Tuesday, June 2, 2015

Thử tìm nguyên nhân gốc của các vụ oan sai (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
03/06/2015

1- Điểm qua về oan sai

 Quốc hội đang họp để thông qua Luật tố tụng hình sự, trong đó có điều về quyền im lặng của nghi can khi bị bắt và hỏi cung. Điều này nhằm góp phần tránh oan sai. Nhân dịp này tôi xin có vài lời bàn về nguyên nhân gốc và một vài biện pháp .

Oan sai bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều mức độ.

A gây ra oan sai cho B khi mà A có nhận xét, có cách xử lý đối với B nặng hơn “cái lỗi” mà B phạm phải hoặc B không phạm lỗi gì cả. Nhẹ là nghi ngờ, nhận xét, chê trách. Thuộc loại nặng nhất là hành động hoặc bản án làm người ta mất mạng và khuynh gia bại sản. Gần đây trong xã hội xảy ra quá nhiều vụ oan sai, đến mức người dân lập ra “Hội những người bị oan sai”, Chủ tịch nước, Thường vụ Quốc hội tỏ ra quan tâm đặc biệt đến oan sai của dân.

 Đã có một số bài phân tích nguyên nhân của oan sai, nhưng phần lớn chỉ mới đụng đến nguyên nhân gần, trực tiếp (thí dụ sự thiếu trách nhiệm, sự coi thường và vi phạm luật lệ của A, sự cam chịu của B, việc xét xử của tòa không theo đúng nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”, việc trại giam do công an quản lý, v.v.). Biết nguyên nhân trực tiếp là cần, nhưng chưa đủ để tìm biện pháp phòng tránh và loại bỏ. Lấy thí dụ một cây to có gốc rễ, thân, một số cành lớn, nhiều cành vừa, rất nhiều cành bé. Cây ra hoa, kết thành quả độc. Vậy quả độc từ đâu sinh ra? Quả sinh ra từ hoa, hoa mọc từ những cành bé nào đó, cành bé mọc ra từ cành vừa. Nếu cho nguyên nhân là từ cành mà chặt bỏ cành này thì hoa quả sẽ mọc ra từ cành khác, có chặt hết tất cả các cành bé thì từ cành lớn lại mọc ra cành mới, có chặt cành lớn thì từ thân cây, nếu nó chưa chết hẳn sẽ mọc ra cành khác. Nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gốc của quả độc là nằm trong hạt giống của cây, phát hiện ra ở gốc rễ và thân. Vậy nguyên nhân gốc của muôn vạn oan sai khác nhau của dân Việt trong thời gian vừa qua nằm ở đâu? Phải cố mà tìm ra để nhổ tận gốc rễ của nó.

Năm nay tôi gần 80 tuổi, đã chứng kiến nhiều cảnh oan sai ghê gớm, mà xem ra nỗi oan của gia đình Thúy Kiều là quá nhỏ bé (Mặt trông đau đớn rụng rời. Oan này chỉ có kêu trời nhưng xa. Lạ gì cái thói sai nha. Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền). Oan của Kiều chẳng qua vì tiền và Kiều phải chịu 15 năm lưu lạc. Oan của những người tôi chứng kiến hoặc biết được qua thông tin khủng khiếp hơn nhiều và ngoài tiền ra còn vì nhiều thứ lạ lùng khác nữa. Nỗi oan lớn trong lịch sử Việt Nam là của Nguyễn Trãi, nhưng chỉ sau 20 năm đã được giải oan, được khôi phục. Nỗi oan ngày nay nhiều vô kể, có lẽ phải dùng cách mô tả của Bình Ngô Đại Cáo mới lột tả được:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Oan sai nhiều vô kể, mà số được minh oan, giải oan ít vô cùng.

Đó là nỗi oan của Phạm Quỳnh, của Tạ Thu Thâu và hàng ngàn người khác bị giết trong những ngày đầu cách mạng; của hàng vạn người bị giết vì bị nghi là Việt gian trong kháng chiến chống Pháp; đó là Nguyễn Thị Năm và hàng vạn những người ưu tú bị giết tại chỗ hay trong các nhà tù của cải cách ruộng đất; của Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh và hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ cấp cao bị tù đày không xét xử (hoặc xét xử bằng tòa án độc tài) trong vụ Nhân văn Giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng; đó là Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Thanh Chấn và hàng ngàn người bị kết án oan, bị chết trong thời kỳ tạm giam; đó là hàng vạn nông dân ở Văn Giang, Dương Nội, Long An và nhiều nơi khác bị thu hồi đất để làm giàu cho một số người có thế lực; đó là Trần Huỳnh Duy Thức, Lê thị Công Nhân, Phạm Quế Dương, Trần Lâm và hàng ngàn người khác bị vu cáo là muốn chống đối Đảng và lật đổ chế độ.

Cũng đã có một vài người được minh oan một cách sơ sài như Nguyễn Thị Năm được truy tặng liệt sĩ, Nguyễn Thanh Chấn được ra khỏi tù, v. v. Nhưng còn hàng chục vạn người khác chết lâu rồi mà nỗi oan không được giải, linh hồn không thể nào siêu thoát.

Vừa qua tôi có chứng kiến cảnh một người cháu đến UIA (Số 1 Đông Tác, Hà nội) làm lễ cầu siêu cho ông, nguyên là bí thư đảng ủy xã, trong cải cách ruộng đất bị vu oan là Quốc Dân Đảng, bị tòa án đặc biệt của nông dân xử bắn. Khi người cháu làm thủ tục phụ hồn, ông ứng lên, chỉ khóc và nói đi nói lại một câu: oan lắm cháu ơi, oan lắm đi thôi!

2- Nguyên nhân gốc của oan sai

Nguyên nhân gốc nào, nguyên nhân cơ bản nào gây ra nhiều oan sai như vậy cho một dân tộc vốn biết khuyên bảo nhau: nào là “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, nào là “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, nào là “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”…? Trên thế giới còn có nước nào mà từ xưa dân kiến tạo các “Suối giải oan”, ngày nay lập ra “Hội dân oan” như ở ta hay không?

Tôi đã viết một vài bài bàn về nguyên nhân gốc của nhiều tệ nạn và chỉ ra rằng “Nguyên nhân gốc là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là những yếu kém trong nền văn hóa của dân tộc và một bên là những độc hại của chủ nghĩa Mác Lênin”. Nguyên nhân gốc nỗi oan sai của hàng vạn, hàng triệu người dân Việt hiện nay cũng không nằm ra ngoài nhận định trên.

Yếu kém của nền văn hóa đã được một số nhà văn, nhà nghiên cứu tìm tòi, vạch ra (trong đó đáng được quan tâm là quyển Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng), tại đây tôi chỉ xin nêu ra vài điều có liên quan và ký hiệu bằng chữ VH, đó là: Thói quen ích mình hại người; sự vô cảm với đau khổ của đồng loại; thói quen chịu nô lệ, chỉ biết làm theo lệnh của người khác mà không cần đạo lý và luật pháp; thói xấu dựa vào quyền hành hoặc sức lực mà làm oai, mà coi thường hoặc bắt người yếu thế phải khuất phục (chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng); thói xấu chạy chọt, đút lót, hối lộ (nén bạc đâm toạc tờ giấy); thói xấu thích được lập thành tích, được tiếng tăm, được khen thưởng nhờ vào những thủ đoạn dối trá, nỗi sợ hãi không dám đụng đến người trên, sợ uy lực của chính quyền, v.v.

Độc hại của Chủ nghĩa Mác Lênin, tôi ký hiệu là ML, chủ yếu nằm trong lý thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản. Nguy hiểm là Đảng CSVN tiếp thu, học được những thủ đoạn, những việc làm vô cùng nham hiểm, độc ác từ chế độ Stalin và Mao Trạch Đông, những hoàng đế cộng sản tàn bạo. Hơn thế nữa, Đảng CSVN, để tỏ ra trung thành với Mao, trong một thời gian dài (1963-1978) còn tù đày không xét xử rất nhiều đảng viên ưu tú vì bị vu cho là không theo đường lối của Mao, là chống Đảng (xin xem Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên và Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn), trong đó cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng bị nghi ngờ, bị liên quan vì trong hội nghị thông qua Nghị quyết 9 về chống xét lại (Liên xô, Khơ rút sốp ) thì Cụ Hồ ra ngoài, không bỏ phiếu, còn tướng Giáp bỏ phiếu trắng.

 Dựa vào đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, đặc biệt là dựa vào ý kiến của Lênin “Chính quyền là của giai cấp này dùng để thống trị giai cấp khác”, dựa vào ý của Mao Trạch Đông là “Chính quyền sinh ra từ nòng súng” mà Đảng CSVN dựng nên một chính quyền với lực lượng công an hùng hậu, với hệ thống tòa án bị chi phối, nhất quyết không chấp nhận thể chế Tam quyền phân lập, thực thi việc cai trị bằng bạo lực và dối trá. Không biết được huấn luyện thế nào mà công an nhìn đâu cũng thấy kẻ thù giai cấp, nhìn ai (đặc biệt là trí thức) cũng thấy là kẻ chống Đảng, chống chế độ, thấy người nào cũng nghi là tội phạm, đang tìm cách che giấu tội phạm hoặc là tội phạm tiềm ẩn. Mà rồi tòa án khi xét xử chủ yếu không dựa vào tranh tụng tại tòa mà dựa vào bản án đã chuẩn bị sẵn theo sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng.

Hãy nhìn thật gần, thật kỹ những ai đang làm trong ngành công an và tòa án. Đã từng biết trong họ một số người có phẩm chất tốt, trung thực, hiểu biết và thực thi đúng luật pháp , có đạo đức, có lòng trắc ẩn, không chịu làm theo sự áp đặt sai trái. Họ thật xứng đáng được nhân dân ghi nhớ, biết ơn (Vị chánh án tòa xử vụ Tạ Đình Đề là một người như vậy). Tiếc rằng số người như thế chiếm tỷ lệ còn thấp và một số sớm bị sa thải, bị thuyên chuyển! Phần lớn trong ngành công an và tòa án để có được cương vị công tác thường phải thông qua một vài biện pháp tiêu cực. Mà như vậy thì khó tránh khỏi việc dùng người kém phẩm chất, yếu trình độ vào những nơi quan trọng. Không những thế họ không thể, không muốn tập trung trí tuệ và thời gian cho công việc được giao vì phải làm một việc quan trọng hơn, cấp thiết hơn là “hoạt động để thu hồi vốn đã bỏ ra khi chạy việc”.

Một tệ nạn do CNML gây ra là sự dối trá, tạo ra thành tích dổm để tuyên truyền, để được khen thưởng. Trong xã hội hiện nay việc dối trá đã trở nên một thói quen để thống trị, để tồn tại.

3- Một vài phân tích về sự kết hợp

Với riêng nguyên nhân VH (yếu kém trong nền văn hóa) hoặc riêng nguyên nhân ML (độc hại của CNML) thì cũng đã có thể gây ra một số oan sai nào đó. Ở đây tôi muốn phân tích là do sự kết hợp, sự cộng hưởng của hai nguyên nhân trên (hoặc theo Duy thức luận thì một cái là nhân, cái kia là duyên) mà làm cho những oan sai tăng lên đến mức khó chấp nhận.

+ Vụ Nguyễn Thị Năm và hàng vạn nạn nhân của cải cách ruộng đất là do VH-lòng tham lam, ngu dốt của bần cố nông, sự nô lệ và sợ hãi chuyên gia Trung quốc của những người có trách nhiệm, cộng hưởng với ML-tiêu diệt kẻ thù giai cấp của cách mạng vô sản.

+ Vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải và nhiều người khác là do VH-sự vô cảm với đồng loại kết hợp với ML-thích lập thành tích. Trong số những người điều tra, xét xử, nhiều người biết rõ sự oan sai của nạn nhân nhưng chặc lưỡi cho qua vì đã được thấm nhuần tinh thần của đấu tranh giai cấp là giết nhầm hơn bỏ sót, là để họ giúp nạn nhân làm rõ oan sai thì ngoài chứng cứ theo luật pháp họ còn cần thủ tục “đầu tiên” mà người nhà không có, không biết hoặc quá tin vào sự công minh của pháp lý, quá tin vào một thứ rất hiếm là lòng trắc ẩn của những lãnh đạo cấp cao. Ở địa phương X vừa xảy ra vụ trọng án, Bí thư tỉnh ủy chỉ thị mồm cho công an phải tìm ra thủ phạm trong thời gian ngắn nhất để chứng tỏ sức mạnh của chính quyền chuyên chính vô sản. Khi báo chí đưa tin chỉ sau 24 giờ công an đã tóm được thủ phạm, nhân dân cả nước phục tài, công an được thưởng, tỉnh ủy được ca ngợi. Bắt được một người rồi, cứ tra tấn, ép cung thì trước sau hắn cũng nhận là thủ phạm!

+ Vụ oan sai bị cướp đất ở Văn Giang, ở Dương Nội và hàng chục nơi khác cũng là do thói xấu của nền văn hóa kết hợp với độc hại của nền chuyên chính vô sản.

4- Biện pháp phòng tránh oan sai

Trong cuộc đời từ bé đến nay tôi cũng đã chịu một số oan sai, để lại những vết thương lòng khó xóa. Trong thời gian có chức có quyền (nghĩa là có điều kiện gây ra oan sai cho người có quan hệ như con cháu, người nhà, như sinh viên, cán bộ hoặc người dân dưới quyền…) tôi luôn tâm niệm và rao giảng việc tránh gây ra oan sai cho người khác, xem đó là tiêu chuẩn quan trọng của trí tuệ và đạo lý.

Trong xã hội việc loại bỏ hoàn toàn oan sai là rất khó, thường chỉ có thể tìm cách giảm bớt. Để làm được việc đó điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một thể chế chính trị dân chủ, thực thi TAM QUYỀN PHÂN LẬP, một chính quyền quang minh chính đại, vững mạnh. Có được một chính quyền trong sạch, vững mạnh mới có thể dễ dàng nâng cao dân trí, khắc phục các yếu kém của nền văn hóa, mới có thể nâng cao giáo dục, tổ chức xã hội, nghiêm minh pháp luật để người ta, bất kể là người dân hoặc quan chức có quyền phải thực hiện được BA KHÔNG. Không muốn, không thể và không dám gây ra oan sai cho người khác. Một chính quyền như vậy trước hết phải kiên quyết từ bỏ CNML.

Mặt khác, nếu tin vào tâm linh thì không khó nhận ra rằng những vong hồn chịu oan sai đang hoành hành, đang gây nhiều rối loạn trên mặt đất. Một chính quyền có lương tri cần tự tổ chức minh oan, giải oan cho những oan hồn, dù họ ở phe phái nào, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, tổ chức dân sự làm lễ giải oan. Đối với người bị oan còn bị giam giữ hoặc đã được tự do phải minh oan cho người ta, đền bù cho người ta.

Một xã hội mà có nhiều oan sai (người sống hoặc linh hồn) thì khó mà phát triển thuận lợi.
Quốc hội đang tranh luận điều luật về quyền im lặng của nghi can, cho đó là một trong những điều kiện tránh oan sai, tôi nghĩ ngoài điều đó ra còn phải thêm nhiều điều nữa trên cơ sở tôn trọng nhân quyền.

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 04:53

----------------------------------

Xem thêm :

(Nguyễn Đình Cống)  Sunday, 1 March 2015





No comments: