Thursday, August 13, 2015

Chọn Lựa của Ngải Vị Vị (Phùng Nguyễn)





14.08.2015

Vào khoảng cuối tháng 7 năm 2015, nhà nước Trung Quốc, một cách bất ngờ, hoàn trả cho Ngải Vị Vị tấm hộ chiếu họ đã tịch thu của ông bốn năm về trước. Tháng 4 năm 2011, Ngải Vị Vị  bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giữ với tội danh “trốn thuế.” Ông được cho về nhà dưới chế độ quản chế tại gia sau 81 ngày bị “tạm giam” nhưng hộ chiếu của ông thì được nhà nước “cất hộ”. Ngoài ra ông còn bị cấm tham dự vào những “sinh hoạt chính trị.” Nghĩa là ông bị tước đoạt cái khả năng đi lại tự do cũng như quyền được sinh hoạt như một công dân bình thường. Những người ủng hộ Ngải Vị Vị cho rằng tội danh trốn thuế chỉ là cái cớ để chính quyền Trung Quốc làm im tiếng nhà hoạt động dân chủ này. Trong những năm tháng sau đó, chính quyền nới lỏng dần những hạn chế, cấm đoán áp đặt lên Ngải Vị Vị một cách tùy hứng và không một lời giải thích. Khi quyết định trả lại cho Ngải Vị Vị giấy hộ chiếu cũng vậy, không một ai biết được tại sao! Một người bạn, và đồng thời là luật sư của nhà nghệ sĩ phản kháng nổi tiếng này, đã gửi lời chúc mừng qua mạng Tweeter với lời cảnh báo: “Có thông hành không có nghĩa là muốn đi đâu thì đi!”

Nói chung, Ngải Vị Vị ở Trung Quốc và các nhà hoạt động dân chủ/nhân quyền ở Việt Nam luôn ở vào một tình thế khó xử. Với Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ có tầm mức quốc tế, làm thế nào để giữ được tính cách gây hấn, không thỏa hiệp trong phát ngôn cũng như trong các công trình nghệ thuật (phần đông được dàn dựng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc) và cùng một lúc không làm cho chính quyền đủ lo ngại để áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế quyền căn bản của một công dân Trung Quốc bình thường, thí dụ như không bị quản thúc tại gia hay tước hộ chiếu… Việc đu dây giữa những nhu cầu đối nghịch nhau không phải là điều ai và khi nào cũng có thể thực hiện được.

Để tránh không phải đối đầu với hoàn cảnh khó xử này, Ngải Vị Vị có thể chọn ra nước ngoài để sinh sống. Đây là một lựa chọn hợp tình hợp lý, xét hoàn cảnh của Ngải Vị Vị. Gia đình hạt nhân của ông, gồm vợ và cậu con trai nhỏ, hiện đang cư ngụ tại Berlin, Đức Quốc.

Theo nguồn tin mới nhất, bộ ngoại giao Đức mới đây đã cấp visa dài hạn cho phép Ngải Vị Vị được ra vào nước này thoải mái trong nhiều năm tới. Như vậy, việc đi thăm gia đình (với sự cho phép của chính quyền Trung Quốc) và chọn ở lại nước Đức với tư cách tỵ nạn xem ra là điều có thể thực hiện được. Chỉ riêng mục tiêu đoàn tụ gia đình cũng đủ là một lý do xứng đáng cho việc rời bỏ tổ quốc. Tuy vậy, điều này không nhất thiết là chọn lựa tối ưu cho mục tiêu tranh đấu của Ngải Vị Vị, và có vẻ như ông cũng đồng ý như thế. Khi được hỏi ông thấy chính mình ở đâu trong tương lai, Ngải Vị Vị trả lời là ông sẽ làm được việc nhiều hơn nếu ở lại trong nước. Nếu chọn phương án ở lại, Ngải Vị Vị coi như chấp nhận giao phó an nguy của mình cho “luật rừng” của đảng cầm quyền ở lục địa.

Những gì xảy ra cho Ngải Vị Vị cũng đã từng xảy ra cho nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động dân chủ/nhân quyền tại Việt Nam. Về tội trốn thuế thì có blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, bị bắt hồi tháng 4 năm 2008 và sau đó bị tuyên án hai năm rưỡi tù giam.  Bị tước hộ chiếu thì khá đông, và khá phổ biến. Gần đây nhất, có giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chủ nhân của mạng Bauxite Việt Nam và blogger Huỳnh Thục Vy là hai nạn nhân mới nhất của  hành động cấm xuất cảnh và thu hồi hộ chiếu tùy tiện này. Dựa trên các biện pháp chế tài giống nhau như đúc của hai nước anh em, những ai tin rằng nạn Bắc thuộc của xứ An Nam ta đã chấm dứt từ nhiều thế kỷ trước cần phải đối chiếu lại với thực tế!

Chuyện đi hay ở cũng là một vấn nạn to lớn mà các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đang phải đối diện.  Đã có người ra đi, như Cù Huy Hà Vũ, và gần đây nhất, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Còn quá sớm để kết luận hai người này sẽ hoạt động hữu hiệu hơn nếu chọn ở lại trong nước, bên cạnh một điều có vẻ chắc chắn hơn: tiếp tục ở tù! Riêng với những người có cơ hội ra đi nhưng đã chọn ở lại, họ thức giấc mỗi buổi sáng ý thức được rằng cái khả năng bị nhiễu hại, tù đày là có thật và rất gần gũi.

Nếu chọn ở lại, Ngải Vị Vị không phải chỉ đối phó với sự đe dọa thường xuyên của nhà nước Trung Quốc mà còn cả sự lãnh đạm, thậm chí chê trách của một số đồng nghiệp của ông. Ở nội địa Trung Quốc, không phải ai cũng ưa thích Ngải Vị Vị, không phải ai cũng ngưỡng mộ cung cách diễn đạt những ưu tư chính trị dõng dạc, mạnh mẽ như Ngải Vị Vị. Khi được hỏi tại sao các họa sĩ trẻ Trung Quốc có vẻ ngần ngại không muốn can dự vào chính trị, một người am hiểu tình hình Trung Quốc cho rằng nguyên do là ở chuyện kiếm tiền. “Nếu anh có thể né tránh chuyện chính trị, chỉ nhắm vào khía cạnh kinh doanh, đời sống sẽ khá hơn nhiều.”

Họa sĩ đa phương tiện Vương Kiến Vĩ (Wang Jianwei), người có cuộc triển lãm gần đây ở Guggenheim, hoàn toàn phủ nhận Ngải Vị Vị. Vương Kiến Vĩ cho rằng nhiều người thuộc giới thưởng ngoạn và phê bình hội họa phương Tây chỉ chú trọng vào khía cạnh “phản kháng” của văn nghệ sĩ Trung Quốc. “Chúng tôi (nghệ sĩ tạo hình Trung Quốc) không quan tâm đến Ngải Vị Vị và cái cung cách giới truyền thông Tây phương ‘thờ phượng’ ông ta. Nếu một tác phẩm nghệ thuật hay, tự nó hay!”

Khi được hỏi về hiện tượng một số họa sĩ (trẻ) có vẻ như đang quay lưng lại với chính trị, chỉ chuyên tâm vào cái gọi là “đời sống cá nhân” của chính mình, Ngải Vị Vị cho rằng đó chỉ là một cái cớ. “Trong xã hội Trung Quốc, liệu có cái gọi là ‘cá tính’ trong khi thiếu vắng những quyền cơ bản của cá nhân? Người ta có thể trốn tránh, có thể giả bộ, nhưng khi nói đến nghệ thuật đương đại, nó được phát triển qua sự phấn đấu [chống lại sự áp đặt của thế lực thống trị]. Những văn nghệ sĩ không thừa nhận điều này chỉ muốn được tất. Họ luôn luôn đứng về phe thống trị. Tôi không trách họ. Tôi bắt tay, tươi cười. Nhưng trong lòng là một nỗi thất vọng to lớn.”

Nhận xét của Ngải Vị Vị về yếu tố cần thiết để nghệ thuật đương đại phát triển, “cá tính,” theo tôi, chính là tính đặc thù, độc lập, và toàn vẹn của cá thể. Nhìn ở phạm trù cá nhân, những điều kiện này không thể tồn tại cùng một lúc trong một chế độ mà những quyền cơ bản của tự do ngôn luận không được tôn trọng. Kết luận của Ngải Vị Vị,  nếu chính xác, sẽ trở nên một phần không thể tách rời trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của một tác phẩm, bất kể đó là một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ, một bức tranh, hay một công trình sắp đặt nghệ thuật. Liệu một nhà văn hoặc một họa sĩ có thể cô lập hóa tác phẩm của mình từ/khỏi những biến động văn hóa và chính trị của xã hội đương thời mà không làm giảm đi hoặc triệt tiêu giá trị nghệ thuật của chính tác phẩm đó hay không?

Có vẻ như những chọn lựa mà giới làm văn học nghệ thuật Trung Quốc đang giằng co cũng không khác biệt gì mấy với những vấn nạn mà văn nghệ sĩ Việt Nam hiện phải đối đầu. Sân chơi văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay, ở một số góc nhìn, đủ rộng và đủ thoáng để văn nghệ sĩ chơi đùa mà không cảm thấy quá tù túng. Chừng nào họ chỉ chạy lòng vòng trong sân, không quá xa khu trung tâm, đám giám biên với đôi mắt cú vọ sẽ không có cơ hội phất cờ đỏ cờ vàng. Lâu ngày chày tháng, người ta tin rằng tự do sáng tác/tự do diễn đạt là điều có thật, và bằng cớ là họ đang sở hữu những đặc quyền này. Xem ra đâu có gì khác biệt giữa họ và các nghệ sĩ cùng sở thích bên Tây, bên Mỹ, những nơi mà tự do, dân chủ là những định chế phát triển và ổn định từ lâu. Cho đến khi họ, vì lý do này hay lý do khác, mon men ra tận vùng biên của sân chơi, chạm vào những đề tài được xem là “nhạy cảm” theo quan điểm của nhà cầm quyền, và nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa lựa chọn và tránh né. Từ đó, họ thỉnh thoảng tự hỏi, liệu họ có thật sự yên tâm và hài lòng với con đường đã chọn.

Mong là họ sẽ thành thật với chính mình khi trả lời câu hỏi quan trọng này. Bởi vì nó có thể giúp họ điều chỉnh lại khoảng cách giữa họ và trung tâm điểm của cái sân chơi văn học nghệ thuật quốc nội.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.








No comments: