Được đăng ngày Thứ sáu, 05 Tháng 6 2015 17:35
Bill Hayton - tác giả cuốn : "Biển Đông -
cuộc tranh giành quyền lực ở Châu Á". Ảnh : NYTimes
LTS
: VietnamNet trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài
viết Fact, fiction and the South China sea (Sự thật, điều hư cấu và Biển
Đông) trên tờ Asia Sentinel, số ra ngàt 25/05/2015, của nhà báo kỳ cựu Bill Hayton. Một quan điểm
dứt khoát về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông của ký giả Bill Hayton, một
chuyên gia nổi tiếng đã có nhiều năm gắn bó với khu vực Đông Nam Á và là tác giả
cuốn "Biển Đông : cuộc tranh giành quyền lực ở Châu Á" (tên gốc
: South China Sea : the Struggle for Power in Asia).
********************
Phần
một : Sự thật, điều hư cấu và Biển Đông
Chỉ trong vài tuần tới, các thẩm phán quốc tế sẽ bắt
đầu xem xét tính hợp pháp của yêu sách "đường chữ U" của Trung Quốc ở
Biển Đông.
Nơi xử sẽ là Tòa Trọng tài quốc tế thường trực (PCA)
ở The Hague, Hà Lan và bước đầu tiên của tòa, trong các cuộc tranh luận vào
tháng 7, sẽ là cân nhắc xem liệu họ thậm chí có thẩm quyền để xử vụ kiện này
hay không.
Hy vọng tốt nhất của Trung Quốc là các thẩm phán sẽ
ra phán quyết tự loại bỏ họ khỏi thẩm quyền phân xử vụ việc, vì nếu họ không
làm vậy, vụ kiện của Philippines sẽ tiếp tục và nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ
lâm vào một tình cảnh bị xấu mặt nghiêm trọng.
Trong khi đó, Philippines muốn Tòa PCA ra phán quyết
rằng, theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), Trung Quốc chỉ có thể
tuyên bố chủ quyền và các quyền đối với các nguồn tài nguyên trong những vùng
biển cách lãnh thổ một khoảng cách nhất định.
Nếu tòa nhất trí, phán quyết của tòa sẽ tạo ra ảnh
hưởng teo rút "đường lưỡi bò" thành một vài vòng không có đường kính
lớn hơn 24 hải lý (khoảng 50km).
Một góc Trung Quốc cải tạo Gạc Ma trái phép ở Trường
Sa của Việt Nam
Trung Quốc không chính thức tham gia vào vụ kiện,
nhưng đã gián tiếp nêu lên các luận điểm của mình, đặc biệt là thông qua một
"văn kiện bày tỏ lập trường chính thức" đăng tải hồi tháng 12 năm
ngoái.
Văn kiện này lập luận rằng, tòa PCA không nên phân xử
vụ kiện của Philippines cho tới khi một tòa án khác ra phán quyết về tất cả các
yêu sách đối kháng về chủ quyền đảo, đá và dải đá ngầm khác nhau. Các trọng tài
quốc tế cần phải xem xét vấn đề này đầu tiên.
Chiến lược của Trung Quốc trong "cuộc chiến
pháp lý" trên Biển Đông là tung ra các luận cứ lịch sử để "đè bẹp"
các luận cứ dựa vào UNCLOS.
Trung Quốc dường như ngày càng coi UNLCOS không phải
là một phương tiện trung lập để giải quyết các tranh chấp, mà là một thứ vũ khí
có tính thiên vị được các nước khác lợi dụng nhằm phủ nhận các quyền tự nhiên của
nước này.
Tuy nhiên, Trung Quốc vấp phải một rắc rối lớn trong
việc sử dụng các luận cứ lịch sử. Gần như chẳng có bằng chứng nào là căn cứ cho
chúng.
Mặc dù vậy, đây đã không phải là ấn tượng mà độc giả
thông thường có được khi đọc hầu hết các bài báo hoặc các báo cáo của các tổ chức
tư vấn chính sách (think tanks) phân tích về các tranh chấp ở Biển Đông trong
những năm gần đây.
Đó là vì, nền tảng kiến thức lịch sử của hầu hết các
bài viết và báo cáo chỉ được dựa trên một số lượng rất nhỏ các công trình
nghiên cứu và sách.
Đáng lo ngại là, một cuộc điều tra chi tiết đối với
những công trình và sách này gợi ý rằng chúng đã dựa trên những căn cứ không
đáng tin cậy để viết nên các sự kiện lịch sử xác thực.
Đây là một chướng ngại đáng kể trong việc giải quyết
các tranh chấp, vì việc hiểu sai các bằng chứng lịch sử của Trung Quốc chính là
yếu tố gây bất ổn lớn nhất trong tình cảnh căng thẳng hiện nay.
Sau hàng thập niên giáo dục sai, người dân và tầng lớp
lãnh đạo Trung Quốc dường như bị thuyết phục rằng, Trung Quốc là chủ nhân hợp
pháp của tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông - và còn có thể cả những vùng
biển xung quanh. Quan điểm này đơn giản không được hậu thuẫn bởi các bằng chứng
của thế kỷ 20.
Ai
kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát cả tương lai
Vấn đề đặt ra cho khu vực là sự giáo dục sai này
không chỉ xảy ra ở Trung Quốc.
Các bằng chứng không đáng tin cậy đang phủ bóng lên
các suy luận quốc tế về những tranh chấp ở Biển Đông. Nó đang bóp méo các đánh
giá về tranh chấp ở các cấp cao của chính phủ, cả ở Đông Nam Á và Mỹ.
Tôi sẽ sử dụng các ấn phẩm gần đây để minh họa cho
quan điểm của mình : đó là hai bài bình luận năm 2014 cho Trường nghiên cứu
quốc tế Rajaratnam (Singapore) của học giả Trung Quốc Li Dexia và học giả người
Singapore Tan Keng Tat, một bài thuyết trình năm 2015 của cựu Phó Đại sứ Mỹ ở
Trung Quốc Charles Freeman tại Đại học Brown và một báo cáo năm 2014 cho Trung
tâm Phân tích hải quân ở Mỹ.
Điểm nổi bật của những ấn phẩm trên - và đây chỉ là
một số ví dụ điển hình nhất của một nguồn tài liệu rộng lớn hơn nhiều - là
chúng phụ thuộc vào những tài liệu lịch sử được xuất bản cách đây nhiều năm.
Một số ít các nghiên cứu được xuất bản trong những
năm 1970, đáng kể đến là một bài báo của Hungdah Chiu và Choon Ho Park ;
cuốn sách "Tranh chấp Biển Đông" của Marwyn Samuels năm 1982, cuốn
"Biên giới biển của Trung Quốc" của Greg Austin" năm 1998 và hai
bài báo của Jianmeng Shen xuất bản năm 1997 và 2002.
Những bài viết trên đã tạo nên vốn kiến thức cơ bản
về các tranh chấp Biển Đông. Ứng dụng Google Scholar tính toán rằng, bài báo của
Chiu và Park đã được 73 tác giả khác trích dẫn lại, trong khi sách của Samuel
được trích dẫn 143 lần.
Những công trình về sau trích các tác giả này bao gồm
một cuốn sách của Brian Murphy năm 1994 và các bài viết của Jianmeng Shen năm
1997 và 2002. Các ấn phẩm này về sau lại lần lượt được 34 và 35 tác giả khác
trích dẫn lại, cũng như được đề cập đến trong cuốn sách xuất bản năm 1989 của
Chi-kin Lo, vốn được 111 công trình khác trích dẫn.
Tác giả Lo rõ ràng dựa vào Samuels trong hầu hết các
lí giải lịch sử của mình và thực tế ca ngợi Samuels "vì việc xử lý dữ liệu
lịch sử một cách tỉ mỉ".
Đô đốc hải quân (đã nghỉ hưu) Michael McDevitt, người
viết lời phi lộ cho nghiên cứu đăng tải trên trang CNA, nhấn mạnh rằng, cuốn
Tranh chấp Biển Đông, "vẫn có chỗ đứng tốt khoảng 40 năm sau
đó".
Các tác phẩm trên là những nỗ lực đầu tiên nhằm lý
giải lịch sử tranh chấp Biển Đông cho các độc giả nói tiếng Anh. Chúng có một số
đặc điểm chung sau đây :
Chúng được các chuyên gia về luật quốc tế hoặc chính
trị học viết, thay vì các nhà sử học hàng hải trong khu vực.
Chúng nhìn chung thiếu những tài liệu tham khảo gốc.
Chúng có xu hướng dựa vào các nguồn truyền thông của
Trung Quốc, vốn không dẫn nguồn tới bằng chứng gốc hay những công trình dẫn tới
bằng chứng gốc.
Chúng có xu hướng trích dẫn các bài báo được viết
nhiều năm sau khi xảy ra sự kiện và coi như đó là bằng chứng của sự thật.
Chúng nhìn chung thiếu thông tin bối cảnh lịch sử.
Chúng được viết bởi các giả có những mối liên hệ gần
gũi với Trung Quốc.
Những
công trình đầu tiên về tranh chấp Biển Đông
Các bài viết bằng tiếng Anh về Biển Đông xuất hiện ngay
sau "hải chiến Hoàng Sa" vào tháng 1/1974, khi hải quân Trung Quốc đẩy
các lực lượng Việt Nam Cộng hòa (miền nam Việt Nam) khỏi nửa phía tây quần đảo.
Các phân tích đầu tiên chỉ mang tính báo chí, trong
đó có bài viết của Cheng Huan, một sinh viên luật người Malaysia gốc Hoa ở
London khi đó và hiện là một chuyên gia luật cấp cao ở Hong Kong, trong số phát
hành tháng 2/1974 của tạp chí Far Eastern Economic Review.
Trong bài viết này, Cheng phát biểu rằng :
"Yêu sách lịch sử của Trung Quốc [đối với Hoàng Sa] có tài liệu dẫn chứng
vô cùng rõ ràng và đã có từ rất lâu, từ thời xa xưa đến mức gần như không có nước
nào khác có thể đưa ra tuyên bố đối lập có ý nghĩa".
Ý kiến này được Chi-Kin Lo, một sinh viên khoá sau ủng
hộ và trích lại trong cuốn sách "Chính sách của Trung Quốc đối với các
tranh chấp lãnh thổ" năm 1989.
Các công trình nghiên cứu kinh viện đầu tiên xuất hiện
vào năm sau đó. Chúng bao gồm một bài báo của Tao Cheng cho tạp chí luật quốc tế
Texas và một bài khác của Hungdah Chiu và Choon Ho Park cho tạp chí Ocean
Development & International Law. Trong năm tiếp theo, Viện nghiên cứu về
Châu Á ở Hamburg, Đức đã cho đăng tải một chuyên khảo của học giả Đức Dieter
Heinzig.
Bài báo của Cheng dựa chủ yếu vào các nguồn của
Trung Quốc và bổ sung thêm thông tin từ các hãng tin Mỹ.
Các nguồn chính của Trung Quốc là các tạp chí thương
mại với những phiên bản nổi tiếng hồi những năm 1930 như Tạp chí Bình luận ngoại
giao xuất bản ở Thượng Hải từ năm 1933 - 1934 và Nguyệt san Tân Á từ năm 1935.
Chúng được bổ sung bằng các tài liệu từ Nguyệt san minh báo của Hong Kong từ
năm 1973 - 1974.
Các tờ báo khác cũng được trích dẫn bao gồm Tuần báo
Quốc văn, xuất bản ở Thượng Hải trong khoảng năm 1924 - 1937, Nhân dân Nhật báo
và New York Times.
Cheng không đề cập tới bất kỳ nguồn nào của Pháp, Việt
Nam hay Philippines, ngoại trừ một bài báo năm 1933 từ tạp chí La Géographie, vốn
được biên dịch và tái in trên Tạp chí Bình luận ngoại giao.
***************
Phần
hai : Trung Quốc đã chế biến tài liệu về Biển Đông như thế nào
Bài viết của Hungdah Chiu và Choon Ho Park cũng dựa
vào các nguồn tương tự. Ở những phần trọng yếu, bài viết trích dẫn bằng chứng dựa
vào các bài báo được đăng tải năm 1933 trên Tạp chí Bình luận ngoại giao và
Nguyệt san Ngoại giao, và Nguyệt san địa lý từ năm 1934 cũng như Tuần san quốc
văn từ năm 1933 và Công báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ngoài thông tin này,
tác giả cũng bổ sung tài liệu thu thập từ ấn phẩm Sơ lược về địa lý các đảo ở
biển Đông Nam Hải của Thượng Hải năm 1948 và các tuyên bố của chính phủ Trung
Quốc từ năm 1956 đến 1974.
Chiu và Park có sử dụng một số tài liệu tham khảo của
Việt Nam, đáng chú ý nhất là 8 thông cáo báo chí hoặc các tờ thông tin do Đại sứ
quán của Việt Nam Cộng hòa ở Washington cung cấp. Họ cũng đề cập tới một số
"tài liệu chưa công bố thuộc quyền sở hữu của các tác giả". Tuy
nhiên, đại đa số các nguồn của họ là từ truyền thông Trung Quốc.
Trung Quốc cải tạo trái phép đá Huy Gơ ở Trường Sa của
Việt Nam. Ảnh : Bình Minh
Trong chuyên khảo một năm sau đó, tác giả Dieter
Heinzig đặc biệt dựa vào hai ấn phẩm Hong Kong là Nguyệt san thập niên 70 và
Nguyệt san Minh báo, các số lần lượt xuất bản tháng ba và tháng 5/1974.
Điều đáng chú ý là, nguồn tham khảo cơ bản của tất cả
các bài viết có tính đặt nền móng này lại là các bài báo của truyền thông Trung
Quốc, được xuất bản trong bối cảnh các thảo luận về Biển Đông bị chính trị hóa
cao độ. Năm 1933 là năm mà Pháp chính thức sáp nhập các thực thể ở quần đảo Trường
Sa, dẫn tới sự phẫn nộ lan rộng ở Trung Quốc. Năm 1956 là thời điểm doanh nhân
Philippines Tomas Cloma tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa,
cho một quốc gia tự phong của riêng ông, có tên là "Freedomland", dẫn
đến các tuyên bố phản bác của Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa ;
và năm 1974 là thời điểm xảy ra hải chiến Hoàng Sa.
Các bài báo xuất bản trong ba giai đoạn trên không
thể được coi là các nguồn cung cấp bằng chứng thực tế trung lập và không thiên
vị. Thay vào đó, chúng cần được xem như những nguồn tham khảo có tính thiên vị,
ủng hộ các quan điểm vì lợi ích quốc gia cụ thể. Điều này không hàm chỉ là, các
bài báo trên nghiễm nhiên sai, nhưng cần thận trọng xác minh các tuyên bố của họ
với các tài liệu gốc. Đây đã không phải là điều các tác giả đã làm.
Mẫu hình nghiên cứu của Cheng, bộ đôi Chiu - Park và
Heinzig đã được lặp lại trong cuốn sách Tranh chấp Biển Đông của Marwyn
Samuels. Bản thân tác giả Samuels trong lời đề tựa cũng thừa nhận sự thiên vị
Trung Quốc của các nguồn tài liệu mình sử dụng.
Ông nêu rõ, "vấn đề nghiên cứu chính ở đây
không phải là lịch sử hàng hải, chính sách biển hay các lợi ích của Việt Nam
hay Philippines. Thay vào đó, ngay cả khi các tuyên bố chủ quyền và các yêu
sách đối kháng được xem xét một cách chi tiết, mối quan tâm cơ bản ở đây vẫn là
đặc tính hay thay đổi của chính sách biển của Trung Quốc".
Samuels cũng thừa nhận, các nghiên cứu về Châu Á của
ông chủ yếu dựa vào tài liệu lưu trữ của Đài Loan. Tuy nhiên, các hồ sơ cốt yếu
liên quan đến các hành động của Đài Loan ở Biển Đông hồi đầu thế kỷ 20 chỉ được
giải mật vào năm 2008/2009, rất lâu sau khi cuốn sách của ông được xuất bản.
Còn có một sự bùng nổ các bài viết về lịch sử vào cuối
những năm 1990. Chuyên gia tư vấn dầu mỏ Daniel Dzurek, người từng là nhà địa
lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã viết một bài báo cho Khoa nghiên cứu các ranh giới
quốc tế của Đại học Durham năm 1996 và một cuốn sách của chuyên gia phân tích
Australia Greg Austin được xuất bản vào năm 1998.
Trong các phần viết về lịch sử, Austin đã tham khảo
cuốn sách của Samuels, nghiên cứu của Chiu và Park, một tài liệu do Bộ Ngoại
giao Trung Quốc công bố hồi tháng 1/1980 với nhan đề "Chủ quyền không thể
tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa (tên tiếng Trung của Hoàng Sa
và Nam Sa (tên tiếng Trung của Trường Sa)" và một bài viết của Lin Jinzhi
trên Nhân dân Nhật báo. Dzurek cũng làm tương tự.
Một nhân vật khác có đóng góp quan trọng trong dòng
tường thuật lịch sử này là giáo sư luật người Mỹ gốc Hoa Jianming Shen thuộc
Trường Luật, Đại học St. John ở New York.
Năm 1997, ông đã cho xuất bản một bài báo có tính
then chốt trên tạp chí The Hastings International and Comparative Law Review.
Cũng giống như tờ The Texas International Law Journal, tạp chí The Hastings
International and Comparative Law Review là một ấn phẩm do các sinh viên biên tập.
Sẽ không cần thiết phải nhấn mạnh rằng, một ban biên
tập gồm các sinh viên luật có thể không phải là cơ quan tốt nhất thẩm định các
công trình về lịch sử hàng hải của Châu Á. Tiếp sau bài báo này, Chen đã cho xuất
bản bài báo thứ hai ở một chuyên san danh tiếng hơn, tờ Chinese Journal of
International Law, mặc dù nhiều phần của nó đơn giản được tham khảo từ bài viết
đầu tiên.
Hai bài báo của Shen đặc biệt có ảnh hưởng, chẳng hạn
như trong năm 2014, báo cáo của CNA đã đề cập tới chúng ít nhất 170 lần. Tuy
nhiên, điều tra các nguồn tài liệu tham khảo mà hai bài báo này sử dụng cho thấy
chúng cũng đáng ngờ vực như các nghiên cứu trước đó.
Các phần viết về lịch sử mà cung cấp bằng chứng cho
bài báo năm 1997 của Chen dựa chủ yếu vào hai nguồn. Một là cuốn sách do Duanmu
Zheng biên tập, có nhan đề Luật quốc tế được Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh xuất
bản năm 1989 (được tham khảo ít nhất 18 lần). Năm tiếp theo, Duanmu trở thành
quan chức có vị trí cao thứ hai trong ngành luật của Trung Quốc - Phó Chủ tịch
Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc - và sau đó là một trong những người soạn thảo
Luật cơ bản của Hong Kong. Nói một cách khác, ông là một quan chức cấp cao của
chính phủ Trung Quốc.
Một nguồn lịch sử chính khác mà Shen dựa vào là một
bộ sưu tập các bài báo từ hội thảo chuyên đề về Các quần đảo ở Biển Đông, do Viện
Chiến lược phát triển biển thuộc Cơ quan quản lý biển quốc gia Trung Quốc tổ chức
năm 1992 (được tham khảo ít nhất 11 lần). Hài hước hơn, các tài liệu do Cơ quan
quản lý biển quốc gia và cơ quan lập pháp Trung Quốc xuất bản sau đó đã được
thông qua các bài viết của giáo sư Chen và sau đó là báo cáo của Trung tâm phân
tích Hải quân (Mỹ) và hiện là của Lầu Năm góc về lịch sử Biển Đông.
Không một cây bút nào được đề cập đến ở trên là các
chuyên gia về lịch sử Biển Đông. Thay vào đó, họ là các nhà khoa học chính trị
(Cheng và Samuels), các luật sư (Chiu, Park và Shen) hoặc các chuyên gia quan hệ
quốc tế (Heinzig và Austin). Theo thông lệ, các tác phẩm của họ không điều tra
tính toàn vẹn của văn bản họ trích dẫn và họ cũng không thảo luận về các bối cảnh
mà những văn bản này được tạo ra. Đặc biệt, Cheng và Chiu - Park đã gắn các phạm
trù lỗi thời - chẳng hạn như "đất nước" để mô tả các mối quan hệ tiền
hiện đại giữa những thực thể chính trị quanh Biển Đông, cho những khoảng thời
gian khi các mối quan hệ chính trị hoàn toàn khác với những gì tồn tại ngày
nay.
Có một điều cũng đáng chú ý là Cheng, Chiu và Shen
là người Trung Quốc. Cheng và Shen tốt nghiệp cử nhân Luật từ Đại học Bắc Kinh.
Chiu tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia Đài Loan. Trong khi điều này, tất nhiên,
không tự động khiến họ thiên vị, nhưng sẽ là hợp lý để cho rằng họ đã quen thuộc
hơn với các tài liệu và quan điểm của Trung Quốc. Còn Samuels và Heinzig đều là
những học giả của Trung Quốc.
*******************
Phần
3 : Phanh phui chuyến ra Hoàng Sa không tồn tại của Trung Quốc
Chuyến thám hiểm 1902 không hề tồn tại đã được
đưa vào các sách sử. Sự thật này bị nhà địa lý người Pháp François-Xavier
Bonnet phanh phui.
Hầu như không ngạc nhiên rằng, các bài viết bằng tiếng
Anh về tranh chấp, do các tác giả người Trung Quốc viết và dựa vào các nguồn của
Trung Quốc, lại có quan điểm ủng hộ phía Trung Quốc.
Cheng đã đánh giá là "có thể an tâm khi nói rằng,
yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông là mạnh hơn. Chiu
và Park kết luận, "yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa là mạnh hơn yêu sách của Việt Nam".
Còn quan điểm của tác giả Shen đã thể hiện rõ ràng
ngay từ tiêu đề của các bài báo : "Các nguyên tắc luật pháp quốc tế và bằng
chứng lịch sử ủng hộ danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở
Biển Đông" và "Chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển
Đông".
Những nhận định trên ngày nay vẫn còn ảnh hưởng :
như một ví dụ, chúng được trích dẫn trong các bài báo của Li và Tan năm 2014.
Tuy nhiên, một sự kiểm tra kỹ lưỡng hơn những bằng chứng mà các bài báo này dựa
vào hé lộ, chúng không hoàn toàn đáng tin cậy. Các bài báo trên các tạp chí từ
năm 1933, 1956 và 1974 không nên được coi là bằng chứng trung lập, mà nên được
coi là một cách hiểu thiên kiến về một lịch sử gây tranh cãi.
Giữa
thế kỷ 20, Biển Đông cơ bản không có sự quản lý
Phạm vi bài viết này không đủ để đề cập tới mọi
tuyên bố của các tác giả về những sự kiện trước thế kỷ 19. Một cách tóm tắt,
các bài viết của Cheng, Chiu và Park, Samuels và Shen đều chia sẻ nhận định
chung, rằng Trung Quốc luôn là cường quốc thống trị về hàng hải, thương mại và
nghề cá ở Biển Đông.
Chẳng hạn như Cheng đã viết rằng, "Nó [Biển
Đông] là một phần quan trọng của tuyến đường biển từ Châu Âu sang phương Đông kể
từ thế kỷ 16, một thiên đường cho các ngư dân từ đảo Hải Nam và cửa ngõ cho các
doanh nhân Trung Quốc từ phía nam Trung Quốc sang Đông Nam Á kể từ những thời kỳ
xa xưa".
Trung Quốc ngang nhiên công bố ảnh về đường băng mới
xây trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Nhưng các nghiên cứu lịch sử Biển Đông có tính thực
nghiệm nhiều hơn lại gợi ý rằng tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều. Các công
trình của các nhà sử học Leonard Blussé, Derek Heng, Pierre-Yves Manguin,
Roderich Ptak, Angela Schottenhammer, Li Tana, Nicholas Tarling và Geoff Wade
đã cho thấy đã có nhiều quốc gia tham gia vào việc sử dụng biển ở thời kỳ tiền
hiện đại.
Các tàu và thương nhân Trung Quốc gần như không có
vai trò gì trong hoạt động thương mại trên biển cho mãi tới thế kỷ thứ 10 và thậm
chí sau đó, họ cũng chưa có bao giờ có sự thống trị trên biển, mà vùng biển đó
được người Mã Lai, người Ấn Độ, người Arập và người Châu Âu cùng chia nhau sử dụng.
Nghiên cứu của François-Xavier Bonnet, Ulises Granados và Stein Tonnesson đã
cho thấy những điều tương tự vẫn tồn tại trong vùng này cho đến thế kỷ 20 như
thế nào.
Theo các ghi chép từ đầu thế kỷ 20, nhà nước Trung
Quốc đã gặp khó khăn lớn ngay cả trong việc kiểm soát bờ biển của chính họ và
hoàn toàn không có khả năng mở rộng kiểm soát đến các quần đảo cách xa bờ hàng
trăm dặm.
Chẳng hạn như, hai bài báo trên tờ The Times of
London từ tháng 1/1908 mô tả sự bất lực của các nhà chức trách Trung Quốc trong
việc kiểm soát cướp biển ở sông Tây Giang.
Một bài báo đăng tải năm 1909 trên tờ The Examiner của
Australia cho biết, những người ngoại quốc ("2 người Đức, một người Nhật
và nhiều người Mã Lai") đã bắt đầu hoạt động khai mỏ ở đảo Hải Nam mà nhà
chức trách Trung Quốc không hay biết, cho mãi tới rất lâu sau đó.
Điều mà các ghi chép đương đại này cho thấy là, cho
mãi tới giữa thế kỷ 20, Biển Đông về cơ bản vẫn không có sự quản lý, ngoại trừ
các cuộc can thiệp của các cường quốc nước ngoài thỉnh thoảng diễn ra nhằm chống
cướp biển.
Mãi đến năm 1909, tiếp sau bê bối liên quan đến sự
chiếm đóng đảo Đông Sa của doanh nhân phân bón Nhật Nishizawa Yoshiji, nhà chức
trách Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm tới các hòn đảo ngoài khơi.
Về
Hiệp ước phân định biên giới 1887
Tuy nhiên, tác giả Samuels biện luận rằng, một tuyên
bố chủ quyền ngấm ngầm của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa có thể đã có từ
năm 1883, khi theo ghi chép của ông, chính quyền nhà Minh chính thức phản đối một
cuộc thám hiểm quần đảo này do chính quyền Đức bảo trợ. Cơ sở duy nhất cho khẳng
định này là bài viết trên ấn bản số tháng 5/1974 của tờ Nguyệt san Minh báo ở
Hong Kong, mà không có thêm bằng chứng chứng thực khác.
Chiu và Park (trong chú thích số 47) cũng dựa vào một
bài báo xuất bản trong một số phát hành năm 1933 của Nguyệt san Ngoại giao, 50
năm sau khi các sự kiện còn nhiều nghi vấn nói trên đã xảy ra. Heinzig và
Samuels sau đó cũng đều trích dẫn số Nguyệt san Minh báo này khi nói rằng, cuộc
thám hiểm của Đức năm 1883 thực sự phải rút lui tiếp sau sự phản đối của Trung
Quốc.
Tuyên bố trên dường như rất ít khả năng xảy ra, vì
các nhà thám hiểm Đức đã lập bản đồ quần đảo Hoàng Sa (chứ không phải quần đảo
Trường Sa) trong khoảng giữa năm 1881 - 1883, hoàn thành công việc của họ và
sau đó cho đăng tải một hải đồ. Ấn bản của Pháp được xuất bản năm 1885.
Samuels viết, Hiệp ước phân định biên giới Trung Quốc
- Bắc Kỳ thời Pháp thuộc 1887 do chính phủ Pháp, trên danh nghĩa là đại diện miền
bắc Việt Nam, thương lượng, có giá trị như một bản thỏa thuận quốc tế phân chia
các đảo cho Trung Quốc. Điều 3 của Hiệp ước thực tế có phân chia các đảo ở phía
đông kinh tuyến Paris 105°43’ cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, Samuels và các tác giả khác đã không lưu
ý rằng, Hiệp ước chỉ áp dụng cho Bắc Kỳ - miền bắc Việt Nam hiện nay và do đó
chỉ có thể liên quan đến các đảo ở vịnh Bắc Bộ.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm xa hơn nhiều về
phía nam, ở nơi khi đó thuộc địa hạt của An Nam (miền trung Việt Nam dưới sự
cai trị của triều đình Huế) và Nam Kỳ, không được đề cập tới trong Hiệp ước.
Bí ẩn
cuộc hành trình năm 1902
Dường như cũng có một số nhầm lẫn về thời điểm diễn
ra cuộc viếng thăm đầu tiên của các quan chức Trung Quốc tới quần đảo Hoàng
Sa.
