnh liệt, từ kho hàng chứa chất cyanure d’hydrogène. Khoảng 200 người chết, 700 người bị thương, 6.000 người phải sơ tán. Không hề có sự tôn trọng quy trình lưu kho các sản phẩm nguy hiểm, lực lượng cứu hỏa thì bất tài.

Trong một nước Trung Quốc được lãnh đạo bởi một đảng tự cho là « cộng sản », quyền lợi chung của những người dân thấp cổ bé miệng luôn bị đặt đằng sau lợi ích các « thái tử đỏ » - con cháu những người bạn chiến đấu trước đây của Mao, đang nắm trong tay quyền lực và vơ vét tiền của.

Khi người ta sống ở Bắc Kinh, thành phố mà mặt trời thường biến mất dưới những đám mây ô nhiễm, thủ đô mà công an có thể xé phăng hộ chiếu của bạn vì bất cứ lý do gì, tổng sản phẩm nội địa (Produit National Brut - PNB trong tiếng Pháp) chẳng là gì so với hạnh phúc (tác giả chơi chữ : BNP- Bonheur National Brut).
Khi một người Trung Quốc trở nên rất giàu có, anh ta chỉ có mỗi một nỗi ám ảnh trong đầu, đó là làm sao nhập tịch Úc. Bởi vì, để bảo vệ tài sản và cho con cái ăn học, doanh nhân Trung Quốc tin tưởng vào chính phủ Canberra hơn là chính phủ mình.

Tác giả nhận định, tương lai của Trung Quốc bất định hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Trung Quốc khó tránh một sự bùng nổ về chính trị hay một cơn khủng hoảng tài chính. Trái với Mỹ, Trung Quốc không biết đến đối trọng chính trị, còn trong lãnh vực kinh tế thì thiếu vắng một hệ thống kế toán minh bạch. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đầy nợ xấu ? Chẳng ai biết cả, do không có được những bản báo cáo thường niên minh bạch, chính xác và dễ hiểu.

Nước Nga sẽ bước vào suy thoái. Lý do không chỉ là việc giá dầu thế giới sụt giảm. Đó còn là chính sách phiêu lưu mà các « siloviki » (lực lượng vũ trang gồm cảnh sát, quân đội) đã thúc đẩy điện Kremli theo đuổi ở Ukraina. Putin đã tin vào các đồng chí ở KGB khi họ nói rằng việc sáp nhập Donbass cũng sẽ ổn thỏa như Crimée. Nhưng thực tế không phải vậy, và Nga nay phải chịu đựng trừng phạt kinh tế và gánh nặng xã hội khổng lồ ở bên kia sông Don.

Brazil rơi vào một thời kỳ tăng trưởng rất thấp và phản kháng chính trị rất mạnh. Do tham nhũng hoành hành, mô hình dân chủ xã hội được ông Lula hình dung không còn hiện diện nơi giai cấp trung lưu.

Tại Ấn Độ, đất nước mà tăng trưởng cũng yếu đi, đầu tư nước ngoài hàng năm đã giảm đến 27%. Ngay cả Arcelor Mittal cũng vừa mới từ chối đầu tư tại quê hương của người sáng lập tập đoàn này ! Lỗi là do nạn quan liêu giấy tờ, lười biếng và đố kỵ đã kìm hãm các dự án sáng tạo.

Về mặt ngoại giao, nhóm BRICS vốn đã họp thượng đỉnh tại Oufa (Nga) hôm 08/07/2015, tự cho là có ảnh hưởng đến thế giới. Nhưng đó chỉ là bề ngoài : Nga và Trung Quốc cố gắng bắt tay nhau, trong khi ba nước kia từ chối tách rời khỏi Mỹ.

Huyền thoại BRICS đã nhòa nhạt. Bởi vì các quốc gia mới trỗi dậy đã hy sinh hai nhân tố hàng đầu của tất cả các xã hội vững chải : sự tôn trọng Nhà nước pháp quyền, và sự duy trì khoảng cách thu nhập hợp lý, dựa trên công lao đóng góp.






No comments: