Lê Diễn Đức
Monday, June 08, 2015 1:59:31 PM
Cộng
đồng mạng xã hội Facebook sôi động chỉ trích phát biểu của Phó Chủ Tịch Hội Nhà
Báo Việt Nam Hà Minh Huệ về vấn đề trưng cầu dân ý tại cuộc thảo luận của Quốc
Hội hôm 1 tháng 6, 2015.
Theo ông Huệ, bản dự thảo luật có thể khiến “những
người to mồm thành thiểu số.” “Dân chủ của
ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có
khi gây hại, không thể tùy tiện,” ông Huệ nói.
Ông Huệ còn thêm:
“Nước ta đang phát
triển mọi mặt, trình độ dân trí tăng lên, nhưng trình độ thực hiện dân chủ chưa
có đủ kinh nghiệm để làm, nên tôi đề nghị làm việc gì cũng hết sức thận trọng,
đặc biệt là vấn đề trưng cầu dân ý.”
“Các thế lực thù địch
bên ngoài sẽ thúc đẩy trưng cầu dân ý, và khi có một vấn đề cần trưng cầu dân ý
mà họ xúi giục người dân thì chúng ta phải làm như thế nào giải quyết những vấn
đề đó?”
Một số bạn đọc cho rằng ông Hà Minh Huệ hoặc có vấn
đề về tâm thần, hoặc “quan trí” của ông quá thấp, nên mới có những phát biểu ngớ
ngẩn như vậy! Cũng giống như ông “đại biểu” Hoàng Hữu Phước có lần cũng đã từng
nói ở Quốc Hội rằng, dân trí dân ta còn thấp nên chưa nên có luật biểu tình, dù
rằng, quyền biểu tình được Hiến Pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hoà bảo hộ và xuyên suốt trong các bản Hiến Pháp tiếp theo tới nay.
Cũng dễ hiểu! Là thành viên của một Quốc Hội “đảng cử
dân bầu” của Đảng Cộng Sản Việt Nam, các ông “nghị” này chẳng có sự hiểu biết
cũng như thực tiễn nào về trưng cầu dân ý.
Trưng
cầu dân ý là gì?
Trưng cầu dân ý là một hình thức biểu quyết về các mối
quan tâm chung, gần gũi nhất với lý tưởng dân chủ trực tiếp, trong đó có sự
tham gia của tất cả các công dân có quyền biểu quyết (tức là có quyền bỏ phiếu).
Trong cuộc trưng cầu dân ý, công dân của toàn quốc gia hoặc một phần, sẽ bày tỏ
quan điểm của họ về các vấn đề được đưa ra bỏ phiếu.
Trưng cầu dân ý có thể xem là hình thức biểu đạt đầy
đủ nhất về chủ quyền công dân, bởi vì thông qua nó, người dân được sử dụng quyền
chính trị trực tiếp trong việc quyết định những vấn đề thuộc về vận mệnh dân tộc.
Đây là một cách thức can thiệp quyền lực, bởi vì kết quả của nó sẽ buộc nhà nước
phải tuân thủ và điều chỉnh chính sách thích hợp.
Cuộc trưng cầu dân ý lần đầu tiên được thực hiện ở
tiểu bang Massachusetts tại Mỹ, vào năm 1778. Dự thảo Hiến Pháp lúc bấy giờ đã
bị cử tri bác bỏ. Ngoài ra, Hiến Pháp của Pháp cuối thế kỷ 18 đã được phê chuẩn
thông qua các cuộc trưng cầu dân ý: Jacobin năm 1793, Thermidorian năm 1795 và
tổng tài 1799. Cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về lập pháp đầu tiên diễn ra tại
Thụy Sĩ vào năm 1848.
Hiện nay, tất cả các nước dân chủ đều áp dụng trưng
cầu dân ý. Chỉ 5 quốc gia dân chủ chưa bao giờ thực hiện nó trên quy mô toàn quốc
là Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ. Tuy nhiên, ở Mỹ, trưng cầu dân ý được
thực hiện rộng rãi ở các tiểu bang. Năm quốc gia có nhiều hơn 10 lần trưng cầu
dân ý trong lịch sử là Australia, Đan Mạch, New Zealand, Thụy Sĩ.
Khi hội đủ số cử tri đề nghị thực hiện, trưng cầu
dân ý sẽ là một phương tiện hiệu quả của những thiểu số khác biệt - chính trị,
dân tộc hay xã hội. Bằng trưng cầu dân ý, không những họ khẳng định được sự tồn
tại của mình, mà còn đề cao các vấn đề được xem là quan trọng cho bản thân.
Trưng cầu dân ý được xem là nhân tố của giáo dục quyền chính trị và công dân.
Người dân tham gia vào các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý của nhà nước,
xác định được vai trò đáng kể của mình. Nhà nước, ngược lại, không còn độc quyền
hay là bộ máy quan liêu, trở thành sở hữu và đối tượng quan tâm của tất cả.
Trưng cầu dân ý vì vậy, giữ vai trò hoàn hảo trong việc giáo dục dân chủ cho xã
hội.
Trong hệ thống chính trị độc tài, trưng cầu dân ý được
sử dụng như một thứ công cụ chống lại dân chủ. Đi kèm với nó luôn luôn là mạng
lưới tuyên truyền độc quyền, mị dân, song song với đàn áp chính trị, làm sai lệch
kết quả cuối cùng. Trong lịch sử đã từng diễn ra những cuộc trưng cầu dân ý như
vậy. Ví dụ năm 1802 tại Pháp, Napoleon Bonaparte, bằng trưng cầu dân ý, đã trở
thành quan tổng tài suốt đời, hai năm sau lên ngôi hoàng đế. Hitler cũng đã từng
thực hiện trưng cầu dân ý, qua đó bãi bỏ các đảng phái chính trị khác...
Nguyên tắc trưng cầu dân ý được quy định thành luật,
nhưng nhìn chung một cuộc dân cầu dân ý có giá trị khi số người đi bỏ phiếu vượt
quá 50%. Dưới 50%, cuộc trưng cầu dân ý chỉ còn mang tính chất tham khảo.
“Trưng
cầu ý dân phải xem lòng đảng”
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc
tài, toàn trị Cộng Sản. Từ năm 1954 trên miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước,
Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm độc quyền cai trị tuyệt đối. Luật pháp được ban hành
chủ yếu là để bảo vệ chế độ. Hiến Pháp, bộ luật khung cao nhất, mang tính hình
thức, trưng diễn với dư luận hơn là hiệu lực thực chất. Rất nhiều các nghị định
được thủ tướng chính phủ ban hành chà đạp lên các quyền công dân được Hiến Pháp
quy định như quyền biểu tình, lập hội và tự do thông tin...
Cho nên các “ông nghị” bàn chuyện trưng cầu dân ý là
chuyện khôi hài! Một chế độ công an trị, không chấp nhận các lực lượng đối lập,
không có báo chí tự do, hệ thống tuyên truyền bị kiểm soát và khống chế, thử hỏi
có cho một kết quả trưng cầu dân ý khách quan hay không, chưa nói tới việc gian
lận phiếu. Hay là, công an, tổ trưởng dân phố đi đến từng nhà vận động đi bỏ
phiếu, rồi thông báo nhân dân đi bỏ phiếu gần 100% và tự tuyên bố rằng, nhân
dân hoàn toàn nhất trí với chủ trương của đảng, giống như “nhất trí” chặt cây
xanh” ở Hà Nội, lấp sông Đồng Nai, hay “sẵn sàng” chờ đợi dự án sân bay Long
Thành!
Tổng Cục Phó Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm
Bộ Công An Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cũng đã nói toạc ra rằng, “thể chế chính trị của
Việt Nam khác các nước, vấn đề quốc gia đại sự đều do trung ương quyết định.”
(*)
“Cơ chế của Việt Nam là đảng lãnh đạo, sau khi trưng
cầu ý dân rồi thì Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư cũng phải xem ý dân thế nào, lòng đảng
ra sao, trên cơ sở đó mà quyết định,” ông Tuyến phát biểu. (*)
Ý dân một đường, nhưng lòng đảng một kiểu thì đương
nhiên phải theo lòng đảng. Dự án Bauxite Tây Nguyên là một điển hình. Không
trưng cầu dân ý, nhưng bất chấp thư phản kháng của hàng ngàn trí thức trong
ngoài nước, các cán bộ lão thành, một số đại biểu Quốc Hội, đảng vẫn quyết tâm
làm và hậu quả mang lại ê chề, thảm hại!
Lời
kết
Trong chính trị không có phương pháp giải quyết hoàn
hảo, nhưng trưng cầu dân ý cách làm tốt nhất của xã hội dân chủ. Một nhà nước
do dân bầu ra, nếu chưa thực sự tin tưởng vào chủ trương của mình trong một vấn
đề nào đó, cần tìm sự đồng thuận của xã hội, thì trưng cầu ý dân là phép giải của
bài toán. Trưng cầu dân ý cần được xem xét một cách nghiêm túc, phải có thời
gian chuẩn bị kỹ lưỡng để người dân hiểu hết nội dung được đưa ra biểu quyết và
chỉ áp dụng nơi nào và khi nào thấy cần thiết nhất. Trưng cầu dân ý không bao
giờ được sử dụng như là một phương tiện để loại bỏ hoặc hạn chế các nguyên tắc
dân chủ.
Thực hiện trưng cầu dân ý bởi một nhà nước độc tài,
toàn trị là một trò hề, chẳng có ý nghĩa gì, vì nguyên tắc của nó là trói buộc
tự do tư tưởng. Đáp số của trưng cầu dân ý, thậm chí nếu được tiến hành, sẽ là
hiệu ứng của đám đông, y hệt tiếng “cạc, cạc” đồng thanh của đàn vịt, trong một
cuộc thăm dò dư luận, rằng, “Việt Nam là nước hạnh phúc nhất nhì thế giới.”
-----------------------------
No comments:
Post a Comment