Monday, June 22, 2015

Việt - Mỹ sẽ thành đối tác chiến lược? (Lê Thành Lâm)





Lê Thành Lâm
Gửi tới BBC từ London
20 tháng 6 2015

Tác giả đặt vấn đề về khi nào, điều kiện nào để quan hệ bang giao Việt - Mỹ được chuyển sang thành 'đối tác chiến lược'.

Đối tác chiến lược thể hiện mức độ tin cậy cao hơn về chính trị, hợp tác sâu rộng hơn về kinh tế thương mại, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

Đối tác chiến lược bao hàm cả quan hệ về an ninh, quốc phòng sâu sắc, vẫn theo ông Phạm Bình Minh.

Quan hệ đối tác chiến lược nhắm đưa quan hệ với những quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới đi vào thực chất, sâu, bao trùm hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng.

Còn theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia bang giao quốc tế và Việt Nam học từ Học viện Quốc phòng Australia, cụm từ 'đối tác chiến lược' được dùng để chỉ các nước mà Việt Nam cho là ‘tối quan trọng’ cho quyền lợi quốc gia của mình.

Ông cũng cho biết Mỹ đặt trọng tâm nhiều hơn vào hợp tác an ninh và quốc phòng trong ý nghĩa của một đối tác chiến lược. Theo đó, Việt Nam lần đầu tiên được nhìn nhận như một đối tác chiến lược tiềm năng của Mỹ trong bản Tổng kết Quốc phòng Quý IV năm 2010.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Pháp, Ý, Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Thành tựu đã đạt

Thành tựu lớn nhất phải kể đến trong quan hệ hai nước kể từ sau chiến tranh là việc bình thường hóa quan hệ vào ngày 12/07/1995. Sự kiện này đã mở ra một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Tháng 7/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội, gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và mời ông đến thăm Mỹ. Chuyến viếng thăm này cho thấy Mỹ đã gạt bỏ sự khác biệt về ý thức hệ và coi Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam là một đối tác.

Việt Nam đã thể hiện sự chấp thuận mối quan hệ đối tác này bằng chuyến viếng thăm Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013. Kết quả của chuyến thăm này là tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Trong khuôn khổ hợp tác này, Washington và Hà Nội cam kết tôn trọng ‘hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.’

Ngày 2/10/2014, tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Washington, được đánh giá là nhằm hỗ trợ Việt Nam cải thiện an ninh hàng hải.

Một trở ngại khác từ phía Việt Nam đã được dỡ bỏ, theo Alexander L. Vuving, trong bài viết ‘A Breakthrough in US-Vietnam Relations’ trên The Diplomat ngày 10/04/2015 (tạm dịch : ‘Một đột phá trong bang giao Mỹ - Việt’, chính là thách thức về ý thức hệ của chế độ cộng sản ở Việt Nam.

Điều này được thể hiện qua hai điểm trong chuyến công du đến Washington của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang vào tháng 03/2015 :

Đây là chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của một Bộ trưởng Công an Việt Nam, một trong hai Bộ quan trọng nhất của Việt Nam (Bộ Công an và Bộ Quốc phòng), và ông Quang cũng là chỉ huy của lực lượng an ninh có trách nhiệm bảo vệ chế độ.

Trong cuộc gặp với các đối tác Mỹ, ông Quang khẳng định rằng Hà Nội sẵn sàng cho phép Đội Hòa bình của Mỹ (US Peace Corps) - trước đó vẫn bị coi là một ‘thế lực thù địch’ và là một tổ chức tuyên truyền và có các hoạt động chống phá chế độ cộng sản- được hoạt động ở Việt Nam.

Ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Việt - Mỹ nhằm đưa quan hệ hai nước lên một cấp độ cao hơn và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Chặng đường phía trước

Về lợi ích tương đồng, một số nhà nghiên cứu nhận định chung rằng sự bành trướng quyền lực trên Biển Đông của Trung Quốc những năm gần đây chính là chất xúc tác trong tiến trình xích lại gần nhau ổn định hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lần đầu tiên tuyên bố tự do hàng hải, cũng như sự ổn định và an ninh trong khu vực là lợi ích quốc gia của Mỹ. Điều đó cho thấy Biển Đông đã trở thành một mối quan tâm của Washington. Đây cũng là điều Hà Nội mong muốn đạt được trong việc ‘quốc tế hóa’ tranh chấp trên Biển Đông.

Dù Mỹ không tuyên bố ủng hộ hoặc đứng về bất kỳ bên nào trong tranh chấp Biển Đông, việc Hoa Kỳ ủng hộ biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều Việt Nam luôn kêu gọi, và những chỉ trích gần đây của Washington đối với việc bồi đắp đảo và xây dựng các công trình nhân tạo trên các đảo và đưa thiết bị quân sự đến các khu vực bồi đắp đã nhắm trực tiếp vào Trung Quốc.

Mỹ coi Việt Nam là một ‘quân cờ’ quan trọng trong chiến lược Xoay trục ở Châu Á-Thái Bình Dương ; trong khi Việt Nam cũng mong muốn sự hiện diện và đóng góp của Mỹ ở khu vực như một đối trọng với một Trung Quốc đang ngày một bành trướng và thể hiện tham vọng bá quyền khu vực.

Việc nâng tầm mức quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội trong quan hệ kinh tế với nền kinh tế lớn nhất thế giới này, trong đó việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là một trong những mục tiêu cơ bản của Việt Nam.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Ted Osius trong cuộc gặp với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 06/03/ 2015 cho hay Mỹ muốn trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam ; cho thấy Mỹ cũng đang hướng đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng.

Trở ngại chính

Về trở ngại chính nếu có trong quan hệ hai nước, thì việc dỡ bỏ một phần lệnh bán vũ khí cho thấy vẫn còn những trở ngại từ phía Mỹ trong việc thắt chặt quan hệ Mỹ - Việt.

Về phía Việt Nam, việc mong muốn bảo vệ chế độ cùng với tư tưởng chống phương Tây và coi họ như những thế lực thù địch vẫn còn tồn tại trong một số lãnh đạo Việt Nam đã biến nó thành trở ngại trong quan hệ Việt - Mỹ.

Ngoài ra, nhân quyền ở Việt Nam luôn là một thách thức chính và bị ràng buộc trong các quan hệ với Mỹ, đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải có những chính sách cái thiện hơn nữa vấn đề này.

Tuy vậy, dù vẫn tồn tại những thách thức trong quan hệ hai nước, sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông đã khiến Mỹ và Việt Nam bớt coi trọng những bất đồng để đạt được những lợi ích chiến lược chung.

Như cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Pete Peterson, đánh giá ‘thời điểm này Việt Nam và Mỹ đang ở rất gần mức quan hệ chiến lược, khi hai bên đang thúc đẩy hợp tác nhiểu lĩnh vực trong tầm nhìn hướng tới mối quan hệ này".

Tại đối thoại Shangri-La 2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng Việt Nam sẽ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Như vậy, liệu Hoa Kỳ sẽ là ưu tiên của Việt Nam ? Và rất có thể chuyến thăm Mỹ dự kiến sắp tới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa với Hoa Kỳ để hai nước có thể trở thành đối tác chiến lược của nhau trong tương lai gần.
Lê Thành Lâm

Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đang tu nghiệp tại Đại học City University London.






No comments: