Thursday, August 6, 2015

Biết thay đổi mới là khôn ngoan (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, August 5, 2015 3:01:04 PM

Tháng Tám là tháng mà trong giới báo chí gọi là tháng của những chuyện lẩm cẩm (silly stories) bởi vì trong tháng này hầu như không có chuyện nào quan trọng xảy ra khiến cho báo chí phải kiếm những chuyện vớ vẩn để thế vào. Nhưng tháng tám năm nay tại Anh chưa đến nỗi tệ như vậy.

Trước hết là vụ dân di dân - “lậu” nhưng hầu như công khai - tại Calais, công nhiên vượt hàng rào kẽm gai đầu đường hầm qua biển nối liền Anh với Pháp để tìm cách nhảy lên xe hỏa sang Anh. Vụ này đã làm ồn lên một đợt tranh luận gay gắt về chính sách di dân và tị nạn chính trị của chính phủ ông David Cameron. Cũng liên quan đến chuyện di dân và nhập cảnh là chuyện chính phủ Anh không cho ông Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc và cũng là một nhà bất đồng chính kiến đã bị Trung Quốc bắt và cuối cùng phải thả ra vì áp lực quốc tế, chiếu khán nhập cảnh vào Anh.

Đầu tuần này chính phủ Anh tuyên bố đem bán 5% cổ phần của chính phủ trong ngân hàng RBS (Royal Bank of Scotland). Số cổ phần này chính phủ Anh có được khi cứu ngân hàng này khỏi phá sản nhân trong cuộc Đại Suy Thoái. Vụ bán này có thể chẳng gây ra tai tiếng gì, nhưng bỗng nhiên trở thành vấn đề khi người dân và báo chí thấy rằng chính phủ đã bán ra với một giá rẻ mạt làm lỗ cho công quỹ khoảng một tỷ bảng Anh. Điều đáng chú ý là bất chấp những chỉ trích của báo chí cũng như của những chuyên gia, chính phủ Anh vẫn kiên quyết không thay đổi thái độ

Thời còn trẻ đang đi học ở đại học, tôi được các ông thầy dạy là phương pháp khoa học đòi hỏi mình phải khách quan và khi một thí nghiệm cho thấy giả thuyết mình đưa ra không đúng thì mình phải thay đổi giả thuyết đó cho phù hợp với sự thật mới. Về sau càng lớn lên càng thấy rằng đó là một chuyện hiếm có.

Tôi được đọc một số tài liệu về tâm lý xã hội học cho thấy chúng ta, ai cũng có khuynh hướng diễn tả những chuyện xảy ra, bất kể bản chất của chúng là chuyện gì như là chứng minh sự chính xác của những gì chúng ta vẫn coi là đúng. Và điều đó đúng cho cả những nhà trí thức trong tháp ngà đại học cũng như những khán giả của Fox News. Công trình nghiên cứu của John Joannidis đã cho thấy không phải thí nghiệm khoa học nào cũng có thể lập lại và cho cùng một kết quả.

Các công trình nghiên cứu về tâm lý học cho thấy nói chung người ta có thể tiên đoán một cách chính xác lập trường của một người Mỹ về phá thai nếu ta biết người đó nghĩ gì về thay đổi khí hậu và ngược lại. Tương tự như vậy, những ai quan tâm đến vấn đề bất công kinh tế thông thường cũng ủng hộ việc kiểm soát kinh doanh và sở hữu vũ khí trong lúc những người không quan tâm đến chuyện bất công kinh tế thường chống lại việc kiểm soát vũ khí. Tại sao lại có một tương quan mật thiết như vậy giữa những vấn đề hầu như không có quan hệ gì với nhau cả? Đó là vì ý kiến của người ta về mọi vần đề nay càng ngày càng dựa vào việc người ta thuộc vào tầng lớp chính kiến nào trong xã hội và càng ngày càng ít dựa vào việc suy xét các dữ kiện.

Thế nhưng may mắn cũng còn có những người vẫn cón cố gắng dựa vào những sự kiện khách quan để xác định quan điểm của mình. Nhà kinh tế học nổi tiếng của Anh John Maynard Keynes vẫn thường được dẫn lời đã trả lời một người chỉ trích mình là, “Khi sự kiện thay đổi, tôi thay đổi. Thế còn ngài thì sao?” Giống như nhiều câu nói được gán cho ông câu này có vẻ không phải là câu mà ông thực sự đã nói ra. Nguồn gốc nguyên thủy của nó là trong một bài viết của ông Paul Samuelson (một nhà kinh tế được giải thưởng Nobel và chưa chắc đã chính tai nghe) và câu nói đó là “Khi các thông tin thay đổi, tôi thay đổi kết luận.”

Có một khác biệt tế nhị nhưng quan trọng giữa hai câu “sự kiện” và “thông tin”. “Sự kiện” chỉ ra một cái gì khách quan mà ai cũng có thể thấy; trong khi “thông tin” nói đến một cái gì chủ quan, kiến thức của người nói về những sự kiện tương ứng với vấn đề. Nó đòi hỏi một sự rộng rãi về tâm lý nhiều hơn để có thể chấp nhận rằng những thông tin mới đòi hỏi một kết luận khác cho cùng một vấn đề hơn là việc chấp nhận rằng những vấn đề khác nhau đòi hỏi những giải pháp khác nhau.

Nhưng ông Keynes có lẽ còn nên nói một cách hay hơn nữa, “Ngay cả khi những dữ kiện không thay đổi, tôi đôi khi cũng thay đổi ý kiến.” Lịch sử cuộc đời của ông cho thấy rằng ông quả thực đã không cảm thấy xấu hổ gì khi làm như vậy. Và ông đã viết như vậy khi viết bài điếu văn cho một nhà kinh tế nổi tiếng khác, Alfred Marshall. Alfred Marshall có khuyết điểm là ngần ngại không chịu công nhận là mình sai. Và Keynes viết, “Không có gì đáng xấu hổ khi đôi khi mình sai.”

Chấp nhận rằng mình không biết, chấp nhận rằng đôi khi mình sai là một dấu hiệu không phải là của ngu dốt mà là thông minh. Một thành tựu cao hơn nữa của trí thông minh cũng còn được diễn tả bởi Scott Fitzgerald, “Dấu hiệu của một trí thông minh hạng nhất là khả năng có thể giữ hai ý tưởng trái ngược nhau trong đầu mà vẫn giữ được khả năng suy luận.”

Chỉ tiếc là giới chính trị Anh bây giờ không ai giữ được cái điều đó. Không những họ không dám nhận mình là sai, họ cũng không chịu thay đổi khi dữ kiện hay thông tin thay đổi.







No comments: