Sunday, August 9, 2015

Cũng là lời nói (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, August 8, 2015 1:27:22 PM

Hôm thứ tư tuần rồi, ở diễn đàn vùng của Tổ Chức Các Quốc Gia Đông Nam Á (Asian Regional Forum-ARF), và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit-EAS) vốn là các diễn đàn an ninh vùng, Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Cộng đã lại một lần nữa tuyên bố là Trung Quốc đã ngưng việc lấn biển. Ông còn dụ dỗ các quốc gia Đông Nam Á nói là Trung Quốc và Hiệp Hội Asean chia sẻ ước muốn giải quyết vấn đề qua đối thoại.

Chưa hết, bên lề diễn đàn ARF, Ngoại Trưởng Vương Nghị còn đề nghị thêm bằng cớ là Trung Cộng đã ngưng lấn biển khi ông được báo chí ngoại quốc dẫn lời nói là “Trung Quốc đã ngưng. Trung Quốc đã ngưng. Quý vị muốn thấy ai đang xây dựng ư? Hãy lấy máy bay và đi xem ai đang xây dựng.”

Bắc Kinh vốn thường xuyên nói ngược lại những chỉ trích cho các hoạt động lấn biển này của họ là các quốc gia láng giềng cũng đang nạo vét biển và giành những hòn đảo trên mặt biển, mà trong nhiều trường hợp nhiều hơn là của Trung Quốc nhiều. Dĩ nhiên ông không chịu nhận là sở dĩ họ có nhiều đảo, nhiều bãi hơn nước ông vì đó là vùng đất của họ.

Có điều lời tuyên bố của ông Vương đã không thấy được báo chí nhà nước ở Bắc Kinh loan tải hôm thứ năm, chỉ ra là có lẽ đây là lời nói hớ, không định trước, vì ông bị “thiên hạ” xúm lại chỉ trích, hoặc là lời nói đó chỉ có mục đích cho ngoại quốc nghe thôi.

Vả lại ông Vương là một người quen thói “nói vậy mà không phải vậy.”

Bởi các quan sát viên đều thấy rõ là cố gắng của Trung Quốc để tạo nên “một sự đã rồi” ở Biển Đông có vẻ như đang đi sang một giai đoạn mới, tập trung vào việc xây dựng các cơ sở, có thể là các cơ sở quân sự, trên những hòn đảo nhân tạo, trong khi ngưng các hoạt động lấn biển vốn đã làm cho các quốc gia láng giềng và Hoa Kỳ tức giận.

Trong suốt gần hai năm qua, những bè lớn và tàu nạo vét với kỹ thuật tân kỳ đã đào xuống đáy biển và đổ lên khoảng nửa tá những bãi đá hay bãi san hô để tạo nên 2,000 acres các đảo nhân tạo. Đa số các chuyên gia quân sự và ngay cả các tướng lãnh của quân đội Hoa Kỳ cũng tin những hòn đảo nhân tạo này rồi sẽ trở thành những phi đạo, hải cảng và các căn cứ quân sự nhằm hỗ trợ cho tham vọng dành chủ quyền trên toàn thể Biển Đông.

Trung Quốc, qua lời của ông Vương, và các phụ tá của ông, đã nhiều lần đưa chỉ dấu là việc nạo vét nay đã gần hoàn tất. Nhưng điều không thấy họ đả động gì đến là bước tới trong một loạt những lời tuyên bố đối nghịch nhau, những đe dọa qua các cuộc tập trận hải chiến và ngoại giao quốc tế.

Giám đốc Học Viện Nghiên Cứu Biển Nam Trung Hoa được đặt ở Đảo Hải Nam, ông Wu Shi Cun, thì diễn giải là lời tuyên bố của ông Vương chỉ nói riêng đến việc nạo vét mà thôi. Ông ta bảo với tờ Financial Times là “Trung quốc đã hoàn tất mọi dự án lấn biển. Lấn biển là một phần của việc kiến tạo các hòn đảo. Việc xây dựng những cơ sở dân sự (đài hải đăng, và các cơ sở giúp đỡ hải hành) mới bắt đầu.”

Một nhà ngoại giao Tây phương ở Bắc Kinh thì nói thẳng hơn “Tôi nghĩ 'chúng tôi đã ngừng' có nghĩa là 'chúng tôi đã ngừng giai đoạn này', nhưng chúng tôi có thể bắt đầu một giai đoạn mới bất cứ lúc nào.”

Chả thế mà mới hôm 3 tháng 8 vừa qua, ông Vương còn bác bỏ một sáng kiến 'bị chê bai' của Hoa Kỳ là mọi phe phái phải đình chỉ việc xây dựng trên các hòn đảo bãi cạn này là “thiếu thực tế và không khả thi.”
Tiến Sĩ Euan Graham của Học Viện Lowy ở Sydney thì nói lời tuyên bố của ông Vương “rõ ràng là một cách chơi chữ,” nhưng tuy vậy có thể là Trung Cộng thực sự đến giai đoạn cuối của giai đoạn lấn biển trong việc xây dựng đảo nhân tạo. Ông giải thích thêm, “Đề nghị ngưng chả có ý nghĩa gì nếu việc xây dựng và cải tiến các cơ sở và hạ tầng cơ sở trên các đảo nhân tạo đó tiếp tục.”

Chuyên gia về Biển Đông của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS) ở Washington còn thêm, “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc thực sự cố gắng gia sức trong tháng 6 và tháng 7 việc nạo vét biển, thành ra tôi nghĩ đó chính là cái kế hoạch của họ, là để vào ngày có những cuộc họp vùng này họ có thể bảo 'đúng' chúng tôi đã hết nạo vét biển. Dĩ nhiên họ không nói gì đến xây dựng thêm và quân sự hóa.”

