Xâm
lăng, quốc gia, mất nước, và ngày quốc hận
Cao-Đắc
Tuấn
Tóm Lược: Trong phần thứ nhì của bài có hai
phần, tác giả Cù Huy Hà Vũ lý luận rằng đảng cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) phải giải thể để cứu nước. Tuy câu kết luận này có thể có
chút giá trị, nhiều lý luận và kết luận của ông trong phần thứ
nhất lại sai lầm hoàn toàn. Đại khái, các khẳng định của ông, kể
cả câu không có xâm lăng và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) không phải là một
quốc gia, là các khẳng định sai lầm. Quan trọng hơn, lý luận rằng
không có việc mất nước và ngày 30 tháng 4 không nên là ngày quốc hận
cho thấy ông kém hiểu biết về người Việt hải ngoại (NVHN) và dân
Việt Nam chống cộng, nhất là người miền Nam, đang sống ở Việt Nam.
Trên thực tế, cảm xúc mất nước của họ lúc nào cũng có thật vì
quả thật VNCH bị phe cộng sản Việt Nam chiếm đóng. Ngày quốc hận
được kỷ niệm không phải chỉ thương tiếc sự mất tự do và dân chủ, mà
còn đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử
Việt Nam.
*
Cù Huy Hà Vũ (2015), người Việt Nam bất đồng
chính kiến và học giả tại trường Đại Học George Washington, gần đây
viết một bài đăng trên trang mạng của Voice of America, ban tiếng Việt.
Đại khái, bài của ông có thể được chia ra thành hai phần. Trong phần
thứ nhất, ông lý luận rằng ngày 30 tháng 4 không nên là ngày quốc
hận trong các cộng đồng NVHN. Trong phần thứ nhì, ông lý luận rằng tuy
không nên có ngày quốc hận, chính quyền cộng sản Việt Nam là thủ
phạm đã gây ra hận thù vì bản chất họ. Do đó, giải thể ĐCSVN là
cách duy nhất để cứu đất nước Việt Nam và xóa bỏ mọi hận thù trong
người dân Việt.
Tuy phần kết luận của bài luận có thể có
chút giá trị, có nhiều vấn đề trong phần đầu.
A.
Bài của ông Vũ thiếu mạch lạc vì hai phần không có liên kết luận lý
Ta có thể nhận ra ngay một sự bất bình
thường trong bài ông Vũ: phần thứ nhất và phần thứ nhì chẳng có
liên hệ gì với nhau cả. Mỗi phần có thể đứng một mình có luận lý,
nhưng mỗi phần không cần phải cung cấp tiền đề cho, hoặc dùng kết
luận từ, phần kia. Ông Vũ cố móc nối hai phần bằng một kết nối
nghĩa ngữ; nghĩa là chữ "hận." Tuy nhiên, chữ "hận"
không liên kết hai phần với nhau theo luận lý.
Một bài luận văn trình bày có các phần không
liên hệ nhau được gọi là thiếu mạch lạc hoặc không chặt chẽ. Không có
gì nghiêm trọng về một bài luận trình bày thiếu mạch lạc. Cùng lắm
người ta có thể nói tác giả bài luận là người viết dở. Tuy nhiên,
khi bài luận chính trị có một chuỗi lý luận trong đó kết luận của
một lý luận là tiền đề của lý luận kế tiếp, dẫn đến kết luận
cuối cùng, có một sự nguy hiểm về việc thiếu mạch lạc. Sự nguy
hiểm đó là độc giả thiếu cẩn thận có thể quá hứng chí với câu
kết luận cuối cùng của bài luận mà tưởng mọi chuyện trong bài luận
đều đúng hết. Khi một bài có hai phần như bài của ông Vũ, các kết
luận sai lầm của phần thứ nhất có thể bị che khuất, hoặc diễn giải
là đúng do bởi cái kết luận có vẻ đúng trong phần thứ nhì.
Cái kết luận rằng việc giải thể ĐCSVN là
cách duy nhất để cứu nước Việt Nam và xóa bỏ mọi hận thù trong dân
Việt quá hấp dẫn và nhử nhiều người Việt đến độ họ có thể tưởng,
đôi khi trong tiềm thức, rằng các lý luận và kết luận ở phần đầu
là đúng, nhất là kết luận rằng không nên có ngày quốc hận trong
cộng đồng NVHN.
Do đó, rất quan trọng mà vạch ra các lập
luận và kết luận sai lạc trong phần đầu của bài ông Vũ để tránh hiểu
lầm hoặc lẫn lộn và để "giữ mọi việc chính xác." Trong
bài này, tôi sẽ không thảo luận về phần thứ nhì trong bài ông Vũ mà
chỉ chú trọng vào phần thứ nhất.
B.
Phần thứ nhất trong bài ông Vũ đầy rẫy sai lầm và không chính xác,
dẫn đến những kết luận không đúng.
Trong phần thứ nhất, ông Vũ dựa lập luận ông
trên hai tiền đề: (1) hành động xâm lăng chỉ có thể được thực hiện
bởi một nước hay quốc gia với một nước hay quốc gia khác, (2) Việt
Nam Cộng Hòa (VNCH) ở miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở
miền Bắc chỉ là hai vùng lãnh thổ của quốc gia Việt Nam và không
phải là quốc gia hoặc nước, dựa vào quan điểm chính thống của VNCH.
Tiền đề (2) là kết luận của lý luận có hai tiền đề: (3) Không câu
nào trong hai Hiến pháp của VNCH khẳng định rằng "quốc gia hoặc
nước" chỉ gồm có miền Nam Việt Nam, và (4) Nam Việt Nam có dự
tính thống nhất đất nước.
Dựa vào (1) và (2), ông Vũ kết luận rằng
miền Bắc không xâm lăng miền Nam vì hành động xâm lăng chỉ có thể
được thực hiện bởi một quốc gia hoặc nước với một quốc gia hoặc
nước khác, và cả miền Bắc lẫn miền Nam đều không phải là quốc gia
hay nước. Ông Vũ sau đó cho rằng vì không có xâm lăng và không có quốc
gia hay nước, nên không có mất nước. Từ đó, ông Vũ kết luận là ngày
30 tháng 4 không nên gọi là "Ngày Quốc Hận" ("The National
Day of Hatred") ("Cũng như vậy, không thể gọi ngày 30 tháng 4 là
'Ngày Quốc hận' vì đã không có chuyện 'mất nước' vào ngày đó.") Ông Vũ
hỗ trợ kết luận này bằng lý luận rằng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975,
quốc gia hoặc nước Việt Nam vẫn hiện hữu trên bản đồ thế giới, là
một thành viên của Liên Hiệp Quốc, và có quan hệ ngoại giao với
nhiều quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ ("Thực vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn
có tên trên bản đồ thế giới, là thành viên Liên Hiệp Quốc, có quan hệ ngoại
giao với nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ, cho dù lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm
nhiều nơi, nhất là ở biển Đông.")
Các lý luận của ông Vũ sai lầm trên ít nhất
bốn khía cạnh: định nghĩa của xâm lăng, tính chất quốc gia của miền
Nam Việt Nam hoặc VNCH, việc mất nước, và ý nghĩa của ngày quốc
hận. Bất cứ một trong những lý luận hoặc kết luận của ông có thể
làm toàn thể chuỗi lý luận ông vô giá trị. Tuy nhiên, tôi không chỉ
muốn cho thấy một lập luận hoặc kết luận nào đó sai lầm Tôi muốn
cho thấy toàn thể khái niệm của ông Vũ về quốc gia hoặc nước, sự
mất nước, và Ngày Quốc Hận là sai lầm.
1.
Xâm lăng là một chiến dịch quân sự dính líu thực thể địa chính,
không nhất thiết chỉ dính líu quốc gia có chủ quyền hoặc nước.
Tiền đề của ông Vũ rằng hành động xâm lăng
chỉ có thể được thực hiện bởi một quốc gia hoặc nước với một quốc
gia hoặc nước khác là một tiền đề sai lầm.
Theo định nghĩa, xâm lăng "là một cuộc
tấn công quân sự trong đó một số lớn chiến sĩ của một thực thể địa
chính hung hăng tiến vào lãnh thổ kiểm soát bởi một thực thể khác,
thường với mục tiêu chinh phục, giải thoát hoặc tái thiết lập kiểm
soát hoặc quyền hành trên một lãnh thổ, ép buộc chia đất nước, thay
đổi chính quyền có sẵn, hoặc đạt được nhượng bộ từ chính quyền
đó, hoặc một kết hợp mọi việc trên" (Wikipedia 2015a).
Xâm lăng, do đó, không nhất thiết dính líu đến
một hay nhiều quốc gia/ nước. Bất cứ một chiến dịch quân sự rộng
lớn nào bởi một thực thể với ý định chiếm đóng một lãnh thổ đang
được chiếm đóng bởi một thực thể khác đều được gọi là "xâm
lăng." Những chiến dịch quân sự tiến hành bởi quân Bắc Việt
chống lại miền Nam trong chiến tranh Việt Nam và dẫn đến sự chiếm
đóng miền Nam tạo nên một cuộc xâm lăng, cho dù miền Bắc Việt Nam
hoặc miền Nam Việt Nam là quốc gia/ nước hay không.
Cho dù miền Bắc và miền Nam Việt Nam là hai
phe trong một cuộc nội chiến, một luận đề mà ông Vũ muốn đưa ra,
những chiến dịch quân sự của Bắc Việt vẫn được gọi là "xâm
lăng" vì "lực lượng vũ trang của họ tiến vào phần qui định
rõ rệt của [miền Nam Việt Nam] mà, vào lúc chiến dịch, hoàn toàn
dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang của [miền Nam Việt
Nam]" (Wikipedia 2015a). Thí dụ cho các cuộc xâm lăng như vậy là
các chiến dịch quân sự tiến hành trong Chiến Tranh Cách Mạng Mỹ và
Cuộc Nội Chiến Mỹ (sđd.).
Trên thực tế, như mọi tài liệu lịch sử sho
thấy, Hồ Chí Minh và các đồng chí, kể cả Lê Duẩn và Võ Nguyên
Giáp, thực hiện một kế hoạch hệ thống để xâm lăng Nam Việt Nam qua
nhiều năm trong suốt cuộc chiến. Trong suốt những năm này và sau cuộc
chiến, sử gia thế giới và người miền Nam, dân sự hay quân sự, đều
gọi những chiến dịch quân sự hoặc tấn công của cộng sản Bắc Việt
là hành động xâm lăng. Xem, thí dụ như, "Viên chức Nam Việt Nam
tuyên bố hai đại đội quân Bắc Việt xâm lăng Nam Việt Nam" (History),
"Cuộc xâm lăng thông thường này... là một sự khác biệt căn bản
với các cuộc tấn công của quân Bắc Việt trước đó" (Wikipedia
2015f), "Phần đầu của đoạn kết đến vào đầu tháng ba năm 1975 khi
lực lượng xâm lăng lên đến hai mươi sư đoàn được tung ra cho cuộc tấn
công cuối cùng của chiến tranh" (Sorley 1999, 376).
Định nghĩa sai lầm của ông Vũ về "xâm
lăng" thực ra không quan trọng vì cho dù xâm lăng dính líu đến một
quốc gia hay một thực thể địa chính, Nam Việt Nam là một quốc gia có
chủ quyền đầy đủ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 như được thảo luận
sau đây.
2.
Trong cuộc chiến, miền Nam Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền hay
một nước
Khó mà có định nghĩa rõ rệt về nước, quốc
gia có chủ quyền, hoặc dân tộc một cách tổng quát. Tôi sẽ thảo luận
vấn đề này trong một bài kế tiếp. Tuy nhiên, thật dễ dàng chứng minh
rằng miền Nam Việt Nam, hoặc VNCH, là một quốc gia có chủ quyền hoặc
một nước trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trước hết, ông Vũ lý luận rằng nhóm chữ
"Việt Nam Cộng Hòa" chỉ nói đến danh xưng của thể chế chính
trị, và không phải là tên của quốc gia hoặc nước Nam Việt Nam, như
được cho biết trong hiến pháp VNCH. Tuy việc này không quan trọng trong
việc phân tích, tôi duy trì rằng "miền Nam Việt Nam" và
"Việt Nam Cộng Hòa" thiết yếu nói về cùng một quốc gia có
chủ quyề̀n hay nước bởi vì trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, chế độ
của VNCH giữ y nguyên tại miền Nam và do đó hai tên này đồng nghĩa.
Trong phần lý luận chính, ông Vũ nhấn mạnh
rằng không câu nào trong cả hai [1956 và 1967] Hiến pháp của VNCH khẳng
định rằng "quốc gia hoặc nước" chỉ gồm có miền Nam Việt Nam
("...không có câu nào của cả hai Hiến pháp trên quy định 'quốc gia' chỉ gồm
miền Nam Việt Nam.")
Bằng cách dùng hai hiến pháp của VNCH và các
dự tính khác (thí dụ như nỗ lực thống nhất), ông Vũ khẳng định
rằng "theo quan điểm chính thống của Việt Nam Cộng hòa thì ở Việt Nam chỉ
có một quốc gia, miền Nam và miền Bắc chỉ là hai phần lãnh thổ của quốc gia
Viêt Nam." Trên căn bản này, ông Vũ kết luận rằng không có xâm lăng
vì cả miền Bắc và miền Nam đều không là quốc gia hoặc nước; do đó,
không có việc mất nước và ngày 30 tháng 4 không thể là ngày quốc
hận.
Các lý luận của ông Vũ, cho rằng VNCH không
phải là một quốc gia hoặc nước, là các lý luận không có giá trị
hoặc sai lầm trên ít nhất ba lý do: (1) tự mâu thuẫn, (2) ngụy biện
(sai lầm luận lý), và (3) tiêu chuẩn khách quan về tính chất quốc
gia. Bất kỳ một trong ba lý do này đều đủ để làm cho lý luận ông Vũ
vô giá trị.
a. Ông Vũ mâu thuẫn với chính mình khi
ông gọi Nam Hàn là quốc gia hoặc nước mặc dù Nam Hàn và Nam Việt Nam
có cùng căn bản hiến pháp mà ông dùng để chối bỏ tính chất quốc
gia của Nam Việt Nam.
Khi chứng minh Nam Việt Nam không phải là một
quốc gia hoặc nước, ông Vũ dùng đường lối chủ quan, nghĩa là ông
dùng quan điểm dùng bởi Nam Việt Nam. (Ta sẽ thấy sự diễn giải của
ông về quan điểm của Nam Việt Nam là sai lầm.) Dựa vào hai hiến pháp
của Nam Việt Nam và các dự tính thống nhất đất nước như cho thấy qua
các câu in trên tem hoặc phát biểu bởi các cấp lãnh đạo Nam Việt Nam,
ông Vũ kết luận là Nam Việt Nam không bao giờ tự coi mình là quốc gia
hoặc nước và chỉ coi toàn thể Việt Nam là quốc gia có chủ quyền. Do
đó, cả Bắc lẫn Nam Việt Nam chỉ là hai phần lãnh thổ của đất nước.
Dùng y hệt các tiêu chuẩn do ông Vũ đặt ra, ta
có thể kết luận dễ dàng là Nam Hàn hiện nay không phải là một quốc
gia và cũng không phải là một quốc gia hay nước trong cuộc chiến tranh
với Bắc Hàn trong 1950-1953.
Hiến pháp của Nam Hàn được viết lần ̣đầu
vào năm 1948 và được chỉnh sửa nhiều lần. Điều 3 của Hiến pháp tuyên
bố, "Lãnh thổ của Cộng Hòa Đại Hàn gồm có bán đảo Đại Hàn
và các đảo lân cận" (Constitute 2015). Điều 4 tuyên bố thêm,
"Cộng Hòa Đại Hàn theo đuổi thống nhất đất nước và thiết lập
và thực hành chính sách thống nhất ôn hòa dựa vào các nguyên tắc
về tự do và dân chủ" (sđd.) Nói cách khác, Hiến pháp của
Nam Hàn còn dùng lời lẽ mạnh bạo và rõ rệt hơn cả ngôn từ trong hai
hiến pháp VNCH qua định nghĩa không lầm lẫn lãnh thổ là cả bán đảo
Đại Hàn và các đảo lân cận, chứ không phải chỉ có phần miền Nam.
Ngoài ra, Hiến pháp Nam Hàn tuyên bố rõ rệt nỗ lực thống nhất. Nỗ
lực thống nhất của Nam Hàn, do đó, được phát biểu rõ rệt trong Hiến
pháp, chứ không phải chỉ được ám chỉ qua các câu in trên tem hoặc
tuyên bố bởi cấp lãnh đạo.
Vì vậy, dựa vào chính các tiêu chuẩn của ông
Vũ, Nam Hàn không phải là một quốc gia hoặc một nước.
Tuy nhiên, trong bài, ông Vũ khẳng định rằng
Bắc Hàn và Nam Hàn là hai quốc gia hoặc nước trong cuộc chiến tranh
từ 1950 tới 1953. Ông viết, "Nói cách khác, chiến tranh Nam - Bắc Việt
Nam giai đoạn từ 1955 đến 30/4/1975 là một cuộc nội chiến và vì vậy không phải
là chiến tranh giữa hai quốc gia, giữa hai 'nước', tương tự như những gì đã diễn
ra giữa miền Nam và miền Bắc bán đảo Triều Tiên từ 1950 đến 1953."
Qua việc khẳng định Nam Hàn là một quốc gia
hoặc nước trong khi Nam Việt Nam không có cùng tính chất mặc dù cả
hai "lãnh thổ" có cùng căn bản hiến pháp theo các tiêu chuẩn
định nghĩa của chính mình, ông Vũ tự mâu thuẫn. Nói cách khác, ông
Vũ bác bỏ lý luận của chính mình.
b. Lý luận của ông Vũ dựa vào hai
hiến pháp VNCH và dự tính thống nhất có một sai lầm luận lý (ngụy
biện):
Lý luận của ông Vũ dựa vào hai hiến pháp
VNCH là một lý luận sai lầm và chẳng qua là một sai lầm luận lý
hoặc ngụy biện. Thực ra có nhiều sai lầm luận lý trong lý luận ông
Vũ, kể cả sai lầm qui thức (formal fallacies) và các sai lầm không qui
thức (informal fallacies) như lý luận do thiếu hiểu biết (argument from
ignorance), so sánh khập khiễng (false analogy), so sánh nối dài
(extended analogy), tiêu chuẩn khác biệt (different standards), và không
dẫn/đưa đến (non-sequitur). Vì giới hạn, tôi sẽ chỉ chú trọng đến
"không dẫn đến" và đề cập ngắn gọn về các sai lầm khác.
Ngụy biện "không dẫn đến" thường
được mô tả là "cái mà không suy ra." Nói cách khác, cái
được đưa ra là bằng chứng hoặc lý do chẳng dính líu đến hoặc hỗ
trợ rất ít cho kết luận (Bo Bennett). Thí dụ: Hôm nay trời mưa; vì
vậy, hai đường song song.
Dựa vào "không có câu nào của cả hai Hiến
pháp trên quy định 'quốc gia' chỉ gồm miền Nam Việt Nam" và các nỗ lực
thống nhất của VNCH, ông Vũ khẳng định "theo quan điểm chính thống của
Việt Nam Cộng hòa thì ở Việt Nam chỉ có một quốc gia, miền Nam và miền Bắc chỉ
là hai phần lãnh thổ của quốc gia Viêt Nam."
Đặt A = "Hai hiến pháp VNCH," B =
"quan điểm chính thống của VNCH," X = "chỉ miền Nam Việt Nam
được qui định quốc gia," Y = "toàn thể Việt Nam được qui định
quốc gia," và Z = "dự tính thống nhất của VNCH."
Cái mà ông Vũ lý luận là: Vì: (a) A không cho
thấy X, và (b) Z hiện hữu, nên B là Y.
Ta thấy ngay không có liên kết gì giữa cái đưa
ra làm bằng chứng và câu kết luận.
A và B chẳng có liên hệ gì với nhau. Cái mà
hiến pháp mô tả không nhất thiết là quan điểm chính thống của dân về
tính chất quốc gia của nước họ (hoặc, theo ông Vũ, cộng đồng hoặc
vùng họ). Theo định nghỉa, "hiến pháp là một số những nguyên
tắc căn bản hoặc tiền lệ đã được thiết lập theo đó một quốc gia
hoặc tổ chức khác được quản trị" (Wikipedia 2015b). Bản hiến
pháp xác định các luật lệ tối cao và/hoặc cơ cấu của quốc gia hoặc
tổ chức. Điều đó không có nghĩa là bản hiến pháp không thể định
nghĩa điều kiện hay tính chất của quốc gia hoặc tổ chức, nhưng nếu không
có định nghĩa đó, ta không thể kết luận gì về điều kiện hay tính
chất của tổ chức.
X và Y cũng chẳng có liên hệ gì với nhau.
Cùng lắm, X là tập hợp con (subset) của Y, nhưng ta không thể kết luận
rằng nếu không có bằng chứng của X (hoặc cho dù cho cái mà ông Vũ
muốn, "có bằng chứng cho việc không có X"), thì phải có Y.
Ngay cả khi ta cho ông Vũ A = B (nghĩa là cái hiến pháp VNCH mô tả là
quan điểm chính thống của VNCH), ta vẫn không thể suy ra Y từ X hoặc
không phải X. Nói cách khác, ta không thể nói, "Nếu quan điểm
chính thống của VNCH không nói rằng chỉ có Nam Việt Nam là quốc gia/
nước, thì quan điểm chính thống của VNCH phải là toàn thể VNCH là quốc
gia/ nước." Đó là vì có nhiều kết luận khác ta có thể có giả
sử không phải chỉ có Nam Việt Nam là quốc gia. Thí dụ, cả Bắc và
Nam Việt Nam đều là quốc gia, hoặc toàn thể Việt Nam cũng không phải
là quốc gia, hoặc chỉ có Bắc Việt Nam là quốc gia.
Ngay cả nếu ta bao gồm Z = "dự tính thống
nhất của VNCH," vẫn có thiếu móc nối cho thấy "không phải X
+ Z = Y." Nói cách khác, giả sử hai hiến pháp VNCH không cho thấy
chỉ có miền Nam Việt Nam được qui định là quốc gia và có dự tính
thống nhất, ta không thể kết luận rằng quan điểm chính thống của VNCH
là toàn thể Việt Nam được qui định là quốc gia. Đó là vì tính chất
quốc gia độc lập với gia tăng lãnh thổ hoặc thống nhất. Một quốc gia
có thể là một quốc gia và sau này kết hợp hoặc thống nhất với một
quốc gia khác hoặc một vùng để trở thành một quốc gia rộng lớn hơn.
Ngoài ra, một vùng của một quốc gia có thể bị chiếm đóng bởi một
phe nhóm khiến cho lãnh thổ của nó bị giảm thiểu thành một phần
nhỏ hơn, và phần nhỏ hơn này do đó là một quốc gia.
Lý luận của ông Vũ dường như dựa vào sự
kiện rằng Nam Việt Nam là quốc gia và toàn thể Việt Nam là quốc gia
là hai sự kiện loại trừ lẫn nhau. Cái sai lầm của quan điểm này là
tính chất quốc gia của Nam Việt Nam và Việt Nam không cần phải xảy ra
cùng lúc. Nói cách khác, có hai diễn giải cho việc Nam Việt Nam và toàn
thể Việt Nam có thể là quốc gia, nhưng không cùng lúc:
(1) Nam Việt Nam là quốc gia và toàn thể Việt
Nam sẽ trở thành quốc gia khi Nam Việt Nam xóa bỏ phe cộng sản chiếm
đóng Bắc Việt Nam.
(2) Toàn thể Việt Nam đã là quốc gia, nhưng
lãnh thổ bị phe cộng sản chiếm đóng ở miền Bắc. Do đó, lãnh thổ
Việt Nam bây giờ bị giảm thiểu thành Nam Việt Nam. Nam Việt Nam là
quốc gia vì thừa kế tính chất quốc gia từ Việt Nam.
Ta thấy, một trong hai, hoặc cả hai, diễn giải
trên đều là kết luận thích đáng dựa vào lịch sử.
Tóm lại, giả sử A không đề cập X và Z hiện
hữu, cái kết luận rằng B là Y là một bước nhảy luận lý khổng lồ.
Cái kết luận này không suy ra từ A, X, và Z. Lý luận của ông Vũ, do
đó, là ngụy biện "không dẫn đến."
Lý luận của ông Vũ còn có các ngụy biện
hoặc sai lầm luận lý khác. Tôi có thể vắn tắt đề cập vài cái.
Một sai lầm luận lý qui thức là dùng sai
phần bù của tập hợp con: vì Nam Việt Nam là một tập hợp con của
toàn thể Việt Nam, phần bù của việc Nam Việt Nam là quốc gia khác
với việc toàn thể Việt Nam là quốc gia.
Một sai lầm khác là so sánh khập khiễng. Ông
Vũ đồng hóa "đề cập" với "khẳng định." Hai hiến
pháp VNCH không đề cập rằng chỉ có Nam Việt Nam là quốc gia, nhưng
"không đề cập" không giống như "không khẳng định."
Một người có thể không đề cập ông ta giàu có, nhưng việc đó không
giống như việc ông ta không khẳng định rằng ông ta giàu có.
Một sai lầm khác là dùng các tiêu chuẩn khác
nhau. Dưới tiêu chuẩn thứ nhất, ông Vũ dùng hai hiến pháp VNCH là
bằng chứng rằng VNCH không khẳng định là chỉ có VNCH là quốc gia. Tuy
nhiên, trong tiêu chuẩn thứ hai, ông dùng hai hiến pháp VNCH cộng với
dự tính thống nhất là bằng chứng cho việc VNCH coi toàn thể Việt Nam
là quốc gia. Nếu ông ta dùng cùng tiêu chuẩn thứ nhất, rõ ràng là
hai hiến pháp VNCH cũng không khẳng định chỉ có toàn thể Việt Nam là
quốc gia, và cộng với bằng chứng rõ ràng là miền Bắc Việt Nam bị
phe cộng sản chiếm đóng, ta phải kết luận rằng Nam Việt Nam là quốc
gia. Dự tính thống nhất lại càng tăng thêm ý này cho việc lấy lại
đất bị cộng sản chiếm đóng.
c. Dưới tiêu chuẩn khách quan, Nam Việt
Nam được coi là quốc gia có chủ quyền dựa vào là thành viên của
nhiều tổ chức quốc tế và liên hệ ngoại giao với nhiều quộc gia.
Đường lối chủ quan của ông Vũ trong việc xét
đoán tính chất quốc gia của VNCH thì không thích hợp. Tính chất quốc
gia của một dân tộc được xác định bằng một tiêu chuẩn khách quan,
nghĩa là tính chất quốc gia như được thấy bởi các quốc gia khác.
Nếu không, mọi dân tộc đều có thể là quốc gia có chủ quyền bằng
cách chỉ cần tuyên bố như vậy. Bill Gates không thể chối bỏ sự giàu
có của mình chỉ bằng cách tuyên bố, "Tôi nghèo." Dưới tiêu
chuẩn khách quan, một điều kiện quan trọng để là quốc gia có chủ
quyền hoặc nước là khả năng có quyền lực tối cao để đối phó với
các nước hoặc quốc gia có chủ quyền khác. Việc này gồm có sự công
nhận từ các nước khác và sự tham gia vào các công việc quốc tế.
Mặc dù không phải là thành viên của Liên Hiệp
Quốc (LHQ), cả Bắc Việt và Nam Việt Nam đều được các quốc gia khác
coi là quốc gia có chủ quyền (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2015c. Ngoài
ra, LHQ coi Nam Việt Nam, hoặc VNCH, là quốc gia có chủ quyền khi tổ
chức này bầu để đề nghị Nam Việt Nam được nhận là thành viên. Vào
ngày 28 tháng 2 năm 1957, Đại Hội đồng (General Assembly) LHQ " bầu
với số phiếu 40 thuận và 8 chống hoặc phiếu trắng, đề nghị Hội
đồng Bảo an rằng VNCH và Nam Hàn được nhận là thành viên (Olsen 2006,
75). Ngoài ra, Liên Xô luôn luôn coi Nam và Bắc Việt Nam là hai quốc gia
độc lập (sđd.) Nam Việt Nam cũng là thành viên của nhiều cơ quan
quốc tế kể cả World Bank, International Monetary Fund, Interpol, UNESCO,
v.v. (Wikipedia 2015d). Nam Việt Nam có liên hệ ngoại giao với nhiều
nước kể cả Hoa Kỳ, Pháp, Tây Đức, Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, và các
nước khác,
Con số lớn về thành viên quốc tế và liên hệ
ngoại giao của Nam Việt Nam với các quốc gia khác rõ ràng cho thấy
Nam Việt Nam quả thực là một nước hoặc một quốc gia có chủ quyền.
Tóm lại, lý luận của ông Vũ về tính chất
quốc gia của Nam Việt Nam hoàn toàn vô giá trị vì tự mâu thuẫn và
là sai lầm luận lý. Theo các tiêu chuẩn khách quan được mọi nơi chấp
nhận, VNCH là một quốc gia có chủ quyền hoặc nước trước ngày 30 tháng
4 năm 1975.
3.
Quả thật có việc mất nước dựa vào căn bản gắn bó tình cảm và
hiện hữu vật chất khi mìền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản.
Sau khi cố chứng tỏ Nam Việt Nam không phải là
nước hoặc quốc gia và phe cộng sản Việt Nam không xâm lăng miền Nam
Việt Nam, ông Vũ kết luận là không có việc mất nước vì không có
nước để mà mất. Một cách đáng kể, trong khi ông cố hết sức để cho
thấy dự tính thống nhất của VNCH, ông Vũ chỉ kết luận đơn giản là
không có việc mất nước như thể đó là chuyện hiển nhiên. Điều này cho
thấy sự kém hiểu biết của ông Vũ về khái niệm của mất mát, ngay
cả cho ý nghĩa thông thường.
Theo định nghĩa, mất mát là kết quả của
việc không thể giữ hoặc không thể tiếp tục có cái gì hoặc trải qua
việc có cái gì bị lấy đi hoặc bị tiêu hủy. Đối với đa số người
miền Nam, nước Nam Việt Nam bị mất khi phe cộng sản miền Bắc xâm lăng
và chiếm đóng miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cho dù
Nam Việt Nam không phải là quốc gia và chỉ có toàn thể Việt Nam là
quốc gia, như ông Vũ khẳng định, người dân miền Nam Việt Nam vẫn có
thể có cảm tưởng mất mát khi toàn thể quốc gia Việt Nam rơi vào tay
cộng sản.
Cảm tưởng mất mát được dựa vào: sự gắn bó
tình cảm và sự hiện hữu vật chất.
a. Mất nước hàm ý sự hư hại đến gắn
bó tình cảm với đất nước bây giờ đang ở dưới chế độ không xứng
đáng, và không nhất thiết dính líu đến sự thiếu vắng hoặc biến mất
của một hiện hữu vật chất.
Mất mát thường được liên kết với sở hữu, thu
thập, cảm giác thuộc về, hoặc thương yêu. Bạn mất tiền, xe hơi, xe
gắn máy, nhà, việc, bình tĩnh, người thương yêu, v.v. Cái hoặc người
bạn mất có thể hoặc không ngừng hiện hữu. Nếu nhà bạn bị tiêu hủy
hoàn toàn vì hỏa hoạn, bạn mất nhà và căn nhà bạn không còn nữa. Tuy
nhiên, giả sử bạn không còn tiền để trả tiền nợ nhà, nhà băng tịch
thu lại và bán cho người khác. Bạn mất nhà nhưng căn nhà đó vẫn
hiện hữu; chỉ có điều là nó thuộc về chủ mới.
Khi ta nói về mất mát cái gì hoặc người
nào, ta có thể nói đến cái đó hoặc người đó như là một thực thể
vật chất, nhưng sự mất mát có thể hàm ý sự hư hại cho một niềm
gắn bó tinh thần hay tình cảm. Sự gắn bó tình cảm vẫn có thể còn,
nhưng đối tượng cho sự gắn bó đó có thể không còn trong tầm với,
kiểm soát, cảm tưởng thuộc về, hoặc sở hữu. Ta, do đó, có cảm
tưởng mất mát và thương tiếc những kỷ niệm liên quan đến cái đó
hoặc người đó. Khi bạn mất nhà vì bạn không có đủ tiền trả tiền
nợ nhà, bạn vẫn thương yêu căn nhà bạn và vẫn có thể thấy nó mỗi
khi bạn đi ngang qua, nhưng bạn không thể sống trong căn nhà đó. Bạn có
cảm tưởng mất mát và thương yêu những kỷ niệm sống trong căn nhà.
Cảm tưởng mất mát lại còn gia tăng hơn nếu chủ nhà mới phá hủy
những gì bạn coi là thiêng liêng hoặc quý báu. Bạn đau lòng khi chủ
mới bán vườn sau nhà cho người hàng xóm, bê trễ tưới nước cho vườn
hoa từng đẹp đẽ và cây cối, hoặc không màng đến chăm sóc thảm cỏ
trước nhà.
Tương tự, mất nước không hàm ý nước đã bị
tiêu hủy, ngừng hiện hữu, hoặc bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới. Khi
người miền Nam Việt Nam, hải ngoại hay trong nước, nói họ mất nước,
cái họ có ý nói là nước Nam Việt Nam không còn trong tầm với, kiểm
soát, hoặc cảm giác thuộc về bởi vì nó đã bị chiếm đóng, kiểm
soát, và cai trị bởi những người không xứng đáng và không có cùng các
lý tưởng và giá trị như họ. Lòng yêu thương nước họ vẫn còn, nhưng
họ có cảm tưởng mất mát vì nhóm người cầm quyền ngược đãi và lạm
dụng dân và lãnh thổ, và hủy hoại những giá trị quí trọng với họ,
như nhân quyền, tự do, và dân chủ.
Khái niệm trên về mất nước là khái niệm căn
bản. Hầu như ai cũng biết. Kỳ lạ thay, ông Vũ dường như không biết,
hoặc ông biết nhưng bỏ qua. Thay vào đó, khi lý luận rằng nước không
bị mất, ông viết, "Thực vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn có tên trên bản đồ
thế giới, là thành viên Liên Hiệp Quốc, có quan hệ ngoại giao với nhiều nước
trong đó có Hoa Kỳ, cho dù lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm nhiều nơi, nhất là ở
biển Đông."
Quái lạ là ông Vũ dựa vào các yếu tố như
tên trên bản đồ thế giới và liên hệ ngoại giao với các nước khác là
bằng chứng cho sự hiện hữu của một nước hay quốc gia, nhưng lại chối
bỏ Nam Việt Nam là một nước hay quốc gia mặc dù trước ngày 30 tháng 4
năm 1975 Nam Việt Nam rõ ràng có tên trên bản đồ thế giới và có liên
hệ ngoại giao với nhiều nước kể cả Hoa Kỷ, như đã thảo luận ở trên.
Cái yếu tố duy nhất mà Nam Việt Nam (và cả Bắc Việt Nam) không có
là thành viên trong LHQ. Nhưng nếu đó là ý ông Vũ, nghĩa là thành
viên trong LHQ là điề̀u kiện duy nhất, hoặc quan trọng nhất, cho việc
là quốc gia, thì theo như ông, Thụy Sĩ không là một quốc gia cho tới
năm 2002 khi Thụy Sĩ trở thành thành viên LHQ. Đó rõ ràng là một kết
luận không thích đáng. Quan trọng hơn, như thảo luận trên, ông Vũ mâu
thuẫn với chính ông khi ông khẳng định Bắc Hàn và Nam Hàn là hai
quốc gia hoặc nước trong chiến tranh từ 1950 tới 1953, mặc dù cả Bắc
Hàn lẫn Nam Hàn đều không là thành viên LHQ cho tới năm 1991.
b. Mất nước cũng hàm ý không có hiện
hữu vật chất khi nước Nam Việt Nam bị phe cộng sản miền Bắc chiếm
đóng
Trong khi đa số người miền Nam Việt Nam nói
đến mất nước với ý nghĩa tinh thần và tình cảm, cũng có người nói
đến nó là sự thiếu thốn hiện hữu vật chất. Nhưng sự hiện hữu vật
chất này không liên hệ đến đất đai, núi non, sông ngòi, biển cả, đảo,
v.v. Thay vì vậy, nó liên hệ đến các khái niệm cụ thể về chủ quyền
tài sản, quyền lợi, và các giá trị có biểu hiện cụ thể (thí dụ
như quốc kỳ VNCH và quốc ca). Chữ "nước" trong "mất
nước" hàm ý quốc gia có chủ quyển Nam Việt Nam, hoặc VNCH. Như
thảo luận trên, VNCH là một nước hay quốc gia có chủ quyền, không
những chỉ với người nước ngoài, mà còn hơn thế nữa với những công
dân trước đây của Nam Việt Nam.
Sự hiện hữu vật chất gồm có thẩm quyền cụ
thể or quyền lực kiểm soát dân và lãnh thổ, sở hữu tài sản, và
nhiều nữa. Cộng sản Việt Nam tấn công và chiếm đóng Nam Việt Nam
bằng lực, lấy đi thẩm quyền và quyền lực, đặt sở hữu trên tài sản,
tư và công. Đối với nhiều người Nam Việt Nam, mất nhà, đất đai, tài
sản, tự do, khả năng bầu người đại diện trong việc quản trị nước,
và các giá trị khác giống y như mất nước.
Tóm lại, quả thật có việc mất nước đối với
người miền Nam Việt Nam, cho dù cảm tưởng mất mát này là tinh thần
hay vật chất.
4.
Ngày 30 tháng 4 là và lúc nào cũng sẽ là ngày quốc hận ngay cả sau
khi chế độ cộng sản bị sụp đổ
Ta hãy trước hết giải quyết vài vấn đề về
định nghĩa và dịch. Ý nghĩa của từ ngữ "quốc hận" quan
trọng vì nó phản ảnh tâm trạng của người miền Nam, hải ngoại hay
trong nước, về sự mất mát của quốc gia có chủ quyền VNCH. Ngoài ra,
nó cũng phản ảnh thích đáng sự tưởng niệm ngày cuối cùng của quốc
gia có chủ quyền VNCH và khởi đầu của giai đoạn đen tối nhất trong
lịch sử Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh là quốc gia có chủ quyền VNCH
sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng VNCH vẫn còn sống và phát
huy mạnh mẽ là một nước, tuy bị chiếm đóng, và là một dân tộc, và
sẽ trở thành quốc gia có chủ quyền lần nữa với toàn thể Việt Nam
là lãnh thổ khi chế độ cộng sản sụp đổ trong tương lai rất gần.
a. Từ ngữ "ngày quốc hận" nên
được dịch là "national day of hatred" vì nó mô tả chính xác
nỗi căm hờn sâu đậm đối với cộng sản Việt Nam cho những gì chúng
làm với Việt Nam.
Từ ngữ tiếng Anh "National Day of
Hatred" là từ ngữ dịch sát nghĩa cho tiếng Việt "Ngày Quốc Hận."
Nên để ý là "National Day of Hatred" theo đúng tiếng Anh hơn
"National Hatred Day." Các từ ngữ dịch khác gồm có
"National Shame Day" (hoặc "National Day of Shame")
(Nguyen and Haines 1996, 320), "National Anger Day" (hoặc
"National Day of Anger"), "National Day of Anger" (Trần Văn
Tích), "Day of National Resentment," và "Day of
Commemoration" (DiMaggio and Fernandez-Kelly 2010, 213).
Trong tiếng Việt, chữ "quốc" có
nghĩa "country" hay "nation." (Tôi sẽ thảo luận chi
tiết hơn về định nghĩa của các chữ này trong bài kế tiếp.) Dùng là
tính từ, "quốc" có nghĩa "national." Chữ
"hận" hơi phức tạp hơn. Khi dùng một mình, nghĩa đen của nó
gồm có "hatred," "resentment," "acrimony,"
"hostility," hoặc "animosity." Chữ "hận" cũng
có thể được dùng là chữ phụ cho từ ngữ "ân hận" có nghĩa
"regret," "repentance," hoặc "remorse." Tuy
nhiên, từ ngữ "ân hận" ít khi được dùng với dạng thu ngắn
thành một chữ "hận." Do đó, ta có thể dẹp ý nghĩa này sang
một bên.
Chữ "hận" cũng có thể được dùng
với chữ "thù" để thành chữ kép "thù hận" hay
"hận thù." Tuy chúng có thể được dùng trong chữ kép, "hận"
và "thù" có thể được dùng riêng rẽ với ý nghĩa tương tự.
Cả "hận" lẫn "thù" đều hàm ý một sự thù ghét,
căm hờn sâu đậm, nhưng chúng có chút khác biệt tinh tế. Sự khác biệt
tinh tế này khó giải thích, ngay cả với người Việt. Vài thí dụ có
thể giải thích việc này. "Thù," khi được dùng với một chữ
chỉ người ("kẻ"), một nhóm người như lính ("quân"),
một phe đảng ("phe"), có nghĩa "enemy." Thí dụ,
"kẻ thù," "quân thù," "phe thù." Trong nội
dung này, "thù" thường được dùng với chữ "nghịch"
hay "địch" có nghĩa "adversary" hay "opponent"
(đối phương, đối thủ, đối nghịch). Do đó, "thù" hàm ý một
sự căm hờn sâu đậm rõ rệt, cụ thể, minh bạch cho một hành động được
sẵn sàng công nhận là gây ra giận dữ, đau buồn, và thống khổ cho một
người. Mặt khác, "hận" không bao giờ được dùng với
"kẻ," "quân," hoặc "phe" để chỉ enemy.
"hận" hàm ý một cái gì tiểm tàng hơn, trừu tượng hơn, nhưng
vẫn có nỗi căm hờn sâu đậm. Một phụ nữ có thể "hận" người
tình vì hắn bỏ cô đi theo một cô trẻ hoặc đẹp hơn. John có thể
"hận" Steve vì không những Steve lấy cả mọi tài sản giàu có
của John mà còn lấy luôn cả tình thương yêu của con cái John. Linda có
thể "hận" David vì không những David giết cha mẹ cô, mà còn
đào mồ mả tổ tiên Linda. Do đó, "hận" hàm ý một nỗi căm
hờn, thù ghét sâu đậm, sắc bén, và hạn hẹp cho một hành động không
những tạo ra giận dữ, đau thương, và cay đắng cho một người mà còn
đụng chạm đến tình thương yêu cá biệt hoặc kho tàng thiêng liêng của
người đó.
Trong bối cảnh những gì đám cộng sản Việt
Nam đã làm với người Nam Việt Nam nói riêng, và người dân Việt nói
chung, và trong ý nghĩa rộng rãi hơn, với tổ quốc Việt Nam, chữ
"hận" là chữ thích hợp nhất.
Ta nên ghi chú là một chữ khác có thể dùng
với chữ "thù" là "ghét." Hai chữ này có thể được
dùng chung ̣để thành chữ ghép "thù ghét" (nhưng không bao giờ
"ghét thù"). Động từ "ghét" có nghĩa
"hate" hoặc "dislike." Cường độ của nó kém hơn
"hận" hoặc "thù" rất nhiều và do đó không nên được
dùng trong bối cảnh căm hờn hoặc thù sâu đậm.
Vì những ý nghĩa trên, "hận" không
nên được dịch sang tiếng Anh là "anger" (giận dữ) hoặc
"shame" (nhục nhã) mặc dù "anger" hoặc
"shame" có thể chỉ những khía cạnh khác của "hận."
Chữ đơn độc tiếng Anh hay nhất cho "hận" là "hatred"
vì chữ đó ngắn gọn và dễ hiểu.
b. Qua việc coi ngang "quốc
hận" với "mất nước," ông Vũ tầm thường hóa nỗi căm hờn
sâu đậm và hận thù của dân Việt Nam đối với chế độ cộng sản.
Ông Vũ khai triển các lý luận về vấn đề Nam
Việt Nam không phải là một nước hoặc quốc gia qua chính các hiến
pháp và dự tính thống nhất. Đây có vẻ là trọng tâm của lý luận ông
vì ông kết luận không có việc mất nước và không có Ngày Quốc Hận
chỉ trên căn bản này thôi. Ông viết, "Cũng như vậy, không thể gọi ngày
30 tháng 4 là 'Ngày Quốc hận' vì đã không có chuyện 'mất nước' vào ngày
đó." Thật đáng kể là ông Vũ quá đơn giản hóa vấn đề qua việc
coi ngang ý nghĩa của "quốc hận" với "mất nước."
Qua việc nói rằng vì không có việc mất nước,
nên không nên có quốc hận, ông Vũ hàm ý mất nước là lý do duy nhất
cho nỗi quốc hận của người miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau câu
khẳng định này, ông Vũ viết, "Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận oán hận
của những người Việt từng phục vụ chính thể Việt Nam Cộng hòa và gia đình họ đối
với chính quyền cộng sản Việt Nam là vô cùng lớn. Vậy đâu là nguyên nhân?"
Nói cách khác, ông Vũ thừa nhận quả thật có sự oán ghét của người
miền Nam với chế độ cộng sản hiện tại, nhưng ông không coi sự oán
ghét này liên hệ tới ngày 30 tháng 4 năm 1975. Như được phân tích ở
phần đầu bài này, câu này mở đầu cho phần thứ nhì bài luận ông Vũ.
Ông Vũ rõ ràng tách rời hai phần qua việc tách "quốc hận"
trong "ngày quốc hận" ra khỏi "nỗi oán hận của người
Nam Việt Nam đối với chế độ cộ́ng sản hiện tại."
Ta có thể bác bỏ kết luận của ông Vũ rằng
không có ngày quốc hận bằng cách chứng minh Nam Việt Nam quả thực là
nước hay quốc gia và quả thật có việc mất nước khi cộng sản Việt
Nam chiếm đóng Nam Việt Nam, như tôi đã làm ở trên. Tuy nhiên, có việc
hay hơn là chỉ bác bỏ lý luận của ông Vũ. Bác bỏ kết luận của ông
Vũ trên căn bản sự sai trái của nó thì hữu ích hơn.
Ông Vũ đồng ý việc dân miền Nam Việt Nam oán
hận chế độ cộng sản, nhưng ông lại chối bỏ việc oán hận này liên
hệ đến ngày 30 tháng 4. Ông Vũ dường như nói rằng không có liên hệ
hai việc này vì ngày quốc hận kỷ niệm một ngày đặc biệt, đánh dấu
sự sụp đổ của chế độ VNCH, trong khi nỗi oán hận của người miền Nam
Việt Nam đối với chế độ cộng sản hiện nay là kết quả của nhiều năm
hận thù đối với cách đối xử của chính quyền cộng sản xảy ta nhiều
năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Quan điểm này sai lầm. Hai sự kiện
này thực ra có liên hệ chặt chẽ qua ngày 30 tháng 4. Nếu quốc gia có
chủ quyền VNCH không sụp đổ, thì sẽ không có việc cộng sản Việt Nam
lộ nguyên hình là những kẻ tội phạm, phản bội Tổ quốc, áp bức hung
bạo, và gian xảo.
Như tôi đã thảo luận trong bài trước về ý
nghĩa lá cờ vàng của VNCH (Cao-Đắc 2014), tuyên truyền cộng sản luôn
luôn nói rằng người miền Nam Việt Nam chống cộng, nhất là những cựu
chiến sĩ VNCH, oán hận cộng sản Việt Nam vì họ (người miền Nam Việt
Nam) thua trong cuộc chiến. Bằng cách mô tả những cựu chiến binh VNCH
là những người thua trận cay cú, cộng sản Việt Nam cố tầm thường
hóa nỗi căm hờn và oán hận mạnh mẽ đối với chế độ cộng sản.
Thua cuộc chiến không bao giờ là lý do cho nỗi
oán hận của người Việt đối với phe thắng trong lịch sử Việt Nam và
lại còn hơn thế nữa với người miền Nam Việt Nam sau tháng tư năm 1975.
Lịch sử Việt Nam cho thấy mặc dù có nhiều cuộc nội chiến hàng
nhiều thế kỷ, từ chiến tranh mười hai sứ quân vào thế kỷ thứ 10 tới
cuộc chiến nhà Trịnh và nhà Nguyễn vào thế kỷ 17 và 18, và nhà Tây
Sơn và nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, dân Việt
luôn luôn sống hòa thuận với nhau sau đó. Ngoài ra, số cựu chiến binh
VNCH chỉ là số ít lúc ban đầu và đã suy giảm rất nhiều sau 40 năm.
Những người bây giờ còn sống đang ở tuổi sáu mươi, bảy mươi, và tám
mươi. Đa số muốn sống cuộc sống thanh bình. Nhiều người Việt chống
cộng là hậu duệ của thế hệ thứ nhất của người miền Nam Việt Nam
và họ không có trí nhớ hoặc kinh nghiệm về chiến tranh Việt Nam.
Người miền Nam chống cộng oán hận chế độ
cộng sản không phải vì miền Nam Việt Nam thua trong cuộc chiến, nhưng
vì cộng sản đối xử người Việt, Bắc hay Nam, với sự tàn nhẫn, tàn
bạo, và áp bức. Quan trọng hơn, chế độ cộng sản cướp người dân, dung
dưỡng tham nhũng, phá hại luân lý trong xã hội, phá hủy nền văn hóa,
làm hư hại đất đai, phản bội tổ quốc, âm mưu bán nước cho Tàu cộng,
tiêu hủy trí óc tuổi trẻ, lừa gạt dân với dối trá và giấu giếm,
và phạm nhiều tội ác với nhân dân.
Ngày Quốc Hận không có tên đó ngay sau ngày 30
tháng 4 năm 1975. Phải qua nhiều năm trước khi các cộng đồng NVHN quanh
thế giới trở nên ổn định trong xứ sở mới của họ. Sự tưởng niệm
ngày 30 tháng 4 là Ngày Quốc Hận đã trở thành ngày càng kỹ lưỡng
và hoàn chỉnh và có ý nghĩa khi càng có nhiều bằng chứng tội ác
của ĐCSVN được biết vạch trần. Vào ngày đó, có diễn hành cho thấy
các hoạt động và niềm hãnh diện của NVHN, hội họp tố cáo tội ác
ĐCSVN với diễn văn và hình ảnh, các lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho
nạn nhân cộng sản và những người hy sinh cho tự do dân chủ, và các
chương trình văn hóa khác.
Bằng cách nói rằng vì không có việc mất
nước, không nên có ngày quốc hận, ông Vũ dường như nghĩ rằng các
cộng đồng NVHN kỷ niệm ngày 30 tháng 4 là Ngày Quốc Hận vì ngày đó
đánh dấu ngày cuối cùng của VNCH. Tuy ngày 30 tháng 4 quả là ngày
quốc gia có chủ quyền VNCH sụp đổ, ngày 30 tháng 4 được gọi là Ngày
Quốc Hận không phải chỉ vì biến cố này. Nó được gọi vậy chính yếu
là vì nó đánh dấu khởi đầu của giai đoạn đen tối nhất trong lịch
sử Việt Nam. Ngoài ra, tuy quốc gia có chủ quyền VNCH sụp đổ vào
ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước và dân tộc VNCH không bị hủy diệt. Trái
lại, như tôi sẽ thảo luận trong một bài kế tiếp, VNCH vẫn sống và
phát huy mạnh mẽ là một nước, tuy bị chiếm đóng, và một dân tộc.
Nếu sau sự sụp đổ của quốc gia có chủ quyền
VNCH, ĐCSVN mang nước Việt Nam tới thịnh vượng, đối xử người dân với
lòng kính trọng và nhân phẩm, tôn trọng nhân quyền và dân quyền, tôn
trọng tự do và dân chủ thực sự, làm giảm tham nhũng, và hành xử
với lòng can đảm đối với Tàu cộng, thì ngày 30 tháng 4 không bao giờ
được gọi là Ngày Quốc Hận. Thực ra, dưới cảnh đó, chắc là nhiều
NVHN sẽ nhiệt tình trở về Việt Nam để tham gia trong việc tái dựng
quốc gia.
Mọi quốc gia trên thế giới đều hiểu rõ khái
niệm của ngày quốc hận là ngày tưởng niệm sự khởi đầu của một
giai đoạn nhục nhã, giận dữ, hoặc đen tối. Từ ngữ "Ngày Quốc
Hận" cũng đã từng được dùng để kỷ niệm "những hành động tàn
bạo của chế độ Khmer Đỏ cai trị nước trong 1975-1979"(Wikipedia
2015e). Từ ngữ "quốc hận" cũng đã được dùng để mô tả một
biến cố lịch sử nào đó như nỗi thù hận của Tàu cộng đối với Nhật
trong chiến tranh Tàu - Nhật, nhất là biến cố năm 1937 được biết đến
là Cuộc Thảm Sát Vĩ Đại Nam Kinh (Chen 2010, 583; Yim 2013).
Sau 40 năm, ĐCSVN đã phá hủy đất nước và
người dân Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 quả thật là ngày đánh dấu giai
đoạn đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam. Do đó, ngày 30 tháng 4 được
thích đáng gọi là Ngày Quốc Hận, cho dù sau này đất nước dẹp ĐCSVN
và trở thành trù phú.
C.
Kết Luận
Bài này bác bỏ phần đầu bài luận của Cù
Huy Hà Vũ. Phần này đầy rẫy những sai lầm về đủ mọi khía cạnh, từ
tiền đề, lý luận, và kết luận. Cái tiền đề về xâm lăng chỉ dính
líu đến quốc gia là tiền đề sai lầm. Ngoài ra, lý luận của ông rằng
Nam Việt Nam không phải là một nước hay quốc gia tự mâu thuẫn, là một
ngụy biện, và sai lầm dưới tiêu chuẩn khách quan. Quan trọng hơn, kết
luận của ông Vũ rằng không có việc mất nước và ngày 30 tháng 4 không
nên là ngày quốc hận cho thấy sự kém hiểu biết của ông về cảm xúc
mất mát và nỗi oán hận đối với chế độ cộng sản hiện nay của NVHN
và dân Việt sống tại Việt Nam.
Ông Vũ lẽ ra có thể viết được một bài mạnh
mẽ và có sức thuyết phục hơn nếu ông sửa đổi phần đầu và liên kết
nó với phần sau theo luận lý. Ông lẽ ra có thể lý luận rằng cuộc
xâm lăng của cộng sản Việt Nam vào miền Nam Việt Nam quả thật lấy đi
tinh thần tự do và dân chủ của VNCH và gây ra cảm xúc mất nước to
tát cho người miền Nam Việt Nam. Do đó, ngày 30 tháng 4 phải là Ngày
Quốc Hận vì không những ngày đó đánh dấu thích đáng sự sụp đổ của
quốc gia có chủ quyền VNCH mà còn là sự khởi đầu của giai đoạn đen
tối nhất trong lịch sử Việt Nam như được cho thấy qua bằng chứng của
sự tàn ác do cộng sản đặt lên người miền Nam Việt Nam ngay sau cuộc
chiến và sự áp bức của toàn thể dân Việt từ ngày đó. Do đó, việc
giải thể ĐCSVN là giải pháp hữu hiệu nhất để mang thịnh vượng tới
Việt Nam và để làm mạnh mẽ thêm lòng yêu thương trong người dân Việt,
từ Nam ra Bắc, mặc cho các nỗ lực chính quyền chia rẽ người dân và
xuyên tạc lịch sử.
BẢN
TIẾNG ANH :
____________________________________
Tài
liệu tham khảo:
Bennett, Bo. Không rõ ngày. Logically
Fallcious. Không rõ ngày.
http://www.logicallyfallacious.com/index.php/logical-fallacies (truy cập 1-6-2015).
http://www.logicallyfallacious.com/index.php/logical-fallacies (truy cập 1-6-2015).
Cao-Đắc, Tuấn. 2014. Ý nghĩa lá cờ
vàng của người Việt hải ngoại. 23-12-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/12/y-nghia-la-co-vang-cua-nguoi-viet-hai_23.html (truy cập 31-5-2015).
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/12/y-nghia-la-co-vang-cua-nguoi-viet-hai_23.html (truy cập 31-5-2015).
Chen, Kuan-Hsing. 2010. Paik Nak-chung’s
theory of overcoming ‘division system’: rethinking the China–Taiwan relation
with reference to the two Koreas. Inter-Asia Cultural Studies, Volume 11,
Number 4, 566-590.
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14649373.2010.506779 (truy cập 31-5-2015).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14649373.2010.506779 (truy cập 31-5-2015).
Constitute. 2015. Korea (Republic of)'s
Constitution of 1948 with Amendments through 1987. 11-3-2015.https://www.constituteproject.org/constitution/Republic_of_Korea_1987.pdf (truy
cập 30-5-2015).
Cù Huy Hà Vũ. 2015. Tự do sẽ chấm dứt hận
thù dân tộc. 14-5-2015.
http://www.voatiengviet.com/content/chhv-tu-do-se-cham-dut-han-thu-dan-toc/2767507.html (truy cập 26-5-2015).
http://www.voatiengviet.com/content/chhv-tu-do-se-cham-dut-han-thu-dan-toc/2767507.html (truy cập 26-5-2015).
DiMaggio, Paul and Fernandez-Kelly, Patricia.
2010. Art in the Lives of Immigrant Communities in the United State.
Rutgers University Press, Piscataway, NJ. U.S.A.
History. Không rõ ngày. Sept 18, 1964. North
Vietnamese Army begins infiltration. Không rõ ngày. http://www.history.com/this-day-in-history/north-vietnamese-army-begins-infiltration (truy
cập 8-6-2015).
Nguyen, Hung Manh and Haines, David W. 1996. Vietnamese.
Chapter 14 in“Refugees in America in the 1990s: A Reference Handbook,” by
David W. Haines (Ed.). Greenwood Press, Westport, Connecticut, U.S.A.
Olsen, Mari. 2006. Soviet-Vietnam Relations
and the Role of China, 1949-64: Changing Alliances. Routledge, New York,
NY, U.S.A.
Sorley, Lewis. 1999. A Better War. Hartcourt, Inc.
Orlando, Florida. U.S.A.
Trần Nhật Kim. 2015. 30 tháng 4 Là Ngày Quốc
Hận của Dân Tộc. 4-2015.http://hon-viet.co.uk/TranNhatKim_30thangTuLaNgayQuocHanCuaDanToc.htm(truy
cập 31-5-2015).
Trần Văn Tích. Không rõ ngày. Ngày Quốc
Hận "in English". Không rõ ngày. Diễn Đàn Cựu Sinh Viên
Quân Y. http://svqy.org/2013/5-2013/ngayquochan.html (truy
cập 31-5-2015).
Wikipedia. 2015a. Invasion.
18-5-2015. http://en.wikipedia.org/wiki/Invasion (truy
cập 28-5-2015).
_________. 2015b. Constitution.
5-6-2015.http://en.wikipedia.org/wiki/Constitution (truy
cập 6-6-2015).
_________. 2015c. List of former sovereign
states. 28-5-2015.
http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_former_sovereign_states#Southeast_Asia(truy cập 29-5-2015).
http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_former_sovereign_states#Southeast_Asia(truy cập 29-5-2015).
_________. 2015d. South Vietnam.
27-5-2015.http://en.wikipedia.org/wiki/South_Vietnam (truy
cập 31-5-2015).
_________. 2015e. Day of Remembrance
(Cambodia). 20-5-2015.
http://en.wikipedia.org/wiki/Day_of_Remembrance_%28Cambodia%29 (truy cập 31-5-2015).
http://en.wikipedia.org/wiki/Day_of_Remembrance_%28Cambodia%29 (truy cập 31-5-2015).
_________. 2015f. Easter Offensive.
8-6-2015.http://en.wikipedia.org/wiki/Easter_Offensive (truy
cập 8-6-2015).
Yim, Tsz Kwan. 2013. China’s
Reinterpretation of Nanjing Massacre1937. 2-12-2013.
https://ccpc.asian.lsa.umich.edu/chinas-reinterpretation-of-nanjing-massacre/ (truy cập 31-5-2015).
https://ccpc.asian.lsa.umich.edu/chinas-reinterpretation-of-nanjing-massacre/ (truy cập 31-5-2015).
© 2015 Cao-Đắc Tuấn
No comments:
Post a Comment