Dựa vào bài viết trên Nguyệt san Minh báo năm 1974,
Samuels cho thời điểm đó là vào năm 1902, với chuyến đi trở lại vào năm 1908.
Austin và Dzurek cũng tiếp thu ý kiến của Samuels ở điểm này. Li và Tan (năm
2014) cũng quả quyết tuyên bố chủ quyền năm 1902, cùng với một chuyến đi thám
hiểm riêng rẽ vào năm 1907.
Cheng lại xác định thời điểm là năm 1907, dựa vào những
nguồn tham khảo năm 1933 như Chiu và Park đã đề cập tới, là một ấn bản của Tuần
báo quốc văn năm 1933. Tuy nhiên, đối lập với các ghi chép này, mà được viết 26
- 72 năm sau khi xảy ra các sự kiện chúng miêu tả, một khảo sát báo chí đương
thời cho thấy rõ ràng là, chuyến thám hiểm đầu tiên của các quan chức Trung Quốc
tới Hoàng Sa là vào năm 1909.
Có lí do thích hợp cho sự nhầm lẫn về cuộc thám hiểm
năm 1902. Vào tháng 6/1937, lãnh đạo khu vực hành chính số 9 của Trung Quốc,
Hoàng Cường, được cử tham gia sứ mệnh bí mật tới Hoàng Sa, một phần để kiểm tra
xem liệu trên quần đảo này có hoạt động của người Nhật hay không.
Tuy nhiên, Hoàng còn có một vai trò nữa, được làm rõ
trong một phụ lục bí mật của báo cáo của ông.
Một đoạn trích của phụ lục này được Ủy ban Các địa
danh của tỉnh Quảng Đông công bố bằng tiếng Trung vào năm 1987. Thuyền của ông
chở theo 30 cột mốc đá, một số đề năm 1902, số khác đề năm 1912 và số còn lại đề
năm 1921.
Trên đảo Bắc, ông cho chôn 2 cột mốc đề năm 1902 và
4 cột mốc đề năm 1912 ; trên đảo Linh Châu, đoàn của ông Hoàng đã chôn 1 cột mốc
đề năm 1902, một cột mốc đề năm 1912 và một năm 1921. Trên đảo Phú Lâm, họ đã
chôn 2 cột mốc đề năm 1921. Cuối cùng, trên đảo Đá, họ chôn một cột mốc đề năm
1912.
Các cột mốc đã bị lãng quên cho mãi tới năm 1974,
khi sau cuộc chiến Hoàng Sa, chúng được tìm thấy và "khám phá" này được
loan báo trên các tờ báo Hong Kong, chẳng hạn như Nguyệt san Minh báo.
Chuyến thám hiểm 1902 không hề tồn tại này sau đó đã
được đưa vào các sách sử. Mãi tới hiện tại, sự thật này mới được nhà địa lý người
Pháp François-Xavier Bonnet phanh phui.
****************
Phần
cuối : Trung Quốc dịch nhầm, sao chép bản đồ ở Biển Đông
Giả thuyết của tôi là, các quan chức Trung Quốc đã lầm
lẫn sự phản đối có thực năm 1932 đối với Pháp về hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa,
với sự phản đối không tồn tại năm 1933 về quần đảo Trường Sa.
Trong bài báo năm 1997, Shen tuyên bố chính quyền
Đài Loan "đã xem xét lại tên các đảo ở Biển Đông" vào năm 1932.
Trong thực tế, ủy ban chuyên trách của Đài Loan đơn
giản chỉ dịch hoặc chuyển tự các tên bằng tiếng Anh hoặc tên quốc tế của các
hòn đảo.
Do đó, nhiều cái tên tiếng Trung tiếp tục vinh danh
các nhà khảo sát Anh đã có công lập bản đồ những thực thể này.
Ở Hoàng Sa, đảo Linh Dương (tên tiếng Anh là
Antelope Reef,Việt Nam gọi là đá Hải Sâm) được đặt theo tên tàu khảo sát Anh -
the Antelope. Đảo Kim Ngân (Money Island, Việt Nam gọi là đảo Quang Ảnh) không
nhằm để chỉ tiền bạc, mà được đặt theo tên của William Taylor Money, người quản
lý thương thuyền Bombay của công ty Đông Ấn đã nhìn thấy đảo vào năm 1800.
Lầm
lẫn sự phản đối của Pháp
Một lập luận được coi là then chốt cho yêu sách chủ
quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa là sự quả quyết lặp đi lặp lại
rằng, Đài Loan đã có sự phản đối chính thức đối với chính phủ Pháp tiếp sau sự
thôn tính của Pháp đối với nhiều thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa vào ngày
26/3/1933.
Sự thật chắc chắn là, việc thôn tính đã khơi dậy sự
khiếp đảm trong chính quyền và sự phẫn nộ theo chủ nghĩa dân tộc của dân chúng.
Tuy nhiên, liệu Đài Loan từng đưa ra sự phản đối chính thức?
Tao Cheng, trong bài báo năm 1975, đã nhắc tới một
bài báo trên Nguyệt san Tân Á năm 1935, 2 năm sau sự kiện trên. Chiu và Park
trong một chú thích cũng nêu, "có bằng chứng rằng Trung Quốc cũng phản đối".
Tháng 3/2015, báo Inquirer, Philippines đăng ảnh
Trung Quốc cải tạo bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam
Họ đã tham khảo một bài viết của Cho Min ở Nguyệt
san Ngoại giao và cuốn sách "Sơ lược về địa lý các đảo phía nam" của
Cheng Tzu-yüeh năm 1948.
Tuy nhiên, họ cũng công nhận, "Ngày Trung Quốc
đưa công hàm phản đối đã không được nêu trong cuốn sách của Cheng, và cũng
không được đề cập đến trong "Bản ghi nhớ về 4 quần đảo lớn của Trung Hoa
dân quốc (Đài Loan) ở Biển Đông", do Bộ Ngoại giao của Đài Loan phát hành
tháng 2/1974.
Chi tiết này lại được nêu ra trong bài thuyết trình
của đại sứ Freeman và báo cáo của Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) trích dẫn
nghiên cứu của Shen.
Trong bài báo năm 1997, Shen đã trích dẫn 2 nguồn:
Cheng và Chiu - Park, nhưng như chúng ta đã thấy ở trên, họ đã không cung cấp bất
kỳ nguồn tham khảo nào cho khẳng định của mình.
Trong bài viết của mình năm 2002, Shen đã đề cập tới
các bài viết trong hội nghị chuyên đề của Cơ quan quản lý biển quốc gia Trung
Quốc. Những công trình này không phổ biến ngoài Trung Quốc, nhưng vẫn có bằng
chứng đáng tin cậy rằng, tất cả chúng đơn giản đã sai.
François-Xavier Bonnet đã phát hiện các ghi chép của
người Mỹ cho thấy, ngay sau tuyên bố của Pháp (đối với các thực thể ở quần đảo
Trường Sa), chính quyền Trung Quốc phải yêu cầu lãnh sự của mình ở Manila, ông
Kuan-ling Kwong hỏi xin chính quyền thuộc địa Mỹ ở đó một bản đồ về vị trí của
chúng.
Chỉ khi đó, chính quyền Trung Quốc ở Nam Kinh mới có
thể hiểu rằng, những hòn đảo này không nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quyết định
không phát ra bất kỳ tuyên bố phản đối chính thức nào.
Theo Bonnet, lí do này rõ thấy ngay từ những phút đầu
cuộc gặp của hội đồng quân sự của Trung Hoa dân quốc vào ngày 1/9/1933, "Tất
cả các chuyên gia địa lý đều nói, đảo Tri Tôn [trong quần đảo Hoàng Sa] là đảo
cực nam của lãnh thổ của chúng ta".
Đài Loan đã quyết định rằng, họ không có yêu sách chủ
quyền ở quần đảo Trường Sa vào thời điểm đó và do vậy, không có gì phải phản đối.
Nghiên cứu của Chris Chung, một nghiên cứu sinh tiến
sĩ người Canada, phát hiện, rằng các tài liệu của Đài Loan vào năm 1946 đều đề
cập tới sự phản đối chính thức của Trung Quốc vào năm 1933 như thể nó có thực.
Điều này sau đó đã trở thành lý lẽ biện minh của Trung Quốc để "đòi lại"
các quần đảo từ Nhật sau Thế chiến thứ hai.
Tóm lại, điều dường như đã xảy ra là, hơn 13 năm sau
khi Pháp sáp nhập các thực thể ở quần đảo Trường Sa, một cách hiểu khác về những
gì đã xảy ra vào năm 1933 đã cắm rễ trong các tầng lớp lãnh đạo của Trung Hoa
dân quốc.
Giả thuyết của tôi là, các quan chức Trung Quốc đã lầm
lẫn sự phản đối có thực năm 1932 đối với Pháp về hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa,
với sự phản đối không tồn tại năm 1933 về quần đảo Trường Sa.
Ba
cuộc khảo sát quy mô lớn không ở Hoàng Sa
Trong bài báo năm 2002 của mình, Shen khẳng định,
Trung Hoa dân quốc "đã tổ chức 3 đợt khảo sát quy mô lớn và các hoạt động
đặt tên (cho các đảo) lần lượt vào năm 1932, 1935 và 1947", nhưng không có
hoạt động khảo sát nào được tiến hành ở quần đảo Trường Sa mà chỉ là sao chép lại
các bản đồ quốc tế.
Đây dường như là lí do tại sao Trung Hoa dân quốc dịch
nhầm tên của bãi đá ngầm James, ban đầu gọi nó là bãi Tăng Mẫu (Zengmu Tan).
Tăng Mẫu (Zengmu) đơn giản là sự chuyển nghĩa của từ
James. Bãi (Tan) hàm chỉ bãi cát ở biển, trong khi thực tế bãi đá ngầm này ở dưới
nước.
Bởi một lỗi dịch thuật đơn giản này, một phần đáy biển
đã trở thành một hòn đảo và đến ngày nay được xem là cực nam lãnh thổ của Trung
Quốc, mặc dù nó không hề tồn tại.
Tên này được Trung Hoa Dân quốc cải biến năm 1974
(khi đó, bãi Tăng Mẫu trở thành rạn san hô Tăng Mẫu) và được Cộng hoà nhân dân
Trung Hoa sử dụng lại là bãi Tăng Mẫu vào năm 1983.
Tiếp sau Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Shen (năm 2002)
và Xi và Tan (năm 2014) cũng cùng tranh luận rằng theo Tuyên bố Cairo năm 1943,
khối đồng minh đã trao các quần đảo ở Biển Đông cho Trung Quốc.
Báo cáo của CNA đã thảo luận về khẳng định này và dứt
khoát bác bỏ nó với căn cứ rằng "Tuyên bố Cairo, như được tái khẳng định
trong Tuyên cáo Potsdam, chỉ nêu rằng, Trung Quốc sẽ giành lại Mãn Châu,
Formosa [Đài Loan] và Pescadores (quần đảo Bành Hồ) sau chiến tranh.
Câu tiếp theo đơn giản cho biết, Nhật sẽ bị trục xuất
khỏi các lãnh thổ khác mà nước này thâu tóm bằng bạo lực, nhưng không đề cập rằng
'những lãnh thổ khác' này sẽ được trao trả cho Trung Quốc.
Mặc dù không được tuyên bố cụ thể, nhưng kết luận
logic duy nhất là, những 'lãnh thổ khác' này bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa, vốn bị Nhật cưỡng chiếm bằng vũ lực từ tay Pháp, chứ không phải
từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Freeman (năm 2015) lập luận rằng, vì nhà
chức trách Nhật đã sáp nhập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Đài
Loan của họ, nên tuyên bố Cairo trao trả lại chúng, cùng với phần còn lại của
"tỉnh Đài Loan" cho Trung Quốc.
Nhưng, thực tế, tuyên bố không đề cập tới từ
"Đài Loan". Nó chỉ nêu về Formosa và quần đảo Pescadores. Kết luận
logic là, chỉ có các đảo cụ thể này đã được các đồng minh nhất trí rằng sẽ được
trả về Trung Quốc.
Sự đầu
hàng của Nhật ở Hoàng Sa
Báo cáo của Trung tâm Phân tích hải quân Mỹ và bài
thuyết trình của Đại sứ Freeman đều khẳng định rằng, các lực lượng của Trung Quốc
là những người đã tiếp nhận sự đầu hàng của các đơn vị đồn trú Nhật tại quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa vào cuối Thế chiến 2.
Freeman lập luận rằng, hải quân Mỹ đã thực sự chuyên
chở các lực lượng Trung Quốc tới các quần đảo vì mục đích này. Khi tôi liên lạc
với tác giả, ông không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng chứng thực nào cho sự khẳng
định này.
Dựa vào chứng cứ từ hồ sơ lưu trữ quân sự của Mỹ và
Australia, sự kiện này dường như ít khả năng có thực. Trong chiến tranh, Nhật
đã có các căn cứ quân sự ở trên các đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường
Sa.
Đảo Phú Lâm bị tàu ngầm USS Pargo nã pháo vào ngày
6/2/1945 và vào ngày 8/3/1945, một máy bay Mỹ đã ném bom cả đảo này và đảo
Hoàng Sa.
Khi một tàu ngầm khác, USS Cabrilla, viếng thăm đảo
Phú Lâm vào ngày 2/7, cờ tam tài của Pháp đang tung bay, nhưng lần này có thêm
một lá cờ trắng phía trên nó.
Đảo Ba Bình bị các máy bay Mỹ ném bom napal vào ngày
1/5/1945. Sáu tháng sau, Hải quân Mỹ đã cử một phái đoàn tái thiết tới đảo Ba
Bình. Họ đổ bộ vào ngày 20/11/1945 và phát hiện, hòn đảo này không bị chiếm
đóng, do quân Nhật đã tháo chạy.
Mãi tới hơn một năm sau, tháng 12/1946, một biệt đội
đổ bộ của Trung Quốc, sử dụng các tàu chiến cũ của Mỹ vừa được chuyển giao cho
Trung Hoa dân quốc, mới có thể tiếp cận đảo. (Pháp đã tới đó 2 tháng trước và
giành lại đảo, nhưng điều này hiếm khi được đề cập tới trong các nguồn của
Trung Quốc).
Cái tên Trung Quốc cho đảo Ba Bình là đảo Thái Bình,
đặt theo tên của tàu chiến đã đưa đội đổ bộ của Trung Quốc. Thái Bình có tên
trước đó là USS Decker.
Điều hài hước là, nếu Mỹ không cung cấp các tàu chiến
đó, Trung Quốc sẽ không có tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa như ngày
nay.
Phiên
bản mới lịch sử sai lầm
Xem xét các bằng chứng có thể xác thực được đã hé lộ
một lịch sử khác về các quần đảo ở Biển Đông, thay vì những điều được tìm thấy
trong hầu hết các tài liệu tham khảo phổ biến hiện nay.
Mối quan tâm của Trung Quốc đối với chúng chỉ bắt đầu
từ thế kỷ 20. Không có bằng chứng về việc bất kỳ quan chức chính phủ nào của
Trung Quốc từng ghé thăm quần đảo Hoàng Sa trước ngày 6/6/1909.
Chỉ mãi tới năm 1933, sự chú ý của quốc gia này mới
hướng tới quần đảo Trường Sa và vào thời điểm đó, Trung Quốc quyết định không
thúc ép tuyên bố chủ quyền đối với chúng.
Sự chú ý được khôi phục ngay sau Thế chiến thứ hai,
dựa vào các hiểu lầm về những gì đã xảy ra vào năm 1933 và lần đầu tiên, một
quan chức Trung Quốc đã đặt chân tới quần đảo Trường Sa vào ngày 12/12/1946.
Vào những năm 1933, 1956, 1974 và lại một lần nữa,
trong hiện tại, lịch sử của các quần đảo đã liên tục được viết và viết lại.
Trong mỗi cuộc khủng hoảng đó, những người ủng hộ lập
trường của Trung Quốc lại tạo ra một phiên bản mới của lịch sử mà thường tái chế
lại những sai lầm trước đó và đôi khi còn bổ sung thêm những sai lầm của chính
họ.
Và vào thời điểm giữa những năm 1970 khi những tài
liệu này vượt qua được rào chắn ngôn ngữ để tới thế giới nói tiếng Anh, những nền
tảng không vững chãi của chúng lại trở thành những căn cứ vững chắc cho những
ai mới bắt đầu khám phá lịch sử.
Chúng được in trong những tạp chí học thuật của
phương Tây và trở thành “sự thật.” Nhưng một sự xem xét nguồn tham khảo đã tiết
lộ những điểm yếu cố hữu của chúng.
Đã không còn thích hợp cho những người ủng hộ tuyên
bố chủ quyền của Trung Quốc dựa vào những bằng chứng vô căn cứ như vậy cho lập
luận của họ.
Đã đến lúc cần có một nỗ lực phối hợp nhằm xem lại
các nguồn then chốt cho nhiều khẳng định được các cây bút trên đưa ra và đánh
giá lại độ chính xác của chúng.
Giải pháp cho các tranh chấp phụ thuộc vào việc này,
cả ở trong các phòng xử án của The Hague và trong các vùng nước ở Biển Đông.
Bill
Hayton
Thanh
Bình dịch ("Dự án Đại sự ký Biển Đông")
Theo
TuanVietnam, 01, 02, 03& 04/06/2015
No comments:
Post a Comment