Ngược lại khi Ngoại trưởng John Kerry, cũng ở khóa họp ở Kuala Lumpur, lên tiếng đòi ngưng “những hành động có vấn đề” thì ông muốn nói không những việc nạo vét biển mà còn việc xây dựng các cơ sở quân sự nữa. Một phi đạo trên Bãi Chữ Thập có thể dài đến 3km khi hoàn tất, có khả năng tiếp nhận chiến đấu cơ phản lực. Bà Glaser còn thêm là một giải xi măng dài trên Bãi Subi có thể là chỉ dấu Trung cộng đang tính chuyện thêm một phi đạo nữa.

Vả lại các chuyên gia về Biển Đông còn nhắc lại là mùa bão sắp tới và Biển Đông khi vào mùa bão, theo các thủy thủ người Anh, còn tệ hơn cả Bắc Hải của Anh nữa. Bắc Hải vốn nổi tiếng biển động ở Âu Châu. Trong mùa bão đó, nạo vét không thể làm được nên rút tàu về là phải rồi.

Ấy là chưa kể chủ tịch họ Tập sắp lên đường đi thăm Hoa Kỳ trong năm nay.

Cũng tại diễn đàn hôm thứ năm vừa qua, Ngoại Trưởng John Kerry đã cáo buộc thẳng là Trung Cộng đã giới hạn hải hành và phi hành trên vùng tranh chấp của Biển Đông, mặc dầu đã nhiều lần trấn an là các hoạt động đó sẽ không bị giới hạn.

Chỉ trích thẳng Trung Cộng, ngay trước mặt ông Vương Nghị, hẳn sẽ mang vấn đề Biển Đông vào nghị trình khi Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm Washington vào tháng tới.

Tuyên bố tại Hội Nghị thượng đỉnh vốn có sự hiện diện của tất cả các ngoại trưởng quan trọng trong vùng và trên thế giới, Ngoại Trưởng Kerry đã khẳng định, “Tự do hải hành và không hành là một trong những nền tảng căn bản của luật hàng hải quốc tế. Mặc dầu đã có những bảo đảm là những quyền tự do này sẽ được tôn trọng, chúng ta đã thấy nhiều khuyến cáo báo động và cố gắng giới hạn trong mấy tháng gần đây. Tôi xin nói rõ, “Hoa Kỳ không chấp nhận giới hạn cho quyền tự do hải hành và không hành, hay bất cứ mọi sử dụng hợp pháp của biển cả.”

Ngoại Trưởng Kerry không đưa ra những trường hợp cụ thể nhưng các chiến hạm, tàu tuần dương, tàu hải giám và ngư chính của Trung Cộng đã nhiều lần khuyến cáo và cản trở các ngư dân và tàu bè Philippines và Việt Nam. Rồi hôm tháng 5 vừa qua, cả thế giới đã thấy trên đài CNN việc hải quân Trung Cộng tám lần khuyến cáo chiếc phi cơ thám báo P8-A Poseidon của hải quân Hoa Kỳ khi họ bay qua vùng này.

Phía Trung Cộng thì có vẻ tin tưởng là Hoa Kỳ sẽ không để cho cuộc tranh cãi về Biển Đông làm lu mờ chuyến đi của ông Tập. Một chuyên gia về bang giao quốc tế đã từng là một nhà cựu ngoại giao Trung Cộng, ông Ruan Zong Ze, đã giải thích, “Có rất nhiều điều khác cần phải bàn thảo. Không trong quyền lợi của cả hai quốc gia để cho phép việc này ảnh hưởng đến những vấn đề lớn hơn.”

Có điều có thể nhà ngoại giao đó chưa hiểu lập trường của Tổng Thống Barack Obama và của Hoa Kỳ về Biển Đông. Hoa Kỳ, trong vị thế cường quốc số một trên thế giới hiện nay, không thể để cho Trung Cộng thao túng và biến Biển Đông thành một cái ao của mình.

Ông Kerry, trong khi gặp gỡ với báo chí nói “Trong cuộc gặp gỡ của tôi với ông Vương Nghi, ông đưa ra chỉ dấu mà tôi nghĩ là một sự sẵn sàng khác của Trung Quốc để tìm cách giải quyết một số vấn đề này, tuy nhiên tôi nghĩ nó vẫn chưa hoàn toàn tốt như chúng ta muốn thấy. Nhưng nó là một sự khởi đầu, và nó có thể mở ra vài cơ hội cho đối thoại trong những tháng sắp tới đây. Chúng ta phải chờ xem.”

Lời nói thẳng thắn đó của ông Kerry khác hẳn với lối nói của ông Vương.

Điều quan trọng hơn, như Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Úc giải thích là trong khi Washington “tố thêm” thì lời nói của ngoại trưởng phải đi đôi với hành động. Giáo Sư Thayer thẳng thắn tiếp, “Trung Quốc đã ngưng xây dựng. Họ đang xây dựng hạ tầng cơ sở. Trung Quốc đang từ từ cướp mất trái tim hàng hải của Đông Nam Á.”

Cũng là lời nói nhưng có lời nói trung thực mà lại có lời nói lươn lẹo. Và quan trọng hơn là lời nói dĩ nhiên là hành động. Trong một thông báo ít ai để ý đến, Bộ Ngoại Giao nói Ngoại Trưởng Kerry đã loan báo một đối tác đại dương và ngư nghiệp của cơ quan viện trợ quốc tế USAID với ngân khoản đầu tiên là 4 triệu đồng để giúp đối phó với đe dọa đánh cá bất hợp pháp và không kiểm soát ở Đông Nam Á. Còn ai đánh cá lậu nếu không phải là những con tàu suốt từ Hoa Lục tìm đến tận Trường Sa để đánh cá?







No comments: