Việt Hùng/ Người Việt
Sunday, June 21,
2015 6:25:30 PM
Kỷ niệm ngày quân lực VNCH 19 Tháng Sáu
BIÊN HÒA (NV) - Nhân dịp kỉ niệm ngày
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) 19 tháng 6, cùng với các thương phế binh VNCH
chúng tôi đi viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
TPB Trần Thiện
Thanh Sơn vui mừng nhận ra mộ phần của một đồng đội xưa.
(Hình: Việt Hùng/Người Việt)
(Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Đoàn chúng tôi xuất
phát lúc 9 giờ sáng từ Sài Gòn, thẳng hướng quốc lộ 1A về Biên Hòa, qua khu vực
Suối Tiên, khoảng 300m nhìn bên tay trái, đoạn đường nhỏ dẫn vào làng Đại học
Thủ Đức. Đó là con đường dẫn lên khu nghĩa trang Biên Hòa.
Đìu hiu những nấm mồ
Con đường hẹp, vắng
lặng chạy lượn vòng bên bức tường cao màu xám cũ, nhìn bên ngoài chỉ thấy toàn
cây cối. Chúng tôi len lỏi men theo con đường nhỏ đầy đất cát này để vào nghĩa
trang.
Vừa bước vào cổng,
người bảo vệ cùng với 2 nhân viên an ninh bận thường phục ra chặn lại, mời vào
làm “thủ tục.” Với các câu hỏi như vào đây làm gì, thăm ai? Thế nhưng sau khi
đã ký tên xong, vừa quay xe bước đi thì đã có 2 nhân viên chạy theo sát kè kè
bên đoàn chúng tôi.
TPB Nguyễn Văn
Quang và Nguyễn Văn Tài đang vái lạy các anh hùng tử sĩ. (Hình: Việt Hùng/Người
Việt)
Chúng tôi men theo
con đường nhỏ bên trong nghĩa trang, rợp đầy cây cối mọc um tùm, bên dưới là những
ngôi mộ đầy hiu quạnh. Trạm ghé chân đầu tiên là Nghĩa Dũng Đài để thắp hương
tưởng niệm.
Nghĩa Dũng Đài to lớn
nằm sừng sững trong tiết trời âm u của mùa mưa Sài Gòn. Thanh kiếm Nghĩa Dũng
trên cái tháp cao đã bị cắt ngắn, để cho người dân chạy xe bên ngoài quốc lộ 1A
không còn nhìn thấy như xưa nữa. Bức tường hoen úa màu xám thời gian cho chúng
tôi cái cảm giác nặng lòng đến lạ. Khói hương bay trong cái không gian im lặng
buồn buồn.
Chúng tôi tiếp tục
đi qua những khu mộ thấp thoáng trong rừng cây, khung cảnh điêu tàn bao trùm khắp
nghĩa trang.
Những tàn cây xum
xuê và cao thẳm, nằm chen lấn trên những ngôi mộ bị bỏ quên không được chăm
sóc. Không ít ngôi mộ chỉ còn nắm đất, không còn tên tuổi. Lại bị rễ cây tác động,
khiến cho cấu trúc bên dưới vốn đã không chắc chắn lại càng thêm tan hoang. Dường
như chính quyền đang muốn biến khu nghĩa trang này thành khu rừng rậm.
Cuối cũng đoàn
chúng tôi dừng chân ở cuối khu E của nghĩa trang, để thắp hương và cúng viếng
các anh hùng tử sĩ đã nằm lại nơi đây.
Ước mong trùng tu mộ phần
Đang lúc cúng viếng,
thì trời bổng đổ mưa như muốn khóc cho thân phận những tử sĩ đang nằm dưới lòng
đất mẹ. Cơn mưa ngày càng nặng hạt, khiến cho không gian nghĩa trang vốn đã âm
u lại càng thêm u buồn.
TPB Nguyễn Văn Tài
(đi đầu), Nguyễn Văn Quang (mất cả 2 chân) và Trần Thiện Thanh Sơn (người
đi cuối cùng) đang đi lên thắp nhang ở Nghĩa Dũng Đài. (Hình: Việt
Hùng/Người Việt)
Thương phế binh
(TPB) Nguyễn Văn Quang (số quân 52/711750 KBC 4506), bị mất cả 2 chân trong chiến
dịch mùa hè đỏ lửa 1972 ở mặt trận Quảng Trị, tâm sự, “Hôm nay anh em chúng tôi
xuống đây để viếng các anh, các anh em nằm lại ở nơi đây thật sự là những anh
hùng.”
“Tôi nợ các anh ấy một
lời tri ân. Tuy thân thể tôi không còn lành lặn, nhưng so với các anh em đang nằm
dưới lòng đất mẹ này thì tôi còn may mắn hơn nhiều, ước mong của tôi là muốn được
trùng tu lại mộ phần của các tử sĩ vô danh, để họ được yên lòng nơi chin suối.”
Ông Quang cho biết thêm
Còn TPB Lê Tấn
Thành (số quân 56865767) cũng bị mất cả 2 chân trong thời chiến, bùi ngùi, “Tôi
có mấy đồng đội đã yên nghĩ nơi đây, hôm nay tôi xuống đây với hi vọng tìm được
mộ phần của họ, nhưng dường như vô vọng. Nghĩa trang đã thay đổi quá nhiều so với
ngày xưa, khiến cho tôi không tài nào có thể tìm được.”
“Nhìn những nấm mồ,
không tên tuổi, chỉ còn lại nấm đất trồi lên, tôi đau lòng lắm. Mỗi con người
là một số phận, nhưng sao số phận của người lính VNCH lại bi đát và đau đớn đến
như vậy?” Ông Thành rưng rưng nước mắt!
Cũng với tâm tình
trên, TPB Nguyễn Văn Tài (số quân 75109488), bị mất một chân trong chiến dịch
Phượng Hoàng, phải dùng chân giả để đi lại, cho biết, “Tôi mong muốn chính quyền
này hãy tạo điều kiện cho các thân nhân trùng tu lại mộ phần của tử sĩ. Việc đi
thăm người chết mà còn gặp khó khăn thì chính quyền này chưa thật tâm muốn hòa
hợp hòa giải dân tộc.”
Rất nhiều mộ phẫn
chỉ còn là nắm đất, không tên tuổi bia mộ, lại bị rễ cây cày xới bên dưới.
(Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Còn TPB Trần Thiện
Thanh Sơn, chú là lính tiểu đoàn 11 nhảy dù do Đại Tá Nguyễn Đình Bảo làm đại đội
trưởng, chú tâm sự, “40 năm đã đi qua, mà mộ phần của các tử sĩ ở nơi đây còn
quá hoang lạnh. Tôi mong muốn các ân nhân hãy giúp đỡ hay vận động một chương
trình để có thể trung tu lại mộ phần cho các tử sĩ được yên lòng.”
Nhìn hàng trăm ngôi
mộ của những người lính ngày xưa còn nằm lại nơi này là chứng nhân của những đổi
thay tàn khốc bởi sự chuyển dịch của thời gian và bởi sự ác độc của con người.
Cứ như họ bình thản đi qua sự quên lãng, sự vô tình...
Cuộc chiến đã qua
đi qua 40 năm. Thế nhưng, nghĩa trang Biên Hòa vẫn là tâm điểm của việc hòa hợp
hòa giải dân tộc. Bây giờ, khu nghĩa trang đã được chính quyền cộng sản đổi
thành tên Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, thế nhưng nhìn khung cảnh nơi đây, sự
bình an chắc còn lâu mới đến nơi này.
Bài liên quan
No comments:
Post a Comment